Làm kinh tế ở xứ Mường

KTNT - Những đồi chè xanh mướt, vườn cam vàng rộm, bạt ngàn rừng keo, nứa..., bức tranh kinh tế của Hòa Bình ngày càng khởi sắc, báo hiệu một cuộc sống sung túc. Nhờ đồng vốn chính sách được chuyển tả
Người Mường thoát nghèo Vốn là vùng đất gian khó, đồi núi khô cằn với phần đông dân số là người Mường nên việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở Hòa Bình không hề thuận lợi. Tuy nhiên, từ khi Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Hòa Bình triển khai các chương trình cho vay đối với hộ nghèo, cuộc sống của bà con đã hoàn toàn đổi khác. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Bùi Văn Bôi ở xóm Vôi (Liên Vũ - Lạc Sơn) một ngày mùa đông lạnh giá. Trong câu chuyện của mình, anh không quên dành những lời cảm ơn chân thành đến NHCSXH. Anh cho biết, sau khi được vay 10 triệu đồng với lãi suất 0,9%/tháng từ NHCSXH, anh đầu tư nuôi lợn, trâu, bò. Hiện nhà anh nuôi 2 lợn nái và 5 con trâu. Mỗi năm lợn nái đẻ 2 lứa, cho khoảng 45 lợn con, anh giữ lại 10 con nuôi lấy thịt, còn lại bán giống. Cùng với chăn nuôi, gia đình anh Bôi trồng 3.000m2 lúa nước, 2.000m2 ngô; không những thế anh còn tận dụng phế phẩm nông nghiệp trong trồng trọt để làm thức ăn chăn nuôi. Sản xuất hiệu quả, anh có tiền sắm máy cày, máy kéo, vừa làm đất cho mình, vừa đi chở thuê. Hiện mỗi năm, gia đình anh có thu nhập gần 50 triệu đồng. Dù dư sức trả nợ ngân hàng, nhưng năm nào anh cũng đáo nợ rồi vay tiếp chương trình cho vay sản xuất kinh doanh đối với các hộ ở vùng khó khăn để mở rộng sản xuất. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, các gia đình ở xã Liên Vũ còn có ý thức giữ gìn sức khỏe, bảo vệ môi trường. Vì vậy, khi Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lạc Sơn triển khai chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, bà con rất hưởng ứng. Nhớ lại những ngày đầu khi được NHCSXH cho vay 4 triệu đồng theo chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, anh Bùi Văn Phòng không khỏi bùi ngùi. Anh kể, nước sinh hoạt của bà con phụ thuộc hoàn toàn vào cái giếng cuối làng. Vì đông người sử dụng nên cứ vào các tháng mùa khô, nỗi lo thiếu nước lại thường trực trong mỗi gia đình. Năm 2008, được NHCSXH cho vay vốn, vợ chồng anh đào 1 giếng khoan. Nhờ đó, đến nay không chỉ có nước hợp vệ sinh để dùng, gia đình anh còn mở rộng chăn nuôi, trồng trọt. Theo chị Bùi Thị Minh, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, Liên Vũ có 1.117 hộ thì tất cả đều được vay vốn từ NHCSXH. Hầu hết các gia đình đầu tư mua máy nông nghiệp hoặc chăn nuôi. Nhờ vậy, ở khâu làm đất không ai còn dùng trâu nữa, gần như nhà nào cũng có máy cày, máy kéo. Những nhà ít đất canh tác thì cứ 3-4 hộ chung nhau mua một máy cày. Cách đây 3 năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 22% nhưng nay chỉ còn 8%, thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/năm. Không ngại gian khó Hòa Bình đang vào mùa thu hoạch các đặc sản như mía tím Tân Lạc, cam Cao Phong... Đi tới đâu cũng bắt gặp những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của nông dân. Trong câu chuyện của họ, việc làm ăn bằng nguồn vốn chính sách được bàn tán sôi nổi. Theo ông Vũ Đình Đoài, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình, năm 2010 tiếp tục là năm khó khăn đối với NHCSXH trong việc huy động nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng. Song nhờ sự nỗ lực của hệ thống, sự ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, đến nay hầu hết các chương trình tín dụng của Chi nhánh NHCSXH Hòa Bình đang được ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội, nhờ vậy tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,7%. Hiện toàn tỉnh có 2.748 Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ 115,2 tỷ đồng. Trong đó, có 772 Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân với dư nợ 31,1 tỷ đồng; 752 tổ của Hội Phụ nữ, dư nợ 33 tỷ đồng; 634 tổ của Hội Cựu chiến binh, dư nợ 26,3 tỷ đồng; 593 tổ của Đoàn Thanh niên, dư nợ 24,8 tỷ đồng. Phương thức ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội đã giúp các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhanh chóng, thuận lợi và kịp thời. Đồng thời, cũng tạo điều kiện cho chính quyền, hội, đoàn thể các cấp gần dân hơn, giúp người dân phát triển sản xuất, sớm vượt qua đói nghèo. Tuy nhiên, theo ông Đoài, điểm nổi bật trong công tác tín dụng của Chi nhánh trong năm nay chính là việc triển khai huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ nghèo và các đối tượng chính sách thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đây là chủ trương của NHCSXH nhằm huy động nguồn vốn nhàn rỗi của người nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo làm quen với tín dụng, tài chính, qua đó có ý thức dành tiền tiết kiệm để tạo lập nguồn vốn tự có, tạo thêm nguồn vốn mở rộng cho vay trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương. Mặc dù chưa bước sang năm 2011, song Chi nhánh đã đặt ra mục tiêu phấn đấu như tăng trưởng tín dụng 26% so với năm 2010, tổng dư nợ dự kiến đạt 318 tỷ đồng. Trong đó, 55 tỷ đồng cho vay hộ nghèo; 96 tỷ đồng cho vay học sinh, sinh viên; 80 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; 45 tỷ đồng cho vay hỗ trợ xây nhà ở; 22 tỷ đồng cho vay nước sạch vệ sinh môi trường; 10 tỷ đồng cho vay hỗ trợ việc làm.../.