Động lực phát triển nào cho ngành logistics Việt Nam?

Liên kết đủ mạnh sẽ giúp mỗi doanh nghiệp phát huy được lợi thế riêng biệt trong chuỗi cung ứng toàn diện, từ đó nâng cao sức cạnh tranh ở thị trường quốc tế.

logistics

Ngành logistics đang đứng trước nhiều thay đổi của thị trường, nhu cầu vận tải được dự báo tăng lên trong những năm tới, đi cùng đó là sự đổ bộ của các nhà vận tải quốc tế với hình thức vận chuyển mới, ứng dụng công nghệ số hiện đại… Điều này đặt ra câu hỏi, vậy lối đi nào cho doanh nghiệp logistics của Việt Nam để tìm được chỗ đứng?

Tối ưu hóa chi phí

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, ngành logistics cho thấy mức tăng trưởng mạnh, vươn lên vị trí top đầu các thị trường mới nổi, đứng thứ 3 khu vực ASEAN và thứ 39 thế giới, góp phần quan trọng đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2022 ước đạt 750 - 800 tỷ USD, tăng 15 - 20% so với năm trước.

Dù vậy, “căn bệnh kinh niên” vẫn tồn tại là chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao so với một số nước trên thế giới.

Tính toán của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, năm 2021, chi phí logistics chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa Việt Nam, trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%. Chi phí logistics cao không chỉ làm tiêu hao nguồn lực quốc gia, đẩy giá thành sản xuất và giá hàng hóa lên cao mà còn khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh trên thị trường.

Để giải quyết bài toán tối ưu hóa chi phí, bên cạnh thúc đẩy xanh hóa ngành logistics, các chuyên gia cho rằng việc phát triển các trung tâm logistics là xu hướng tất yếu.

Sự phát triển của công nghiệp 4.0 và tốc độ tăng trưởng vượt bậc của thương mại điện tử trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống logistics phục vụ cho thương mại điện tử, trong đó bao gồm các trung tâm logistics. Các trung tâm này không chỉ góp phần gia tăng hiệu quả trong hoạt động logistics mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để phát triển hệ thống trung tâm logistics hiện đại và quy mô lớn, như Trung tâm Vận chuyển và Kho vận khu vực Bắc miền Trung thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đặt tại Nghệ An; Trung tâm dịch vụ hậu cần và logistics Khu kinh tế Đông Nam đặt tại Quảng Trị;… Các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Giang, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu,… cũng đã đưa vào quy hoạch một số trung tâm logistics và đang đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Dù vậy, những địa điểm đủ rộng và phù hợp để xây dựng các trung tâm logistics còn khá khan hiếm, đặc biệt đối với lĩnh vực logistics đô thị.

Do đó, tăng cường phối hợp giữa các doanh nghiệp logistics với địa phương và đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển trung tâm logistics là đặc biệt quan trọng. Cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng những trung tâm logistics đa chức năng, ứng dụng tối đa các giải pháp chuyển đổi số, qua đó hình thành một chuỗi cung ứng toàn diện về lưu thông, chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối. Mặt khác, cũng cần chú trọng phát triển các trung tâm logistics nhỏ gọn như các điểm đầu - cuối, tận dụng lợi thế cả về phân phối và thu gom hàng hóa.

logistics a
Hệ thống băng chuyền chia chọn tự động tại Trung tâm Logistics miền Nam được kết nối đến khách hàng hoàn toàn tự động

 

Liên kết để lớn mạnh

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics, cụ thể là doanh nghiệp vận tải kho bãi, của Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Năm 2017, cả nước có khoảng 37.000 doanh nghiệp và tăng lên khoảng hơn 43.000 doanh nghiệp vào năm 2021, với khoảng 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận (TPL) liên quan đến quốc tế.

Tuy nhiên, trong số hơn 43.000 doanh nghiệp logistics đó, ước tính có đến khoảng 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thậm chí, xét về quy mô nhân lực, các doanh nghiệp logistics Việt Nam đại đa số có quy mô siêu nhỏ và nhỏ với 40,22% số doanh nghiệp có quy mô dưới 5 lao động; 31,67% số doanh nghiệp có quy mô 5 - 9 lao động; 24,42% số doanh nghiệp có quy mô 10 - 49 lao động và 3,17% số doanh nghiệp có quy mô 50 - dưới 300 lao động. Số nghiệp có quy mô lớn chỉ chiếm 0,52%.

Quy mô nhỏ đi cùng hạn chế về vốn, nguồn nhân lực, kinh nghiệm hoạt động thương mại quốc tế,… khiến các doanh nghiệp khó cạnh tranh với các “ông lớn” nước ngoài. Sự cạnh tranh vô hình chung lại diễn ra giữa chính những doanh nghiệp trong nước trên tuyến nội địa.

Ngành logistics đang đứng trước nhiều thay đổi của thị trường, nhu cầu vận tải được dự báo tăng lên trong những năm tới, đi cùng đó là sự đổ bộ của các nhà vận tải quốc tế với hình thức vận chuyển mới, ứng dụng công nghệ số hiện đại… Điều này đặt ra câu hỏi, vậy lối đi nào cho doanh nghiệp logistics của Việt Nam để tìm được chỗ đứng?

Đáp án chính là sự liên kết

Liên kết đủ mạnh sẽ giúp mỗi doanh nghiệp phát huy được lợi thế riêng biệt trong chuỗi cung ứng toàn diện, từ đó nâng cao sức cạnh tranh ở thị trường quốc tế. Cần hình thành được các “sếu đầu đàn” trong ngành logistics, tạo động lực kết nối thêm nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn tham gia hợp tác ở một số dịch vụ cụ thể và hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng.

Song, sự liên kết không thể chỉ dừng lại ở trong cộng đồng doanh nghiệp.

Theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu và tư vấn công nghiệp Việt Nam (VIRAC), 60 - 80% các doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng năng lực của đội ngũ nhân lực logistics bao gồm cả nhân lực trực tiếp và cán bộ quản lý chỉ ở mức trung bình thấp.

Báo cáo năm 2019 của Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID) cũng chỉ ra rằng mặc dù các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm và sẵn lòng chi trả nhiều hơn cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, kết quả đạt được vẫn còn rất khiêm tốn. Trong đó, 37,1% doanh nghiệp tập trung vào việc tự đào tạo, 29,9% doanh nghiệp cử nhân viên đào tạo ngắn hạn dưới 4 tuần, 3,1% doanh nghiệp cử nhân viên đi học thạc sỹ trong nước và chỉ có 1% cử nhân viên đi học nước ngoài.

Kiến thức và kỹ năng của nguồn nhân lực logistics Việt Nam cũng cho thấy sự chênh lệch rõ rệt so với nhu cầu của người sử dụng nhân lực từ cả các doanh nghiệp logistics và công ty sản xuất. Dự báo kỹ năng nghề logistics 2021 - 2023 của Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề logistics (LIRC) cho thấy lực lượng nhân lực logistics nước ta chưa đáp ứng được hầu hết các nhu cầu như kỹ năng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, khả năng sử dụng các phần mềm logistics, kiến thức và kỹ năng về quản trị thu mua, quản trị vận tải, quản trị kho hàng…

Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam (VLI) dự báo, đến năm 2030, ngành logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, cũng như có nhu cầu khoảng 200.000 nhân lực logistics chất lượng cao có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.

Nhu cầu này đòi hỏi sự kết nối, phối hợp và nỗ lực của nhiều bên, từ các cơ sở đào tạo nhân lực logistics (các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở đào tạo ngắn hạn), doanh nghiệp sử dụng nhân lực logistics (VLA, các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sản xuất thương mại), cơ quan quản lý nhà nước (ở đây là Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Công Thương).

Cần chú trọng vào đẩy mạnh đào tạo logistics ở bậc đại học, nâng cao số lượng và chất lượng giảng viên về logistics, kết nối các tổ chức đào tạo, doanh nghiệp logistics Việt Nam với các tổ chức đào tạo nước ngoài. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác giữa nhà trường với nhà trường, nhà trường với doanh nghiệp để gắn hoạt động đào tạo, thực hành, thực tập, tuyển dụng với thực tiễn một cách thực chất và tăng cường vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp với hoạt động phát triển toàn diện nguồn nhân lực; đẩy mạnh kết nối giữa khối đại học, cao đẳng nghề với khối bồi dưỡng ngắn hạn; khuyến khích việc đào tạo liên thông và công nhận tín chỉ lẫn nhau.

Để làm được điều này, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cùng Hiệp hội Logistics tại các địa phương đóng vai trò cầu nối quan trọng nhằm xây dựng được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường về số lượng và chất lượng, góp phần phát triển bền vững ngành logistics trong bối cảnh mới.

Khánh Chi