Hoa Kỳ sẽ đưa ra quyết định về vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam vào tháng 7/2024

Theo Bộ Công Thương, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đang xem xét và hạn cuối để đưa ra quyết định đối với vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam là tháng 7/2024.
Ngày 8/9/2023, Bộ Công Thương Việt Nam đã chính thức nộp hồ sơ đề nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam
Ngày 8/9/2023, Bộ Công Thương Việt Nam đã chính thức nộp hồ sơ đề nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam

Xem xét vấn đề của Armenia trong vụ điều tra chống bán phá giá

Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, ngày 5/2/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức khởi xướng cuộc rà soát thay đổi hoàn cảnh (CCR) để xem xét vấn đề kinh tế thị trường của Armenia trong khuôn khổ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm giấy bạc nhập khẩu từ Armenia. Quyết định nêu trên được DOC đưa ra sau thời hạn 45 ngày xem xét hồ sơ đề nghị của Armenia được nộp chính thức cho DOC vào ngày 21/12/2023

Đây là lần thứ hai Armenia nộp hồ sơ đề nghị DOC xem xét vấn đề kinh tế thị trường cho quốc gia này. Trước đó, ngày 21/2/2023, Bộ trưởng Kinh tế của Armenia đã có thư gửi Bộ trưởng DOC đề nghị xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường, tuy nhiên chưa đề cập tới lệnh áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp đối với một sản phẩm cụ thể. Do đó, theo quy định của DOC, Chính phủ Armenia đã gửi một thư tiếp theo vào ngày 21/12/2023 để đề nghị DOC xem xét vấn đề kinh tế thị trường trong khuôn khổ vụ việc chống bán phá giá giấy bạc (mã vụ việc A-831-804).

Thông báo chính thức của DOC về việc khởi xướng vụ việc nói trên được đăng tải lên trang Thông báo Liên bang vào ngày 13/2/2024. Theo đó, kể từ ngày công báo, các bên quan tâm sẽ có 30 ngày để gửi ý kiến bình luận và 14 ngày tiếp theo để phản biện. Thời hạn để DOC ban hành kết luận cuối cùng trong vòng 270 ngày kể từ ngày khởi xướng (dự kiến đến tháng 11/2024).

Việt Nam có đầy đủ lập luận chứng minh đáp ứng tiêu chí của Hoa Kỳ

Đối với Việt Nam, tại Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện ngày 10-11/9/2023, Hoa Kỳ đã “hoan nghênh những bước tiến trong quá trình cải cách kinh tế dựa trên thị trường có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam, đồng thời khẳng định sự nhiệt tình và cam kết đối với quá trình phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và trên tinh thần ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo luật Hoa Kỳ”.

Đặc biệt, Hoa Kỳ đề cập “ngày 8/9/2023, Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Hoa Kỳ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ tiến hành hội đàm, tại Trụ sở Trung ương Đảng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ tiến hành hội đàm, tại Trụ sở Trung ương Đảng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hiện nay có 12 quốc gia đã và đang bị DOC coi là nền kinh tế phi thị trường trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu vào Hoa Kỳ, gồm: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Trung Quốc, Georgia, Kyrgyz, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam. Theo luật định của Hoa Kỳ, một quốc gia được xem là kinh tế thị trường phải thỏa mãn 6 tiêu chí quy định tại Mục 771(18)(b) của Đạo luật Thuế quan 1930, bao gồm:

(i) Mức độ chuyển đổi của đồng tiền;

(ii) Vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động;

(iii) Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế;

(iv) Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân;

(v) Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả;

(vi) Các yếu tố khác.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, thời điểm ta nộp yêu cầu xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường mang tính đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ hai nước được nâng lên tầm cao mới. Các bản thông tin mà Việt Nam gửi đi có đầy đủ lập luận chứng minh nền kinh tế Việt Nam đáp ứng đầy đủ 6 yếu tố về công nhận nền kinh tế thị trường theo pháp luật Hoa Kỳ.

Sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, năm 2008, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thành lập Nhóm công tác song phương về kinh tế thị trường (đầu mối là Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Hoa Kỳ). Từ đó đến nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tổ chức 10 phiên họp kỹ thuật để trao đổi thông tin, giúp Hoa Kỳ cập nhật về tình hình kinh tế thị trường của Việt Nam. Đây là bước chuẩn bị quan trọng, giúp Hoa Kỳ hiểu hơn về sự đổi mới của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua.   

Ông Tuấn phân tích thêm, việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các vụ điều tra chống bán phá giá.

Cụ thể, khi xác định giá trị thông thường để tính biên độ phá giá, Hoa Kỳ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ ba được coi là có nền kinh tế thị trường (nước thay thế) để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam thay vì sử dụng dữ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường cho phép Hoa Kỳ áp dụng thuế suất toàn quốc - là mức thuế dành cho các doanh nghiệp không hợp tác hoặc không chứng minh được họ không chịu sự kiểm soát của Chính phủ. Thuế suất toàn quốc thường được Hoa Kỳ tính toán dựa trên dữ liệu sẵn có nên thường bị đẩy lên rất cao và được duy trì trong tất cả các đợt rà soát, gây cản trở cho việc xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế.

Do đó, nếu được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế lớn trong các vụ phòng vệ thương mại tại thị trường này.

“Hiện nay, DOC đang xem xét và hạn cuối để đưa ra quyết định đối với vấn đề này là tháng 7/2024”, ông Tuấn cho biết.

Thy Thảo