Hà Nam: Chủ động, tự hào khi dùng hàng Việt Nam

Kể từ khi ra đời đến nay, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" luôn được cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam thực hiện tích cực.

Hàng Việt đã chiếm 80%

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh về lợi ích của hàng Việt. Các doanh nghiệp đã chủ động, sáng tạo, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành, chú trọng mẫu mã, quảng bá thương hiệu, từng bước tạo được lòng tin của người tiêu dùng.

Trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố và trao Giấy chứng nhận 23 sản phẩm của 12 chủ thể sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao. Hội Nông dân tỉnh Hà Nam hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hỗ trợ 200 hộ sản xuất nông nghiệp giới thiệu sản phẩm thương mại điện tử Postmart.vn; Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp triển khai gian hàng không đồng nhu yếu phẩm, quảng bá sản phẩm hàng Việt cho công nhân lao động…

Bà Trần Thị Ngân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Hà Nam cho rằng, thời gian qua, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vào cuộc mạnh mẽ.

Ban chỉ đạo các cấp trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền chính sách hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm giữa các nhà quản lý, nhà sản xuất, kinh doanh, nhà phân phối và người tiêu dùng để tìm hướng đi cho sản phẩm. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã chỉ đạo sử dụng hàng Việt khi thực hiện mua sắm công.

ha nam hang viet
Hiện nay, khoảng 80% người tiêu dùng trong tỉnh Hà Nam tin tưởng vào chất lượng hàng hoá sản xuất trong nước và ưu tiên lựa chọn hàng Việt khi mua sắm, tiêu dùng.

Về phía các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong tỉnh, khi triển khai thực hiện các dự án, công trình cũng ưu tiên sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu hàng Việt…

Về phía nhân dân, nhận thức và thói quen của người tiêu dùng Hà Nam về hàng hoá Việt trên địa bàn đã có nhiều thay đổi; hàng Việt ngày càng được ưa chuộng, nhất là ở vùng nông thôn. Hiện nay, khoảng 80% người tiêu dùng trong tỉnh Hà Nam tin tưởng vào chất lượng hàng hoá sản xuất trong nước và ưu tiên lựa chọn hàng Việt khi mua sắm, tiêu dùng.

Mới đây, mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam” với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” do Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Sở Công Thương Hà Nam triển khai đã hỗ trợ xây dựng 3 điểm bán hàng Việt tại các siêu thị trên địa bàn thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và huyện Lý Nhân. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận hàng hóa phong phú, đa dạng, có chất lượng cao, sản xuất trong nước.

Các thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã tích cực đôn đốc các cơ quan, đơn vị mình rồi lồng ghép tuyên truyền Cuộc vận động gắn với phong trào thi đua yêu nước của các địa phương, cơ quan, đơn vị; nhất là việc mua sắm, đầu tư công và phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong hưởng ứng Cuộc vận động.

ha nam sieu thi hang viet
Lễ khởi công công trình trung tâm thương mại GO! Hà Nam

Tổng hợp sức mạnh của hàng Việt

Trong những năm qua, với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, đó là tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng Cuộc vận động, lồng ghép nội dung tuyên truyền thông qua các buổi tập huấn, hội nghị báo cáo viên, sinh hoạt chi bộ, chi hội, các tổ chức đoàn thể... Trong đó, tập trung tuyên truyền về tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả các mặt hàng, sản phẩm do doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, ứng dụng những tiến bộ của công nghệ, Mặt trận tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đã đẩy mạnh tuyên truyền qua các trang thông tin điện tử, trên các nhóm Zalo, Facebook..., phối hợp với Sở Công Thương thông tin về chủ chương, chính sách của Chính phủ, của tỉnh trên trang thông tin điện tử; sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, hỗ trợ đăng ký mã số, mã vạch cho các sản phẩm nông sản; duy trì điểm bán hàng Việt; hỗ trợ thông tin kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hà Nam là địa bàn có diện tích sản xuất nông nghiệp còn tương đối lớn, do đó, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam” còn chú trọng quảng bá các sản phẩm OCOP trên địa bàn đến người dân. Trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã công bố và trao hỗ trợ 23 sản phẩm của 12 chủ thể sản xuất, đạt tiêu chuẩn OCOP.

Thông qua đó sẽ góp phần thúc đẩy công tác tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu để các sản phẩm an toàn, các sản phẩm đặc sản cũng như các sản phẩm OCOP trên địa bàn của tỉnh, để người tiêu dùng nắm được thông tin về chất lượng, từ đó khuyến khích cho sản xuất phát triển, cũng như triển khai các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm…

ha nam hang viet nha que
Điểm bán hàng Việt đẹp đẽ hấp dẫn khách hàng

Ngoài việc tăng cường thông tin tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của Cuộc vận động đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, Ban Chỉ đạo còn phối hợp tổ chức hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm đưa hàng Việt về nông thôn, thu hút đông đảo người dân tham gia; tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất những sản phẩm đặc trưng, góp phần xây dựng thương hiệu hàng Việt.

Sau gần 15 năm triển khai Cuộc vận động, đến nay, tại nhiều cửa hàng, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong tỉnh, trong nước chiếm tới 80% cơ cấu hàng hóa, được bán với giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân. Các doanh nghiệp cũng ngày càng ý thức tầm quan trọng của hàng Việt.

Tuy nhiên, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn một số hạn chế như: nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân về Cuộc vận động chưa sâu sắc; việc tổ chức các hoạt động khuyến mại, triển lãm, đưa hàng Việt về các địa phương, nhất là vùng nông thôn còn nhỏ lẻ; một số doanh nghiệp lợi dụng chương trình khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn kho, kém chất lượng… làm giảm lòng tin, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng; hoạt động buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại, bán hàng online còn phức tạp, khó kiểm soát…

ha nam sieu thi hang viet hap dan
Làm người tiêu dùng thông minh thật thích!

Từ thực tế triển khai, Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Hà Nam đề nghị Ban chỉ đạo Cuộc vận động Trung ương có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong nước tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng luới bán lẻ; tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, làm mất niềm tin trong nhân dân; hỗ trợ kinh phí giúp địa phương tổ chức thuờng xuyên hơn các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn…

Nhật Nam