Phát triển hiệu quả và bền vững cho sản phẩm OCOP ở Thái Nguyên

Làm ra sản phẩm được chứng nhận OCOP đã khó, tiêu thụ sản phẩm OCOP còn khó hơn. Vì vậy, tỉnh Thái Nguyên xác định, hoạt động xúc tiến thương mại là động lực và chuyển đổi số là nền tảng để phát triển hiệu quả và bền vững cho sản phẩm OCOP

Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP nhờ tiêu thụ trên sàn TMĐT

Việc mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói riêng và sản phẩm OCOP nói chung trên các sàn thương mại điện tử giúp xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên ngày càng mạnh mẽ.

Đến nay, Đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có gần 130 sản phẩm OCOP, trong đó có hai sản phẩm đạt OCOP 5 sao, 73 sản phẩn 4 sao, còn lại là 3 sao và được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn.

sản phẩm OCOP
Sản phẩm chè tôm nõn Hảo Đạt của Thái Nguyên là sản phẩm OCOP Quốc gia 5 sao

Bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống như trưng bày, tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống cửa hàng, siêu thị và nhà phân phối, thì các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên đã và đang từng bước ứng dụng chuyển đổi số, chủ động đưa sản phẩm của mình giới thiệu, bán hàng trên các sàn giao dịch TMĐT hoặc thông qua các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream).

Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20% - 50%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%; đặc biệt có sản phẩm tăng doanh số từ 70 - 100%;

sản phẩm OCOP
sản phẩm OCOP
Hơn 2.000 đơn hàng đã được bán sau 4h livestream tại “Lễ hội Võ Nhai mùa na chín – Xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2023”

Tỉnh đã có hơn 2.400 sản phẩm được cập nhật trên sàn giao dịch Thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên tại địa chỉ www.thainguyentrade.vn; đã đưa lên 2 sàn thương mại điện tử (Postmart, Vỏ sò) với 72 sản phẩm nông nghiệp, tổng số giao dịch trên 2 sàn đạt 1.545 giao dịch, đã có 128 sản phẩm được gắn nhãn thương hiệu OCOP trên sàn.

Phong trào livestream bán hàng nông sản đạt hiệu quả và ngày càng được nhân rộng, đặc biệt trong “Lễ hội Võ Nhai mùa na chín – Xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2023”, chỉ sau 4 giờ livestream các chủ thể na đã bán 1.650 đơn trong đó bán trực tuyến 6,3 tấn na và bán trực tiếp 2,5 tấn cho khách tham quan; ngoài ra đã bán 500 đơn cho các sản phẩm khác như: trà, miến, bánh chưng, măng, kẹo lạc...

sản phẩm OCOP
Thương mại điện tử giúp xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên ngày càng mạnh mẽ.

Các Hội thảo về “Chuyển đổi số trong Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP”; Hội thảo về “Giải pháp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong trồng, chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu và giá trị sản phẩm Chè tỉnh Thái Nguyên”; Hội nghị triển khai, hướng dẫn các chủ thể OCOP tạo lập, thương mại điện tử trên nền tảng số Tiktok và áp dụng các mô hình kinh tế số; Hội thảo kết hợp livestream giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh trên fanpage của Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, các kênh bán hàng trực tuyến đã thu hút khoảng 3.500 người tham gia.

sản phẩm OCOP

Chốt 900 đơn hàng tại phiên chợ livestream giới thiệu nông sản Thái Nguyên

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản, hỗ trợ đưa lên sàn Potsmart và sàn Vỏ Sò được 3.240 sản phẩm; tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng cho trên 2.600 cơ sở, hộ sản xuất; mở gian hàng cho gần 2.200 cơ sở, hộ sản xuất nông nghiệp... Thông qua ứng dụng công nghệ số đã có trên 3.500 đơn hàng với hàng trăm tấn sản phẩm được bán ra thị trường thành công.

sản phẩm OCOP
Đào tạo bán hàng trực tuyến cho các đơn vị sản xuất chè ở Thái Nguyên.

Việc tham gia các sàn TMĐT không chỉ giúp các chủ thể sản xuất ở Thái Nguyên quảng bá rộng rãi, tăng số lượng đơn hàng và doanh thu mà còn giúp các chủ thể sản xuất tìm kiếm thị trường và mở rộng các kênh tiêu thụ, qua đó phát triển sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm OCOP của Thái Nguyên lên các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản, sản phẩm OCOP Thái Nguyên có mặt nhiều hơn trên thị trường quốc tế.

Đầu tư KHCN, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP

Trong thời đại 4.0 hiện nay, các ghi chép quy chuẩn, quy trình sản xuất... theo hình thức thủ công sẽ được thay thế bằng nhật ký điện tử, sau đó trích xuất ra tem truy xuất thông minh và tem truy xuất thông minh có thể truy xuất đến từng công đoạn sản xuất thay cho tem bình thường chỉ truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.

Vì vậy, trong những năm qua, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để có sản phẩm chất lượng, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Chủ động áp dụng chuyển đổi số trong các giai đoạn sản xuất, chế biến và quảng bá sản phẩm như áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc kết hợp mã QR; giới thiệu sản phẩm thông qua mạng xã hội. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP ngày càng có chất lượng tốt, đa dạng về mẫu mã, bao bì sang trọng, có đầy đủ mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc…

sản phẩm OCOP
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP

Đến nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh đã sử dụng trên 6,5 triệu tem truy xuất nguồn gốc QRCode; phối hợp xây dựng và đưa vào sử dụng Hệ thống quản lý cây xanh thông minh trên nền bản đồ số “Thái Nguyên SmartTrees”; đồng thời, sử dụng hiệu quả phần mềm Quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Thủy lợi Việt Nam (thuyloivietnam.vn); đưa vào sử dụng phần mềm Quản lý khách hàng, ghi chỉ số và hóa đơn điện tỷ (citywork.vn) trên ứng dụng di động hỗ trợ 25 công trình cấp nước nông thôn và phục vụ 20.000 hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Để đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bắc Thái đã sản xuất theo quy trình đạt tiêu chuẩn VietGAP, chủ động ứng dụng công nghệ vào quá trình trồng, chăm sóc, chế biến chè; sử dụng ứng dụng công nghệ QR-Code để tăng tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã được thực hiện đồng bộ với các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị lớn và sàn giao dịch thương mại điện tử. Từ đầu năm đến nay HTX đã được cấp 25.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Chị Dương Thị Thơm, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Bắc Thái chia sẻ: "Khi sản xuất được sản phẩm an toàn thì chúng tôi cũng mong muốn đưa thông tin tới người tiêu dùng, đồng thời hợp tác xã đã được các cơ quan nhà nước hỗ trợ lấy mẫu kiểm định chất lượng, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, để người tiêu dùng thông qua đó biết đến sản phẩm chính thống của hợp tác xã, góp phần quảng bá sản phẩm cũng như đưa các thông tin minh bạch đến người tiêu dùng".

sản phẩm OCOP
Sản phẩm bún khô Tiến Diện có mã vạch để dễ dàng truy xuất nguồn gốc

Tương tự, đối với HTX mì, bún khô Tiến Diện, ở xã Tràng Xá (Võ Nhai), thời gian qua, đơn vị cũng đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể, HTX đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua máy móc, thiết bị sản xuất quy mô lớn để hạn chế phụ thuộc vào tình hình thời tiết. Cùng với đó, HTX còn đăng ký mã số, mã vạch gắn với truy xuất nguồn gốc và bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Sản phẩm mì, bún khô của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và ngày càng được người tiêu dùng biết đến, ưa chuộng. Ông Hoàng Tiến Diện, Giám đốc HTX mì, bún khô Tiến Diện, cho biết: Việc được chứng nhận sản phẩm OCOP chính là "tấm vé thông hành" đưa các sản phẩm của chúng tôi có mặt tại một số siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh.

Xúc tiến thương mại là động lực lực để phát triển sản phẩm OCOP

Xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP nhanh chóng mở rộng ra các thị trường... là mục tiêu chính trong xây dựng sản phẩm chủ lực của tỉnh Thái Nguyên. Đây cũng là động lực để các chủ thể trên địa bàn tỉnh tích cực đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

sản phẩm OCOP
Quảng bá, trưng bày sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch, trạm dừng chân, tại 9 huyện, thành phố trong tỉnh

Xác định Chương trình OCOP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, thời gian qua, các sản phẩm OCOP đã và đang được ngành chức năng, địa phương cùng các chủ thể quan tâm chú trọng quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Qua đó, giúp cho các chủ thể OCOP tiếp cận với thị trường, hiểu được thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó, tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xúc tiến bán hàng. Nhờ đó, những năm gần đây, các sản phẩm OCOP của tỉnh không chỉ được tiêu thụ ở phạm vi hẹp tại địa phương mà đã có mặt tại không ít siêu thị, cửa hàng lớn trong nước.

Cùng với việc tổ chức phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, đánh giá, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thì việc tuyên truyền, đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đồng hành cùng chủ thể OCOP triển khai thực hiện quảng bá, trưng bày sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch, trạm dừng chân, tại 9 huyện, thành phố trong tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ xây dựng, hình thành 132 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp xã, 24 điểm cấp huyện.

Qua đó, không chỉ góp phần giúp người tiêu dùng được tiếp cận những sản phẩm tiêu chuẩn, chất lượng mà còn kết nối quảng bá du lịch, giới thiệu rộng rãi những nông sản ưu thế của mỗi vùng miền, địa phương đến với du khách. Tuy nhiên những mô hình điểm, các gian hàng, điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Thái Nguyên vẫn còn những hạn chế đòi hỏi sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành trong việc đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.

sản phẩm OCOP
5 HTX của Thái Nguyên đã tham gia quảng bá các sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP tại Triển lãm Quốc tế trà diễn ra tại Trung Quốc

Sắp tới đây, Chương trình “Xúc tiến Sắc màu nông sản thời kỳ 4.0 - Thái Nguyên 2023” do Sở Công Thương phối hợp với UBND TP. Phổ Yên tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 06/12 - 10/12/2023 với quy mô 120 gian hàng, quy tụ các sản phẩm đặc sản vùng miền tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống… của 35 tỉnh, thành trên cả nước; Chương trình hứa hẹn sẽ mang tới không gian giao lưu văn hoá, mua sắm, thưởng lãm, trải nghiệm cho nhân dân TP. Phổ Yên và các địa phương vùng lân cận, góp phần tạo kênh giao lưu, giới thiệu, truyền thông về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa… giữa tỉnh Thái Nguyên với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thêm nhiều chính sách để phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn tới

Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ có trên 200 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên, có ít nhất 10 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đã đưa ra các giải pháp đồng bộ, tập trung phát huy lợi thế các địa phương, hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Huy động, lồng ghép các nguồn lực để tập trung cho phát triển sản phẩm OCOP và xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, hỗ trợ chủ thể tham gia chu trình OCOP thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, ứng dụng công nghệ cao để phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

sản phẩm OCOP
Tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra các giải pháp đồng bộ để phát triển sản phẩm OCOP

Đặc biệt, phát huy lợi thế của các địa phương, hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP theo các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất: VietGAP, GlobalGAP, Organic,… hỗ trợ áp dụng kỹ thuật và thực hiện chuyển đổi số trong quản lý chất lượng đồng bộ, tăng cường năng lực chế biến và phát triển thị trường gắn với Chương trình OCOP. 

Tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP tham gia vào các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream).

Xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, kết nối với Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia và góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Việt. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP, gắn với giám sát - chứng thực của công tác quản lý Nhà nước, hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối với chương trình OCOP cấp độ quốc gia.

Nguyên Vỵ