Trong giai đoạn 2011 – 2015, để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục có chỗ đứng vững chắc tại thị trường châu Phi, nâng dần tỷ trọng xuất khẩu thông qua khai thác tiềm năng nhập khẩu của thị trường này, cần tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế chính sách nhằm kết hợp hài hòa giữa các DN nước ta xuất khẩu vào châu Phi.

Đó là nội dung trong Đề án “Phát huy khả năng của các DN xuất nhập khẩu tổng hợp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Phi” được Bộ Công Thương phê duyệt. Bộ sẽ lựa chọn và khuyến khích các DN tham gia Đề án xuất phát từ tình hình thực tế và căn cứ hoạt động thực tiễn của thị trường châu Phi, năng lực kinh doanh và phù hợp với sự quan tâm của DN trong chiến lược xâm nhập thị trường này.

Theo nhận định của Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, kim ngạch buôn bán giữa Việt Nam và châu Phi tăng trưởng nhanh, từ 15,5 triệu USD năm 1991 lên hơn 2 tỷ USD năm 2009, tốc độ trung bình hàng năm trên 30%. Nước ta xuất khẩu sang châu Phi tăng 684 triệu USD năm 2007 lên 1,56 tỷ USD năm 2009. Việt Nam thường xuất siêu với giá trị xuất khẩu cao trên gấp nhiều lần giá trị nhập khẩu. Trong khi các thị trường khác đang có xu hướng bão hòa hoặc đang tăng cường các biện pháp bảo hộ thông qua áp dụng các rào cản kỹ thuật thì châu Phi vẫn còn nhiều cơ hội và triển vọng để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Các mặt hàng Việt Nam xuất sang châu Phi có kim ngạch lớn do phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và yêu cầu về chất lượng không khắt khe. Dù có sự tăng trưởng đáng kể nhưng trao đổi thương mại với châu Phi vẫn ở mức thấp nhất so với các thị trường trên thế giới. Năm 2009, xuất khẩu của Việt nam sang châu Phi chỉ chiếm gần 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và chỉ chiếm 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của châu lục này. Song những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ và nhất là Trung Quốc do giá rẻ hơn và phù hợp với sức mua của người tiêu dùng bình dân châu Phi. Do đó, việc xây dựng đề án đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này là thực sự cần thiết.

Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á cho rằng, phần lớn các quốc gia tại châu lục này còn nằm trong nhóm các nước chậm phát triển, luật lệ cùng với cơ chế và chính sách kinh doanh còn đang trong quá trình tiếp tục được hình thành, không ít nội dung có quy định phức tạp, hệ thống cơ sở hạ tầng lạc hậu, hệ thống ngân hàng chưa phát triển, thông tin liên lạc còn hạn chế… nên nảy sinh một số khó khăn nhất định, khiến cho các DN Việt Nam còn e ngại khi giao dịch, mở rộng hợp tác kinh doanh với các đối tác và xâm nhập thị trường này. Để tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với châu Phi, thời gia qua, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy quan hệ với châu Phi giai đoạn 2008 – 2010. Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình của Chính phủ, trong đó tập trung vào lĩnh vực mở rộng trao đổi thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang khu vực này. Với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, hiện nay các DN Việt Nam đã bắt đầu quan tâm tới giao dịch, làm ăn với các đối tác và thị trường châu Phi.

Mặc dù vậy, với một thị trường có nhiều tiềm năng chưa được khai phá như châu Phi và trước những hạn chế, khó khăn nêu trên, các DN vẫn chưa quan tâm đúng mức trong hoạt động kinh doanh thực tế đối với thị trường này. Theo Đề án, để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục có chỗ đứng vững chắc tại thị trường châu Phi, cần tiếp tục có những cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đối với các DN vừa và nhỏ. Mặt khác, cần lựa chọn, xây dựng hệ thống một số DN lớn, bao gồm DN kinh doanh xuất nhập khẩu tổng hợp có năng lực để tạo thành những đầu mối xuất khẩu chủ lực, chuyên trách đối với một số mặt hàng trọng điểm và tập trung vào một số thị trường trọng điểm tại châu Phi. Đối với những DN này, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ riêng để phát huy lợi thế vốn có của các DN và coi đây như những “mũi nhọn” trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào châu Phi.

Việc lựa chọn các DN này không nhằm phân biệt đối xử giữa các DN mà nhằm mục đích góp phần tăng cường xuất khẩu hàng hóa xét trên bình diện tổng thể thị trường châu Phi nói chung cũng như hỗ trợ và tận dụng thế mạnh đặc thù của một số DN nói riêng. Cùng với đó là lựa chọn thị trường trọng điểm, được xác định là địa bàn có triển vọng phát triển tốt, nhu cầu cao, mức tăng trưởng xuất khẩu khả quan, như: thị trường Ai Cập, Algeria, Bờ Biển Ngà, Senegal, Nigeria, Ghana, Tanzania, CH Nam Phi, Angola. Lựa chọn các mặt hàng xuất khẩu truyền thống, như: gạo, hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử, vật liệu xây dựng; các mặt hàng mới và mặt hàng khác mà châu Phi có nhu cầu.

  • Tags: