Quản lý nhà nước xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại huyện Đan Phượng, Hà Nội - thực trạng và giải pháp

PGS.TS. HOÀNG VĂN THÀNH (Trường Đại học Thương mại)

TÓM LƯỢC:

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là một trong những mục tiêu đặt ra cho các điạ phương, trong đó có huyện Đan Phượng, thuộc TP. Hà Nội. Đan Phượng là một trong những địa phương đi đầu hoạt động này nên gặp nhiều khó khăn. Bằng những dữ liệu thứ cấp thu thập được, tác giả mong muốn làm rõ các vấn đề về thực trạng trong hoạt động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại huyện Đan Phượng giai đoạn từ năm 2018 đến nay. Từ những vấn đề đang đặt ra, tác giả cũng có một số gợi ý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước để huyện Đan Phượng tăng cường hoạt động này trong thời gian tới. 

Từ khóa: quản lý nhà nước, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội.

1. Khái quát về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại Việt Nam

Sau 10 năm triển khai, Chương trình Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2010 - 2020 đã đạt được những thành tựu quan trọng, được Đảng và Nhà nước đánh giá là “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”. Trong thời gian tới, XDNTM bao gồm cả xây dựng nông thôn mới nâng cao (XDNTMNC) và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (XDNTMKM) vẫn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, giúp cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân sinh sống tại vùng nông thôn.

Theo định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước, nông thôn mới (NTM) là nông thôn tiến bộ, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Nghị  quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp  hành Trung ương Đảng khóa X về  nông  nghiệp, nông  dân,  nông  thôn, trong phần Mục tiêu tổng quát đã nêu: “XDNTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường”.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) về XDNTM giai đoạn 2021- 2025 đã đưa ra Mục tiêu tổng quát ở mức cao hơn: “Tiếp tục triển khai Chương trình XDNTM gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện XDNTMNC, NTMKM và nông thôn mới cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”. CTMTQG đã đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTMNC, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTMKM và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.

2. Thực trạng quản lý nhà nước về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại huyện Đan Phượng, Hà Nội

2.1. Thực trạng xây dựng kế hoạch, chính sách xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại Đan Phượng

Năm 2021, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, Huyện ủy Đan Phượng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về xây dựng huyện đạt chuẩn NTMKM, xã Đan Phượng đạt chuẩn NTMKM Thủ đô giai đoạn 2021-2025; Chương trình số 07-CTr/HU ngày 08/02/2021 của Huyện ủy về đẩy mạnh phát triển kinh tế, XDNTMKM theo hướng văn minh, hiện đại gắn với tiêu chí phát triển thành quận giai đoạn 2021-2025, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình. Trong đó, tập trung chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn NTMNC thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, 5 xã Đan Phượng, Song Phượng, Tân Hội, Liên Hà, Thọ Xuân hoàn thành XDNTMKM năm 2021. Huyện phấn đấu năm 2022 tập trung chỉ đạo 6 xã Tân Lập, Liên Trung, Thượng Mỗ, Trung Châu, Phương Đình, Đồng Tháp xây dựng xã đạt chuẩn NTMKM; các xã còn lại tiếp tục thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí XDNTMNC, XDNTMKM, trong đó tập trung vào các tiêu chí đạt chưa cao như tổ chức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm, an ninh trật tự - hành chính công…

Các kế hoạch XDNTMKM trên địa bàn huyện Đan Phượng bao gồm: kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức XDNTM”; kế hoạch tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”; kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn giảm nghèo; kế hoạch về thủy lợi, đê điều; kế hoạch vệ sinh môi trường nông thôn; kế hoạch về phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất; kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở; kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), kế hoạch xây dựng hạ tầng và kinh tế nông thôn; kế hoạch phát triển y tế, giáo dục; kế hoạch tuyên truyền thực hiện XDNTMKM,…

Huyện Đan Phượng đã chủ động ban hành các kế hoạch, chính sách thực hiện chương trình như: kế hoạch hỗ trợ kinh phí để triển khai gắn biển chỉ dẫn, tên đường và biển số nhà trên toàn huyện (Quyết định số 2412/QĐ-UBND ngày 13/6/2017); UBND huyện ban hành Quyết định số 4581/QĐ-UBND ngày 17/12/2015 ban hành Đề án Xây dựng và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Nhà Văn hóa thôn, cụm dân cư, tổ dân phố trên địa bàn huyện; Để phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học, năm 2017, UBND huyện đã xây dựng và triển khai Đề án dạy bơi và phòng chống đuối nước hè cho học sinh khối 4,5 cấp tiểu học; Đối với những xã đăng ký đạt chuẩn NTMNC năm 2019, huyện hỗ trợ mỗi xã 500 triệu đồng để thực hiện dự án phục vụ XDNTMNC; Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), UBND huyện thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Đan Phượng và thường xuyên kiện toàn khi có thay đổi nhân sự; Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 18-CT/HU (2017) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”, UBND và UBMTTQ huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; Huyện ủy xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn huyện Đan Phượng và Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược.phát triển năng năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn huyện Đan Phượng; Quyết định số 5344/QĐ-UBND ngày 29/8/2019 của UBND huyện về việc kiện toàn Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật huyện Đan Phượng;…

Một trong những kế hoạch, chính sách nổi bật được huyện Đan Phượng xây dựng, tổ chức triển khai trong giai đoạn 2017 - 2022 là thực hiện mô hình “Đường có hoa, nhà có số, phố có tên” theo Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 09/3/2017 của UBND huyện Đan Phượng về thực hiện đặt tên đường, đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn trên địa bàn các xã. Huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa thông tin chủ trì, hướng dẫn các xã, thôn/cụm dân cư rà soát các tuyến đường đủ điều kiện để đặt tên, cán bộ địa chính xây dựng các xã căn cứ quy định hướng dẫn đánh số nhà tại các tuyến đường, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng. Huyện đã chọn thôn Đông Khê làm điểm để các đơn vị học hỏi, rút kinh nghiệm. Việc đặt tên đường được thực hiện công khai, trong đó tại các thôn/cụm dân cư thực hiện họp toàn dân để lấy ý kiến về tên đường, trình các cấp trên quyết định.

Với cách làm quyết liệt, huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc, chỉ trong năm 2017, huyện Đan Phượng đã hoàn thành việc đặt tên đường, số nhà với 38.129 biển số nhà, 3.538 biển chỉ dẫn công cộng với tổng kinh phí thực hiện trên 3,5 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa trên 1,8 tỷ đồng và từ ngân sách nhà nước là trên 1,7 tỷ đồng. Các con đường được dọn vệ sinh, xây dựng các bồn hoa để tạo cảnh quan, xây dựng bộ mặt nông thôn sạch sẽ, văn minh; đối với các tuyến đường có diện tích nhỏ, không đủ để triển khai trồng hoa, huyên Đan Phượng đã thực hiện các “Con đường bích họa”, tạo bộ mặt NTM khang trang, sạch đẹp, văn minh. Mô hình này đã trở thành điểm mới, sáng tạo trong XDNTM của thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn tồn tại một số khuyết điểm, nhất là việc quản lý đánh số nhà tại các vùng, thửa đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư rất khó khăn do tự phát của người dân.

2.2. Thực trạng tổ chức thực hiện kế hoạch, chính sách xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại Đan Phượng

Thực hiện CTMTQG về XDNTM của Chính phủ, dưới dự chỉ đạo, điều hành của Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền huyện Đan Phượng, BCĐ XDNTMKM huyện thường tổ chức giao ban với các xã, các ngành về kết quả XDNTMNC, XDNTMKM và các chuyên đề cụ thể như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng..., phân công các thành viên phụ trách các xã kiểm tra, giám sát, báo cáo kết quả và tiến độ thực hiện nhiệm vụ theo tháng về BCĐ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đặt ra. Việc thành lập BCĐ từ huyện đến xã và cán bộ phụ trách tại các xã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông tin, báo cáo kết quả thực hiện chương trình.

Huyện đã quy định rõ ràng về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, cơ chế phối hợp hoạt động của BCĐ, Văn phòng Điều phối huyện, các phòng, ban, ngành chuyên môn; đồng thời huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị nên đã tạo điều kiện để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả kế hoạch, chính sách XDNTMKM trên địa bàn huyện, trên tất cả các lĩnh vực như: xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, văn hóa - xã hội - môi trường, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tuyên truyền về công tác XDNTMKM… Ngay từ những năm 2016,  hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện và tăng các khoản đầu tư tạo ra một bộ mặt mới cho huyện Đan Phượng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm, như việc quản lý đánh số nhà tại các vùng, thửa đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư rất khó khăn do hoạt động tự phát của người dân.  

2.3. Thực trạng kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch, chính sách xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại Đan Phượng

Công tác QLNN về XDNTMKM, trong đó có việc thực hiện kế hoạch, thực thi chính sách về XDNTMKM tại huyện Đan Phượng thường xuyên được kiểm tra, giám sát của BCĐ Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, XDNTM, nâng cao đời sống nhân dân”, BCĐ Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả CTMTQG XDNTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân”. Trong đó, BCĐ Thành phố định kỳ kiểm tra công tác XDNTMKM mỗi quý 1 lần và kiểm tra đột xuất; HĐND- UBMTTQ Việt Nam huyện và Ban giám sát cộng đồng thực hiện giám sát các lĩnh vực chuyên ngành trong XDNTMKM về thu chi ngân sách, vệ sinh môi trường, xây dựng làng văn hóa, CSHT…

Hàng năm Huyện ủy đã thành lập các đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình Chương trình NTMKM tại 15 xã. UBMTTQ và HĐND huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với thực hiện chương trình XDNTM. UBMTTQ Việt Nam huyện chủ trì tổ chức 214 hội nghị phản biện xã hội; giám sát 33 cuộc và 2.117 vụ việc ở cơ sở và 568 công trình, dự án đầu tư. Ban Thường vụ Huyện ủy đã tiến hành kiểm tra đối với 4 tổ chức Đảng và 4 đảng viên; giám sát đối với 11 tổ chức Đảng và 8 đảng viên về lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội, trong đó giám sát chuyên đề XDNTMKM 6 tổ chức Đảng và 6 đảng viên. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, đã giúp các tổ chức và cá nhân phát huy ưu điểm, kịp thời khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, nhằm thực hiện tốt các nội dung của Chương trình XDNTMKM và kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc mà cử tri, nhân dân quan tâm.

Việc đánh giá thực hiện XDNTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện Đan Phượng dựa trên các tiêu chí đã đạt được tại các xã và tổng hợp báo cáo của các phòng, ban, ngành phụ trách các lĩnh vực. UBND huyện đã chỉ đạo phòng Kinh tế - cơ quan Thường trực của Văn phòng điều phối huyện phối hợp với UBMTTQ Việt Nam huyện đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch, chính sách về XDNTMKM trên địa bàn huyện; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tốt, nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả và rút ra bài học kinh nghiệm, tìm ra các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, yếu kém để có giải pháp thực hiện đảm bảo tiến độ, yêu cầu XDNTMKM trên địa bàn huyện.

3. Giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về XDNTMKM tại huyện Đan Phượng, Hà Nội

3.1. Hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại Đan Phượng

Việc kiện toàn bộ máy QLNN về XDNTMKM là giải pháp cần thiết, đặc biệt là sau đợt luân chuyển cán bộ công chức trong năm 2022 có nhiều thay đổi ở vị trí lãnh đạo các phòng, ban, ngành của huyện; đồng thời cần ban hành quy chế và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong BCĐ huyện theo hướng cụ thể, rõ ràng, gắn trách nhiệm trong thực hiện công tác chuyên môn với công tác quản lý, điều hành XDNTMKM; đưa kết quả trong thực hiện công tác QLNN về XDNTMKM vào kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức hàng năm để nâng cao trách nhiệm, hạn chế việc đùn đẩy, né tránh thực hiện công việc. Lựa chọn cán bộ, công chức có năng lực, kinh nghiệm, ổn định để thực hiện công tác XDNTMKM ở cấp huyện và cấp xã. Giao nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các xã, thực hiện đăng ký và ký cam kết thực hiện các chỉ tiêu thực hiện XDNTMKM.

3.2. Hoàn thiện kế hoạch, chính sách xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại Đan Phượng

Huyện Đan Phượng cần nghiên cứu, xây dựng chính sách, hoàn thiện các chỉ tiêu cho phù hợp theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định xã NTMKM giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 3098/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí xã NTM, xã NTMNC và xã NTMKM thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025, gắn với các tiêu chí xây dựng xã thành phường, huyện thành quận trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Trong đó, cần xác định rõ tiềm năng, lợi thế của từng xã để xây dựng kế hoạch, chính sách chung của huyện và riêng cho từng xã, từng lĩnh vực. Đối với các xã đã đạt chuẩn NTMKM, tiếp tục nâng cao các tiêu chí, hoàn thiện các lĩnh vực chưa đạt, đối với các xã chưa đạt chuẩn thì tập trung hoàn thiện các lĩnh vực cơ bản đạt trước rồi đến các lĩnh vực chưa đạt. Nghiên cứu xây dựng các chính sách phù hợp để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp.

Huyện Đan Phượng cần phân nhóm các địa phương có điều kiện KT-XH, tình hình XDNTMKM tương đương, để đưa ra các định hướng, giải pháp phù hợp cho từng nhóm địa phương này trong quá trình xây dựng kế hoạch, chính sách XDNTMKM chung của huyện. Trong quá trình xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng XDNTMKM, cần gắn với các chỉ tiêu, mục tiêu, định hướng của Đề án xây dựng huyện Đan Phượng trở thành quận trong giai đoạn đến năm 2025 để hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành XDNTMKM trước khi huyện thành quận; trong đó cần thực hiện theo nguyên tắc các chỉ tiêu, mục tiêu nào cao hơn thì thực hiện theo chỉ tiêu, mục tiêu đó và đảm bảo định hướng Đan Phượng trở thành đô thị sinh thái, hành lang xanh của thủ đô Hà Nội trong giai đoạn tiếp theo.

Đặc biệt cần quan tâm đến các chính sách liên quan đến xây dựng mô hình thôn thông minh vì đây là một tiêu chí mới trong bộ tiêu chí XDNTMKM của Hà Nội, theo đó các mô hình thôn thông minh gồm có: Tổ công nghệ số cộng đồng; Giao tiếp thông minh; Thương mại điện tử; Du lịch thông minh; Dịch vụ xã hội. Đây chính là tiền đề ứng dụng chuyển đổi số trong XDNTMKM xây dựng trên địa bàn một thôn/cụm dân cư, sau đó triển khai nhân rộng ra địa bàn các thôn/cụm dân cư, xã khác, hướng tới xây dựng xã NTM thông minh trong giai đoạn tiếp theo.

3.3. Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch, chính sách xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại Đan Phượng

Để tạo thuận lợi cho thực hiện kế hoạch, chính sách XDNTMKM, cần chú trọng thực hiện các vấn đề sau:

+ Sử dụng hợp lý cán bộ và tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác XDNTMKM.

+ Nâng cao hiệu quả công tác vận động,.tuyên.truyền,.nâng.cao nhận thức của người dân trong XDNTMKM.

+ Thực hiện tốt các giải pháp về huy động vốn.

+ Thực hiện tốt công tác tổ chức thực hiện các chính sách về hỗ trợ sản xuất.

3.4. Tăng cường kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch, chính sách xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại Đan Phượng

Lãnh đạo UBND huyện cùng với lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn liên quan trực tiếp tham gia vào các buổi giám sát, tiếp thu kết quả kiểm tra, giám sát việc thực hiện XDNTMKM, trên cơ sở đó thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành một cách hiệu quả nhất. Sau khi có kết quả kiểm tra, giám sát của HĐND, Ban Giám sát cộng đồng, phản ánh tại hội nghị phản biện KT-XH, UBND huyện chủ động nắm bắt kết quả khắc phục những tồn tại được phát hiện, để có biện pháp xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện kết luận kiểm tra, giám sát.

Xây dựng kế hoạch thành lập đoàn giám sát chuyên đề của HĐND về xây dựng NTMKM; Huyện ủy, UBND huyện thành lập các đoàn kiểm tra chuyên đề về công tác xây dựng NTMKM tại các xã. Việc kiểm tra, giám sát chuyên đề thực hiện định kỳ hàng quý và đột xuất. Sử dụng hiệu quả hòm thư góp ý, đường dây nóng về công tác XDNTMKM để nắm bắt dư luận, tiếp nhận các thông tin phản hồi bức xúc, nổi cộm trong nhân dân, làm căn cứ cho việc tổ chức thanh tra, kiểm tra các địa phương, đơn vị có liên quan.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2022), Quyết định số 319/QĐ-TTg về việc Quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.
  2. Thành ủy Hà Nội (2021), Chương trình 04-CTr/TU về Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025.
  3. Nguyễn Thị Lệ Thúy, Bùi Thị Hồng Việt (2012), Giáo trình Chính sách kinh tế - xã hội (Chính sách công), Nhà xuất bản Tài chính.
  4. UBND huyện Đan Phượng (2021), Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân” quý IV năm 2021.

 The state management over the development of new-style rural area model in Dan Phuong district, Hanoi: Current situation and solutions

Assoc.Prof. Ph.D Hoang Van Thanh

Thuongmai University

ABTRACT:

Building a new-style rural area model is one of the goals set for districts, including Dan Phuong district, in Hanoi. Dan Phuong district is one of the leading districts in developing new-style rural areas. However, it is facing some difficulties. By analyzing secondary data, this study is to clarify the current situation of building new-style rural areas in Dan Phuong district from 2018 to present. Based on the study’s findings, some suggestions are made to enhance the state management of Dan Phuong district authorities in building new-style rural areas.

Keywords: state management, new-style rural area model, Dan Phuong distric.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5  tháng 3 năm 2023]