Giải pháp phát triển kinh tế tập thể tại Việt Nam trong thời gian tới

ThS. TRẦN PHƯƠNG TÂM AN (Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội)

TÓM TẮT:

Kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích và phát triển, tạo đột phá cho khu vực KTTT phát triển góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bài viết tập trung phân tích thực trạng, tiềm năng phát triển của khu vực KTTT, một số hạn chế, tồn tại và đề xuất giải pháp nhằm tạo đột phá cho khu vực KTTT trong thời gian tới.

Từ khóa: kinh tế tập thể, hợp tác xã, chính sách, Luật Hợp tác xã.

1. Đặt vấn đề

Năm 2003, tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đã đánh giá: "HTX là một trào lưu có tổ chức lớn nhất của xã hội văn minh, có đóng góp quan trọng giúp đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của con người trong nỗ lực phát triển kinh tế cân bằng sâu rộng tại các quốc gia nói riêng và trên thế giới nói chung; đóng góp của HTX rất đặc biệt và vô giá".

Thực tế đã cho thấy HTX là chủ thể quan trọng, góp phần phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, tạo việc làm, phát triển kinh tế bao trùm, chuyển đổi kinh tế và lao động phi chính thức sang chính thức, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, xây dựng xã hội học tập.

Tại Việt Nam, KTTT mà nòng cốt là HTX với nhiều hình thức hợp tác đa dạng (HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX,...) dựa trên sở hữu của các thành viên và tập thể; liên kết và hợp tác rộng rãi những người lao động, hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. KTTT, HTX đã hình thành và phát triển gần 70 năm, đóng góp quan trọng sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam.

Trải qua các thời kỳ phát triển, bản chất, giá trị và các nguyên tắc hoạt động, vai trò của KTTT, HTX vẫn luôn phù hợp với chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và quy định của Hiến pháp. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện nay, Việt Nam có 17,3 triệu hộ ở địa bàn nông thôn, trong đó 9 triệu hộ nông dân có diện tích canh tác bình quân ở mức thấp, vốn và tài sản còn hạn chế, do đó các hộ nông dân cần phải liên kết, hợp tác tổ chức sản xuất, kinh doanh theo mô hình KTTT, HTX nhằm mang đến hiệu quả bền vững.

Căn cứ đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, thực tiễn phát triển KTTT, HTX ở Việt Nam và các nước trên thế giới, có thể khẳng định phát triển KTTT, HTX là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

Do vậy, bài viết nghiên cứu “Giải pháp phát triển kinh tế tập thể tại Việt Nam trong thời gian tới”, trong đó tập trung phân tích thực trạng, tiềm năng phát triển của khu vực KTTT, một số hạn chế, tồn tại và đề xuất giải pháp nhằm tạo đột phá cho khu vực KTTT trong thời gian tới.

2. Thực trạng phát triển KTTT ở Việt Nam

2.1. Kết quả đạt được

Từ khi nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể có hiệu lực, trải qua 20 năm thực hiện đã ghi nhận những kết quả nhất định, như:

- Có sự thay đổi từ mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Hiện nay, 100% các tỉnh, thành phố ban hành đề án, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch phát triển KTTT theo từng giai đoạn.

- Nhận thức của hệ thống chính trị và người dân về HTX kiểu mới được nâng lên, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ bản xây dựng, ban hành hệ thống quy định pháp luật và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX theo yêu cầu của Nghị quyết và tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế của từng giai đoạn phát triển.

- Việc xác lập môi trường thể chế và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển KTTT, HTX từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cụ thể hóa Nghị quyết cơ bản được hoàn thiện, đồng bộ tại các cấp.

- Khu vực KTTT đã có bước phát triển mới về chất và lượng, bước đầu khẳng định KTTT, HTX là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước. Các tổ chức kinh tế hợp tác đã từng bước liên kết những người sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ, để hợp sức, góp vốn tạo điều kiện thuận lợi tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển, nhằm chia sẻ nguồn lực, lợi ích, kinh nghiệm, tạo mối liên hệ hài hòa giữa các thành viên theo hướng liên kết cộng đồng, mở rộng hợp tác giữa thành phần KTTT với các thành phần kinh tế khác.

+ Đến cuối năm 2021, cả nước có trên 27.000 HTX, gấp 2,5 lần so với năm 2001, tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Riêng giai đoạn triển khai Luật Hợp tác xã 2012 - 2021, mỗi năm có 2.600 HTX được thành lập mới, gấp hơn 2 lần so với bình quân 10 năm trước đó.

+ Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm. Cụ thể là năm 2020, doanh thu của HTX đạt bình quân 4,3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/HTX, tương ứng tăng 61% và 88% so với 2013. Thu nhập bình quân của người lao động trong HTX vào năm 2013 là 43 triệu đồng/người/năm thì hiện đã tăng lên là 53 triệu đồng/người/năm.

- Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, kết hợp với công tác phối hợp hiệu quả giữa Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, Liên minh HTX Việt Nam ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển KTTT.

Như vậy, trong thời gian qua, mô hình HTX đã phủ kín các lĩnh vực kinh tế và đặc biệt góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tạo nên tư duy hợp tác của những người nông dân.

2.2. Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đạt được, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, khu vực KTTT vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa phát huy được tối đa tiềm năng của mình trong hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước. Cụ thể:

- Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ trọng đóng góp vào GDP chưa ngang tầm, đáp ứng yêu cầu, đóng góp vào GDP của khu vực KTTT giảm dần qua các năm, từ 4,03% năm 2013 xuống còn 3,62% năm 2021.

- Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số lượng thành viên cũng giảm tương ứng từ 8 triệu thành viên xuống còn 5 triệu thành viên. Thu nhập của người lao động trong HTX tuy đã tăng nhưng chỉ bằng 50% so với doanh nghiệp. Số lượng HTX tăng nhanh nhưng số lượng thành viên lại giảm mạnh khiến quy mô HTX ngày càng nhỏ dần, từ đó khó cạnh tranh và khó phát triển theo các chuỗi giá trị bền vững.

- Tâm lý ngộ nhận về giá trị, tính pháp lý của mô hình HTX, đặc biệt là chưa xác định được rõ vị trí, vai trò của mô hình HTX trong nền kinh tế quốc dân nên chưa đưa mô hình này phát triển linh hoạt, hiệu quả. Nhận thức của người dân, cơ quan quản lý về KTTT, nhất là HTX kiểu mới được nâng lên những vẫn còn tâm lý e ngại tham gia HTX và kinh tế hợp tác.

- Về nguồn nhân lực tại các HTX: Nhiều HTX còn trong tình trạng khó khăn. Năng lực nội tại của các HTX còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu. Số lượng HTX không hoạt động còn khá lớn, số HTX yếu kém giảm chậm, tỷ lệ HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi tăng nhưng mức lãi thấp và không có khả năng tích lũy để đầu tư phát triển, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thành viên HTX cơ bản là các chủ hộ của mô hình HTX kiểu cũ, những người quản lý, điều hành HTX cũng đã trên dưới 60 tuổi nên gặp khó khăn trong hoạch định chiến lược sản xuất và quản lý.

Hiện nay, Việt Nam có 5,7 triệu người tham gia HTX, chiếm chưa đến 6% dân số, trong khi đó tại Nhật Bản là 51%, tỷ lệ người dân tham gia HTX ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Đức, Phần Lan, Anh, Pháp,… cũng chiếm từ 25-40% dân số. Chất lượng HTX còn thấp, cần phải nâng cao hơn nữa.

- Công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX còn nhiều bất cập; thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, đặc biệt là ở các cấp địa phương, còn nhiều đầu mối các cơ quan có chức năng về quản lý kinh tế hợp tác. Chính sách và nguồn lực hỗ trợ cho phát triển KTTT, HTX còn hạn chế, phân tán, chủ yếu là lồng ghép.

- Khung khổ pháp luật, chính sách về KTTT, HTX còn nhiều rào cản, mâu thuẫn, chồng chéo.

Như vậy, mô hình HTX tại Việt Nam đang có những cách biệt nhất định cùng những khó khăn trong vận hành sản xuất - kinh doanh so với các nước trên thế giới. Đặc biệt, trong lúc các HTX nông nghiệp ở Việt Nam đang loay hoay tìm đầu ra cho nông sản thì người dân ở các vùng thành thị chủ yếu dùng các nông sản nhập khẩu từ các HTX trên thế giới với trị giá hàng tỷ USD/năm.

2.3. Nguyên nhân

Các hạn chế nêu trên bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, chủ yếu là các nguyên nhân chủ quan, như:

+ Công tác tổ chức, thực hiện KTTT, HTX tại các địa phương vẫn còn yếu, nhận thức của đội ngũ cán bộ và người dân ở nhiều nơi về bản chất, vị trí, vai trò của khu vực KTTT, HTX chưa đầy đủ, thiếu thống nhất và bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình HTX kiểu cũ.

+ Việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền còn hình thức, chưa thực sự quan tâm, còn hoài nghi về sự thành công của KTTT, HTX. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Công tác quản lý nhà nước ở một số nơi còn buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu, không đúng đối với tổ chức, hoạt động của HTX. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho KTTT, HTX nhiều nhưng còn dàn trải, phân tán, thiếu nguồn lực thực hiện.

+ Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật chưa thường xuyên. Việc đánh giá về hiệu quả và đóng góp của KTTT trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ; còn thiếu sót trong tính toán về đóng góp của các tổ chức kinh tế hợp tác.

+ Việc tổng kết lý luận, pháp luật về HTX chưa kịp thời. Đội ngũ cán bộ của nhiều HTX còn yếu, chưa được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quản lý kinh tế thị trường.

+ Một số quy định tại Luật HTX 2012 còn bất cập, chưa theo kịp tình hình thực tế. Một số văn bản dưới Luật còn ban hành chậm so với yêu cầu. Điều này đã dẫn đến việc xác lập môi trường thể chế cho KTTT phát triển còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây rào cản cho việc phát triển.

3. Một số giải pháp đề xuất nhằm phát triển KTTT tại Việt Nam

Từ những hạn chế trong công tác phát triển KTTT của Việt Nam ở trên, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển KTTT thời gian tới, cụ thể:

- Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân về bản chất, cơ chế hoạt động, vai trò của KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, tuyên truyền phổ biến kiến thức để người dân hiểu và nhận thức rõ tầm quan trọng của KTTT, HTX đối với bản thân và đất nước.

- Các Bộ, Ban ngành và các địa phương cần thống nhất, nghiên cứu và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để KTTT phát triển theo tinh thần Nhà nước quản lý các tổ chức kinh tế hợp tác thông qua luật pháp, sửa đổi các quy định bất cập của Luật Hợp tác xã hiện hành. Quy định rõ cơ chế hoạt động của HTX, quy định cơ chế quản trị phù hợp đối với từng loại hình HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh phân tán hay tập trung, quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ cùng với nguyên tắc bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước.

- Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, giải quyết dứt điểm những vấn đề, như: Nợ tồn đọng kéo dài trong HTX; giải quyết rõ ràng, minh bạch các quan hệ về tài sản của HTX cũ, nhất là những tài sản liên quan đến đất đai.

- Nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia KTTT, HTX. Đưa ra chính sách cụ thể và bố trí nguồn lực thực hiện để dẫn dắt, huy động các nguồn lực khác, tập trung đào tạo, huy động nhân lực chất lượng cao cho HTX.

- Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, nâng cao trình độ quản trị đáp ứng yêu cầu thị trường, từ đó, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số. Hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng, xây dựng thương hiệu, các chính sách thuế, chính sách tín dụng.

- Tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi và theo thế mạnh từng khu vực, vùng miền, quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý theo điều kiện từng nơi, từng sản phẩm, quy mô, thị trường,…

- Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển KTTT; nâng cao vai trò, chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX để HTX đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế trong giai đoạn mới.

- Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý, điều hành HTX nhằm tạo động lực cho khu vực HTX phát triển, trong đó chú ý tới các vấn đề về kế toán, kiểm toán; chuyển đổi số thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thích ứng biến đổi khí hậu.

4. Kết luận và kiến nghị

Nghị quyết số 13-NQ/TW xác định “KTTT phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó HTX là nòng cốt, kinh tế nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”; làm tiền đề, nền tảng ra đời Luật Hợp tác xã năm 2003 và Luật Hợp tác xã năm 2012, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho KTTT phát triển. Từ năm 2002 đến nay, KTTT đã có bước chuyển biến rõ nét, thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, tư duy HTX kiểu cũ dần được xóa bỏ, từng bước vươn lên khẳng định vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập với khu vực và thế giới với hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết. Việc này sẽ tạo cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường, khơi dậy tiềm năng đất nước và của các thành phần kinh tế, trong đó có KTTT. Tuy nhiên, kèm theo đó là những thách thức, khó khăn.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với khu vực KTTT là phải phát huy nội lực, đổi mới phương thức quản lý kinh doanh; ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu hội nhập, toàn cầu hóa nền kinh tế và đảm nhiệm tốt vai trò nền tảng vững chắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này đòi hỏi cần có những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển phù hợp với Việt Nam cho những năm tiếp theo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban chấp hành Trung ương (2002). Báo cáo Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ-TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
  2. Hà Văn (2022). Tám nhóm nhiệm vụ để thúc đẩy KTTT, khắc phục tình trạng sản xuất - kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ. Truy cập tại https://baochinhphu.vn/8-nhom-nhiem-vu-de-thuc-day-kinh-te-tap-the-khac-phuc-tinh-trang-san-xuat-kinh-doanh-manh-mun-nho-le-102220215130241995.htm
  3. Huyền Trang (2022). Để chính sách không bó buộc HTX phát triển. Truy cập tại https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/de-chinh-sach-khong-bo-buoc-htx-phat-trien-1084286.html
  4. Thanh Giang - Trần Hải (2022). Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã hiệu quả, mạnh mẽ. Truy cập tại https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/thuc-day-phat-trien-kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-hieu-qua-manh-me-685712/
  5. Mỹ Anh (2022). Xây dựng mô hình quản trị kinh tế tập thể và hợp tác xã tiên tiến. Truy cập tại https://dangcongsan.vn/thoi-su/xay-dung-mo-hinh-quan-tri-kinh-te-tap-the-va-hop-tac-xa-tien-tien-604050.html

SOLUTIONS FOR COLLECTIVE ECONOMIC DEVELOPMENT

IN VIETNAM IN THE COMING TIME 

Master. TRAN PHUONG TAM AN

Faculty of Economic Law, Hanoi Law University

ABSTRACT:

The collective economy with cooperatives is an important economic component in Vietnam. The Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam always encourage and support the development of the collective economy with breakthroughs in order to improve the economys competitiveness. This paper focuses on analyzing the current situation, shortcomings and development potential of the collective economy. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to create breakthroughs for collective economy in the coming time.

Keywords: collective economy, cooperatives, policies, Law on Cooperatives.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5, tháng 3 năm 2022]