Phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận theo hướng bền vững

Đề tài Phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận theo hướng bền vững do Vũ Mạnh Cường ( Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

TÓM TẮT:

Du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Bình Thuận. Phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu cho ngân sách của tỉnh. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những điều kiện phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận về tiềm năng, lợi thế có sẵn, những thuận lợi và khó khăn của tỉnh trong phát triển du lịch theo hướng bền vững, tác giả bài viết đề xuất một số giải pháp để phát triển du lịch Bình Thuận theo hướng bền vững, nhằm khai thác hiệu quả các thế mạnh về tiềm năng du lịch của tỉnh trên cơ sở sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên du lịch, bảo vệ cảnh quan môi trường.

Từ khóa: du lịch bền vững, cảnh quan môi trường, lễ hội truyền thống, tỉnh Bình Thuận.

1. Phát triển du lịch bền vững

Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch có tính đến đầy đủ các tác động kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại và tương lai, vừa đáp ứng được nhu cầu của du khách và sự phát triển của ngành Du lịch, vừa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và các yêu cầu của cộng đồng địa phương. Phát triển du lịch bền vững liên quan đến các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội của phát triển du lịch, đòi hỏi phải thiết lập sự cân bằng hợp lý giữa 3 khía cạnh này để bảo đảm tính bền vững lâu dài. Phát triển du lịch bền vững gồm 3 nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế du lịch cao hợp lý, ổn định, liên tục. Tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch cần được xác định ở mức độ phù hợp, căn cứ vào các điều kiện thực tế, để đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng của Ngành, đồng thời không tạo nên áp lực đòi hỏi phải đổi lại bằng sự suy giảm tài nguyên và môi trường du lịch. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của ngành Du lịch không vượt quá khả năng tái tạo của nguồn tài nguyên, khả năng chịu đựng của cơ sở vật chất của ngành và sức chứa xã hội ở địa phương để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch ngày càng tốt hơn, sản phẩm du lịch ngày càng thỏa mãn và làm hài lòng du khách. Tăng trưởng du lịch bền vững cần dựa vào chiến lược: ưu tiên nâng cao chất lượng nguồn khách hơn là theo đuổi thuần túy số lượng khách du lịch.

Thứ hai, thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Quá trình phát triển du lịch sẽ khuyến khích, thu hút và tạo việc làm cho lao động địa phương trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch, đồng thời tạo tác động lan tỏa, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực kinh tế khác phát triển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người dân trong cộng đồng địa phương. Nói cách khác, du lịch có thể mang lại hiệu ứng phát triển bao trùm.

Thứ ba, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, phát triển các tài nguyên có khả năng tái sinh. Một trong các tiêu chí lớn nhất để đánh giá tính bền vững trong phát triển du lịch tại một địa phương chính là việc bảo tồn, duy trì nguồn tài nguyên sinh thái và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của con người trong quá trình thực hiện hoạt động du lịch lên môi trường. Phát triển du lịch bền vững phải bảo đảm được các tài nguyên du lịch của địa phương như các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, giá trị văn hóa,... không bị tác động tiêu cực, không gây ra hao hụt các giá trị nguyên bản hay tác động xấu cho việc khai thác chúng trong lâu dài.

2. Thực trạng phát triển du lịch bền vững tại Bình Thuận

Du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Bình Thuận. Phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu cho ngân sách của tỉnh. Hiện nay, du lịch tỉnh Bình Thuận đang phát triển trong bối cảnh có nhiều biến động, sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng. Nhiều tỉnh, thành phố trong nước và các nước trong khu vực có trình độ phát triển cao. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Bình Thuận cần được chú trọng hơn nữa.

Là một tỉnh ven biển cực Nam Trung Bộ, Bình Thuận là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các địa phương vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Bình Thuận cũng là giao điểm nối liền với các trung tâm du lịch lớn như Nha Trang, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu,… Những năm qua, Bình Thuận đã thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế nhờ vào việc có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú. Trước tiên, với lợi thế đường bờ biển dài 192 km cùng nhiều bãi biển đẹp, nhiều danh lam, thắng cảnh hấp dẫn, ngành Du lịch Bình Thuận đã tạo nên thương hiệu du lịch biển đặc trưng trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới. Điểm du lịch nổi tiếng ven biển của Bình Thuận hầu như phân bố đều tại các khu vực của tỉnh như: Mũi Né - Hòn Rơm (TP. Phan Thiết), biển Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam), bãi đá 7 màu ven biển được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Bãi đá có hình dạng và màu sắc nhiều nhất Việt Nam”, Khu bảo tồn biển hòn Cau (huyện Tuy Phong)… Đây chính là những điểm đến hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch gắn liền với biển được du khách lựa chọn.

Cùng với đó, tỉnh Bình Thuận có khu Bàu Trắng - một địa danh nổi tiếng nằm tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, còn được mệnh danh là “Tiểu sa mạc Sahara” với những ngọn núi cát nhấp nhô có nhiều hình dạng khác nhau và luôn thay đổi do tác động của gió. Điểm nổi bật là Bàu Trắng được bao quanh bởi đồi cát màu cát trắng phau, kéo dài uyển chuyển như những dải lụa. Bàu Trắng được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một khung cảnh hoang sơ và cực kỳ ấn tượng, với sự kết hợp hài hòa giữa đồi cát trắng xóa và hồ nước ngọt rộng lớn. Hiện nay, Bình Thuận đã được ghi tên trong danh sách 10 tỉnh du lịch nổi bật của Việt Nam, Mũi Né trở thành 1 trong 6 Khu du lịch quốc gia của cả nước. Thêm phần lợi thế cho tỉnh, đó là Bình Thuận nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới điển hình, nhiệt độ ôn hòa (nhiệt độ trung bình từ 26 - 27oC), nhiều gió, nhiều nắng (348 - 360 ngày nắng/năm), lượng mưa thấp và tập trung, nên các hoạt động du lịch có thể diễn ra quanh năm, đặc biệt vô cùng thuận lợi cho việc tắm biển của du khách.

Bên cạnh đó, Bình Thuận còn là vùng đất hội tụ nhiều nền văn hóa đặc trưng với các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc cùng với hướng đi đúng đắn, bền vững và nâng cao vị trí của du lịch trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh. Bình Thuận có nhiều di tích lịch sử - văn hóa kiến trúc cổ gồm các đình như: đình Xuân An (Chợ Lầu, Bắc Bình), đình Xuân Hội (Chợ Lầu, Bắc Bình), đình Đức Thắng (Đức Thắng - Phan Thiết), đình Đức Nghĩa (Đức Nghĩa - Phan Thiết), đình Phú Hội (Hàm Hiệp - Hàm Thuận Bắc), đình Tú Luông (Đức Long - Phan Thiết), đình Bình An (Bình Thạnh - Tuy Phong). Ngoài ra, còn có khu nhà thờ cụ Nguyễn Thông với Ngọa Du Sào (Đức Nghĩa - Phan Thiết) và mộ chí của ông ở Núi Cố (Phú Hài - Phan Thiết). Hàng năm, nhờ duy trì tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống như Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Trung Thu (Phan Thiết), Lễ hội Dinh Thầy Thím (La Gi), Tết Katê đồng bào Chăm theo đạo bàlamôn (Bắc Bình, Tuy Phong),... và các hoạt động thể thao như Giải đua thuyền rồng truyền thống tên sông Cà Ty, Giải chạy vượt đồi cát Mũi Né (Phan Thiết), Hội thi leo núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam), Giải leo núi Linh Sơn Tự (Tuy Phong),... đã thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế và trong nước đến với Bình Thuận.

Về cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch của tỉnh phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Tính đến hết năm 2022, tỉnh Bình Thuận có gần 200 dự án du lịch đầu tư. Toàn tỉnh có gần 900 cơ sở lưu trú du lịch với trên 17.500 phòng, trong đó có 45 khách sạn, resort từ 3 đến 5 sao với gần 5.000 phòng. Đối với loại hình khách sạn, nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho thuê, toàn tỉnh có trên 530 cơ sở cùng nhiều căn hộ và biệt thự, đảm bảo phục vụ đa dạng các dòng du khách vào cùng một thời điểm. Du lịch phát triển đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 22.300 lao động làm việc trực tiếp trong ngành Du lịch. Trên địa bàn tỉnh cũng có 13 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật ngành Du lịch không ngừng được đầu tư, tăng trưởng. Bình Thuận đã xây dựng và hình thành tuyến đường ven biển trải dài từ La Gi đến Tuy Phong. Tỉnh cũng đang hoàn thiện hệ thống giao thông đối ngoại, giao thông kết nối các trọng điểm du lịch của tỉnh, đặc biệt là cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khi đưa vào hoạt động đã rút ngắn rất nhiều thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đi Phan Thiết.

Bên cạnh đó, các dịch vụ du lịch phát triển ngày càng đa dạng, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Đặc biệt, giai đoạn 2021 - 2025, Bình Thuận hướng tới trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia. Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm với các sản phẩm du lịch - thể thao biển đặc trưng, dọc theo bãi biển từ huyện Tuy Phong đến thị xã La Gi, với trung tâm là Khu Du lịch quốc gia Mũi Né và các khu du lịch vệ tinh. Tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023.

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận cũng đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương thi công hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông), đoạn qua địa bàn tỉnh; Cảng hàng không Phan Thiết; thi công hoàn thành các trục đường ven biển và tuyến kết nối đường ven biển với Quốc lộ 1A, cao tốc. Đồng thời, tỉnh ưu tiên bố trí nguồn ngân sách và huy động đa dạng các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh; đầu tư công viên, quảng trường biển, kè biển, bến du thuyền, khu neo đậu tàu thuyền, bãi đậu xe… phục vụ phát triển du lịch.

Bên cạnh những lợi thế, du lịch Bình Thuận còn tồn tại một số hạn chế, như: các loại hình du lịch chưa phong phú, đa dạng; thiếu điểm vui chơi, giải trí và mua sắm hàng lưu niệm, chưa có những tuyến phố ẩm thực phục vụ khách du lịch; chất lượng dịch vụ còn hạn chế; vấn đề xử lý rác thải ở các tuyến đường trung tâm và rác thác ven biển vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Bình Thuận chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Nguồn nhân lực phục vụ ngành Du lịch, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên, phục vụ,... trong các cơ sở du lịch, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh nhìn chung chưa mang tính chuyên nghiệp cao và chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách.

3. Giải pháp phát triển du lịch bền vững tại Bình Thuận

Trước hết, để phát triển du lịch bền vững, trước hết, tỉnh Bình Thuận cần đảm bảo các nguyên tắc thiết lập sự cân bằng phù hợp giữa các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội. Khai thác hợp lý và hiệu quả các tuyến điểm du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở quan tâm đến lợi ích lâu dài, kế thừa các kinh nghiệm phát triển du lịch theo hướng bền vững. Để du lịch phát triển bền vững, việc tạo dựng được môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp; an toàn, thân thiện với du khách là một trong những yếu tố có tính quyết định. Cần ưu tiên sử dụng các loại năng lượng tái tạo trong các phương tiện vận chuyển phục vụ du lịch, giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm không khí, rác thải từ khách du lịch và người dân địa phương. Ngoài ra, cần đề ra một cơ chế giám sát và quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên nhằm hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại tỉnh. Bên cạnh đó, cần phải làm tốt và đồng bộ các công tác khác như: tạo cơ chế phối hợp và chính sách phát triển du lịch bền vững; phát triển du lịch dựa vào cộng đồng… Hơn nữa, phải đẩy mạnh công tác giáo dục về bảo vệ môi trường, công tác này không chỉ dừng lại ở du khách và cộng đồng cư dân địa phương mà còn phải tiến hành cho các nhà lập chính  sách, các nhà quản lý; các đơn vị và đối tượng kinh doanh du lịch tại các điểm du lịch.

Thứ hai, để hoạt động dịch vụ - du lịch của tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn, bảo đảm số lượng du khách ngày càng tăng lên, tỷ lệ du khách quay trở lại ngày càng cao hơn, thời gian lưu trú dài hơn và mức tiêu dùng nhiều hơn, cần thực hiện đồng bộ giải pháp, với quyết tâm cao nhất nhằm khai thác tối đa niềm năng, lợi thế có được về du lịch của tỉnh. Trong quá trình đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất cho du lịch, đặc biệt là cơ sở hạ tầng dẫn đến các điểm du lịch, tăng cường tổ chức các lễ hội truyền thống, các sự kiện mang tầm quốc gia và khu vực, giữ vững thương hiệu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né - Hòn Rơm, liên kết phát triển các tour du lịch lữ hành trong nước và nước ngoài.

Thứ ba, đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, cần được quan tâm nhiều hơn, thường xuyên lắng nghe, trao đổi, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững. Cần có chính sách hỗ trợ các doanh  nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù như hỗ trợ việc nghiên cứu, quảng bá các chương trình, sản phẩm du lịch đặc thù; hỗ trợ cho doanh nghiệp việc vay vốn phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hợp tác công - tư, nhất là trong xây dựng hạ tầng, cơ sở lư trú, khu vui chơi giải trí.

Thứ tư, về công tác quy hoạch, ứng dụng công nghệ để phát triển các khu du lịch: Quy hoạch ngành Du lịch phải đảm bảo tính khoa học, gắn với quy hoạch tổng thể để phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tài nguyên môi trường. Chính quyền địa phương cần thực hiện tốt quy hoạch về nguồn nước sạch cho đô thị và các vùng nông thôn, nhất là các vùng du lịch, vùng kinh tế trong điểm, tránh tình trạng quy hoạch thiếu đồng bộ, chồng chéo, gây khó khăn cho công tác quản lý chung và quản lý môi trường nói riêng.

Thứ năm, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch bền vững. Cần triển khai ngay việc xây dựng chiến lược, các chương trình, kế hoạch dài hạn và hàng năm về xúc tiến, quảng bá du lịch, nhất là các loại hình du lịch thân thiện với môi trường, du lịch tâm linh, du lịch di sản...; đẩy mạnh hoạt động liên kết nhằm nâng cao hiệu quả tổng hợp trong xúc tiến, quảng bá. Việc đẩy mạnh các chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm mở rộng hoạt động quảng bá du lịch của tỉnh cũng rất cần thiết. Cùng với đó, cần đầu tư nguồn kinh phí thỏa đáng cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; mở rộng xã hội hóa công tác quảng bá du lịch, khuyến khích động viên các doanh nghiệp tích cực, chủ động hơn trong công tác quảng bá của doanh nghiệp mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Bá Lâm (2007), Giáo trình Tổng quan về du lịch và phát triển du lịch bền vững, NXB Hà Nội.
  2. Nguyễn Thị Tuyết Nga, Nguyên Thu Hiền (2020), “Nghiên cứu các tiêu chí đánh giá và những nhân tố tác động đến phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam”, Tạp chí Công Thương, số 16, T7.
  3. Nguyễn Phước Quý Quang (2017), “Phát triển du lịch bền vững thành phố Cần Thơ đến năm 2020, Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế, Trường Đại học Tây Đô”, số 1.
  4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận (2023). Báo cáo tình hình hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh năm 2022.
  5. Buckley, R. (2012), ‘Sustainable Tourism: Research and Reality’, Annals of Tourism Research, 39(2), 528-546.
  6. John Swarbrooke, (2000), Sustainable Tourism Management, CABI Publishing, UK,P.13
  7. Machado, (2003): Tourism and Sustainable Developemnt, Capacity Building for Tourism Development in VietNam, VNAT and FUDESO, VietNam.
  8. Making Tourism More Sustainable. A Guide for Policy Makers, (2005). France/Spain, UNEP/WTO.
  9. Miller, G. & Twining-Ward, L. (2005). Monitoring for a Sustainable Tourism Transition, The challenge of developing and using indicators, CABI, Wallingford.

Developing Binh Thuan province’s tourism sustainably

Master. Vu Manh Cuong

Ho Chi Minh City University of Food Industry

BSTRACT:

Tourism is one of the important economic sectors of Binh Thuan province. Tourism development would contribute to the province’s economic restructuring process and state budget. By analyzing and assessing conditions for the sustainable development of Binh Thuan province’s tourism sector, this paper proposes some solutions to develop Binh Thuan province’s tourism sector sustainably in order to effectively exploit the province’s tourism potential with the sustainable use of existing tourism resources and environmental protection.

Keywords: sustainable tourism, environmental landscapes, traditional festivals, Binh Thuan province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11 tháng 5 năm 2023]