Sau khởi kiện Amazon, lợi nhuận năm 2023 của Xuất nhập khẩu Bình Thạnh dự kiến giảm 77%

Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh dự kiến lợi nhuận năm 2023 sẽ giảm 77% so với năm trước, kỳ vọng động lực tăng trưởng mới đến từ mảng khu công nghiệp.

Mục tiêu lợi nhuận 2023 giảm 77%, kỳ vọng động lực từ mảng khu công nghiệp

Hoạt động dệt may của Xuất nhập khẩu Bình Thạnh
Xuất nhập khẩu Bình Thạnh cho biết, trong năm nay, sẽ tái cơ cấu để tối ưu hoá các chuyền may hiện có tại các nhà máy trong hệ thống cũng như đa dạng hoá các layout chuyền để chuyển đổi nhanh khi cần.

Trong năm nay, Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh - Gilimex (mã chứng khoán: GIL - sàn: HoSE) dự kiến đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 103,5 tỷ đồng. Nếu so với mức thực hiện trong năm 2022, lợi nhuận của công ty có thể giảm tới hơn 77%. Về vấn đề cổ tức, công ty dự kiến chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% và dự kiến cổ tức năm 2023 từ 5% đến 10%.

Về định hướng phát triển kinh doanh, Xuất nhập khẩu Bình Thạnh dự báo năm 2023 sẽ có khách hàng lớn tiềm năng trên thế giới thay thế, bổ sung đơn hàng cho các khách hàng hiện hữu và phát triển đầy công suất cho công ty. Bên cạnh đó, công ty cho biết đã chủ động có kế hoạch ứng phó với tình hình hiện tại đồng thời xây dựng kế hoạch đáp ứng nhanh nhất trong tình hình mới khi kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục.

Đối với hoạt động may, Xuất nhập khẩu Bình Thạnh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm gia dụng chính; tái cơ cấu để tối ưu hoá các chuyền may hiện có tại các nhà máy trong hệ thống; đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng mới; đa dạng hoá các layout chuyền, nhà máy sản xuất để đáp ứng chuyển đổi nhanh khi cần; tập trung và quy hoạch chuyên môn hoá các mặt hàng, khách hàng cho từng nhà máy trực thuộc nhằm tối ưu hoá sản xuất, hiệu quả chi phí.

Đáng chú ý, Xuất nhập khẩu Bình Thạnh cho biết sẽ tìm kiếm các cơ hội M&A trong ngành để phát triển công suất, đầu tư chủ động nguồn nguyên phụ liệu trong thời gian nhanh nhất với giá trị đầu tư hợp lý.

Xuất nhập khẩu Bình Thạnh chủ yếu may gia công theo hình thức FOB loại 2 (tự tìm kiếm đầu vào nguyên liệu) và nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu đầu vào từ Trung Quốc. Việc công ty đầu tư chủ động nguyên phụ liệu sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro nguồn cung cũng như nâng cao hiệu quả quản trị tồn kho vật tư đầu vào.

Đối với hoạt động phát triển khu công nghiệp, Xuất nhập khẩu Bình Thạnh cho biết trong năm nay sẽ phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex Phú Bài 4 tại Huế với diện tích khoảng 460 ha, Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long (tên cũ là KCN Bình Tân) với diện tích 400 ha. Công ty sẽ phát triển các dịch vụ như nhà xưởng cho thuê, kho cho thuê, dịch vụ logistics để phục vụ cho các khu công nghiệp.

Xuất nhập khẩu Bình Thạnh sẽ trình thông qua kế hoạch kinh doanh trên tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, dự kiến tổ chức vào ngày 28/4 tới đây tại TP.Hồ Chí Minh.

Được biết, dự án Khu công nghiệp Gilimex Phú Bài 4 của Xuất nhập khẩu Bình Thạnh, tính đến cuối năm ngoái, đã đền bù và bàn giao mặt bằng đạt 88,5% và dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng hạ tầng vào đầu quý 2/2023. Dự án Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long dự kiến sẽ thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ quý 3/2023.

Theo đánh giá của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Chứng khoán VCBS), tổng doanh thu của Khu công nghiệp Gilimex Phú Bài 4 sẽ rơi vào 4.200 – 5.900 tỷ đồng với biên lợi nhuận dao động từ 20 - 30%. Trong đó Xuất nhập khẩu Bình Thạnh sẽ được hưởng 68% lợi nhuận tương ứng việc nắm giữ 68% cổ phần tại Công ty Cổ phần KCN Gilimex (đã tính cả sở hữu chéo).

Khu công nghiệp Gilimex Phú Bài 4 chủ yếu dành cho các nhóm ngành công nghệ cao thuê, tập trung xây dựng nhà máy tự động hoá và không thuộc ngành thâm hụt lao động. Theo Chứng khoán VCBS, hiện nay đã có một số nhà đầu tư quan tâm và đặt cọc trước với Xuất nhập khẩu Bình Thạnh.

Khởi kiện Amazon do đột ngột thu hẹp đơn hàng

Giá cổ phiếu GIL của Xuất nhập khẩu Bình Thạnh
Diễn biến giá cổ phiếu GIL của Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh - Gilimex từ đầu năm 2022 đến nay. (Nguồn: FireAnt)

Trong một diễn biến có liên quan, cuối năm ngoái, Xuất nhập khẩu Bình Thạnh đã thực hiện các thủ tục pháp lý để khởi kiện Amazon Robotics LLC (“Amazon”), khách hàng của công ty từ năm 2014, do vi phạm cam kết mà hai bên đã thoả thuận và yêu cầu phía Amazon phải bồi thường 280 triệu USD.

Xuất nhập khẩu Bình Thạnh cho biết Amazon đã yêu cầu công ty đẩy mạnh hoạt động sản xuất bộ phận FPA dùng trong các robot của Amazon. Vì có cam kết từ Amazon, công ty đã mở rộng đáng kể công suất nhà máy, dành tất cả dây chuyền chế tạo để đáp ứng yêu cầu của Amazon, đồng thời cắt đứt quan hệ với các khách hàng khác như IKEA (Hoa Kỳ) và Columbia Sportswear (Hoa Kỳ) theo đề nghị của Amazon. 

Đồng thời, Amazon đã cam kết là đối tác chiến lược và sẽ thông báo đầy đủ trước cho Xuất nhập khẩu Bình Thạnh nếu chấm dứt quan hệ hợp tác. Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2022, Amazon đã “ngay lập tức thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến” trong thời gian còn lại của năm 2022 và 2023 xuống một phần nhỏ so với các dự báo trước đó.

Xuất nhập khẩu Bình Thạnh tố cáo Amazon đã không công bằng, vi phạm hợp đồng và vi phạm nghĩa vụ uỷ thác khiến công ty phải chịu gánh nặng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.

Trước khi xảy ra sự việc, Amazon là đối tác lớn nhất của Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (chiếm 85% tổng doanh thu), 15% doanh thu còn lại chủ yếu đến từ 2 khách hàng lớn là IKEA (châu Âu, chiếm khoảng 12%) và Ballard (Hoa Kỳ, chiếm hơn 2%).

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/4, giá cổ phiếu GIL của Xuất nhập khẩu Bình Thạnh giảm 5,68%, đạt 21.600 đồng/cổ phiếu; khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên gần nhất đạt hơn 605.000 cổ phiếu.

Duy Quang