EU nhất trí áp gói trừng phạt thứ 11 đối với Nga

Liên minh châu Âu vừa nhất trí áp gói trừng phạt thứ 11 với Nga. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nền kinh tế Nga dường như vẫn đang trụ vững trước làn sóng trừng phạt của phương Tây. Dự báo Nga có thể ghi nhận tăng trưởng GDP 2% trong năm nay.
Chủ tịch EU cho biết các gói trừng phạt nhằm làm suy yếu nền kinh tế Nga
 Khi công bố gói trừng phạt thứ 8 nhắm vào Nga, Chủ tịch Uỷ ban Liên minh châu Âu (EC) bà Ursula von der Leyen cho biết các biện pháp trừng phạt là nhằm làm suy yếu nền kinh tế Nga. (Ảnh: AFP)

Đại diện Thuỵ Điển, nước hiện giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, vừa cho biết “Hôm nay, các đại sứ Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga. Gói này gồm các biện pháp ngăn khả năng lách lệnh trừng phạt trước đó và nhắm vào các cá nhân".

Gói trừng phạt mới cấm quá cảnh qua Nga những hàng hóa và công nghệ có thể được quân đội Nga sử dụng hoặc giúp ích cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh nước này. Đồng thời, áp đặt các hạn chế với việc bán hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng (có thể dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự) cho các quốc gia có khả năng bán lại chúng cho Nga.

Nhằm hạn chế việc các tàu chở dầu thô hoặc sản phẩm dầu mỏ Nga bốc hàng trên biển để lách lệnh trừng phạt từ EU, gói trừng phạt mới sẽ cấm những tàu khả nghi cập cảng EU; qua đó, siết chặt hơn nữa dòng chảy dầu thô của Nga ra thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, gói trừng phạt này còn bổ sung thêm 71 cá nhân và 33 tổ chức vào danh sách bị đóng băng tài sản ở EU vì các cáo buộc liên quan đến cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine. Ngoài ra, 5 cơ quan truyền thông nhà nước Nga tại EU cũng tiếp tục bị đình chỉ phát sóng.

Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022, Nga đã hứng chịu hơn 13.000 biện pháp hạn chế của phương Tây, nhiều hơn tổng lệnh trừng phạt áp đặt với Iran, Cuba và Triều Tiên. Tuy nhiên, GDP của Nga chỉ giảm 2,1% trong năm 2022 và thậm chí Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nga có thể tăng trưởng trong năm 2023.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm 16/6, Tổng thống Putin đánh giá kinh tế Nga đang có triển vọng tích cực, với dự báo GDP tăng 2% trong năm nay. Các chuyên gia kinh tế nhận định, loạt lệnh trừng phạt của phương Tây đã thay đổi hoàn toàn phương thức hoạt động của nền kinh tế Nga.

Trước xung đột, chính sách kinh tế của Nga chủ yếu tập trung vào phát triển công nghệ, đa dạng hóa xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, dịch chuyển vốn tương đối tự do. Tuy nhiên, hiện tại, các yếu tố này đã được thay thế bằng kiểm soát vốn, phân biệt các quốc gia là "thân thiện" hoặc "thù địch" để quyết định quan hệ thương mại và chính sách kinh tế đối ngoại.

Đáng chú ý, những biện pháp trừng phạt của phương Tây đang khiến mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc ngày càng được tăng cường. Thương mại song phương giữa hai nước đã tăng lên mức kỷ lục 190 tỷ USD trong năm 2022. Trung Quốc đã thay thế châu Âu, trở thành thị trường xuất khẩu năng lượng quan trọng nhất của Nga. Các mặt hàng năng lượng cũng chiếm hơn 2/3 kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường xuất khẩu sang Nga nhiều mặt hàng tiêu dùng và công nghệ cao - những mặt hàng vốn bị phương Tây ngăn chặn.

Ở một khía cạnh khác, việc bị cô lập khỏi thị trường tài chính toàn cầu vì các lệnh trừng phạt cũng giúp Nga tránh khỏi các diễn biến tiêu cực của thị trường tài chính quốc tế thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế Hoa Kỳ và các nước châu Âu trải qua tình trạng lạm phát cao, lãi suất tăng mạnh và rủi ro đổ vỡ hệ thống ngân hàng.

Quỳnh Trang