Khuyến khích ngành, nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư vào cụm công nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, trong đó có nêu rõ Ngành, nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Trong đó, tại Chương I, Nghị định (gồm 03 Điều từ Điều 1 đến Điều 3) quy định rõ phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ trong Nghị định này; Ngành, nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp.

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Ðiều 1, Chương I Nghị định quy định về phương án phát triển cụm công nghiệp; thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp và quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp.

Đối tượng áp dụng của Nghị định này gồm: Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; Các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan tới quản lý, đầu tư và hoạt động của cụm công nghiệp.

Giải thích từ ngữ

Ðiều 2, Chương I tại Nghị định cũng giải thích 10 từ ngữ như: (Cụm công nghiệp; Cụm công nghiệp làng nghề; Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung của cụm công nghiệp; Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; Tỷ lệ lấp đầy của cụm công nghiệp; Phương án phát triển cụm công nghiệp; Quyết định thành lập, Quyết định mở rộng cụm công nghiệp; Cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp) để thống nhất cách hiểu, áp dụng. Cụ thể như một trong số 10 từ ngữ trên được hiểu như sau:

Cụm công nghiệp là nơi sản xuất công nghiệp, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, được đầu tư xây dựng chủ yếu nhằm thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Cụm công nghiệp có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 10 ha. Riêng đối với cụm công nghiệp ở các huyện miền núi và cụm công nghiệp làng nghề có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 05 ha.

Cụm công nghiệp làng nghề là cụm công nghiệp có tối thiểu 60% diện tích đất công nghiệp dành cho việc di dời, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề, có nghề truyền thống.

Phương án phát triển cụm công nghiệp là việc sắp xếp, phân bố không gian phát triển các cụm công nghiệp hợp lý gắn với các chính sách, giải pháp quản lý, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) trong từng thời kỳ trên cơ sở bảo vệ môi trường, tiết kiệm, hiệu quả sử dụng đất, nước và các nguồn lực, tài nguyên khác của địa phương. Phương án phát triển cụm công nghiệp là một nội dung của quy hoạch tỉnh, được xây dựng, tích hợp vào quy hoạch tỉnh theo pháp luật quy hoạch.

Quyết định thành lập, Quyết định mở rộng cụm công nghiệp là văn bản của cơ quan có thẩm quyền ghi nhận thông tin pháp lý của cụm công nghiệp, làm căn cứ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và áp dụng chính sách, quy định của Nhà nước đối với cụm công nghiệp.

cụm công nghiệp
ảnh minh họa

Ngành, nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp

Ðiều 3, Chương I, quy định các ngành, nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp gồm:

a) Công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp cơ khí (như: Ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế,...); công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp dệt may, da giày;

b) Công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử; công nghiệp năng lượng thông minh; công nghiệp công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học;

c) Các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương cần được bảo tồn và phát triển; dịch vụ kho bãi, đóng gói bao bì, vận chuyển hàng hóa, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị công nghiệp và dịch vụ khác phục vụ trực tiếp cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương với tổng diện tích không quá 10% diện tích cụm công nghiệp;

d) Các ngành, nghề công nghiệp khác có công nghệ cao, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững;

đ) Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm tại các làng nghề, khu dân cư được khuyến khích di dời vào cụm công nghiệp.

Đồng thời, Nghị định cũng nêu rõ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể ngành, nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp phù hợp phương án phát triển cụm công nghiệp thuộc quy hoạch tỉnh, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thể hiện tại Quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.

Hoàng Dương