Mô hình nguyên thủ quốc gia ở một số nước trên thế giới và những giá trị tham khảo cho Việt Nam

THS. LÊ PHƯƠNG HOA (Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT:

Nguyên thủ quốc gia có vị trí, vai trò vô cùng to lớn, là biểu tượng cho sức mạnh, sự phát triển, giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của một quốc gia. Bài viết phân tích các mô hình nguyên thủ quốc gia tiêu biểu trên thế giới và gợi mở những giá trị tham khảo cho Việt Nam.

Từ khóa: nguyên thủ quốc gia, chủ tịch nước, mô hình, nhà lãnh đạo, người đứng đầu.

1. Khái niệm, vai trò của nguyên thủ quốc gia

Trong từ điển Tiếng Việt, “nguyên thủ” hay “nguyên thủ quốc gia” được định nghĩa là người đứng đầu một nước, một quốc gia. Thuật ngữ tiếng Anh phổ biến được sử dụng chung để chỉ chức vụ đứng đầu nhà nước là “Head of State”. Trên thực tế, thuật ngữ “Chief of State” cũng được sử dụng thay cho “Head of State” với nghĩa như nhau nhưng không phổ biến. Còn thuật ngữ “Head of Nation” với nghĩa là “nguyên thủ quốc gia” hay “đứng đầu đất nước” rất ít khi được dùng, ngoại trừ một số nước thuộc Khối Thịnh vượng chung Anh, nhưng chủ yếu để làm rõ thêm vai trò đại diện quốc gia của Vua/Nữ hoàng, còn về văn bản pháp lý vẫn sử dụng “Head of State”. Theo từ điển Oxford, đứng đầu nhà nước (Head of State) được hiểu là “Trưởng đại diện công cao nhất của một quốc gia, như tổng thống hoặc quốc vương, người có thể đứng đầu chính phủ[1], hay là “người đại diện chung cho sự thống nhất quốc gia và tính hợp pháp của một nhà nước có chủ quyền[2]. Có thể thấy, các khái niệm này đều hiểu đứng đầu nhà nước ở phạm vi rộng, không chỉ cho thấy mối quan hệ với nhà nước, mà còn với cả quốc gia đó. Trên thế giới, “Nguyên thủ quốc gia” hay “Người đứng đầu nhà nước” được tổ chức rất khác nhau, có vị trí, vai trò khác nhau, tùy thuộc vào mô hình chính thể, chế độ chính trị, sâu xa hơn là phụ thuộc vào truyền thống chính trị, lịch sử văn hóa.

Nguyên thủ quốc gia có vai trò là người đại diện cho nhà nước, đại diện thống nhất quốc gia, dân tộc. Chức năng đại diện của nguyên thủ quốc gia đóng vai trò phối hợp, điều hòa với chức năng đại diện của quốc hội hay nghị viện. Nguyên thủ quốc gia có vai trò là biểu tượng, tạo tính chính đáng. Tính chính đáng được hiểu là sự hợp pháp, hợp lý của quyền lực cai trị, quyền lực nhà nước. Vai trò của nguyên thủ quốc gia trong tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu ứng mạnh vì nguyên thủ quốc gia thể hiện tính chính đáng, niềm tin và tính thiêng liêng của sự thống nhất dân tộc, quốc gia. Bên cạnh đó, nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu nhà nước, thể hiện ở trách nhiệm của nhà nước trong mối quan hệ với nhân dân, nhà nước và các tổ chức khác, trong khi vai trò đại diện của nhà nước nhấn mạnh hơn tính thống nhất trong mối quan hệ với bên ngoài. Ở mô hình chính thể quân chủ và cộng hòa tổng thống, vai trò đứng đầu và điều hành hành của nguyên thủ quốc gia sẽ trở thành trung tâm trong bộ máy nhà nước, nằm quyền lực rất lớn trong việc điều hành chính phủ và có ảnh hưởng đến các nhóm quyền lực khác.

2. Các mô hình nguyên thủ quốc gia tiêu biểu

2.1. Phân loại mô hình nguyên thủ quốc gia

- Căn cứ vào cấu trúc tổ chức, nguyên thủ quốc gia được chia thành mô hình cá nhân và mô hình tập thể:

Mô hình cá nhân là mô hình mà thiết chế nguyên thủ quốc gia chỉ do một người đảm nhiệm.

Mô hình tập thể là mô hình mà nguyên thủ quốc gia do hai hay nhiều người đảm nhiệm. Mô hình này không phổ biến rộng rãi. Ở Việt Nam, theo Hiến pháp năm 1959, dưới sự ảnh hưởng của Liên Xô, mô hình nguyên thủ quốc gia tập thể được hình thành với tên gọi Hội đồng Nhà nước.

- Căn cứ vào mức độ thẩm quyền của nguyên thủ quốc gia có thể chia thành mô hình nguyên thủ quốc gia có thực quyền, mô hình nguyên thủ quốc gia biểu tượng và mô hình nguyên thủ quốc gia có thẩm quyền hạn chế.

Mô hình nguyên thủ quốc gia thực quyền là mô hình ở đó nguyên thủ quốc gia được trao nhiều quyền bao gồm cả đối nội và đối ngoại. Nguyên thủ quốc gia có nhiều quyền nhất khi họ vừa là người đứng đầu nhà nước và đứng đầu cả hành pháp.

Mô hình nguyên thủ quốc gia mang tính biểu tượng không được trao nhiều quyền hạn về đối nội và đối ngoại, vai trò của nguyên thủ quốc gia chủ yếu chỉ mang tính đại diện của quốc gia, đứng đầu nhà nước về danh nghĩa và thay mặt nhà nước trong thực hiện các nghi lễ trong đối nội và đối ngoại.

Mô hình nguyên thủ quốc gia có thẩm quyền hạn chế về cơ bản vẫn mang tính biểu tượng nhưng được trao thêm một số thẩm quyền nhất định trong mối quan hệ với cơ quan lập pháp và hành pháp.

- Căn cứ vào cách thức hình thành nguyên thủ quốc gia hay hình thức chính thể có thể chia thành các mô hình nguyên thủ quốc gia khác nhau và có các biến thể khác nhau từ mô hình nguyên gốc, nhưng chung quy lại có 2 mô hình cơ bản, đó là: mô hình nguyên thủ quốc gia trong chính thể cộng hòa và mô hình nguyên thủ quốc gia trong chính thể quân chủ. Trong mỗi loại hình chính thể lại được chia ra làm nhiều loại chính thể khác. Ví dụ như chính thể quân chủ gồm quân chủ tuyệt đối, quân chủ hạn chế (gồm quân chủ nhị nguyên và quân chủ đại nghị) và quân chủ lập hiến. Chính thể cộng hòa gồm 4 loại mô hình cơ bản, gồm: cộng hòa tổng thống, cộng hòa đại nghị, cộng hòa hỗn hợp và cộng hòa xã hội chủ nghĩa.

2.2. Đặc điểm của các mô hình nguyên thủ quốc gia

2.2.1. Mô hình nguyên thủ quốc gia trong chính thể quân chủ

Nguyên thủ quốc gia trong chính thể quân chủ có tên gọi khác nhau như Vua, Hoàng đế, Quốc vương... Hiến pháp các nước theo mô hình chính thể quân chủ đều ghi nhận Quốc vương là người đứng đầu quốc gia, đồng thời là người đứng đầu nhà nước cả về đối nội và đối ngoại. Có sự khác biệt rất lớn giữa 2 hình thức quân chủ là quân chủ lập hiến và quân chủ chuyên chế. Ở mô hình quân chủ chuyên chế, Quốc vương có vị trí, vai trò tối cao và tuyệt đối trên cả hai vai trò là người đứng đầu quốc gia và người đứng đầu nhà nước (Ả rập Xê Út, Oman). Ngược lại, vai trò của nguyên thủ quốc gia trong chính thể quân chủ lập hiến rất hạn chế và mờ nhạt, vì thực chất quyền lực nhà nước không nằm trong tay nguyên thủ quốc gia mà chủ yếu trong tay Nghị viện nên vai trò của nguyên thủ quốc gia chỉ mang tính biểu tượng và chỉ tập trung ở chức năng đối ngoại (Thái Lan, Nhật Bản, Anh,...)

Ở mô hình chính thể quân chủ lập hiến, nguyên thủ quốc gia có thẩm quyền trong cả đối nội và đối ngoại, trong lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng do vai trò hết sức mờ nhạt, nên mức độ thẩm quyền thấp, chỉ mang tính hình thức. Bên cạnh đó, để đảm bảo vai trò đại diện quốc gia, duy trì tính bền vững của dân tộc, nguyên thủ quốc gia ở mô hình này vẫn có những thẩm quyền riêng hoặc thẩm quyền đặc biệt như thống lĩnh lực lượng vũ trang (Thái Lan), tuyên chiến, ký kết điều ước quốc tế... Một số thẩm quyền khác như đề nghị xem xét lại luật đã thông qua hay được ban hành một số văn bản pháp luật (thẩm quyền lập pháp); hay triệu tập và chủ trì phiên họp hay quyền liên quan đến bổ nhiệm nhân sự ngoại giao, quốc tịch... (thẩm quyền hành pháp); và đặc xá, ân giảm án tử hình... (thẩm quyền tư pháp).

Ở mô hình chính thể quân chủ chuyên chế, thẩm quyền của nguyên thủ quốc gia rất sâu rộng và thực chất. Vua có toàn quyền lựa chọn, bổ nhiệm các thành viên chính phủ. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Nhà Vua và có thể bị thay thế. Ở một số quốc gia như Oman, Ả rập Xê Út,... Vua mặc dù không phải là Thủ tướng, nhưng nắm trong tay quyền hành pháp tối cao với quyền lựa chọn, bãi nhiệm Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Ngoài ra, Vua trong chính thể quân chủ nói chung được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm pháp lý, ngoại trừ tội phản bội Tổ quốc.

Như vậy, mô hình quân chủ hầu như không được đánh giá cao, do thiếu tính dân chủ. Ngày nay, một số nước quân chủ đã dung hòa 2 mô hình này để hình thành biến thể của quân chủ nhị nguyên với thẩm quyền của nguyên thủ quốc gia có nhiều nét tương đồng với mô hình cộng hòa tổng thống tức là Vua sẽ chia sẻ quyền lực với các thiết chế khác.

2.2.2. Mô hình nguyên thủ quốc gia trong chính thể cộng hòa

Nguyên thủ quốc gia ở các nước có chính thể cộng hòa có thể là do một cá nhân hoặc tập thể đảm nhiệm. So với chính thể quân chủ, nguyên thủ quốc gia trong chính thể cộng hòa gắn liền với nhà nước tức là không đứng ngoài nhà nước. Nguyên thủ quốc gia vẫn là người đại diện cao nhất của quốc gia và đứng đầu nhà nước. Mặc dù vậy, các biến thể của chính thể cộng hòa lại có những ghi nhận vai trò khác nhau của nguyên thủ quốc gia. Ví dụ như trong chính thể cộng hòa đại nghị, vai trò của nguyên thủ quốc gia mang tính hình thức vì đề cao vai trò của Nghị viện. Ở chính thể cộng hòa tổng thống, đề cao vai trò của hành pháp và trao cho nguyên thủ quốc gia đứng đầu hành pháp nên vai trò của nguyên thủ quốc gia là rất lớn. Còn ở chính thể cộng hòa hỗn hợp, do không quá đề cao vai trò của thiết chế nào trong tổ chức quản lý nhà nước, nên vai trò của nguyên thủ quốc gia hài hòa hơn, là đại diện cho quốc gia nhưng không trực tiếp lãnh đạo hành pháp.

Thẩm quyền của nguyên thủ quốc gia trong chính thể cộng hòa cũng đa dạng theo mô hình chính thể khác nhau. Ở mô hình cộng hòa tổng thống, nguyên thủ quốc gia là thực quyền (Hoa Kỳ, Hàn Quốc). Ở mô hình cộng hòa hỗn hợp, mô hình nguyên thủ quốc gia là hài hòa còn trong chính thể cộng hòa đại nghị (Đức, Ý, Singapore) thì mô hình nguyên thủ quốc gia mang tính biểu tượng. Phạm vi thẩm quyền của nguyên thủ quốc gia được thể hiện trong mối quan hệ và thực thi quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Trong lĩnh vực hành pháp, nguyên thủ quốc gia có các thẩm quyền:

Nguyên thủ quốc gia trong chính thể cộng hòa đại nghị có thẩm quyền hơn trong bổ nhiệm nhân sự và quyết định hành pháp. Mặc dù vậy, thẩm quyền này vẫn theo ý chí đa số của Nghị viện. Ví dụ: ở Đức, nếu tại Hạ viện, Thủ tướng không đạt được số phiếu khi bầu thì khi đó Tổng thống có quyền bổ nhiệm Thủ tướng và giải tán Hạ viện.

Nguyên thủ quốc gia trong chính thể cộng hòa tổng thống là người đứng đầu hành pháp nên tập trung quyền lực và có toàn quyền về hành pháp cả về tổ chức bộ máy và hoạt động ví dụ như ở Hoa Kỳ.

Nguyên thủ quốc gia trong chính thể cộng hòa hỗn hợp có sự chia sẻ quyền hành pháp với Thủ tướng nên giữ thẩm quyền chỉ đạo Thủ tướng và có thể tác động trực tiếp đến bộ máy hành pháp (Ở Nga, Tổng thống chỉ đạo điều hành toàn bộ hoạt động của Chính phủ bất cứ lúc nào).

Trong lĩnh vực lập pháp, nguyên thủ quốc gia có thẩm quyền:

Nguyên thủ quốc gia trong chính thể cộng hòa đại nghị có một số thẩm quyền như: bổ nhiệm một số nghị sỹ, triệu tập các khóa họp, khai mạc kỳ họp; giải tán Nghị viện, kể cả Thượng viện và Hạ viện...

Nguyên thủ quốc gia trong chính thể cộng hòa tổng thống không có nhiều quyền liên quan đến lập pháp do cơ chế phân quyền tuyệt đối. Nổi bật là không có quyền giải tán Nghị viện nhưng lại có một số mang tính kiểm soát, đối trọng, như quyền phủ quyết, quyền gửi thông điệp đến nghị viện...

Trong chính thể cộng hòa hỗn hợp, nguyên thủ quốc gia lại có nhiều quyền liên quan đến hành pháp hơn cả, có thể can thiệp rất lớn trong quá trình xây dựng luật của Nghị viện.

Trong lĩnh vực tư pháp, thẩm quyền của nguyên thủ quốc gia không có nhiều nhằm đảm bảo tính độc lập của hệ thống tư pháp. Nguyên thủ quốc gia có một số quyền liên quan đến bổ nhiệm thẩm phán, khoan hồng, nhân đạo như đặc xá, đại xá, ân giảm án tử hình, miễn giảm hình phạt...

3. Những giá trị tham khảo cho Việt Nam trong việc xây dựng mô hình nguyên thủ quốc gia

Ở Việt Nam, thuật ngữ “nguyên thủ quốc gia” chưa được đề cập chính thức trong bất kỳ bản hiến pháp nào. Tuy nhiên, từ khi thành lập nước đến nay, sau các lần sửa đổi Hiến pháp, dù là cá nhân hay tập thể thì nội hàm khái niệm nguyên thủ quốc gia đã mang ý nghĩa là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nhà nước về đối nội, đối ngoại.

Hiến pháp năm 1946 đã chọn mô hình Chính phủ do nguyên thủ quốc gia đứng đầu. Chính phủ gồm Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Phó Chủ tịch nước và Nội các. Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại luật. Hiến pháp năm 1946 đã sáng tạo ra một chính thể cộng hòa có nhiều yếu tố của chế độ cộng hòa tổng thống, tuy nhiên không hề sao chép nguyên bản của bất kỳ một chính thể cộng hòa tổng thống hoặc cộng hòa lưỡng tính nào. Mô hình nguyên thủ quốc gia đứng đầu Chính phủ là mô hình tập trung quyền lực cho người đứng đầu nhà nước, đồng thời là người đứng đầu Chính phủ.

Theo Hiến pháp năm 1959, Chính phủ được xây dựng theo mô hình nguyên thủ quốc gia chia sẻ quyền hành pháp với Thủ tướng. Mô hình này thường thấy trong chính thể cộng hòa lưỡng tính. Theo Hiến pháp 1959, Thủ tướng đứng đầu Chính phủ nhưng Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khi xét thấy cần thiết có quyền tham dự và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ.

Hiến pháp năm 1980, chế định Chủ tịch nước chịu ảnh hưởng sâu sắc của Hiến pháp Liên Xô năm 1977. Chế định Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Hiến pháp năm 1959 được nhập thành một chế định được gọi là Hội đồng nhà nước, một chế định nguyên thủ quốc gia tập thể. Hội đồng nhà nước có quyền hạn rất lớn do thiết chế này thực hiện chức năng của 2 cơ quan là Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Hạn chế cơ bản của thiết chế Chủ tịch nước tập thể so với thiết chế chủ tịch nước cá nhân là sự kém nhanh nhạy, nguyên nhân chủ yếu bởi Hội đồng nhà nước là thiết chế tập thể, nên các quyết định đều phải trên cơ sở họp, thảo luận và phải được sự đồng thuận của đa số thành viên nên thường không đáp ứng được tình hình có tính khẩn cấp.

Mô hình nguyên thủ quốc gia theo Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 đã có sự thay đổi cơ bản, đó là quay lại mô hình Chủ tịch nước là cá nhân, mang tính biểu tượng. Chế định Chủ tịch nước thuộc nhóm nguyên thủ quốc gia có quyền lực hạn chế, không có quyền phủ quyết dự luật, không có quyền giải tán một bộ phận nào của Quốc hội, không có quyền triệu tập hoặc chủ tọa các phiên họp của Chính phủ, chia sẻ quyền hành pháp với Thủ tướng.

Hiện nay, việc xác định vị trí, vai trò của nguyên thủ quốc gia trong Hiến pháp năm 2013 về cơ bản là hợp lý, tuy nhiên cần bổ sung vai trò kiểm soát quyền lực cho nguyên thủ quốc gia như bổ sung các quyền, cơ chế nhằm tăng cường sự giám sát của nguyên thủ quốc gia đối với lập pháp và hành pháp, đặc biệt là với Chính phủ. Về nguyên tắc, những hoạt động kiểm soát quyền lực của nguyên thủ quốc gia với Chính phủ không cản trở hoạt động bình thường của Chính phủ, nhưng có khả năng ngăn chặn sự lạm quyền một cách kịp thời và hiệu quả./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Oxford University Press (2018), "English Oxford Living Dictionaries", tại trang https://en.oxforddictionaries.com/definition/head_of_state.

[1] Wikimedia Foundation, Inc, Wikipedia The Free Encyclopedia (2018), "Head Of State", tại trang https://en.wikipedia.org/wiki/Head_of_state,

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đỗ Minh Khôi (2014). Chế định nguyên thủ quốc gia trong các Hiến pháp Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia.
  2. Viện Chính sách công và Pháp luật (2013). Các thiết chế hiến định độc lập: Kinh nghiệm quốc tế và triển vọng ở Việt Nam. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  3. Thái Vĩnh Thắng (2018). Chế định nguyên thủ quốc gia qua các bản Hiến pháp Việt Nam dưới góc nhìn tham chiếu. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 12/2018.

The models of head os state in some countries and references for Vietnam

LLM. LE PHUONG HOA

Institute of State and Law

Vietnam Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

The heads of state has a great position and important role in a country. He or she presents the strength, growth, traditional cultural and historical values of a country. This paper analyzes the models of head of state in the world and suggests some references for Vietnam.

Keywords: head of state, president, model, leader.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 11  năm 2022]