Quốc tế nổi bật: Thế kẹt của EU

Cả hai cuộc chiến đều đang xảy ra ngay trước "cửa ngõ" châu Âu, giáng đòn nặng nề vào kinh tế và xã hội, làm lung lay nghiêm trọng an ninh, trật tự châu Âu.

Thế kẹt của EU giữa hai cuộc chiến

linh minh châu âu

Theo nhận định của Jade Wong, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Gordon&Leon (Mỹ) mới đây, EU hiện đang bị mắc kẹt giữa hai cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông. Cả hai đều đang xảy ra ngay trước "cửa ngõ" châu Âu, đều đang giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế và xã hội châu Âu. Cả hai cuộc chiến cũng đều đang làm lung lay nghiêm trọng an ninh, trật tự châu Âu.

Tướng Nga cảnh báo về cuộc chiến toàn diện ở châu Âu

tuong nga canh bao xug dot
Tướng Nga cảnh báo xung đột Ukraine có thể leo thang thành cuộc chiến toàn diện ở châu Âu. Ảnh: Reuters

Tướng Vladimir Zarudnitsky, người đứng đầu Học viện Quân sự Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga cảnh báo cuộc xung đột ở Ukraine có thể leo thang thành một cuộc chiến toàn diện ở châu Âu. Bình luận trên được ông Vladimir Zarudnitsky đưa ra trong bài viết đăng trên ấn phẩm "Tư tưởng Quân sự" của Bộ Quốc phòng Nga.

Tướng Vladimir Zarudnitsky nói: "Khả năng xung đột ở Ukraine leo thang, từ việc mở rộng số người tham gia lực lượng ủy nhiệm - được sử dụng để đối đầu quân sự với Nga tới một cuộc chiến quy mô lớn châu Âu, không thể loại trừ. 

Ứng cử viên Haley rời đường đua chức Tổng thống Mỹ

 Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley 
 Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley 

Chiến dịch tranh cử Tổng thống của cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley chính thức dừng lại sau khi không giành kết quả như mong đợi trong ngày “Siêu thứ Ba”. Trước khi từ bỏ cuộc đua, bà Haley trở thành nữ chính khách đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ giành chiến thắng một cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa.

Quyết định dừng tranh cử của bà Haley đã mở đường cho ông Trump trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa và tái đấu với Tổng thống Joe Biden vào tháng 11 tới. 

Thụy Điển có thể trở thành trung tâm hậu cần của NATO

thụy điển
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) với Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái) và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde trong lễ ký đơn xin gia nhập. Ảnh: AFP

 

Tờ Financial Times nhận định tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể đưa Thụy Điển thành trung tâm hậu cần và tuyến đường tăng viện của liên minh này.

Thụy Điển, mang theo hòn đảo chiến lược Gotland gia nhập NATO, sẽ mở ra các tuyến đường tiếp tế và tăng viện mới cho khối này. Các thành viên NATO có thể sử dụng các tuyến đường này như một trung tâm vận tải, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phòng thủ của Estonia, Latvia và Litva - những quốc gia trước đây dựa vào Hành lang Suwalki, dải đất hẹp ngăn cách các nước Baltic với Ba Lan.

Ấn Độ khai trương căn cứ hải quân chiến lược trên biển Arab

Lễ khai trương căn cứ hải quân INS Jatayu
Lễ khai trương căn cứ hải quân INS Jatayu. Ảnh: The Hindu

Hải quân Ấn Độ đã đưa vào hoạt động căn cứ mới INS Jatayu hôm 6-3 trên đảo Minicoy, nhằm tăng cường khả năng hoạt động của lực lượng hải quân nước này trong khu vực quần đảo Lakshadweep.

Căn cứ mới sẽ giúp tăng cường phạm vi hoạt động và hỗ trợ của Hải quân Ấn Độ trong các hoạt động chống cướp biển, ngăn chặn buôn bán ma túy ở phía Tây biển Arab. INS Jatayu là căn cứ hải quân thứ hai ở Lakshadweep sau INS Dweeprakshak ở Kavaratti. 

Ba Lan: Biểu tình của nông dân gia tăng thành bạo lực

ba lan
Một cảnh sát đang ngăn người nông dân biểu tình gây rối ở thủ đô Warsaw, Ba Lan, hôm 6/3. Ảnh: AP

Theo Euronews, ngày 7-3, cảnh sát Ba Lan đã phải sử dụng hơi cay và bắt giữ hàng chục người trong cuộc biểu tình đang gia tăng thành bạo lực của nông dân nước này nhằm phản đối các chính sách nông nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) và việc nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Xung đột nổ ra khi cảnh sát dùng dùi cui vụt người biểu tình quá khích và bị những người này chống trả. Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Marcin Kierwinski cho biết 23 người biểu tình quá khích đã bị bắt.

Quân đội Triều Tiên sẵn sàng cho khả năng chiến tranh

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát binh sĩ luyện tập. Ảnh: KCNA

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un mới đây đã thị sát một cơ sở huấn luyện tác chiến lớn ở khu vực miền Tây nước này, đồng thời yêu cầu chuẩn bị khả năng sẵn sàng cho chiến tranh. Theo hãng thông tấn Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đánh giá cao, cũng như động viên tinh thần của các binh sĩ. Ông yêu cầu quân đội Triều Tiên cần đẩy mạnh hơn nữa công tác huấn luyện ở thời điểm hiện nay, đồng thời đặt ra các nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường các cuộc tập trận thực tế, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Xuân An (t/h)