Định hướng phát triển Công nghiệp - Thương mại Ninh Thuận đến năm 2010, tầm nhìn 2020

LTS: Ninh Thuận là một tỉnh có tiềm năng và phát triển công nghiệp, nhưng hiện nay công nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nhân chuyến công tác tại Ninh Thuận, phóng viên Tạp chí Công ng

PV: Thưa Chủ tịch, xin Chủ tịch cho biết về những thuận lợi, khó khăn của  Ninh Thuận khi tiến hành CNH-HĐH ?

Bà Hoàng Thị Út Lan: Ninh Thuận bước vào quá trình CNH - HĐH trong bối cảnh xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Phát triển sản xuất Công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và xu hướng phát triển chung. Công nghiệp chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

 Nhưng trên bình diện tổng thể chung, Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng cho phát triển công nghiệp trước mắt và lâu dài, một vùng đất ít mưa nhiều nắng phù hợp với những sản phẩm như: muối công nghiệp, thuỷ sản, thuốc lá, khoáng sản (đá ốp lát, titan), nho, bông vải, gia súc có sừng, đặc biệt là con cừu. Ngành nghề truyền thống nhất là nghề dệt thổ cẩm, gốm sứ của đồng bào Chăm. Bên cạnh đó với đặc điểm khí hậu đặc trưng đã tạo cho địa phương có khả năng thu hút đầu tư sản xuất điện năng từ năng lượng gió với quy mô lớn.

Kể từ khi tái lập tỉnh năm 1992, qua hơn 15 năm hình thành và phát triển, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn thách thức trong điều kiện kinh tế hội nhập, các yếu tố diễn biến phức tạp của nền kinh tế thị trường nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh Đảng bộ và quyết tâm nỗ lực phấn đấu cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay Ninh Thuận cơ bản đã đạt được một số tiến bộ quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội như: nền kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, GDP bình quân mỗi năm tăng 8,2% (giai đoạn 2001-2005); cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ từ 47,9% (năm 2000) tăng lên 59,1% (năm 2005); kết cấu hạ tầng kinh tế giao thông, thủy lợi, công nghiệp  được quan tâm đầu tư; tiềm năng lợi thế từng bước được phát huy. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng những kết quả đạt được thời gian qua là tiền đề cơ bản trong tiến trình đẩy mạnh CNH - HĐH trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận.

 PV: Với những tiềm năng về đất, nước và con người của Ninh Thuận, xin Chủ tịch cho biết về định hướng phát triển Công nghiệp và Thương mại Ninh Thuận giai đoạn 2006-2010, tầm nhìn đến 2020?

Bà Hoàng Thị Út Lan: Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XI đã định hướng về phát triển Công nghiệp và Thương mại giai đoạn 2006 - 2010 như:

1. Đối với Công nghiệp: phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân 24 ~ 25%/năm; tỷ trọng công nghiệp-xây dựng đến năm 2010 chiếm 35% trong GDP của Tỉnh. Khâu đột phá để tăng trưởng công nghiệp là hoàn thành các khu, cụm công nghiệp, tập trung hoàn thành các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn; tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương xây dựng các ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn Tỉnh. Đẩy mạnh công tác khuyến công, khuyến khích phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với giải quyết việc làm; khôi phục các làng nghề truyền thống gắn với du lịch, đồng phát triển một số làng nghề có lợi thế trên địa bàn của Tỉnh.

 2. Đối với Thương mại: phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 12 ~ 13%/năm (chưa tính yếu tố trượt giá); Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2010 đạt 90 đến 100 triệu USD. Phát triển thương mại trên tất cả các vùng đô thị, nông thôn, miền núi thúc đẩy giao lưu hàng hóa mở rộng thị trường; hình thành các khu trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; tăng cường công tác quảng bá, liên kết, xúc tiến thương mại.

Về tầm nhìn đến năm 2020, đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn Tỉnh, ngoài các mục tiêu định hướng cho giai đoạn 2006 - 2010 đã đề ra, giai đoạn đến 2020 hoạt động công nghiệp và thương mại tập trung các vấn đề trọng tâm như: Thu hút và lấp đầy các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, chú trọng phát huy lợi thế về điều kiện thiên nhiên để phát triển năng lượng điện gió. Tiếp tục rà soát, bổ sung Quy hoạch phát triển các hệ thống Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; xây dựng mạng lưới phân phối hàng hóa, chú trọng khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm đáp ứng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thị trường.

PV: Thực hiện định hướng đề ra, đến nay Ninh Thuận đã đạt những thành tựu gì về phát triển công nghiệp và thương mại của địa phương, thưa Chủ tịch?

Bà Hoàng Thị Út Lan: Năm 2008, là năm thứ ba thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2006 - 2010. Qua 6 tháng đầu năm 2008 cả nước nói chung và Ninh Thuận nói riêng trong bối cảnh có nhiều khó khăn do tình hình lạm phát và giá cả diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân Tỉnh và nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp và doanh nghiệp, đến nay, ngành Công Thương đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ:

 - Tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm giai đoạn 2006–2008 là 16,38%. Dự kiến năm 2008, giá trị sản xuất ngành Công nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 24 ~ 25% như kế hoạch đã đề ra. Như vậy, để đạt được chỉ tiêu định hướng đề ra.

 - Một số sản phẩm chủ yếu tăng khá so với năm 2005: Đường RS 7.086 tấn tăng 72,7%; Nhân hạt điều 7.800 tấn tăng 15,38%; Hải sản xuất khẩu 2.438 tấn tăng 63,62%; Xi măng 175.000 tấn tăng 6,25 lẩn; Gạch tuy nen 95,85 triệu viên tăng 102%; Điện thương phẩm 218 triệu kWh tăng 30,3%; Nước máy 6,85 triệu m3 tăng 58,8%; Phân hữu cơ vi sinh 11.000 tấn tăng 18,14%; Tinh bột mì 5.000 tấn tăng 121,5%; May công nghiệp 1.500.000 SP tăng 179,8%;...

 - Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ dự kiến năm 2008 tăng trưởng bình quân là 21,99%. Nếu trừ chỉ số trượt giá thì bình quân chỉ tăng từ 12 ~ 13% (Chỉ tiêu Nghị quyết tăng 12 ~ 13%). Phấn đấu đến năm 2010, đạt chỉ tiêu về tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ.

- Kim ngạch xuất khẩu: Dự kiến năm 2008, đạt 45 triệu USD, đạt 50% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra và phấn đấu đến năm 2010, đạt 90 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân tăng 22,39%.

 - Đầu tư xây dựng cơ bản: Ước giá trị đầu tư toàn ngành Công Thương giai đoạn 2006-2008 đạt 1.855 tỷ đồng, đạt khoảng 30% tổng giá trị đầu tư đến năm 2010; Trong đó đầu tư: sản xuất công nghiệp 1550,6 tỷ đồng; phát triển điện 45 tỷ đồng; hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp 215,7 tỷ đồng; hoạt động thương mại 43,7 tỷ.

Như vậy, để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ đề ra cho Ngành Công Thương đến năm 2010 là hết sức nặng nề và khó khăn. Do đó, Uỷ ban nhân dân Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, điều hành một cách quyết liệt và đồng bộ nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại.

PV : Xin cảm ơn bà.