Thủ tướng yêu cầu gì từ các "Đầu tàu kinh tế"?

Ngày 15/2, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ đã có buổi làm việc với các Tập đoàn, Tổng Công ty được thành lập theo Quyết định 91 của Thủ tướng Chính phủ

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước, năm 2010, có 20/21 tập đoàn, Tổng Công ty 91 (trừ Vinnashin) hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi. Tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt gần 70.780 tỷ đồng; trong đó, bốn tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Viễn thông Quân đội, Bưu chính Viễn thông và Cao su Việt Nam chiếm tới 80% lợi nhuận.

“Về cơ bản, các tập đoàn, Tổng công ty đều có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu nằm trong giới hạn cho phép.”, Báo cáo trên nhận định.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành và đại diện các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Năm nay, khối các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước cần tập trung thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng 15%.”

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước đẩy mạnh tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tạo động lực, cơ chế quản lý, giám sát tốt hơn, đi liền với cơ cấu lại doanh nghiệp, tái cấu trúc nền kinh tế; đưa khoa học công nghệ vào nâng cao năng suất quản lý, lao động, tập trung vào ngành nghề chính, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả...

Riêng đối với Vinashin, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Tập đoàn tự nỗ lực vươn lên, không trông đợi vào sự hỗ trợ bên ngoài. Các cơ quan chuyên môn chủ động dự thảo Nghị định về những cơ chế đặc biệt phục vụ tiến trình tái cơ cấu Vinashin; đề nghị Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước khác chung tay hỗ trợ, cùng Chính phủ, Vinashin giữ vững mục tiêu phát triển ngành đóng tàu Việt Nam.

Trước các kiến nghị của doanh nghiệp về vấn đề giá một số mặt hàng đầu vào thiết yếu, cũng như cơ chế tỷ giá, lãi suất vay vốn, Thủ tướng nêu rõ tinh thần chỉ đạo là tạo điều kiện tối đa để bảo đảm sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, giá các mặt hàng đầu vào như điện, than, xăng dầu,… sẽ từng bước tiếp cận cơ chế giá thị trường. Đây là bài toán đặt ra cho doanh nghiệp phải xem xét lại kế hoạch, chiến lược hoạt động, hướng tới các khâu có giá trị gia tăng cao, thay vì tận dụng giá nhiên liệu rẻ, áp dụng công nghệ lạc hậu để tìm lợi nhuận như vừa qua.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định cơ chế chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp nhà nước sẽ được tháo gỡ theo hướng cơ quan quản lý thực hiện kiểm tra, giám sát, còn giao quyền tự chủ, tính tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Bộ theo chức năng, rà soát các dự án đầu tư, khả năng thu xếp vốn cho các Tập đoàn, Tổng công ty bảo đảm tính khả thi, không đầu tư dàn trải; nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng kế hoạch dài hạn 5 năm, 10 năm triển khai mô hình tập đoàn kinh tế trong những lĩnh vực cần thiết.

Một số ý kiến, kiến nghị của các Tập đoàn, Tổng công ty

Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV): TKV mong muốn Chính phủ xem xét, trên cơ sở cân đối khả năng sản xuất và nhu cầu than cho nền kinh tế để quyết định thứ tự ưu tiên cung cấp cho các hộ tiêu dùng lớn, giảm tình trạng nhiều mặt hàng sản xuất sử dụng nhiên liệu than rẻ như thép, xi măng hiện nay. Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN: Trong bài toán vốn vay cho nền kinh tế, các ngân hàng thương mại trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, cần có lộ trình ổn định mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá ngoại tệ, tiến tới giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cung cấp vốn với chi phí vay thấp hơn, ổn định và nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế. Tập đoàn Viễn thông Quân đội: Đã đến lúc bên cạnh việc phát huy tối đa năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu đa dạng thị trường trong nước, các Tập đoàn, Tổng công ty chủ động tìm kiếm và phát triển thị trường nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm và cả đầu tư chiếm lĩnh thị trường. Đây là cơ hội lớn và khả thi trong tương lai, nhất là các thị trường tiềm năng như Lào, Campuchia, Myanmar, Nepal, một số nước Nam Phi, Nam Mỹ…Tổng công ty Xi măng Việt Nam: Chính sách tiền tệ cần theo hướng tạo điều kiện trước hết cho sản xuất, đồng thời có chính sách cắt giảm năng lượng phù hợp đối với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng.Tổng Công ty Xăng dầu: Đã đến lúc phải kiên định và quyết tâm vận hành đúng cơ chế, lộ trình giá đối với khối năng lượng. Chúng ta đang bị lỗ kép, điện đã lỗ, nhưng ngay cả than, xăng dầu cung cấp cho điện cũng đã lỗ trước đó.Tập đoàn Cao su: Đề nghị có chính sách lãi suất, vốn vay ưu tiên cho các doanh nghiệp nông nghiệp, chính sách đối với việc mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Tập đoàn Sông Đà: Theo quy định của Bộ Tài chính, doanh nghiệp đầu tư vượt điều lệ thì không được đầu tư nữa. Hiện vốn điều lệ của Tập đoàn khoảng 4.000 tỷ và đã đầu tư trên 7.000 tỷ, nhiều dự án đã gần xong mà đầu tư gối đầu bị đình trệ.
Tương tự là quy định DN mẹ - con không được đầu tư cùng một dự án. Đây là điều cần xem xét, sửa đổi phù hợp.


Trái phiếu Chính phủ bao nhiêu cho đủ?
Trái phiếu Chính phủ đang được cấp phát như thời bao cấp?
Chính phủ quá ưu ái, doanh nghiệp sẽ “hư”?