Giá khí đầu vào có thể giảm, hỗ trợ Đạm Phú Mỹ (DPM) cải thiện biên lợi nhuận

Kết quả kinh doanh của Đạm Phú Mỹ (mã cổ phiếu DPM) được kỳ vọng sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm nay khi giá phân ure và sản lượng tiêu thụ phục hồi, cùng với đó là giá khí đầu vào có thể giảm xuống.

Giá phân ure kỳ vọng phục hồi rõ ràng hơn từ quý 3/2023

Đạm Phú Mỹ
Giá phân ure trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi theo giá thế giới, qua đó hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau...

Giá phân ure thế giới được kỳ vọng sẽ hồi phục rõ ràng hơn kể từ quý 3/2023 trong bối cảnh nhu cầu phân bón thế giới được dự báo sẽ cao hơn trong nửa cuối năm nhờ yếu tố mùa vụ, đặc biệt ở 2 thị trường nhập khẩu phân ure lớn nhất thế giới là Brazil và Ấn Độ. Đồng thời, việc thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen giữa Nga - Ukraine chấm dứt có thể khiến giá nông sản tăng mạnh, thúc đẩy việc mở rộng hoạt động nông nghiệp tại nhiều quốc gia, cùng với đó là nhu cầu sử dụng phân ure tăng lên.

Trong khi đó, nguồn cung phân ure vẫn tiếp tục khan hiếm trong nửa cuối năm nay. Sản xuất phân ure ở khu vực EU dự kiến vẫn sẽ ở mức thấp, do giá thành sản xuất ở khu vực này vẫn ở mức 380-390 USD/tấn (với chi phí giá khí ở EU hiện đạt 14 USD/mmBTU), cao hơn nhiều so với chi phí nhập khẩu phân ure từ Ai Cập. Do đó, công suất Urê ở khu vực châu Âu vẫn sẽ chưa được cải thiện mặc dù giá khí ở châu Âu đã hạ nhiệt.

Đồng thời, các nhà máy sản xuất phân ure ở Malaysia, Brunei và Indonesia vẫn đang trong quá trình bảo dưỡng. Tại khu vực Trung Đông, Chính phủ Ai Cập quyết định gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt đối với tất cả các nhà sản xuất phân ure tại nước này, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung toàn cầu.

Nga tiếp tục áp đặt hạn ngạch mới ở mức 16,3 triệu tấn cho xuất khẩu phân bón. Trong đó 10,66 triệu tấn hạn ngạch áp dụng cho phân Ure, UAN và AN, có hiệu lực từ ngày 1/6 đến ngày 30/11/2023. Trung Quốc ngày 2/9 vừa qua đã yêu cầu một số nhà sản xuất phân bón tạm dừng xuất khẩu urê và điều này sẽ gia tăng nguy cơ thắt chặt nguồn cung phân bón toàn cầu.

Giá phân ure Đạm Phú Mỹ DPM Tạp chí Công Thương
Diễn biến giá phân ure của Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, và sản phẩm nhập khẩu qua các năm. (Nguồn: Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, VCBS tổng hợp)

Tại thị trường Việt Nam, giá phân ure được nhận định đã chạm đáy và sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay theo xu hướng của giá thế giới. Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều tổ chức tài chính và chuyên gia ngành hàng, giá phân ure trong nước khó tăng mạnh như trong năm 2021 và 2022, trừ khi có biến động địa chính trị bất ngờ xảy ra trong bối cảnh nguồn cung ure đang dư thừa.

Vietcombank Securities (VCBS) cũng lưu ý, riêng nguồn cung phân bón từ công suất sản xuất phân đạm ure của 4 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã lên tới 2,5 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 1,6 - 1,8 triệu tấn/năm.

Xem thêm: "Đạm Cà Mau (DCM): Chi phí đầu vào nửa cuối năm có thể giảm đáng kể" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Giá khí đầu vào có thể giảm, hỗ trợ biên lợi nhuận Đạm Phú Mỹ

Giá ure thế giới
Tương quan giữa giá phân ure của Đạm Phú Mỹ và giá phân ure thế giới. (Nguồn: Agromonitor, Bloomberg, VCBS tổng hợp)

Việc giá phân ure phục hồi dần được kỳ vọng sẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón như Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã cổ phiếu DPM - sàn HoSE).

Theo chia sẻ của đại diện Đạm Phú Mỹ, sản lượng tiêu thụ phân bón trên thị trường nội địa được dự báo sẽ cải thiện trong nửa cuối năm nay. Kể từ quý 2/2023, nhu cầu đã được cải thiện hơn nhờ vụ lúa Hè - Thu; trong quý 3/2023, nhu cầu sẽ chậm lại do trái mùa và nhu cầu sẽ tăng trở lại từ đầu quý 4/2023 để chuẩn bị cho vụ lúa Đông - Xuân, và đây cũng là thời điểm tiêu thụ phân bón lớn nhất năm.

Đạm Phú Mỹ
Kế hoạch sản xuất và bán hàng của Đạm Phú Mỹ trong nửa cuối năm nay. (Nguồn: Đạm Phú Mỹ, VCBS tổng hợp)

Bên cạnh đó, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã hoạt động ổn định trở lại sau thời gian bảo dưỡng tổng thể, việc nhà máy hoạt động tối ưu công suất sẽ giúp gia tăng sản lượng kinh doanh 10% - 20% so với chỉ tiêu kế hoạch.

Theo đánh giá của VCBS, bên cạnh yếu tố giá bán đầu ra và sản lượng tiêu thụ được cải thiện, biên lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ còn có thể được cải thiện nhờ giá khí đầu vào trong nửa cuối năm nay giảm xuống.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, Đạm Phú Mỹ vẫn được đảm bảo cung ứng khí đầy đủ nhưng tỷ trọng nguồn khí đồng hành có giá thấp (Bạch Hổ, Rồng - Đồi Mồi) đạt công suất thấp hơn và tỷ trọng cấp bù từ các nguồn khác (Nam Côn Sơn, Cửu Long…) vốn có chi phí vận chuyển cao hơn. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng khí từ các mỏ khí giá rẻ được ưu tiên cấp cho sản xuất điện khi thời tiết nắng nóng kéo dài, tình hình thuỷ văn không thuận lợi, và nhu cầu phụ tải điện tăng vọt.

Giá khí đầu vào Đạm Phú Mỹ
Tương quan giữa giá khí đầu vào và biên lợi nhuận gộp của Đạm Phú Mỹ. (Nguồn: Đạm Phú Mỹ, VCBS tổng hợp)

Tình trạng này được kỳ vọng cải thiện trong nửa cuối năm khi bước vào mùa mưa. Do đó, trong nửa cuối năm nay, Đạm Phú Mỹ có thể nhận được nhiều nguồn khí giá rẻ từ Bạch Hổ, Rồng - Đồi Mồi so với giai đoạn nửa đầu năm, giúp giảm chi phí sản xuất.

Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 20/9, cổ phiếu DPM có thị giá tại mức 39.100 đồng/cổ phiếu. So với mức đáy hồi cuối tháng 5/2023, thị giá cổ phiếu DPM đã tăng hơn 36%.

Duy Quang