Điều chỉnh chi tiêu để chống lạm phát

Sau cái Tết “xôm tụ”, chúng ta đối diện với những khó khăn về kinh tế, bao trùm là vấn đề tăng giá thấm vào mỗi người sản xuất và tiêu dùng. Nhưng không phải lần đầu, mà trong những năm qua chúng ta đ

Nền kinh tế ngày càng vận động theo chuẩn mực của cơ chế thị trường và hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế. Một chuyển động thị trường, một chính sách vĩ mô tác động đến toàn thể mà độ trễ có xu hướng ngắn đi, hiệu ứng mạnh hơn. Nền kinh tế đất nước, đời sống việc làm của mọi người đã ngày càng thích nghi với cơ chế thị trường. Đó là khả năng tự điều chỉnh chi tiêu và hiện nay tiếp tục điều chỉnh theo chiều hướng tiết kiệm, tích cực. 

Chính sách vĩ mô: Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội tập trung vào 6 nhóm giải pháp, với một số định lượng sau:
- Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15 - 16%,... giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.
- Chỉ đạo phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước 7-8% so với dự toán ngân sách năm 2011 đã được Quốc hội thông qua.
- Các Bộ, cơ quan, địa phương chủ động sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011 (không bao gồm chi tiền lương và các khoản có tính chất lương, chi chế độ chính sách cho con người và tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo kế hoạch đầu năm).
- Giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống dưới 5% GDP.
- Không ứng trước vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ năm 2012 cho các dự án, trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách.
- Không kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2011, thu hồi về ngân sách Trung ương các khoản này để bổ sung vốn cho các công trình, dự án hoàn thành trong năm 2011.
- Giảm tối thiểu 10% kế hoạch tín dụng đầu tư từ nguồn vốn tín dụng nhà nước.
- Xây dựng kế hoạch điều hành xuất, nhập khẩu, phấn đấu bảo đảm nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu.
- Xem xét, miễn, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế nguyên liệu đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu đối với những ngành hàng trong nước còn thiếu nguyên liệu như dệt may, da giầy, thuỷ sản, hạt điều, gỗ, dược phẩm,…; tiếp tục thực hiện tạm hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu trong năm 2011...

Ngày 27/02/2011 Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1157/VPCP-KTTH về việc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP, đề nghị các Bộ, cơ quan, địa phương: Khẩn trương xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết, trong đó nêu cụ thể danh mục nhiệm vụ, đề án, đơn vị chủ trì, thời gian hoàn thành, chế độ thông tin, báo cáo, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 08 tháng 3 năm 2011 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 3 năm 2011... 

Các nhóm giải pháp sẽ được cụ thể trong Chương trình hành động của mỗi Bộ, cơ quan, địa phương, đòi hỏi sự đồng bộ, thống nhất với mục tiêu của Nghị quyết số 11/NQ-CP. Đó là vấn đề kỹ thuật cần xử lý sớm, công bố công khai theo thẩm quyền. Với các điều chỉnh tỷ giá, giá điện, xăng dầu đã và đang tác động đến sản xuất và đời sống. Hiệu ứng tăng giá ba mặt hàng trên, tiếp nữa là lãi suất, phương thức thanh toán, kết hối, cùng với sự kiểm soát của nhà nước (quy định nơi mua bán vàng miếng, ngoại tệ, quản lý thị trường chặt chẽ hơn,...), có tác động làm giảm tốc độ tăng giá, đưa giá vào mặt bằng mới trong Quý II. 

Khối sản xuất kinh doanh giảm áp lực thị trường
Trước biến động tăng của tỷ giá, khối nhập khẩu tính đến tiết kiệm ngoại tệ, tìm kiếm nguồn nguyên liệu hàng hóa trong nước có thể thay thế, hoặc áp dụng các hình thức gia công xuất khẩu để bảo đảm phần gia tăng không giảm. Chúng ta đã có danh mục hàng trong nước sản xuất được, cần hướng dẫn cụ thể hơn việc thực hiện các danh mục đó, nên đưa các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về một văn bản, kèm theo các chế tài để khuyến khích sản xuất tiêu dùng hàng hóa, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được. 

Mặt khác, chính sách tiết kiệm chi tiêu công buộc các đơn vị chuyển dịch từ vốn ngân sách sang các nguồn vốn khác, xây dựng các dự án, công trình mới và tạo cơ chế huy động vốn ngoài ngân sách, tạm ứng vốn cho nhau để duy trì việc làm, đưa hoạt động sản xuất dần trở lại bình thường. 

Đến nay chưa có dự báo về chỉ số giá các nhóm mặt hàng của 6 tháng tới. Đây là hạn chế của cơ quan nghiên cứu bởi chưa có công cụ tính toán tin cậy, chưa có bảng I/0 của nền kinh tế và của mỗi ngành mà chỉ có các dự báo mang tính chuyên gia, kinh nghiệm. Thực tế đó đòi hỏi chính doanh nghiệp, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty, các Hiệp hội ngành hàng phải tự tính toán để đưa ra những quyết định đầu tư, các thông số về giá cả, điều khoản thanh toán trên hợp đồng kinh tế và đơn hàng, đặc biệt là các quy chế chi tiêu nội bộ, các giải pháp công nghệ mới,... Riêng Hiệp hội tín dụng cần có khuyến nghị về tiết kiệm chi tiêu của các tổ chức thành viên, giảm chênh lệch lãi suất cho vay và huy động, thực hiện “trung bình hóa lợi nhuận”, đồng hành với doanh nghiệp.
Cung cầu khối sản xuất tự điều chỉnh, nhưng áp lực sau cùng lên doanh nghiệp lại chính là sự giảm chi tiêu của người tiêu dùng. 

Điều chỉnh hành vi tiêu dùng
Tôi cho rằng dung lượng thị trường nước ta đang lớn nhưng độ co dãn khá lớn về quan hệ cung cầu. Phản ứng nhãn tiền là người tiêu dùng là thay đổi thói quen, có thể tiết kiệm chi tiêu dùng bình quân đến hơn 30%, làm ảnh hưởng ngay đến khối cung, buộc khối cung phải điều chỉnh giá lấy lại mức tiêu dùng của người dân. Tâm lý tăng giá, tăng lời áp vào người tiêu dùng vượt quá khả năng thanh toán của họ cần được thay đổi ở doanh nghiệp, người bán hàng. Chúng ta hiểu thuận mua vừa bán, nhưng văn hóa kinh doanh ở thời điểm giá tăng như hiện nay cần có “tấm lòng đồng cảm, chia sẻ”. 

Trong ngắn hạn, trước “bão giá”, tổ chức công đoàn của doanh nghiệp, địa phương, hội phụ huynh cần đưa ra các giải pháp trợ giá bữa ăn ca của người lao động, học sinh sinh viên tại nhà ăn tập thể. 

Người tiêu dùng sẽ tự xây dựng và thực hiện “phác đồ” giảm chi tiêu, giảm số lượng trong danh mục hàng hóa, dịch vụ cần thiết, tạm dừng nhiều nhu cầu chưa cấp thiết như mua sắm đồ đắt tiền, làm nhà, thuê nhà, du lịch, du học, khám chữa bệnh ở nước ngoài... Nhóm phương tiện đi lại cũng được điều chỉnh theo hướng tiết kiệm chi mua xăng dầu cũng như tiết kiệm điện, ga, nước, dịch vụ viễn thông, thông tin,... Người dư tiền có xu hướng chuyển sang gửi tiết kiệm kỳ hạn lãi suất cao, hoặc ngưng một số giao dịch làm giảm tiền mặt trong lưu thông - một biểu hiện tích cực chống lạm phát. 

Đây là tình thế “thắt lưng buộc bụng” mà chúng ta đã từng trải nghiệm trong gần đây. Một bà nội trợ giỏi có thể giảm đến 1/3 chi tiêu mà vẫn bảo đảm bữa ăn trên mức đạm bạc! Một nhà quản trị doanh nghiệp tài có thể giảm đến trên 15% chi tiêu không cần thiết vẫn bảo đảm kết qua như khi chưa giảm! 

***
Định nghĩa lạm phát kinh điển là “Chính phủ chi tiền bù đắp bội chi ngân sách” đến nay đã phát triển khái niệm. Lạm phát còn do “chi phí đẩy”, do tăng tổng cung các phương tiện tiền tệ, tín dụng, do nhập khẩu, do đáo hạn nợ,...và do chính tập quán tiêu dùng. Chúng ta đã từng biết đến trường hợp của Argentina hơn 10 năm trước, ở Hy Lạp năm ngoái. Nơi đó, chi tiêu công quá lớn, tiêu dùng vượt khả năng thanh toán với thói quen “cứ vay mà tiêu - Argentina”, hay “cha ông đã sáng tạo, chúng tôi chỉ hưởng thụ - Hy Lạp”. Điều đó đã được kìm hãm sau khủng hoảng. 

Trong hai thập kỷ qua, chúng ta từng trải nghiệm và tự tin, thêm kinh nghiệm chống lạm phát: Năm 1989-1990 tránh được khủng hoảng Liên Xô và Đông Âu, đưa nền kinh tế bước vào cơ chế thị trường; Năm 1997-1998 đã giảm thiểu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính khu vực Đông Nam Á, từng bước hội nhập kinh tế trong khu vực; Năm 2008, can trường trước sóng gió khủng hoảng tài chính toàn cầu, trụ vững sau hai năm đầu hội nhập kinh tế quốc tế,...Và lần này, chúng ta đủ bản lĩnh đi qua, tạo dựng hành trang, tư duy, phong cách mới bước vào Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, bảo vệ và phát triển thành quả đã đạt được./.