Long An: Những chuyến xe lưu động lan tỏa tình yêu hàng Việt

Những chuyến xe lưu động đã mang lại lợi ích kép cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, lan tỏa tình yêu hàng Việt trên địa bàn tỉnh Long An.

Thời gian qua, các điểm bán hàng Việt, Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, Phiên chợ Công nhân, chuyến xe lưu động bán hàng bình ổn tại các khu, cụm công nghiệp… được triển khai khá hiệu quả trên địa bàn tỉnh Long An. Qua đó, góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.

Hàng Việt ở Long An

Những mặt hàng sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ cao tại Co.opmart Tân An

Những chuyến xe lưu động góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện Thạnh Hóa vừa tổ chức lễ ra mắt điểm bán hàng Việt tại ấp 1, xã Tân Tây, nhằm giới thiệu, trưng bày và bán các sản phẩm theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của huyện với giá cả phải chăng, hợp túi tiền của người lao động nông thôn, như sản phẩm Mật ong hoa tràm, hoa nhãn của Cơ sở mật ong Quang Vinh; Rượu chanh Khắp Phượng; Mắm cá lóc bà Năm Nô; Kẹo khóm Kim Thoa...

Theo Sở Công Thương Long An, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở đã phối hợp tổ chức các Phiên chợ Công nhân, chuyến xe lưu động bán hàng bình ổn tại Khu công nghiệp Thuận Đạo (huyện Bến Lức) và Khu công nghiệp Hải Sơn (huyện Đức Hòa), các phiên bán hàng được tổ chức lưu động từ 16-20 giờ hàng ngày, phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân và người dân.

Việc tổ chức các phiên chợ, chuyến xe lưu động đã mang lại lợi ích kép cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia với nhiều hàng hóa, sản phẩm được sản xuất trong nước, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của công nhân, lao động như thời trang may mặc, nhựa gia dụng, thực phẩm... Đây là những mặt hàng có nguồn gốc trong nước, xuất xứ rõ ràng, giá bán hợp lý, mẫu mã đa dạng.

Thông qua các phiên chợ, chuyến xe lưu động, các nhà sản xuất, kinh doanh sẽ có đánh giá đầy đủ về thị trường địa phương, doanh nghiệp sẽ trực tiếp biết được ý kiến của người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình, từ đó có điều chỉnh sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đây cũng là cơ hội tốt giúp doanh nghiệp có thể gặp gỡ các nhà phân phối, đại lý tiềm năng để có kế hoạch hợp tác, đầu tư phát triển sau này. Củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp vào thị trường nông thôn, tạo động lực để doanh nghiệp chủ động đưa hàng hóa về vùng sâu, vùng xa.

Hàng Việt ở Long An

Các phiên chợ công nhân, chuyến xe lưu động góp phần đưa hàng Việt đến gần công nhân, lao động trên địa bàn tỉnh

Bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết, từ khi triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến nay, đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng rất lớn của toàn xã hội. Các doanh nghiệp nhận thức sâu sắc được trách nhiệm của mình và xác định Cuộc vận động là cơ hội phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên, chiếm lĩnh thị trường nội địa. Cuộc vận động đã hình thành nét văn hóa trong sản xuất và tiêu dùng của người Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh của hàng nội địa, xóa bỏ dần tâm lý “sính” hàng ngoại”. 

Bên cạnh đó, việc tổ chức các phiên chợ, chuyến xe lưu động không chỉ đơn thuần là đạt được doanh số bán hàng, mà quan trọng hơn là từng bước chuyển biến nhận thức của người tiêu dùng về lựa chọn hàng hóa. Không những thế, người dân khu vực nông thôn, công nhân, lao động còn được tìm hiểu, tạo thói quen mua sắm những mặt hàng chất lượng cao do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Từ đó, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với những hàng hóa được bày bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.

Trước đó, hồi tháng 6/2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, mạnh thường quân lần đầu tiên tổ chức Phiên chợ hàng Việt 0 đồng trên địa bàn huyện cho 100 hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn được tham gia mua hàng Việt với giá 0 đồng.  Trong khuôn khổ phiên chợ, người dân, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn của huyện Châu Thành được nghe tuyên truyền về lợi ích của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hoạt động này góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam trong sử dụng hàng Việt Nam; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội…

Còn rất nhiều những chuyến xe lưu động, những phiên chợ 0 đồng như vậy được tổ chức nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Long An, góp phần khơi dậy tình yêu hàng Việt, niềm tự hào với các sản phẩm hàng Việt của người tiêu dùng Long An.

Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển hàng Việt

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, trong những năm qua, Sở Công Thương Long An đã tích cực triển khai, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhiều chương trình hành động được Sở Công Thương xây dựng, triển khai nhằm khôi phục, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại; xây dựng chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bền vững.

Hàng Việt ở Long An
Gạo nàng thơm Chợ Đào nổi tiếng tại Long An

Song song đó, Sở Công Thương đã tích cực tham mưu UBND tỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở phát triển sản xuất, kinh doanh; ban hành nhiều kế hoạch, văn bản triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; chương trình Xúc tiến thương mại và Công nghiệp hỗ trợ tỉnh Long An năm 2022...

Đồng thời, Sở Công Thương tiến hành đăng ký dự án thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023, đề xuất kinh phí từ Bộ Công Thương để hỗ trợ các điểm bán hàng Việt tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm dừng chân, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững, Sở Công Thương sẽ mời gọi đầu tư hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện mở rộng kênh phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh; xây dựng, thiết lập hệ thống các điểm bán hàng Việt Nam tại các siêu thị, chợ, khu vực tập trung đông dân cư, khu, cụm công nghiệp, các tuyến, điểm phục vụ khách du lịch đến tham quan, vùng nông thôn, vùng biên giới… 

Bên cạnh đó, Sở Công Thương thường xuyên phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm kinh doanh theo phương thức đa cấp và các hành vi vi phạm khác trong sản xuất, kinh doanh. Sở phối hợp tăng cường hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến sản phẩm, doanh nghiệp.

Hàng Việt ở Long An
Thanh long Châu Thành trái thơm ngon nức tiếng không chỉ với người Long An mà đã trở thành đặc sản cho khách du lịch khi đến địa phương này

Hiện nay, khi mạng xã hội ngày càng phát triển, Sở tiếp tục duy trì các hình thức kết nối cung - cầu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước, thông tin về thị trường, giá cả hàng hóa, nhu cầu kết nối tiêu thụ sản phẩm, các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến... lên Trang thông tin điện tử của Sở; trang fanpage sản phẩm Long An; nhóm Zalo giao thương các tỉnh, Zalo Hiệp hội doanh nghiệp Long An, Zalo đồng hương Long An. Qua đó, nhiều sản phẩm của tỉnh được quảng bá, kết nối tiêu thụ với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Sở Công Thương cũng triển khai hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử với các trang mua sắm như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso, Postmart, Alibaba... 

Có thể nói, trong những năm qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Long An đã phát huy hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo sức sống cho các sản phẩm thuần Việt tại địa phương. Ngoài ra, Cuộc vận động còn giúp người tiêu dùng nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình, giúp các doanh nghiệp và giới doanh nhân nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Hoàng Hồ