Quy hoạch điện VIII: Thiết lập khái niệm mới cho ngành năng lượng Việt Nam

Trao đổi với Tạp chí Công Thương, PGS.TS.Trần Văn Bình - Giảng viên Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, với những mục tiêu tham vọng, Quy hoạch điện VIII sẽ mở ra không gian phát triển rộng hơn, thiết lập một khái niệm mới cho ngành năng lượng Việt Nam, nhưng đi cùng với đó cũng là nhiều thách thức cần “hóa giải” trong quá trình triển khai.
PGS. TS. Trần Văn Bình - Giảng viên Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội nói về Quy hoạch điện VIII
PGS. TS. Trần Văn Bình - Giảng viên Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội

Mở rộng không gian phát triển

PV: Là một chuyên gia đã có hơn 30 năm nghiên cứu, gắn bó với lĩnh vực năng lượng và đã tiếp xúc với Dự thảo Quy hoạch Điện VIII từ những ngày đầu, ông có đánh giá như thế nào về nội dung của bản Quy hoạch chính thức?

PGS.TS.Trần Văn Bình: Theo tôi đánh giá, so với bản dự thảo đầu tiên tôi từng đọc và phản biện, thì có thể nói rằng bản Quy hoạch điện VIII chính thức được phê duyệt lần này có rất nhiều thay đổi.

Trong Quy hoạch, năng lượng hóa thạch đã thu hẹp lại, không phát triển thêm nhà máy điện than, theo đúng cam kết của Việt Nam tại COP26; đồng thời phát triển rất mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị về thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP) được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.

Với định hướng này, Quy hoạch điện VIII sẽ mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam, và đó là một không gian rất hấp dẫn.

Bởi phát triển năng lượng giờ đây không chỉ còn là phát triển nguồn, mà còn là phát triển thiết bị, công nghệ sản xuất năng lượng cũng như lưu trữ năng lượng, và chúng ta phải tự chủ về câu chuyện thiết bị này, tăng tỷ lệ nội địa hóa của các dự án điện. Hình thành và thu hút đầu tư vào hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới sẽ là nội dung quan trọng của ngành năng lượng trong thời gian tới.

Hay một không gian khác cũng được mở ra, đó là đối với điện mặt trời mái nhà. Trước đây, Nhà nước tập trung đầu tư vào các dự án nguồn điện, lưới điện để cung cấp điện đến các hộ tiêu dùng. Còn với Quy hoạch điện VIII, Nhà nước khuyến khích các hộ tiêu dùng tự sản xuất và tự tiêu thụ điện: Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.

Việt Nam có 26 triệu hộ gia đình, chúng ta đặt mục tiêu 50% các hộ có sử dụng điện mặt trời mái nhà nối lưới, vậy ví dụ ngành Điện có thể cung cấp cho 13 triệu hộ gia đình, thì một thị trường lớn là 13 triệu hộ gia đình còn lại ngành Điện sẽ chuyển từ dịch vụ bán điện sang tư vấn đầu tư, lắp đặt thiết bị. Các doanh nghiệp chế tạo thiết bị điện cần cân nhắc về chiến lược đầu tư sản xuất kinh doanh, nhanh chóng đón đầu xu hướng của thị trường hấp dẫn này. 

Vấn đề chất lượng của thiết bị sẽ quyết định “thành bại” đối với toàn bộ chiến lược phát triển điện mặt trời, vậy nên đầu tư vào lĩnh vực này chính là sự đầu tư có tầm nhìn.

Có thể nói, Quy hoạch điện VIII sẽ thiết lập một khái niệm mới, mở rộng hơn cho ngành năng lượng của Việt Nam.

“Hóa giải” thách thức trong quá trình triển khai

PV: Những không gian phát triển này rất rộng và cũng nhiều khái niệm mới đối với ngành năng lượng của chúng ta. Để khai thác được hết không gian ấy, theo ông quá trình triển khai Quy hoạch điện VIII sẽ cần lưu ý những vấn đề gì? 

PGS.TS.Trần Văn Bình: Đúng vậy. Với những mục tiêu tham vọng như thế, sẽ có nhiều thách thức đặt ra cho quá trình triển khai Quy hoạch điện VIII trong thực tế. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 ước tính tương đương 134,7 tỷ USD; định hướng giai đoạn 2031-2050 ước tính tương đương 399,2-523,1 tỷ USD. Để huy động được lượng vốn này không hề dễ dàng.

Trong khi đó, hiện nay an ninh năng lượng đang là một thách thức lớn đối với quốc gia. Việt Nam từ một nước xuất khẩu năng lượng đang chuyển sang nhập khẩu, và nguy cơ thiếu điện là hiện hữu, có thể ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội. Việc triển khai Quy hoạch là đặc biệt quan trọng để đảm bảo thực hiện được đúng 2 mục tiêu mà Quy hoạch đặt ra: (i) Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; (ii) Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới; (iii) Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Quá trình thực hiện Quy hoạch điện VIII sẽ cần phải lưu ý một số vấn đề để Quy hoạch thực sự đạt được hiệu quả:

Thứ nhất, phải đảm bảo tuân thủ đúng Quy hoạch, triển khai đồng bộ về nguồn điện và lưới điện, tránh phá vỡ Quy hoạch trong quá trình thực hiện.

Mặt khác, công nghệ sản xuất của một số ngành còn lạc hậu, năng suất thấp, tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị sản phẩm còn cao. Do đó, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam chúng ta hiện nay còn rất lớn, cần nhấn mạnh đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ hai, để đạt được mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo như Quy hoạch điện VIII đề ra, cần quan tâm đến vấn đề công nghệ, đặc biệt là công nghệ lưu trữ điện năng. Bởi năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sạch, nhưng có thể gây bất ổn định cho hệ thống, khi mà nguồn năng lượng tái tạo chiếm đến 60-70% thì sẽ là thách thức đối với việc đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định nếu không đầu tư vào dự phòng, lưu trữ.

Việt Nam hiện nay đã có các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô điện, trong đó có sản xuất pin cho xe điện. Có thể kết nối các nhà máy này để mở rộng sản xuất pin lưu trữ cho các dự án điện gió, điện mặt trời và cho chính các hộ tiêu dùng.

Thứ ba, cần tận dụng các nguồn lực để huy động được vốn đầu tư cho Quy hoạch điện VIII.

Đơn cử, đối với điện mặt trời mái nhà, các hộ gia đình ở Duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ nếu đầu tư chắc chắn sẽ có hiệu quả, vậy nếu khuyến khích 13 triệu hộ đó, mỗi hộ đầu tư tối thiểu 5kW, vậy chúng ta đã có 65GW công suất. Như vậy, đã giảm bớt áp lực huy động tài chính cho Nhà nước. Nhưng để khuyến khích đầu tư như vậy thì Nhà nước cũng cần tính đến vấn đề trợ giá cho các hộ gia đình và kiểm soát chặt câu chuyện chất lượng, thiết kế các module chuẩn để thí điểm, từ đó nhân rộng trên toàn quốc.

Mặt khác, rõ ràng tiềm năng năng lượng tái tạo của đất nước ta từ Bắc đến Nam là khác nhau, vậy nên mức trợ giá của Nhà nước cần phân biệt theo các vùng khí hậu: những vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ - nơi có cường độ mặt trời lớn thì được trợ giá phù hợp, còn những vùng như Đông Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ có cường độ mặt trời nhỏ hơn cần được trợ giá cao hơn. Khi đó, sẽ đảm bảo khuyến khích các hộ gia đình trên toàn quốc phát triển điện mặt trời.

Liên quan đến câu chuyện giá điện, trên lộ trình tăng giá điện phù hợp theo xu thế tăng chung của chi phí, phải tuyên truyền cho người dân hiểu được rằng để sản xuất ra 1 kWh thì chúng ta phải trải qua những công đoạn như thế nào; việc tăng giá điện là để đảm bảo đủ chi phí cho sản xuất kinh doanh điện và cũng là góp phần bảo đảm cung ứng điện đầy đủ cho người dân, doanh nghiệp ra sao; nếu không tiết kiệm điện thì sẽ hao phí nguồn tài nguyên của đất nước như thế nào;… Cách định giá bán điện có thể cân nhắc cải tiến theo hướng giá bán hai thành phần, 1 là phần trả theo công suất kết nối vào lưới, và 2 là trả theo điện năng sử dụng. Khi đó, với một mức công suất như nhau, lượng điện năng sử dụng càng nhiều giá càng rẻ, lúc đó sẽ hóa giải những thắc mắc hiện nay của người tiêu dùng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Xem toàn văn Quy hoạch điện VIII tại đây.

Thy Thảo (thực hiện)