Kinh tế tuần hoàn - Công thức tăng trưởng bền vững của ngành nhựa

Ngành nhựa liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng từ 15 - 16% mỗi năm. Năm 2023, dự kiến ngành nhựa cần khoảng 10 triệu tấn nhựa phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời, tham gia sâu vào chuỗi kinh tế tuần hoàn, cùng doanh nghiệp thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Vậy Hiệp hội sẽ đồng hành và kêu gọi doanh nghiệp ngành nhựa, bao bì tham gia thực hiện trách nhiệm nhà sản xuất (EPR) như thế nào? Phóng viên Tạp chí Công Thương đã gặp gỡ ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Hiệp hội nhựa tái sinh Việt Nam về nội dung này, sau đây xin giới thiệu cuộc trò chuyện:

ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Hiệp hội nhựa tái sinh Việt Nam
Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Hiệp hội nhựa tái sinh Việt Nam.

Phóng viên: Xin ông cho biết đôi lời nhận định về thực tế phát triển của ngành nhựa trong thời gian qua?

Ông Hoàng Đức Vượng: Ngành nhựa ở nước ta còn non trẻ và cạnh tranh rất gay gắt với các nước ở trong khu vực. Đa số các sản phẩm nhựa về công nghiệp, nhựa tiêu dùng của nước ta đa số nhập từ nước ngoài như, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan,...

Thêm vào đó, công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam chưa phát triển bởi phát triển tự phát chủ yếu ở các làng nghề và cơ sở nhỏ. Mặc dù một số địa phương đã lập quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường, nhưng chưa có địa phương nào triển khai quy hoạch các khu công nghiệp cho riêng ngành công nghiệp môi trường, trong đó có ngành tái chế phế liệu nhựa.

Điều này dẫn đến thực trạng nhập khẩu và tái chế nhựa phế liệu là vấn đề nhạy cảm. các cơ quan quản lý và dư luận chưa thực sự hiểu rõ về nhựa phế liệu nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, gây áp lực cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Phóng viên: Vậy vai trò và trách nhiệm của Hiệp hội nhựa tái sinh trong bối cảnh hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Vượng: Hội Nhựa tái sinh – Hiệp hội nhựa Việt Nam được thành lập với mục đích tạo sân chơi cho các doanh nghiệp ngành nhựa, đặc biệt doanh nghiệp nhựa tái chế, trong đó có không ít doanh nghiệp mới chập chững khởi nghiệp. Giờ đây, Hội Nhựa tái sinh đang tham gia với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và các nhà quản lý để thực hiện tốt trách nhiệm EPR trong thời gian tới và đồng hành với các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện nghiêm Luật BVMT năm 2020.

Là một người đứng đầu Hội, tôi nhận thấy sản xuất nhựa tái chế là một ngành có nhiều khó khăn, thách thức trong khi Vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa đang khiến chính quyền các cấp loay hoay chưa có hướng xử lý dứt điểm.

Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn phế liệu các loại, điều này đẩy các doanh nghiệp đứng trước nghịch lý thiếu nguyên liệu, phải nhập về sản xuất nhưng lại bỏ đi, lãng phí nguồn nguyên liệu có thể tái chế từ rác thải, chưa kể còn phải mất thêm nhiều tiền để xử lý.

Phóng viên: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), có nghĩa là sau khi người tiêu dùng vứt bỏ, sản phẩm phải được tái chế theo một tỷ lệ nhất định bởi nhà sản xuất, nhập khẩu. Đại diện Hiệp hội, ông có chia sẻ gì về vấn đề này với cộng đồng doanh nghiệp?

Ông Hoàng Đức Vượng: Việc tái chế không chỉ đem lại lợi ích bảo vệ môi trường, mà còn có lợi cho chính doanh nghiệp. Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, hàng hóa trên thế giới tăng cao, tăng cường thu gom tái chế sẽ giúp doanh nghiệp giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp tái chế.

Hiện nay, ngành tái chế, thu gom trong nước thiếu an toàn tài chính, không có khả năng đầu tư bài bản nên rất cần sự hỗ trợ tài chính từ các nguồn ngân sách, và dòng tiền EPR từ các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần thay đổi ý thức người dân ngay từ việc phân loại rác thải nguồn.

Chính sách EPR là sự đột phá về tư duy của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), là chìa khoá mở ra cánh cửa của phát triển ngành công nghiệp tái chế đồng thời cũng tạo ra sự chủ động cho các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có quyền tự thu gom tái chế, thuê thu gom tái chế, hoặc ủy quyền cho đơn vị trung gian tái chế, trường hợp nhà sản xuất không tự tổ chức tái chế, sẽ phải đóng góp một phần kinh phí vào Quỹ bảo vệ môi trường.

Dòng tiền EPR sẽ giúp doanh nghiệp tái chế đảm bảo về môi trường, giúp chuyển đổi tái chế giản đơn sang tái chế tiên tiến đồng thời tạo điều kiện cho các nhãn hàng cùng ngồi xuống với nhà tái chế để có thể ngay từ ban đầu định hướng thiết kế các sản phẩm bao bì dễ thu gom, có giá trị tái chế, gảm gánh nặng và chi phí chi cả nhà tái chế và các nhãn hàng.  

Tái chế nhựa
Tái chế nhựa không chỉ đem lại lợi ích bảo vệ môi trường, mà còn có lợi cho chính doanh nghiệp.

Phóng viên: Vậy ông có khuyến cáo gì với các doanh nghiệp?

Ông Hoàng Đức Vượng: Mô hình kinh tế tuần hoàn được xác định là chìa khóa vàng gỡ bỏ các vướng mắc và giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp nhựa và ngành nghề liên quan trong cuộc đua xanh. Nó cũng là xu hướng toàn cầu bắt buộc phải thực hiện nếu chúng ta muốn tham gia vào cuộc chơi ngày càng gay gắt chống biến đổi khí hậu

Vì vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần tiếp cận với nền kinh tế tuần hoàn đang được xem là mô hình ưu việt khi tối đa hóa được vòng đời của sản phẩm, tạo ra những nguồn nguyên liệu mới từ phế liệu nhựa để vừa đạt được lợi ích về kinh tế, tạo ra các giá trị mới bền vững cho xã hội và môi trường.

Phóng viên: Ông có đề xuất gì với các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó Bộ TN&MT và một số Tổ chức Quốc tế tại Việt Nam đang đồng hành với Việt Nam trong việc thực hiện Luật BVMT năm 2020?

Ông Hoàng Đức Vượng: Theo tôi, nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về kinh tế tuần hoàn, hướng tới thực hiện kinh tế tuần hoàn trong ngành công nghiệp tái chế nhựa với chủ trương: Nhà nước kiến tạo, doanh nghiệp là động lực trung tâm và cộng đồng tham gia thực hiện. Từ đó, xây dựng lộ trình kinh tế tuần hoàn trong ngành công nghiệp tái chế nhựa, mà trọng tâm là Đề án thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực rác thải nhựa ở Việt Nam.

Phía Hiệp hội nhựa Việt Nam chúng tôi rất cần có cơ chế phối hợp với Bộ TN&MT trong việc quản lý các doanh nghiệp tái chế nhựa. Xem xét công tác cấp mới và cấp lại giấy phép nhập khẩu nhựa phế liệu, nhất là đối với các doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện.

Với các doanh nghiệp tái chế nhựa cần tuân thủ và chấp hành nghiêm túc các chính sách, quy chuẩn do nhà nước ban hành; có sự đầu tư thích đáng chi phí cho công tác bảo vệ môi trường, lập bộ phận chuyên môn về môi trường vận hành và bảo trì các hệ thống; Lựa chọn các đơn vị tư vấn có uy tín; kinh nghiệm; thiết kế; gia công và lắp đặt các hệ thống xử lý hiệu quả; khả thi; vận hành và bảo trì đúng theo thiết kế cũng như nên di dời hay đầu tư mới vào các khu công nghiệp; cụm công nghiệp chuyên ngành.

Bên cạnh đó, cộng đồng xã hội cũng cần thấy rõ trách nhiệm xả thải sau tiêu dùng của mình, ủng hộ sản phẩm tái chế, tìm hiểu thực tiễn để hiểu đúng, không đưa những thông tin bài bác về lĩnh vực xử lý; sử dụng và tái chế nhựa phế liệu để có thông tin kịp thời; chính xác giúp cơ quan quản lý có thông tin cần thiết. Cộng đồng cũng cần ủng hộ các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật; có hiệu quả và không gây ô nhiễm môi trường trong công tác tái chế nhựa tại Việt Nam.

Phóng viên: Vậy còn sự đồng hành và phối hợp với các Tổ chức Quốc tế tại Việt Nam như WWF, UNDP thì sao thưa ông?

Ông Hoàng Đức Vượng: Việc chống ô nhiễm rác thải nhựa cần sự chung tay toàn cầu, đặc biệt các nước đang phát triển như Việt nam rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Năm năm qua, tôi đã tham gia rất nhiều cuộc hội thảo, các cuộc họp của Bộ TN&MT và Chính phủ cũng như được tham gia tham vấn và thẩm định Luật BVMT 2020, Nghị định 08 và chính sách EPR, tôi hiểu rất rõ sự đồng hành và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như WWF, UNDP, IFC, WEF, IUCN, USAID, GIZ... Tôi không thể nói hết được nhưng tôi rất biết ơn họ, những người luôn tiên phong, mang cả kinh nghiệm, tri thức, kỹ thuật và tài chính giúp chúng ta thực nghiệm và xây dựng chính sách đổi mới cho công tác quản lý môi trường và phát triển bền vững của VN, các chính sách đó đang đi vào cuộc sống và tôi tin là môi trường và nhận thức của chúng ta sẽ thay đổi lớn trong những năm tới.           

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Lan Anh