Phụ nữ Habeco hành trình về cố đô Hoa Lư

Với mục đích nâng cao nhận thức về văn hóa đi lễ chùa và hoạt động cộng đồng, Ban Nữ công của Tổng công ty CP Bia – Rượu – NGK Hà Nội (Habeco) đã đưa ra ý tưởng tổ chức đợt sinh hoạt “Du lịch tâm linh



          Trụ trì chùa Non nước Đại đức Thích Thanh Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng với đoàn

Văn hóa đi lễ chùa là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam nói riêng, và của người phương Đông nói chung. Nhưng ngày nay, nhiều người lại không ý thức được điều đó và biến chuyện đi lễ chùa thành một thứ “mê tín” của riêng mình. Phú quý sinh lễ nghĩa, người giàu thì cậy thế có tiền đã làm mất đi sự trang nghiêm và yên tĩnh nơi cửa Phật bằng những thứ vật lễ đồ sộ, những lần cúng bái rình rang mà chẳng cần thiết, người nghèo thấy thế, cũng cố làm theo. Người ta đốt thật nhiều vàng mã, cố chen lấn, dẫm đạp lên nhau để được gần Phật hơn với hy vọng để cho Phật “thấy” lòng mình. Đáng lẽ người ta bỏ tiền lẻ vào hòm công đức thì lại rải lên tay Phật, tay tượng. Những người thiếu ý thức đó đã làm cho văn hóa lễ chùa phai nhạt đi giá trị tâm linh của nó.

Với mục đích nâng cao nhận thức về văn hóa đi lễ chùa và hoạt động cộng đồng, Ban Nữ công của Tổng công ty CP Bia – Rượu – NGK Hà Nội (Habeco) đã đưa ra ý tưởng tổ chức đợt sinh hoạt “Du lịch tâm linh” về Cố đô Hoa lư cho chị em vừa tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh vừa tìm hiểu về văn hóa Phật giáo của Việt Nam. Ý tưởng này đã được Ban lãnh đạo đồng tình, hưởng ứng và giao cho Công đoàn Tổng công ty tổ chức. Đoàn gồm các đồng chí trong BCH Công đoàn cùng 80 nữ CBCNV của Tổng công ty và Nhà máy Bia Hà Nội Mê Linh xuất phát từ Hà Nội lúc 5h30 sáng, sau hành trình hơn 3 giờ đồng hồ, Đoàn đã đến TP. Ninh Bình. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Lễ dâng hương tại Chùa Non Nước, tại đây đoàn đã được nghe những câu chuyện hết sức thú vị của Đại Đức Thích Thanh Dũng về lịch sử ra đời của đạo Phật và các trường phái đạo Phật của Việt Nam. Từ những câu chuyện thú vị của Đại đức Thích Thanh Dũng, chị em đã hiêủ ra rằng Phật ở chính trong tâm, nơi cửa Phật không phải là chốn cầu danh, cầu lợi mà là nơi tìm sự bình an trong tâm hồn.

Rời chùa Non Nước, điểm đến tiếp theo của đoàn là chùa Bái Đính, một trong những di sản văn hoá quốc gia có giá trị về mặt lịch sử, tâm linh và danh thắng, nổi tiếng với diện tích 107 ha, trong đó có tượng Phật Tổ Như Lai bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á nặng 100 tấn và ba pho tượng Tam Thế, mỗi pho nặng 50 tấn. Đến chùa Bái Đính, không chỉ cảm nhận được sự linh thiêng của chốn tâm linh mà còn là sự hòa nhập huyền diệu giữa con người trước thiên nhiên cao rộng. Đó là vẻ đẹp của sông nước, đất trời, núi rừng, hang động… làm cho cuộc hành trình về nơi thờ Phật dù có lúc vất vả nhưng vẫn đem lại sự cân bằng trong tâm thức và thể lực cho mọi người.

Tiếp tục cuộc hành trình, Đoàn lên thuyền thăm quan khu du lịch sinh thái Tràng An với diện tích hàng nghìn ha và hơn 100 hang động, hơn nửa số này là hang xuyên thủy động, có thể đi đò từ hang này sang hang kia. Khu sinh thái hang động Tràng An là một trong những danh thắng của Việt Nam ứng cử di sản thiên nhiên thế giới. Toàn bộ khu hang động này chủ yếu thuộc huyện Hoa Lư và một phần phía tây bắc thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Hang động Tràng An xưa chính là hệ thống phòng thủ phía Nam của kinh thành Hoa Lư.

Sau hơn 3 giờ khám phá khu hang động Tràng An, đoàn đã tham quan nhiều di tích lịch sử trong đó tiêu biểu như Phủ Khống - nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà. Tại đây còn cây thị nghìn năm tuổi mà quả có 2 loại: 1 tròn và 1 dẹt. Đền Trần: là nơi thờ trung vương tướng Trần Quý Minh, viên tướng trấn ải Sơn Nam thời Hùng Vương thứ 18. Đền Trình là nơi thờ 2 giám quan mà dân gian cho rằng các ông đã canh gác tại khu vực này.

Sau một ngày lạc vào thế giới huyền bí của chốn tâm linh, đã đến lúc phải trở về với thế giới hiện thực. Dù thời gian thật ngắn ngủi, nhưng những gì nhận được có ý nghĩa thật lớn lao. Sau chuyến đi này, những người phụ nữ giỏi giang, thanh lịch của Habeco, đã, đang và sẽ khẳng định thêm nét văn hóa của người Hà Nội.

  • Tags: