Loạt thoả thuận thương mại thuộc chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn được ký

Ngày 28/3, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cùng các đối tác tổ chức Lễ ký kết loạt thỏa thuận thương mại cho chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn.
Lô B Ô Môn
Đại diện các bên có liên quan đến chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn ký kết các thoả thuận thương mại.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV Petrovietnam khẳng định, chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn có quy mô rất lớn và quan trọng của quốc gia, có ảnh hưởng lớn đến động lực phát triển kinh tế và an ninh năng lượng của đất nước.

Đây cũng là dự án lớn và quan trọng bậc nhất của Petrovietnam với quy mô đầu tư toàn chuỗi dự án lên tới gần 12 tỷ USD, bao gồm nhiều dự án thành phần (dự án phát triển thượng nguồn, dự án đường ống và các dự án nhà máy điện ở hạ nguồn), với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư (từ các đối tác nước ngoài Nhật Bản và Thái Lan như MOECO, PTTEP, Marubeni đến các nhà đầu tư Việt Nam như Petrovietnam, PVEP, PV GAS, EVNGENCO2, WTO…

Trong năm 2023, sau thời gian dài chậm triển khai, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết tâm thúc đẩy triển khai dự án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và Petrovietnam cùng các đối tác, dự án đã vượt qua những khó khăn mang tính chất quyết định và đạt được những bước tiến quan trọng.

Vào ngày 30/10/2023, Petrovietnam và toàn bộ các Bên trong Chuỗi dự án, các Bên liên quan trong Chuỗi dự án đã ký kết các Thỏa thuận Khung, các Biên bản Thỏa thuận và trao thầu gói thầu số 1 EPC thượng nguồn.

Trên cơ sở đó, ngày 28/3/2024, Petrovietnam và các Bên đã thống nhất ký kết các Thỏa thuận cho Chuỗi dự án. Việc ký kết thành công các thỏa thuận cho Chuỗi dự án Khí Điện Lô B góp phần đảm bảo tiến độ chung cho toàn chuỗi dự án.

“Chuỗi dự án sẽ là nguồn lực quan trọng, là bước đệm để hỗ trợ thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 với mục tiêu giảm phát thải carbon để ứng phó biến đổi khí hậu, và Quy hoạch điện VIII được xây dựng hướng tới một hệ thống năng lượng xanh hơn, sạch hơn”, ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Lô B Ô Môn
Chuỗi dự án Lô B - Ô Môn khi được triển khai chính thức sẽ tạo ra lượng việc làm lớn cho loạt doanh nghiệp dầu khí Việt Nam.

Các thỏa thuận được ký kết tại buổi lễ gồm:

Thứ nhất, Hợp đồng mua bán khí (GSPA) Lô B với các điều khoản cam kết mua bán khí Lô B giữa Chủ mỏ, gồm các Bên Bán là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí, Công ty MOECO (Nhật Bản), Công ty PTTEP (Thái Lan), với Bên Mua (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Lượng khí Lô B mỗi năm được các Bên cam kết giao nhận khoảng 5,06 tỷ m3 trong Giai đoạn bình ổn.

Thứ hai, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê các Chủ vận chuyển (gồm các Bên: Tổng Công ty Khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty MOECO, Công ty PTTEP), theo các điều khoản, điều kiện cam kết trong Hợp đồng vận chuyển khí (GTA) Lô B, nhằm vận chuyển toàn bộ lượng khí Lô B (khoảng 5,06 tỷ m3/năm) về bờ, qua trạm tiếp bờ tại Kiên Giang và tuyến đường ống trên đất liền từ Kiên Giang về Ô Môn (Cần Thơ).

Thứ ba, Hợp đồng đấu nối, vận hành và dịch vụ (TOSA) giữa Các Chủ mỏ (gồm các Bên là Petrovietnam, PVEP, MOECO, PTTEP) và Chủ Vận chuyển (gồm các Bên: PV GAS, Petrovietnam, MOECO, PTTEP).

Đây là hợp đồng dịch vụ để đấu nối các trang thiết bị của Chủ vận chuyển với giàn khai thác khí Lô B và Chủ mỏ sẽ có trách nhiệm cung cấp dịch vụ liên quan để hỗ trợ Chủ vận chuyển trong suốt thời hạn hợp đồng.

Lượng khí Lô B sau khi về đến bờ, sẽ được Petrovietnam phân bổ và cung cấp cho các Nhà máy điện tại khu vực Ô Môn. Hợp đồng bán khí Lô B giữa Bên Bán (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) với Bên Mua (Tổng Công ty Phát điện 2 - EVNGENCO2) sẽ cung cấp một phần khí Lô B cho Nhà máy điện Ô Môn I, với lượng khí mỗi năm khoảng 1,265 tỷ m3 trong Giai đoạn bình ổn.

Xem thêm: "Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS): Đã hoàn thành 15% các gói thầu Lô B - Ô Môn" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Thay mặt ban lãnh đạo Petrovietnam, Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với vai trò là Chủ Đầu tư của Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV, trong quá trình đàm phán, thống nhất các Hợp đồng mua bán điện, cũng như phối hợp cùng báo cáo Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc sửa đổi các Thông tư cần thiết để đảm bảo các Nhà máy điện sử dụng khí Lô B tiêu thụ hết lượng khí theo cam kết trong các hợp đồng mua bán khí liên quan.

Hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá, với các nỗ lực của Chính phủ, bộ ban ngành và các bên có liên quan, chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn sẽ được nhận Quyết định Đầu tư cuối cùng (FID) trong nửa cuối năm nay.

Qua đó, kỳ vọng mở ra thời kỳ phát triển mới với toàn ngành dầu khí Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thượng nguồn như Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, mã cổ phiếu PVD), Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS)…

Duy Quang