Giải pháp triển khai đào tạo chuyên ngành Luật Tài chính - Ngân hàng

Đề tài Giải pháp triển khai đào tạo chuyên ngành Luật Tài chính - Ngân hàng do ThS. Nguyễn Thị Tình (Khoa Tài chính Ngân hàng và Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.

TÓM TẮT:

Sau giai đoạn khủng hoảng, những năm gần đây, các định chế tài chính, ngân hàng, công ty tài chính đẩy mạnh hoạt động trở lại,... Hơn lúc nào hết, hành lang pháp lý và các vấn đề liên quan đến chính sách tài chính cần được đảm bảo. Bất cứ ngân hàng thương mại, công ty tài chính chứng khoán nào cũng cần nắm rõ pháp chế để triển khai hoạt động đúng pháp luật. Luật tài chính ngân hàng theo đó trở thành một lĩnh vực ngành nghề không thể thiếu của xã hội hiện đại. Bài viết đã nêu sự cần thiết triển khai đào tạo môn Luật Tài chính - Ngân hàng, đồng thời đề xuất giải pháp triển khai đào tạo chuyên ngành Luật Tài chính - Ngân hàng.

Từ khóa: đào tạo, chuyên ngành, luật tài chính ngân hàng…

1. Tổng quan về môn Luật Tài chính - Ngân hàng

Theo đuổi chuyên ngành Luật Tài chính - Ngân hàng, sinh viên được lĩnh hội những kiến thức về pháp luật nói chung cũng như Luật tài chính, ngân hàng, chứng khoán nói riêng. Bên cạnh đó, sinh viên sẽ có điều kiện vận dụng lý thuyết vào công tác chuyên môn, thực hành giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc về lĩnh vực tài chính. Ngành học được chia làm 2 ngành khác nhau là Luật Tài chính và Luật Ngân hàng. 

- Luật Tài chính là ngành luật trong hệ thống các quy phạm pháp luật của Việt Nam. Có chức năng điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình hình thành phát triển hệ thống tiền tệ của chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. 

- Luật Ngân hàng là tổng hợp quy phạm pháp lý có chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình Nhà nước tổ chức và quản lý hoạt động ngân hàng, những quan hệ tổ chức tín dụng với nhau, giữa các hoạt động ngân hàng.  

Các ngân hàng thương mại hay công ty tài chính chứng khoán khi thành lập điều đầu tiên cần phải nắm rõ pháp chế để triển khai hoạt động định hướng đúng với pháp luật. Luật Tài chính - Ngân hàng đã trở thành một lĩnh vực không thể thiếu hiện nay. Do đó, việc đưa môn học này vào giảng dạy là hết sức cần thiết.

2. Sự cần thiết triển khai đào tạo môn Luật Tài chính - Ngân hàng

Thứ nhất, đào tạo chuyên ngành Luật Ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Ngân hàng theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước. Theo kinh nghiệm các nước trên thế giới, để hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước cũng như thực hiện tốt các cam kết trong giai đoạn hội nhập nền kinh tế thế giới cần có 3 yếu tố cơ bản: (i) Vốn; (ii) Khoa học kỹ thuật hiện đại; (iii) Con người, trong đó con người là yếu tố quan trọng nhất. Con người là chủ thể trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính, yếu tố con người được hiểu là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân. Ở góc độ ngành Ngân hàng, họ được đào tạo cơ bản với những kiến thức chuyên sâu để bổ sung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện công việc thuộc lĩnh vực nghiệp vụ và phục vụ nhân dân. Như vậy, cùng với các khía cạnh khác nhau của công tác tổ chức cán bộ, cần tăng cường công tác đào tạo đại học (cử nhân) và sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ) chuyên ngành ngân hàng, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Thứ hai, đào tạo chuyên ngành Luật Ngân hàng tạo nguồn lực to lớn góp phần xây dựng hệ thống pháp luật ngành ngân hàng hoàn thiện, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước. Theo khoa học hành chính, cơ quan hành chính nhà nước là bộ phận hợp thành của bộ máy nhà nước, trực thuộc cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp, được thành lập để thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan hành chính nhà nước, đó là ngân hàng trung ương của Việt Nam trực thuộc Chính phủ Việt Nam là cơ quan đảm trách việc phát hành tiền tệ, quản lý tiền tệ và tham mưu các chính sách liên quan đến tiền tệ cho Chính phủ Việt Nam như: phát hành tiền tệ, chính sách tỷ giá, chính sách về lãi suất, quản lý dự trữ ngoại tệ, soạn thảo các dự thảo luật về hoạt động, tổ chức ngân hàng và các tổ chức tín dụng, xem xét việc thành lập các ngân hàng và tổ chức tín dụng, quản lý các ngân hàng thương mại nhà nước.

Thứ ba, thực tiễn số lượng, cơ cấu, trình độ và năng lực thi hành công vụ phục vụ nhân dân của cán bộ, nhân viên hoạt động trong ngành ngân hàng hiện nay chưa hợp lý, bởi vì chưa có sự tham gia của cử nhân, thạc sỹ, Tiến sỹ thuộc chuyên ngành Luật Ngân hàng. Trong đào tạo ngành Tài chính ngân hàng hiện nay, các trường đại học tập trung đào tạo chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp và cung cấp cho sinh viên các kiến thức kinh tế tài chính hiện đại phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Kể cả trình độ sau đại học, cũng tập trung cung cấp kiến thức tài chính doanh nghiệp hiện đại, quản trị tài chính các công ty đa quốc gia, tài chính quốc tế, hoạch định ngân sách vốn đầu tư, đầu tư chứng khoán, kế toán - kiểm toán, phân tích tài chính, hệ thống thông tin tài chính, thị trường chứng khoán, nghiệp vụ ngân hàng và bảo hiểm. Như vậy, sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Tài chính ngân hàng (chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp) có thể làm việc tại: Doanh nghiệp, Công ty chứng khoán, Công ty tài chính. Công ty bảo hiểm, Ngân hàng… Với các vị trí: Chuyên viên quản trị tài chính, Chuyên viên tư vấn tài chính doanh nghiệp, Chuyên viên phân tích và tư vấn đầu tư tài chính, Chuyên viên phân tích rủi ro, Chuyên viên khai thác bảo hiểm, Chuyên viên quản lý danh mục đầu tư, Chuyên viên định giá tài sản, Chuyên viên ngân hàng,…

Thứ tư, trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay chưa có quy định cụ thể và chưa có một trường đại học nào mở mã ngành và đào tạo chuyên ngành Luật Ngân hàng ở trình độ đại học và sau đại học. Theo quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT của Bộ giáo dục và Đào tạo ngày 10/10/2017 về ban hành danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học và Thông tư số 25/2017/TT-BGDĐT của Bộ giáo dục và Đào tạo ngày 10/10/2017 về ban hành danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sỹ, tiến sỹ thì lĩnh vực pháp luật (mã 738, 838, 938) thì không qui định về chuyên ngành đào tạo Luật Ngân hàng. Việc này được hiểu là việc xây dựng chuyên ngành Luật Ngân hàng hay chuyên ngành luật thương mại hay chuyên ngành luật kinh doanh đều do cơ sở đào tạo tự chủ định đoạt nhưng phải nằm trong ngành đào tạo là Luật kinh tế. Nhìn nhận theo góc độ xây dựng chương trình đào tạo liên quan đến ngành ngân hàng thì có thể thấy, các trường đại học trên phạm vi cả nước đều tập trung đào tạo kiến thức nghiệp vụ ngành Tài chính ngân hàng. Các trường đào tạo luật nổi tiếng như Đại học Luật Hà Nội; Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng xây dựng ngành Luật Kinh tế với chuyên ngành Luật Kinh doanh hoặc chuyên ngành Luật Thương mại. Tương tự như vậy, Trường Đại học Kinh tế Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Sài Gòn; Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Hutech; Đại học Huflic; Đại học Tôn Đức Thắng; Đại học Kinh tế Hà Nội; Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Các chuyên gia đầu ngành đào tạo này chủ yếu giới thiệu cơ bản nội dung quy định của pháp luật ngân hàng như là một học phần phụ rất khiêm tốn chỉ có 2 hoặc 3 tín chỉ. Tức là nội dung quy định của pháp luật về ngân hàng chỉ gói gọn trong thời lượng 30 đến 45 tiết thuộc kiến thức cơ sở ngành chứ không xây dựng một chương trình đào tạo kiến thức thuộc chuyên ngành luật ngân hàng.

3. Giải pháp triển khai đào tạo Luật tài chính ngân hàng

Một là, phải xây dựng đội ngũ lãnh đạo và giảng viên tham gia giảng dạy chuyên ngành Luật Ngân hàng bằng hình thức thi tuyển, xét tuyển. Theo quy định hiện hành về xây dựng chương trình khung đào tạo ngành Luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chuyên ngành Luật Ngân hàng nằm trong ngành Luật Kinh tế. Tức là ngành Luật Kinh tế không thể gọi là chuyên ngành Luật Kinh tế, chỉ có chuyên ngành Luật Ngân hàng hay chuyên ngành Luật Kinh doanh thuộc về ngành Luật Kinh tế. Do vậy, để triển khai đào tạo chuyên ngành Luật Ngân hàng có hiệu quả, cần đặt chuyên ngành này tương đương với chuyên ngành Luật Thương mại trong ngành Luật Kinh tế hiện có của Nhà trường. Ngoài ra, để đào tạo thành công chuyên ngành Luật Ngân hàng không thể thiếu đội ngũ giảng viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ hoặc Phó giáo sư, Giáo sư đảm nhiệm đào tạo. Đây là chương trình đào tạo mang tính ứng dụng cao nên cần xây dựng kế hoạch tuyển dụng giảng viên rõ ràng, khoa học như thi tuyển, xét tuyển đặc cách, ưu tiên Giảng viên có trình độ cao Tiến sỹ, Phó Giáo sư, Giáo sư ngành Luật Kinh tế. Theo những tiêu chí của điều lệ trường đại học hiện hành, trong tuyển dụng cần đề cao tiêu chí chuyên môn để tuyển dụng người có nhiều kinh nghiệm chuyên môn ở lĩnh vực luật ngân hàng quốc gia và quốc tế.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách trả lương cũng như các khoản chi trả hợp lý khác đãi ngộ kịp thời cho công tác đào tạo chuyên ngành Luật Ngân hàng để họ yên tâm giảng dạy, đào tạo.

Hai là, nghiên cứu, tham khảo học tập kinh nghiệm của một số trường tiên tiến trên thế giới trong việc đẩy mạnh xây dựng chương trình đào tạo và triển khai công tác đào tạo chuyên ngành Luật Ngân hàng. Khi xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành Luật Ngân hàng cần thiết phải nghiên cứu, tham khảo học tập kinh nghiệm của một số trường tiên tiến trên thế giới. Ví dụ chương trình đào tạo chuyên ngành Luật Ngân hàng ở Trường Đại học Luật của Liên hiệp Anh và Bắc Ai Len trong bậc cử nhân chỉ có 8 môn được xem là bắt buộc (Hiến pháp và hành chính, Hệ thống pháp luật, Luật hợp đồng, Đền bù thiệt hại, Ủy thác, Đất và tài sản, Hình luật, Luật Châu Âu)… Như vậy, chúng ta có thể xây dựng Chương trình đào tạo theo hướng lựa chọn một số môn bắt buộc cho tất cả các ngành và dành một thời lượng nhiều hơn cho các môn bắt buộc của các chuyên ngành.

Như vậy, việc xây dựng chương trình và triển khai áp dụng chương trình đào tạo sẽ khoa học và thuận lợi hơn. Nghiên cứu học hỏi, áp dụng kinh nghiệm trong đào tạo chuyên ngành Luật Ngân hàng của nước ngoài cần phù hợp với thực tiễn hoạt động ngành Ngân hàng ở Việt Nam, xây dựng nhiều học phần tự chọn để linh hoạt hơn cho người học. Nhất là chỉ dành một thời lượng vừa phải cho những môn không phải chuyên ngành kết hợp với phương pháp tăng cường thuyết trình của sinh viên phát huy tối đa tính tự học tự nghiên cứu của họ, thực tập tại ngân hàng, bảo vệ đề tài… để sinh viên, học viên ra trường sẽ là những người thực sự giỏi, phục vụ nhân dân tốt nhất trong lĩnh vực ngân hàng, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính của ngành Ngân hàng theo yêu cầu phát triển kinh tế quốc gia.

Ba là, xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành Luật Ngân hàng cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm đào tạo chuyên ngành Luật Ngân hàng theo chương trình tiên tiến của một số trường đại học trên thế giới thì việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành về đào tạo là rất cần thiết đối với khâu xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chuyên ngành này. Ngày 16/4/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ. Theo đó, khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ đại học 4 năm là 120 tín chỉ; trình độ thạc sĩ: 60 tín chỉ đào tạo trong thời hạn là 2 năm; trình độ tiến sỹ: 90 tín chỉ đối với người tốt nghiệp thạc sỹ, 120 tín chỉ đối với người tốt nghiệp đại học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2005). Luật số 38/2005/QH11 ngày 14/6/2005 về Giáo dục (Luật Giáo dục 2005)và Luật số 44/2009/QH12 ngày 25/11/2009 về sửa đổi, bổ sung mộtsố điều của Luật Giáo dục (Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2009).
  2. Quốc hội (2012). Luật số 08/2012/QH13 ngày 18/6/2012 về Giáo dục đại học (Luật Giáo dục
    đại học năm 2012). Quy chế Đào tạo trình độ thạc sĩ (Ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (Ban hành kèm theo Quyết định số 18/VBNH-BGDĐT ngày 15/5/2014).
  3. Ban chấp hành trung ương (2013). Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013, Trung ương 8, Khóa XI về đổi mới căn bảnvà toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóatrong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
  4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015).Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16/4/2015 quyđịnh về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học.

 Solutions for launching the Law on Banking and Finance training program for students

Master. Nguyen Thi Tinh

Faculty of Finance, Banking and Insurance, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Since the financial crisis, banks, financial institutions and financial companies have expanded. As a result, it is essential to strengthen the legal corridor to keep up with the financial market’s growth. Commercial bank and financial companies need to fully understand laws and they have to comply with laws. Hence, Law on Banking and Finance becomes an indispensable law. This paper is to point out the importance of Law on Banking and Finance training for students. The paper also proposes some solutions for launching the Law on Banking and Finance training program for students.

Keywords: training, major, law on banking and finance.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 4 năm 2023]

Tạp chí Công Thương