Phát triển bộ sưu tập số tài liệu nội sinh của thư viện đại học ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp

TRẦN THỊ BÍCH NGỌC1 - MAI THỊ UYÊN2 - NGUYỄN THỊ NGÂN3 - NGUYỄN THỊ XUÂN HÒA4 ( (1): Phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội - (2); Cao học viên chương trình thạc sĩ khoa học Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội - (4): Tiến sĩ, giảng viên Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội - (3): Thạc sĩ, thư viện viên Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Chuyển đổi số đang diễn ra rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có giáo dục đại học giữa bối cảnh công nghiệp 4.0 và xu thế hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Trong các cơ sở giáo dục đại học, thư viện đại học đang có những thay đổi cơ bản theo hướng phát triển thư viện số kết hợp với thư viện truyền thống nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng trong kỷ nguyên số. Bài báo đề cập đến vấn đề xây dựng và phát triển bộ sưu tập số nội sinh - là một bộ phận cấu thành quan trọng của bất kỳ thư viện số trường đại học nào. Đây là vấn đề đang cần rất nhiều sự quan tâm của các trường đại học Việt Nam, do sự phát triển các thư viện số này trong thời gian qua còn chưa tương xứng với tiềm năng và vai trò của các trường như là những trung tâm lớn sáng tạo lớn các tri thức của xã hội.

Từ khóa: chuyển đổi số, thư viện số, bộ sưu tập số, tài nguyên số, nguồn tài liệu nội sinh.

1. Đặt vấn đề

Quá trình chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra ở tất cả các ngành, các lĩnh vực của đời sống và giáo dục đại học (GDĐH) cũng không ngoại lệ. CĐS trong GDĐH là một quá trình thay đổi về công nghệ và tổ chức, chủ yếu do sự phát triển của công nghệ số, nhằm thiết kế lại các dịch vụ giáo dục và đổi mới phương thức hoạt động của GDĐH ( [1][2]. Nó hỗ trợ đổi mới giáo dục bằng cách giảm bài giảng trực tiếp, tăng cường tự học và cá nhân hóa, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi và góp phần tạo ra xã hội học tập lâu dài [3].

Những thay đổi của GDĐH liên quan mật thiết đến tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong thời đại số. Từ năm 1971, Alvin Toffler [4] cho rằng thời đại công nghệ thông tin sẽ buộc các trường đại học (TĐH) phải thích ứng với tốc độ thay đổi ngày càng nhanh, làm tiền đề cho quá trình học tập suốt đời. Mô hình đại học mới trong thời đại kỹ thuật số khi công nghệ thông tin được ứng dụng trong thư viện đã được mô tả như điều kiện tồn tại và phát triển trong thời đại số, khi mà các TĐH hiện nay có xu hướng phấn đấu trở thành một “Đại học số” dù cho đến nay còn chưa có khái niệm đầy đủ về nó. Jones, C. & Robin, G. [5] đã coi thuật ngữ “đại học số” như một khái niệm có tính diễn ngôn và trên thực tế ngụ ý về các TĐH ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT).

Thư viện được coi như trái tim của TĐH, nơi cung cấp kiến ​​thức phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, nghiên cứu khoa học cho giảng viên và sinh viên [6]. Thư viện đại học được Reitz [7] định nghĩa là một thư viện hoặc hệ thống thư viện do TĐH thành lập, quản lý và tài trợ để đáp ứng nhu cầu thông tin, nghiên cứu và chương trình giảng dạy, học tập của sinh viên, giảng viên và nhân viên nhà trường, hỗ trợ cho các hoạt động của TĐH đạt được các mục tiêu và sứ mệnh của mình trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.

Khi mà TĐH thực hiện CĐS, việc xây dựng thư viện số là nhiệm vụ hàng đầu tất yếu,  với trọng tâm là phát triển các bộ sưu tập số từ các nguồn tài nguyên số ngoại sinh và nội sinh. Xu hướng số hóa và phát triển nguồn tài liệu nội sinh để phục vụ lưu trữ, học tập, nghiên cứu và giảng dạy đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực thư viện đại học trên thế giới cũng như ở Việt Nam [8]. Nguồn tài liệu này là sản phẩm của hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập, thể hiện chất lượng đào tạo của TĐH, có nội dung phù hợp, phục vụ trực tiếp cho hoạt động này, góp phần trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của TĐH [8] [9]. Hiện nay, rất nhiều TĐH đã và đang xây dựng bộ sưu tập số nội sinh, làm phong phú thêm nguồn tài nguyên số của thư viện. Tuy nguồn tại liệu nội sinh có vai trò quan trọng như vậy, nhưng việc xây dựng bộ sưu tập số này còn có nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến việc thống nhất nhận thức về tầm quan trọng và cơ cấu bộ sưu tập từ nhân viên thư viện đến lãnh đạo TĐH, đến quyền truy cập, khả năng chia sẻ nguồn tài liệu này giữa các trường cũng như đối với người dùng tin.  

2. Một số khái niệm

Waters D.J. [10] đã đưa ra khái niệm thư viện số dựa trên sự phát triển của CNTT-TT, cho rằng đó là tổ chức cung cấp các nguồn tài nguyên, có các cán bộ chuyên trách để lựa chọn, cấu trúc và bảo quản các bộ sưu tập số, cung cấp khả năng truy cập thông minh phục vụ cho một cộng đồng hoặc một nhóm cộng đồng xác định. Gary Cleveland [11] đã tổng hợp các ý kiến ​​được trình bày trong nghiên cứu của nhiều học giả trước đó và cho rằng thư viện số có những đặc điểm sau: (a) thư viện số là bộ mặt kỹ thuật số của thư viện truyền thống bao gồm bộ sưu tập kỹ thuật số và bộ sưu tập tài liệu truyền thống, cho dù chúng ở định dạng kỹ thuật số hoặc giấy; (b) các thư viện số cũng bao gồm các nguồn tài liệu kỹ thuật số của các thư viện số khác trong mối hợp tác và liên kết; (c) các quy trình và dịch vụ được chuyển đổi sang nền tảng kỹ thuật số; (d) phục vụ cộng đồng người dùng rộng lớn hơn thông qua mạng.

Khái niệm thư viện số cũng dần được hoàn thiện cùng với sự tồn tại của nó và được mô tả như một cơ sở dữ liệu trực tuyến chứa đựng các đối tượng số, có thể bao gồm văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, tài liệu số và các định dạng kỹ thuật số khác, có thể truy cập qua internet. Vì vậy, nó còn được gọi là thư viện trực tuyến, thư viện internet, thư viện ảo, hoặc bộ sưu tập kỹ thuật số [12].

Nhấn mạnh các tính năng kỹ thuật của thư viện số trong giáo dục, UNESCO [13] định nghĩa nó là một tập hợp rất lớn các đối tượng kỹ thuật số hay một bộ sưu tập thông tin lớn đã được lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số, bao gồm tất cả các loại tài liệu và dữ liệu đa phương tiện, được phân loại và lưu trữ và truy cập được thông qua mạng máy tính. Thư viện số đại học đóng một vai trò quan trọng trong việc dạy và học vì hai ưu điểm: (1) khả năng tái sử dụng tài nguyên: giáo viên có thể chia sẻ tài nguyên số theo những cách mà tài liệu giấy không thể thực hiện được; (2) sinh viên dễ dàng tích hợp và sử dụng vào các công trình học tập và nghiên cứu. Tuy nhiên, việc dễ dàng tích hợp là cơ hội, tạo điều kiện cho các môn học phong phú hơn, đồng thời là nguy cơ, khiến học sinh dễ đạo văn. Cốt lõi của thư viện số thông minh trong thời đại công nghiệp 4.0 là khả năng đáp ứng linh hoạt nhu cầu của người sử dụng thông tin trên nền tảng tài nguyên thông tin số và dịch vụ trực tuyến [14].

Từ những khái niệm và đặc điểm của thư viện số trình bày ở trên, thấy rằng, thư viên số bao gồm các tài nguyên số hay còn gọi tài nguyên điện tử (e-resources), các bộ sưu tập số, gồm các loại sách, tạp chí và các dạng tài liệu đọc khác được chuyển đổi thành dạng số hóa để máy tính có thể đọc được và có thể được truy cập qua mạng [15]; đối với thư viện đại học (TVĐH), tài nguyên số thường bao gồm nguồn tài nguyên số nội sinh (nguồn tài liệu nội bộ phi thương mại của TĐH và tài nguyên số ngoại sinh (các bộ sưu tập số bên ngoài của các thư viện, trung tâm thông tin, cơ sở dữ liệu trong nước và nước ngoài có thể truy cập được theo hợp tác và liên kết hay thuê bao quyền truy cập).

Hội nghị quốc tế lần thứ ba về tài liệu nội sinh (grey literature) năm 1997 đưa ra khái niệm tài liệu nội sinh là những “thông tin được tạo ở tất cả các cấp chính quyền, giới học thuật, doanh nghiệp và ngành công nghiệp ở định dạng điện tử và in ấn, không bị kiểm soát bởi xuất bản thương mại", tức là ở nơi xuất bản hay công bố chúng không vì mục đích thương mại. Hiểu một cách đơn giản, tài liệu nội sinh là bất kỳ thông tin nào không được phát hành bởi xuất bản thương mại, bao gồm các dạng, như: báo cáo nghiên cứu khoa học, tài liệu làm việc, kỷ yếu hội nghị và hội thảo, luận án, luận văn, sách trắng, blog, bản ghi âm, bài đăng trên mạng xã hội, các hướng dẫn, tài liệu chính sách, báo cáo do các cơ quan chính phủ, giới học thuật, doanh nghiệp và ngành sản xuất phát hành [16]. Nguyễn Hoàng Vĩnh Vương [8] cũng cho rằng tài liệu nội sinh là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực thư viện để chỉ những tài liệu của các tổ chức kinh doanh, trường học, viện nghiên cứu tạo ra trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và sản xuất của mình. Đối với các TĐH, nguồn tài liệu nội sinh gồm báo cáo số liệu, báo cáo kết quả nghiên cứu, tài liệu hội nghị, hội thảo khoa học, đề tài nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án,... Ngày nay, cùng với sự phát triển CNTT-TT, tài liệu nội sinh còn được biết đến là các blogs hay các trang mạng xã hội của các nhà nghiên cứu và các trường. Có thể khái quát nguồn tạo liệu nội sinh dưới dạng sơ đồ như trong Hình 1.

 

3. Các vấn đề liên quan đến phát triển nguồn tài liệu nội sinh của thư viện đại học ở Việt Nam

Đa số các TVĐH hiện nay tạo lập và phát triển nguồn tài liệu nội sinh số theo cơ cấu trong Hình 2. Điển hình là tài liệu nội sinh thư viện số Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) với bộ sưu tập số tài liệu nội sinh rất lớn của 24 đơn vị thành viên, gồm 96.833 đầu mục tài liệu.

Trong khi cơ cấu bộ sưu tập số tài liệu nội sinh của ĐHQGHN có 6 thành phần là: (1) các bài báo đăng trong các tạp chí và tập san nội bộ, hội thảo, hội nghị trong và ngoài nước; (2) đề tài, công trình nghiên cứu khoa học; (3) luận án tiến sĩ; (4) luận văn thạc sĩ; (5) luận văn sinh viên tốt nghiệp; (6) học liệu mở (e-book, giáo trình số,...), thì ở một số TĐH khác, do quan niệm và cách thức sưu tập, sắp xếp, bộ sưu tập số tài liệu nội sinh lại xếp theo cơ cấu khác.

Bộ sưu tập số tài liệu nội sinh của Thư viện Tạ Quang Bửu Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN) theo thống kê trên website của thư viện có 17.262 đầu mục tài liệu theo 4 chỉ mục. (Hình 3)

Tương tự, bộ sưu tập số tài liệu nội sinh trên cổng Trung tâm thông tin - Thư viện số Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội chỉ hiện diện 4.472 đầu mục tài liệu, trong đó 377 luận án tiến sĩ và 4.095 luận văn. Bộ sưu tập số tài liệu nội sinh Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG - HCM) có 2.280 đầu tài liệu nội sinh theo cơ cấu trong Hình 4.

Các bộ sưu tập số tài liệu nội sinh của các trường khác cũng trong tình trạng tương tự. Ngoài các đầu mục tài liệu được liệt kê còn có các bài báo, đề tài nghiên cứu, học liệu được các giảng viên, cán bộ trường được xếp chỉ mục theo chuyên ngành và tác giả. Nhìn chung, nghiên cứu cơ cấu nguồn tài liệu số nội sinh của các TĐH đưa lên cổng thông tin của thư viện số của các trường, chúng tôi đưa ra nhận định chung là:

- Cơ cấu tài liệu số nội sinh khác nhau, không thống nhất. Ví dụ, bộ sưu tập của ĐHQGHN phong phú, gồm các công trình, đề tài NCKH, các bài báo đăng tạp chí và nội san, hội thảo, hội nghị trong và ngoài nước, nguồn học liệu mở, luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ và sinh viên tốt nghiệp nhưng lại không có chỉ mục bài giảng; thư viện số của Trường ĐHQG-HCM không có chỉ mục luận văn thạc sĩ và sinh viên tốt nghiệp; thư viện số Tạ Quang Bửu của ĐHBKHN không có chỉ mục các bài báo đăng các tạp chí nội san và các công trình, đề tài NCKH các cấp độ. Đặc biệt, thư viện số của Đại học Kinh tế quốc dân chỉ có bộ sưu tập luận án và luận văn, trong khi có rất nhiều đề tài NCKH, học liệu mở và bài giảng số;

- Các bộ sưu tập số tài liệu nội sinh đều không đầy đủ. Ví dụ, ĐHBKHN chưa có chỉ mục các bài báo, các bài nghiên cứu đăng tạp chí hay tập san nội bộ, kỷ yếu hội thảo và hội nghị khoa học. Trong khi đ,ó theo thống kê trên cổng thông tin điện tử của trường, chỉ riêng năm 2019 - 2020, theo báo cáo thường niên 2020, có tới 537 bài đăng trong kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và nước ngoài thuộc loại tài liệu nội sinh;

- Chỉ mục bài giảng gần như không hiện diện, hoặc rất ít ỏi ở tất cả các bộ sưu tập số tài liệu nội sinh của các TVĐH, trong khi các giảng viên đều đang số hóa các bài giảng của mình.

Những hạn chế nêu trên, theo ý kiến chúng tôi, có thể do những nguyên nhân khác nhau.

Thứ nhất, quan niệm về bộ sưu tầm số nguồn tài liệu nội sinh và cơ cấu của nó không thống nhất, dẫn đến các chỉ mục khác nhau và sự thiếu vắng của các bộ sưu tập quan trọng có giá trị như các đề tài NCKH, bài giảng, nguồn học liệu mở nội sinh. Có thư viện lưu giữ công bố các luận văn của sinh viên trong bộ sưu tập số nội sinh, trong khi nhiều nơi khác không có.

Thứ hai, mối quan hệ chưa được thống nhất chặt chẽ theo quy chế giữa thư viện của TĐH và các đơn vị khoa, viện, trường thành viên, phòng ban quản lý, nhất là với phòng khoa học và công nghệ, nơi nắm giữ các số liệu thống kê cũng như báo cáo các đề tài NCKH, bài báo trong tạp chí nội bộ, kỷ yếu hội thảo, hội nghị khoa học.

Thứ ba, khả năng số hóa các tài liệu giấy nội sinh của các thư viện còn hạn chế. Số hóa tài liệu nội sinh đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư nhiều trí tuệ, công sức, tài chính và sự đồng bộ các giải pháp về công nghệ, tổ chức quản lý và khai thác tài liệu số, khả năng chia sẻ phục vụ, khả năng bảo trì hạ tầng công nghệ và cập nhật nội dung [8].

Thứ tư, vấn đề bản quyền tác giả. Đa số trong tài liệu nội sinh đều có bộ sưu tập số luận án, luận văn, bài đăng trong các kỷ yếu hội thảo, hội nghị khoa học, học liệu mở, nhưng số lượng bài giảng đưa vào bộ sưu tập số tài liệu nội sinh gần như không công bố hoặc rất ít bởi rào cản liên quan đến vấn đề pháp lý về bản quyền tác giả, năng lực cạnh tranh của mỗi TĐH trong phát triển các nguồn học liệu cho sinh viên và các nguồn tài liệu tham khảo cho giảng viên.

4. Kiến nghị

Nguồn tài liệu nội sinh là sản phẩm của hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập, thể hiện chất lượng đào tạo của TĐH. Để đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ cho học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, TVĐH cần trở thành thư viện số của đại học số trong tương lai, có nghĩa là cần thực hiện CĐS, làm thay đổi mô hình quản lý, cơ sở hạ tầng, số hóa các bộ sưu tập, phát triển các nguồn tài liệu số thông qua hợp tác với các thư viện, cơ sở dữ liệu khác trong và ngoài nước, đồng thời xây dựng và cập nhật bộ sưu tập số nguồn tài liệu nội sinh phong phú của mỗi TĐH; Cần có các biện pháp tổng thể nhằm phát triển bộ sưu tập số nội sinh, chú trọng vào khác phục những vấn đề nêu trên.

Cần có sự thống nhất khái niệm và cơ cấu bộ sưu tập tài liệu nội sinh và hướng dẫn thống nhất cho tất cả các trung tâm thông tin - thư viện, trong đó có TVĐH, khắc phục tình trạng hiểu khác nhau và không đồng nhất về cơ cấu thành phần bộ sưu tập số nội sinh.

Cơ quan chủ quản TVĐH theo Mục 2 Luật Thư viện, trong TĐH là hội đồng trường cần chú trọng vào: (a) đầu tư vào nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ công nghệ thông tin, hạ tầng thư viện, ngân sách để bảo đảm việc số hóa các nguồn tài liệu nội sinh; (b) quy định và kiểm soát việc duy trì quan hệ công tác giữa thư viện với các đơn vị khác của trường, đặc biệt là những bộ phận có nguồn tài liệu phong phú để thu thập, phân loại và bảo quản để phục vụ người dùng tin theo quy định; (c) quy định và kiểm soát việc nộp lưu chiểu tại thư viện các tài liệu nội sinh như luận án, luận văn, các công bố công trình và đề tài NCKH, bài báo nội san, kỷ yếu hội nghị và hội thảo, học liệu mở,...

Cơ quan hữu quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, giải quyết vấn đề đưa bài giảng, trước hết là các bài giảng với các kiến thức chung vào bộ sưu tập của thư viện và từ đó các thư viện có thể cho phép truy cập mở theo từng loại đối tượng dùng tin. Nhiều giảng viên, nghiên cứu viên có blog riêng, trong đó có nhiều tài liệu dưới dạng học liệu mở nên được thư viện phối hợp giới thiệu trong chỉ mục tài liệu số nội sinh.

Cần có sự ủng hộ của lãnh đạo các TĐH cho việc chia sẻ bộ sưu tập số tài liệu nội sinh giữa các TVĐH, coi đây cũng là biện pháp phát triển bộ sưu tập số tài liệu nội sinh chung của hệ thống TVĐH, xem xét việc tiếp cận và truy cập vào các bộ sưu tập này đối với từng đối tượng dùng tin, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng dạy, học và NCKH tại các trường và quá trình cá thể hóa học tập; Các TVĐH cần chủ động trong việc liên kết, hợp tác chia sẻ cơ sở dữ liệu với các đối tác trong và ngoài nước theo thẩm quyền quy định trong Điều 14 Luật Thư viện.

5. Kết luận

Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với các mục tiêu của hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở GDDH là nhiệm vụ hàng đầu của TVĐH. Nguồn tài liệu số nội sinh của TĐH phản ánh một phần chất lượng và quy mô đào tạo và là thành quả lao động của đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên TĐH. Tài liệu số nội sinh đã và đang hỗ trợ tốt cho các xu hướng học tập trực tuyến, cá thể hóa học tập và học tập suốt đời hiện nay. Tuy nhiên, rất nhiều TVĐH của Việt Nam hiện vẫn chưa phát triển được bộ sưu tập số tài liệu nội sinh của mình tương xứng với tiềm năng. Các giải pháp đề xuất trong bài báo này sẽ hữu ích cho công tác quản lý, phát triển bộ sưu tập tài liệu số nội sinh và nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của các TVĐH, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đại học số, kinh tế số, xã hội số hiện nay của Việt Nam. 

Lời cảm ơn:

Nhóm tác giả xin trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ tài chính của đề tài NCKH cấp trường với mã số: T-2021-PC-054, Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Tài liệu tham khảo:

  1. Menendez F. A., Maz-Machado, A., Lopez-Esteban, C. (2016). University Strategy and Digital Transformation in Higher Education Institutions. A Documentary Analysis. International Journal of Advanced Research, vol. 4 (10), 2284-2296.
  2. Kuzu, Ö.H. (2020). Digital Transformation in Higher Education: A Case Study on Stra-tegic Plans. Vysshee obrazovanie v Rossii // Higher Education in Russia. Vol. 29 (3, 2020), 9-23. DOI: https://doi.org/10.31992/0869-3617-2019-29-3-9-23
  3. To Hong Nam. (2020). Digital transformation in the field of education and training: Current status and solutions. Journal of Information and Communication Magazine, issue 2 (April, 2020).
  4. Alvin Toffler. (1980). Future Shock. New York, United States: Bantam Books.
  5. Jones, Chris & Goodfellow, Robin. (2012). The “Digital University”: Discourse, Theory, and Evidence. International Journal of Learning and Media, 4, 59-63. 10.1162/IJLM_a_00103
  6. Harold L. Leupp (924). The Library The Heart of the University. In Bulletin of the American Library Association. Vol. 18, Paper and Proceedings of the Forty - Sixth Annual meeting. August, 1924, 193-197.
  7. Reitz,   M. (2004). Dictionary  for  library  and  information  science.  London:  Libraries Unlimited.
  8. Nguyễn Hoàng Vĩnh Vương. Số hóa tài liệu nội sinh góp phần giảm khoảng cách số trong giáo dục và đào tạo cao đẳng - đại học. Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2014. - Số 3. - Tr. 15-19,30.
  9. Nguyễn Thị Khánh Huyên, 2015. Xây dựng và quản lý nguồn tài liệu nội sinh tại thư viện trường đại học thủy lợi. Luận văn, Hà Nội, 2015.
  10. Waters, D. (1998). What are digital libraries? CLIR Issues, July/August, 1998. URL: http://www.clir.org/pubs/issues/issues04.HTML
  11. Gary Cleveland. (1998). Digital Libraries: Definitions, Issues and Challenges. UDT Occasional Papers, 8 (March, 1998), 1-8.
  12. Savanur, Kiran & M N, Nagaraj. (2004). Design and Implement of Digital Library: an overview. Retrieved from http://eprints.rclis.org/8432/1/ASSIST.pdf
  13. (2006). Digital Libraries in Education. Specialized training course. Study Guide. Moscow: UNESCO Institute for Information Technologies in Education.
  14. Vu Duy Hiep. (2018). Libraries in the era of industrial revolution 4.0. Retrieved from: http://trungtamtttvnth.vinhuni.edu.vn/thu-vien/seo/thu-vien-trong-ky-nguyen-cach-mang-cong-nghiep-40-85654
  15. Pawar, Rohan & Moghe, Girish. (2014). Need of E-Resources in Academic Libraries. Conference: Knowledge Management Challenges for Library and Information Professionals at: Kirloskarwadi, Sangli.
  16. University of Leeds. What is grey literature? https://library.leeds.ac.uk/info/1110/resource_guides/7/grey_literature

The development of digital collections of grey literature at university libraries in Vietnam: Current situation and solutions

Assoc.Prof.Ph.D Tran Thi Bich Ngoc1

Master’s student Mai Thi Uyen2

Ph.D Nguyen Thi Ngan1

Master. Nguyen Thi Xuan Hoa3

1Lecturer, School of Economics and Management, Hanoi University of Science & Technology

2School of Economics and Management, Hanoi University of Science & Technology

3Ta Quang Buu Library, Hanoi University of Science & Technology

Abstract:

Digital transformation is taking place widely in all areas including higher education in the context of the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0), and the digital economy and digital society trends.In higher education institutions, libraries have made fundamental changes to integrate digital resources into traditional libraries in order to improve their service quality and meet the needs of users in the Digital Age. This paper presents the development of digital collections of grey literature which is an important component of any university digital library. This research topic has attracted the attention of Vietnamese universities as the development of digital university libraries has not been commensurate with the potential and position of universities as the centers of knowledge creation in recent years

Keywords: digital transformation, digital library, digital collection, digital resources, grey literature.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 3 năm 2022]