Thị trường điện - điện tử: Thương hiệu nội lên tiếng

Một thời gian dài, người tiêu dùng Việt chỉ biết tới các thương hiệu điện tử ngoại như: Sony, Samsung, LG… còn các thương hiệu nội hầu như đã “lặn” mất trên thị trường. Đó là vì dù được Nhà nước bảo h

Hàng nội lên ngôi
Thực hiện cuộc vận động của Bộ Chính trị “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, nhiều doanh nghiệp trong nước đã biết nắm bắt thời cơ, tung ra thị trường nhiều dòng sản phảm thuần Việt, chất lượng cao, mẫu mã phong phú đã phần nào chiếm lĩnh được thị phần nội địa, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Theo Hiệp hội các doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), ngành điện tử Việt Nam vào những năm 1990 có tốc độ tăng trưởng 20%-30%/năm; xuất khẩu sang 35 quốc gia; kim ngạch xuất khẩu năm sau tăng hơn năm trước. Đơn cử năm 1996, ngành điện tử xuất khẩu đạt 90 triệu USD, tới năm 2006 đạt gần 2 tỷ USD… Một thời gian dài trước đây, các sản phẩm của mặt hàng này bị chững lại là do thua kém về mẫu mã và chất lượng so với các sản phẩm ngoại nhập đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Tuy nhiên, hiện nay, tình hình đã thay đổi. Dạo quanh thị trường, vào bất cứ trung tâm điện máy lớn hay cửa hàng điện tử quen thuộc trên đường Hai Bà Trưng, Hồ Tùng Mậu, đường Giải Phóng… rất dễ dàng nhận thấy những nhãn hiệu mặt hàng điện tử trong nước như VTB, SAM, Belco… được nhiều khách hàng lựa chọn. Ưu điểm của những dòng sản phẩm điện tử trong nước là chất lượng khá tốt, giá cả vừa phải, hợp với “hầu bao” người tiêu dùng Việt nên luôn được nhiều khách hàng tín nhiệm.

Anh Nguyễn Khánh Toàn, chủ cửa hàng Quang Minh, đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Những mặt hàng tiêu thụ mạnh hiện nay là của các hãng VTB, SAM, Darling… vì phù hợp với mức thu nhập của người Việt hiện nay. Bên cạnh việc đó thì mức giá và chất lượng của các hàng điện tử trong nước thấp hơn nhiều so với hàng ngoại nhập, do đó người tiêu dùng đã lựa chọn sử dụng.

Người tiêu dùng Việt chỉ cần bỏ 3 – 4 triệu đồng là có thể sở hữu một tivi màn hình phẳng 24 inches với mẫu mã đẹp do các công ty Việt Nam sản xuất. Trong khi đó, nếu mua hàng liên doanh hoặc nhập khẩu phải vượt quá con số 5 triệu đồng. Có khá nhiều loại tivi màn hình phẳng với kích cỡ từ 21-24-29-32 inches, đầu karaoke, ampli do các công ty trong nước như VTB, Belco, Darling,... sản xuất. Các công ty này đều sử dụng nguồn linh kiện chủ yếu nhập khẩu từ Nhật. Đồng thời, công nghệ sản xuất của các công ty Việt Nam cũng được thực hiện theo đúng quy trình công nghiệp của các công ty điện tử hàng đầu trên thế giới.

Cần đầu tư theo chiều sâu 

Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã có một bước bứt phá mới bằng cách tung ra các sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng cũng như giá cả có sức cạnh tranh cao. Hàng điện tử cao cấp do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã gần như có mặt đầy đủ với nhiều mẫu mã đa dạng cho khách hàng lựa chọn. Đó là các dàn âm thanh karaoke chuyên nghiệp, hệ thống loa soundMax với âm thanh AC3, bộ khuyếch đại âm thanh kỹ thuật số, tivi màn hình phẳng... Ngoài ra, các sản phẩm máy tính để bàn, laptop… cũng được nhiều doanh nghiệp điện tử trong nước đẩy mạnh đầu tư.

Ông Ngô Văn Vị, Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Bình (VTB) cho biết: Các dòng sản phẩm điện tử ti vi, máy tính… của VTB khi xuất xưởng đều đạt chất lượng theo quy chuẩn, giá thành hợp lý với người tiêu dùng Việt nên sức tiêu thụ khá cao.

Ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng: Các doanh nghiệp điện tử Việt Nam có thể làm tốt các công đoạn như lắp ráp, thiết kế và sản xuất các mặt hàng công nghiệp phụ trợ. Ông Hùng cho biết thêm: Tất cả các nước ASEAN hay châu Á đều đưa ra các chính sách hợp lý để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử. Việt Nam cũng đã có chính sách, nhưng cần phải cụ thể hơn. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã vạch ra chiến lược phát triển, nhưng chiến lược chỉ là định hướng, điều cần làm là phải tạo cơ chế để phát triển và có những khoản đầu tư “ra tấm ra món”.

Thiết nghĩ, để khẳng định vị thế của mình tại sân nhà, các doanh nghiệp trong nước cần có sự liên kết chặt chẽ, thống nhất, đầu tư chiều sâu về công nghệ, lẫn con người để có thể đủ mạnh sản xuất hàng điện tử trong nước, tạo tín nhiệm đối với người tiêu dùng và có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Đồng thời có những chiến lược, chính sách cụ thể, đem lại hiệu quả cao góp phần phát triển thương hiệu Việt bền vững trong tương lai.

  • Tags: