Thấy gì đằng sau những “quả bom nước”?

Sau gần 30 trận lũ lịch sử mới tái diễn ở khu vực các tỉnh miền Trung trong tháng 9 vừa qua, mà điểm xuất phát bắt đầu từ Bắc miền Trung rồi đổ bộ vào Nam Trung Bộ và uy hiếp nhiều tỉnh thành, làm hàn

Tan hoang cửa nhà

Liên tiếp từ ngày 01 đến 04/10/2010, mưa lớn xuất hiện tại nhiều vùng ở Hà Tĩnh và Quảng Bình. Hậu quả là, gây ra lũ lớn và đỉnh lũ xuất hiện bất ngờ. Tại Hà Tĩnh, vào hồi 07h, mực nước lòng hồ thủy điện Hố Hô đang ở cao trình +67,4m, đến 09h đã ở cao trình +73,4m (cao trình cho phép là +70m). Đây là cơn lũ quá lớn, xảy ra nhanh và đột ngột với cường độ mưa trên 850 mm, cũng là lúc, Nhà máy Thủy điện Hố Hô quyết định mở 2 van cung xã lũ với tốc độ 2.000m3/s, kết hợp chạy 1 tổ máy. Rạng sáng ngày 3/10, lại xuất hiện đợt mưa rất to. Điều bất ngờ đã xảy ra, cơn lũ cuốn phăng 1 trạm biến áp OPY, làm hệ thống điện Nhà máy hoàn toàn tê liệt, 3 cửa van cung không tài nào kéo lên được. Nước sông Ngàn Sâu hung hãm đổ về bị chặn đứng bởi 3 cửa van cung nên tiếp tục tích nước và tràn qua mặt đập. Hơn 2.000 người dân sống ở vùng hạ lưu hoang mang lo lắng vì có nguy cơ bị “thổi bay” ra biển. May mắn sao, ngày 4/10, nỗi lo nguy cơ vỡ đập hồ thủy điện Hố Hô không còn nữa, mực nước đã được khống chế, người dân Hà Tĩnh mới thực sự thở phào nhẹ nhỏm. Nhưng vẫn còn 14 xã của Hà Tĩnh, 8 xã của Quảng Bình đang ngập và chia cắt trong nước.
Bất ngờ, ngày 16 - 17/10, xuất đợt lũ thứ 2, ba cửa van cung đã được mở, nước xả tự do. Nhưng mực nước vẫn đạt tới cao trình là 68.6m. Đợt lũ này, tiếp tục làm sạt lở đoạn đường vào Nhà máy, cuốn trôi tiếp một máy biến áp và một số thiết bị trong trạm. Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Giám đốc Nhà máy cho biết: Riêng thiệt hại của Thủy điện Hố Hô ước tính khoảng 25 tỷ đồng. Để khôi phục Nhà máy hoạt động trở lại thì cũng phải mất ít nhất là nửa năm với điều kiện thời tiết tốt và đủ nguồn tài chính.
Bên cạnh đó, đập hồ thủy điện Kẻ Gỗ cũng đang “no” nước, bởi mực nước đã xấp xỉ đạt tới cao trình 32m (cho phép là 31,5m). Bỗng nhiên, hai đập Mơ, đập Khe Mưng bị xé toạc, không còn cách nào khác là hồ Kẻ Gỗ phải xả lũ với tốc độ 520m3/s, khiến TP. Hà Tĩnh và 4 huyện ngập chìm trong nước.
Tại tỉnh Phú Yên càng bị đe dọa hơn bởi ba nhà máy thủy điện đề xuất xả lũ, hồ thủy điện Sông Hinh, xả lũ với lưu lượng 300 – 1.000 m3/s, hồ thủy điện Krông H’năng xả lũ với lưu lượng 729 – 1.292 m3/s, thủy điện sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 2.500 – 5.000 m3/s. Lũ về, duy chỉ một thủy điện Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 1.400m3/s trong vòng nửa ngày đủ để ngâm TP. Tuy Hòa trong biển nước. Oái oăm là hồ thủy điện Ba Hạ xả lũ đúng vào thời điểm nước hạ lưu đang dâng đã góp phần làm cho vùng rốn lũ ngập nhanh hơn. Sau hàng tháng trời trôi qua mà hàng trăm hộ dân ở huyện huyện Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa vẫn còn sống chung với lũ.

Yếu tố con người là quan trọng?

Đến thời điểm này, tại 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên có tới 472 dự án thủy điện đang được triển khai (có 38 dự án đã bị thu hồi). Điều mà người dân hy vọng, sau khi cắt băng khánh thành nhà máy, thì những cánh đồng khô hạn sẽ được cấp nước cũng như việc điều tiết nước trong mùa lũ, nhưng thực tế đang đi ngược lại.
Được biết, ở Quảng Nam, bên cạnh thủy điện A Vương đã đưa vào sử dụng, vẫn còn hai dự án thủy điện lớn cũng sắp hoàn thành, dù chưa tiến hành tích nước nhưng lòng chảy của sông đã được ngăn. Cạnh đó, người dân xã miền núi huyện Phước Sơn thì đang lo sợ bị cô lập trong mùa lũ này khi thủy điện Đắc My 4 đang thi công xây dựng. Tại khu vực lòng hồ Thủy điện sông Tranh 2, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, nhiều hộ dân vẫn chưa nhận được được tiền đền bù và di dời khỏi khu vực lòng hồ thủy điện. Vậy ai có thể lường được điều gì sẽ xảy ra khi lũ về?
Tại Thừa Thiên - Huế, ngoài tác hại làm tăng nguy cơ lũ lụt thì việc tích nước của hồ thủy điện Hương Điền đã làm sông hồ khô cạn, ảnh hưởng nghiêm trong đến sản xuất, đời sống của dân cư các huyện Hương Trà, Phong Điền và Quảng Điền.
Sau trận lũ lịch sử này, người Hà Tĩnh mới nhận ra rằng, Nhà máy thủy điện Hố Hô không có hồ chứa nước. Khi thiết kế, chủ đầu tư chỉ dựa vào 20 km thiên tạo của lòng sông Ngàn Sâu để ngăn đập làm thay hồ chứa? Trao đổi với chúng tôi, một số cán bộ Nhà máy thủy điện Hố Hô cho biết: Với tốc độ lưu lượng nước sông Ngàn Sâu trung bình trong nhiều năm là 19 m3/s thì ba cửa van cung của Hố Hô phải đóng chặt từ 1 – 1,5 tháng mới tích đủ lượng nước phát điện (mực nước chết 67.5m). Điều này, khó hơn so với các nhà máy thủy điện có hồ tích nước. Đây cũng là đặc điểm chung của các nhà máy thủy điện miền Trung vừa xả lũ, vừa tích nước để phát điện. Do đó, thời gian quyết định xả lũ thường rất ngắn.
Không chỉ có vậy, một số khu vực ảnh hưởng bởi các nhà máy thủy điện lại thiếu thông tin dự báo thời tiết. Đơn cử như ở Nhà máy thủy điện Hố Hô, Trung tâm Khí tượng thủy văn mới chỉ dự báo thời tiết tới các khu vực ở hạ lưu, còn ở khu vực thượng lưu nhà máy được xem là “nút ấn” để cân đối điều tiết lũ thì lại bị “bỏ quên”! Vấn đề đặt ra, có nên xây dựng một trung tâm khí tượng thủy văn dự báo riêng ở khu vực thượng nguồn cho các nhà máy thủy điện để chủ động việc điều tiết lũ, giảm bớt nỗi lo cho người dân?