Kinh nghiệm phát triển thị trường bán lẻ nội địa

THS. MAI HOÀNG THỊNH (Khoa Thương mại, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Bài viết này nhằm chia sẻ một số kinh nghiệm phát triển thị trường bán lẻ nội địa trong bối cảnh cuộc đua giành thị phần thị trường bán lẻ tại Việt Nam luôn sôi động trong những năm gần đây. Ngành Bán lẻ của Việt Nam có nhiều tiềm năng và được nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế quan tâm, đầu tư. Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam không chủ động hội nhập, có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài sẽ mất vị thế ngay trên sân nhà. Đặc biệt xu hướng chuyển đổi trong ngành Bán lẻ Việt Nam giai đoạn sau đại dịch Covid-19 đã có nhiều thay đổi. Vì vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp không chỉ mở rộng quy mô bao phủ, mà cần phải đầu tư phát triển mô hình đa kênh để phù hợp với xu thế hiện nay.

Từ khóa: thị trường bán lẻ, doanh nghiệp, nội địa, kinh doanh.

1. Đặt vấn đề

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, ngành Bán lẻ Việt Nam có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội (GDP). Thời gian qua, hoạt động thương mại trong nước phục hồi tích cực, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước, nhu cầu mua sắm tăng. Cùng với đó, kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát; gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc. Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 tăng 21%, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8%).

Kết quả khảo sát doanh nghiệp bán lẻ do Vietnam Report thực hiện gần đây cũng cho thấy, đến nay trên 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch. Sự tăng trưởng của ngành Bán lẻ đã đóng góp rất lớn vào sự phục hồi chung của nền kinh tế, bất chấp tình hình thế giới có nhiều bất ổn. Đặc biệt, trong cuộc đua phục hồi sau dịch Covid-19, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự tăng tốc của doanh nghiệp trong việc ứng dụng số hóa vào quản trị, vận hành, logistics lẫn phân phối.

Có thể nói, tăng trưởng doanh thu bán lẻ hiện nay được hỗ trợ bởi các yếu tố như tăng trưởng thu nhập, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch, cũng như các ngành nghề liên quan gồm vận tải, lưu trú và nỗ lực kiềm chế lạm phát đang phát huy tác dụng.

Mặc dù thị trường bán lẻ trong nước có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 chỉ đạt khoảng 82% quy mô của chỉ tiêu này, nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay. Hơn nữa, hệ thống hạ tầng thương mại như chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa chưa theo kịp nhu cầu phát triển làm gia tăng chi phí thương mại, hạn chế cạnh tranh; hạ tầng thương mại nông thôn chậm phát triển, tác động tới việc khai thác tiềm năng phát triển của thương mại trong nước. Cùng đó, vẫn còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng), nhất là đối với hàng thực phẩm thiết yếu, nên thị trường dễ bị biến động do tác động của tâm lý người tiêu dùng. Đặc biệt, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, găm hàng chờ tăng giá trên thị trường nội địa, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp.

2. Kinh nghiệm phát triển thị trường bán lẻ của một số tập đoàn kinh doanh, phân phối sản phẩm tại Việt Nam

Kinh nghiệm của hệ thống Metro: (1) liên kết, hợp tác với các nhà sản xuất, nhập khẩu trực tiếp từ nhà sản xuất hàng ổn định cả về số lượng, chất lượng và giá cả; (2) đưa ra nhãn hàng riêng, nhiều nhất và liên tục giới thiệu đến người tiêu dùng ở nhiều ngành hàng khác nhau, từ thực phẩm, hóa mỹ phẩm đến đồ dùng nhà bếp, văn phòng hay hàng may mặc. Metro có 6 nhãn hàng riêng là Aro (nhãn hàng thiết yếu giá rẻ với khoảng 500 mặt hàng thực phẩm và 200 mặt hàng phi thực phẩm), Fine food (nhãn hàng chuyên về thực phẩm), Fine dreaming (nhãn hàng phi thực phẩm, đồ dùng gia đình như khăn giấy, hóa mỹ phẩm), Horeca (nhãn hàng dành cho bếp ăn bao gồm thực phẩm và phi thực phẩm), H-Line (nhãn hàng dành cho nhà hàng, khách sạn với các sản phẩm như kem, cà phê, sữa tắm, khăn tắm...) và Sigma (nhãn hàng thiết bị văn phòng); (3) có chế độ quản lý và chăm sóc khách hàng đến từng người.

Kinh nghiệm của Nguyễn Kim: (1) dự đoán được xu hướng thị trường để đi đầu trong việc phát triển dịch vụ bán hàng mới, thích hợp với xu thế hiện đại bằng cách liên tục tạo ra những giá trị vượt trội cho khách hàng, như: môi trường mua sắm rộng rãi, thoáng mát, phong cách lịch sự; nước uống và giữ xe miễn phí; liên tục thiết kế những chương trình hỗ trợ giá, tặng quà giá trị cao cho khách mua hàng; bố trí  nhân viên phục vụ khách hàng tận tình với chất lượng dịch vụ cao; cộng với dịch vụ giao hàng tận nơi, vận chuyển, lắp đặt miễn phí chỉ sau 2 - 3 giờ kể từ khi khách gọi điện thoại đặt mua hàng, đổi sản phẩm khác trong vòng năm ngày kể từ ngày giao hàng. (2) đầu tư vào bộ phận nghiên cứu thị trường để nắm bắt chính xác xu hướng phát triển của ngành và nhu cầu của thị trường, cập nhật liên tục những kiến thức công nghệ và phong cách bán hàng hiện đại. (3) ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược dài hạn với các đối tác trong nhiều lĩnh vực: cung cấp hàng hóa, tài chính - ngân hàng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và truyền thông, như hợp tác với Eximbank để mở rộng điều kiện mua hàng cho khách hàng với nhiều hình thức trả góp, trả chậm; hợp tác Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) để hỗ trợ kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho hệ thống trung tâm bán lẻ; hợp tác với Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh để quảng bá, phát triển thương hiệu, chuyển tải những thông điệp cần thiết của nhà bán lẻ về sản phẩm, công nghệ, dịch vụ để nâng cao hiệu quả chăm sóc khách hàng;…

Kinh nghiệm của Co.opmart: (1) phát triển quan hệ tốt với các cơ quan nhà nước: tranh thủ được các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương bình ổn giá thị trường và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; có điều kiện sử dụng kênh truyền thông của Nhà nước trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu Co.opmart trước các thương hiệu khác. (2) chiến lược lựa chọn mô hình phát triển chuỗi Co.opmart đi trước các hệ thống siêu thị khác, nhờ đó nhanh chóng gia tăng được thị phần và phủ rộng tầm ảnh hưởng của Co.opmart trên phạm vi cả nước; (3) liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhà sản xuất và nhà nhập khẩu để mua hàng tận gốc, (4) thực hiện chuyên môn hóa các chức năng kinh doanh theo các lĩnh vực hoạt động.

Kinh nghiệm của WinCommerce: động thái đầu tiên của Masan vào năm 2019 là tái cấu trúc, cải thiện hiệu quả hoạt động của WinCommerce (WCM). Các chiến lược tiêu biểu đã thành công như: tối ưu hóa danh mục sản phẩm, tăng tỷ trọng hàng tươi sống, áp dụng chính sách bán hàng hấp dẫn, cũng như điều chỉnh mô hình hoạt động của WinMart+ với cách bài trí mới... 

WCM đạt doanh thu thuần 30,9 nghìn tỷ đồng năm 2021, bắt đầu có lợi nhuận sau thuế dương. Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhà bán lẻ này vẫn nỗ lực khai trương 388 cửa hàng WinMart+ vào năm 2021, trong đó có 284 cửa hàng được mở mới trong quý IV/2021. Song song với đó, Masan cũng thực hiện chiến lược chuyển đổi WCM thành nền tảng bán lẻ đa tiện ích, tập trung vào khai trương các cửa hàng mini-mall tích hợp WinMart+, Techcombank, Kiosk Phúc Long, dược phẩm và mạng di động Reddi. Đây chính là chương đầu tiên trong chiến lược thiết lập nền tảng "point-of-life" đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng trên một nền tảng xuyên suốt từ trực tiếp đến trực tuyến. WCM cũng chính thức triển khai nhượng quyền WinMart+ sau khi đã tìm ra "công thức thành công" cho chuỗi cửa hàng này. Chiến lược “đi bằng 2 chân” của Masan đã tạo nên một hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ độc đáo, đón đầu xu hướng tiêu dùng hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Nhìn vào hệ sinh thái của Masan, có thể thấy, ngoài mảng khoáng sản, tất cả các lĩnh vực hoạt động của tập đoàn này đều xoay quanh đời sống tiêu dùng.

Masan Consumer không chỉ sở hữu những sản phẩm chất lượng, mà còn nắm trong tay mạng lưới nhà phân phối rộng khắp gồm 180.000 điểm bán lẻ thực phẩm và 160.000 điểm bán lẻ đồ uống.

Đến nay, đã có 98% hộ gia đình tại Việt Nam từng sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của Masan. Sở hữu tập khách hàng khổng lồ, cùng rất nhiều năm xây dựng thương hiệu, Masan Consumer có thể tận dụng hiệu quả WCM để phục vụ nhu cầu của khách. WCM cũng giúp Masan Consumer mở rộng mạng lưới phân phối và thu thập ngay lập tức phản hồi của khách hàng với các sản phẩm mới.

Bên cạnh đó, Masan cũng đã thực hiện những bước đi mạnh mẽ để chuyển đổi tập đoàn này trở thành nền tảng tiêu dùng - công nghệ. Năm 2021, Masan đã bắt tay hợp tác với “gã khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba và Quỹ đầu tư Baring Private Equity (BPEA). Trong khuôn khổ của thỏa thuận này, WinCommerce - đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ WinMart, WinMart+ của Masan thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với Lazada - nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba. Theo đó, WinCommerce sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, Tập đoàn Masan đã hé lộ “tấm bản đồ sức mua”. Theo đó, trên hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) và AI, đã chia mặt phẳng bản đồ Việt Nam thành những ô vuông có diện tích 100m x 100m. Sau đó, hệ thống tính toán mức thu nhập, sức mua, thiết kế hàng hóa phù hợp với từng khu vực rất nhỏ, từng ô vuông. Và có khoảng 33 triệu ô như vậy, với hàng chục tiêu chí dữ liệu được cập nhật, phân tích để giúp lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra quyết định về vị trí điểm bán, danh mục sản phẩm phù hợp và cả lượng cung hàng hóa cần chuẩn bị cho mỗi cửa hàng.

Về quá trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền tảng tiêu dùng, Masan đang tập trung vào 3 hoạt động chủ đạo. Đầu tiên, đó là tích hợp cung cấp dịch vụ tín dụng cho đại đa số người tiêu dùng phổ thông thông qua việc ứng dụng công nghệ của Trusting Social và hợp tác với các đối tác ngân hàng. Tiếp đến,  ứng dụng công nghệ AI và ML để gia tăng hiệu suất và khả năng thấu hiểu người tiêu dùng và cuối cùng, là tạo nên một nền tảng nhân sự mới để liên tục hướng dẫn, đào tạo, tương tác và trao quyền.

3. Đề xuất một vài kinh nghiệm trong phát triển thị trường bán lẻ cho các doanh nghiệp nội địa

Một là, xác định chính xác phân khúc thị trường mục tiêu: việc định vị chính xác phân khúc khách hàng mục tiêu và nghiên cứu văn hóa mua sắm của khách hàng là nhân tố quyết định hình thức bày trí hàng hóa để làm hài lòng khách hàng. Vì vậy, cần quan tâm đến các lĩnh vực phân phối bán lẻ cho giới trẻ, phụ nữ, tầng lớp trung lưu, người dân nhập cư, gia đình nghèo… Trong tương lai, thị phần phân phối bán lẻ Việt Nam sẽ chia ra thành 3 phân khúc chính, bao gồm: thu nhập cao (hàng xa xỉ), thu nhập trung bình (siêu thị hiện có) và thu nhập thấp (các cửa hàng giảm giá).

Hai là, nắm bắt và dự đoán sớm được xu hướng phát triển của thị trường: cần phải đầu tư vào bộ phận nghiên cứu thị trường để nắm bắt xu hướng phát triển của ngành và nhu cầu thị trường, cập nhật liên tục những kiến thức công nghệ và phong cách bán hàng hiện đại. Doanh nghiệp phân phối bán lẻ phải nắm bắt xu hướng người tiêu dùng tạo ra những giá trị vượt trội cho khách hàng, như: môi trường mua sắm rộng rãi, thoáng mát, phong cách lịch sự; nước uống và giữ xe miễn phí; liên tục thiết kế những chương trình hỗ trợ giá, tặng quà giá trị cao cho khách mua hàng.

Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách thỏa mãn tối đa mọi nhu cầu của khách hàng: đây là yếu tố then chốt cho sự sống còn và phát triển của doanh nghiệp. Theo đó, cần làm vui lòng khách hàng bằng giá trị và sự tiện nghi, làm cho khách hàng hài lòng, cung cấp thêm dịch vụ du lịch, viễn thông và tài chính cho khách hàng; bổ sung dịch vụ âm nhạc, phim ảnh, lắng nghe khách hàng;…

Bốn là, đổi mới chiến lược kinh doanh: thị trường luôn biến động, nhu cầu của người tiêu dùng cũng thay đổi nên các doanh nghiệp phân phối bán lẻ hiện đại cần hoạch định và thực hiện chiến lược kinh doanh, chiến lược marketing một cách chuyên nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, xây dựng chính sách chất lượng… từ đó tạo niềm tin đối với
khách hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh, giữ vững và phát huy vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Năm là, xây dựng và tăng cường quảng bá hình ảnh doanh nghiệp: việc giữ được uy tín đối với khách hàng khi cung cấp những hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý và các dịch vụ chăm sóc khách hàng đa dạng là điều kiện cơ bản để giữ vững hình ảnh của doanh nghiệp trong lòng người tiêu dùng, khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Việc quảng bá hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, băng rôn, poster quảng cáo để tạo sức thu hút đối với người tiêu dùng, thực hiện nhiều chương trình mua sắm hấp dẫn cho khách hàng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lưu Hà (2023), Ba xu hướng lớn của ngành Bán lẻ 2023, Tạp chí Kinh tế Việt Nam, số tháng 1.
  2. Nguyễn Thùy Linh, Doãn Công Khanh (2022), Phát triển thương mại trong bối cảnh mới - Thực tiễn, vấn đề và giải pháp, Tạp chí Cộng sản, số tháng 7.
  3. Vũ Hoàng Linh (2020), Thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội.

Experiences in developing the domestic retail market

Master. Mai Hoang Thinh

Faculty of Commerce, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

This paper is to present some experiences in developing the domestic retail market in the context of Vietnam’s fast-growing retail market. Vietnam’s retail market has great development potential and it has attracted many domestic and international businesses. In addition, Vietnam’s retail market has witnessed many changes in the post-COVID-19 pandemic era. If Vietnamese retailers do not have appropriate competitive strategies and long-term investment strategies, they will lose their market share. In the coming time, it is necessary for retailers to not only expand their coverage but also need to develop multi-channel retailing systems to keep up with market trends.

Keywords: retail market, corporate, domestic, business.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8  tháng 4 năm 2023]