Doanh nghiệp Bỉ gia tăng đầu tư vào Việt Nam

Với lợi thế của Hiệp định EVFTA và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nhiều doanh nghiệp Bỉ đang gia tăng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Vương quốc Bỉ là một trong những đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam trong Liên minh Châu Âu. Từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi, quan hệ thương mại, đầu tư song phương của hai nước có thêm nhiều cơ hội phát triển tích cực.

Điểm sáng Hải Phòng

Mới đây, tại Hải Phòng, nhà đầu tư Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C (Vương quốc Bỉ) đã khởi công Dự án Khu phức hợp Dịch vụ DEEP C giai đoạn 2.

đầu tư Bỉ
Lễ động thổ Khu phức hợp dịch vụ DEEP C giai đoạn 2 của Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C tại Hải Phòng, ngày 13/9/2023.

Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C là hệ thống các khu công nghiệp và cảng biển do nhà đầu tư Bỉ phát triển và vận hành tại Hải Phòng và Quảng Ninh, khởi động với dự án phát triển Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng I (tên gọi trước đây là Khu công nghiệp Đình Vũ) vào năm 1997, Dự án hợp tác đầu tiên và lớn nhất giữa nhà đầu tư Bỉ Rent-A-Port và UBND TP. Hải Phòng.

Sau 24 năm phát triển, DEEP C đã mở rộng ra ba khu công nghiệp ở Hải Phòng và hai khu công nghiệp ở Quảng Ninh, hình thành nên Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C có diện tích 3.400 ha tại trung tâm phát triển cơ sở hạ tầng và sản xuất của khu vực, với vị trí gần kề cảng hàng không quốc tế, cảng nước sâu và hệ thống đường cao tốc.

Đến nay, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C đã thu hút được 152 dự án đầu tư thứ cấp trong các ngành công nghiệp và dịch vụ logistics, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,5 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án chất lượng cao của các nhà đầu tư nước ngoài nổi tiếng, có thương hiệu.

Dự án Khu Phức hợp Dịch vụ DEEP C là mô hình phức hợp bao gồm khu tòa nhà văn phòng, tòa nhà dịch vụ cung cấp văn phòng, phòng hội nghị, hội thảo, nhà hàng, khu dịch vụ ngoài trời bao gồm sân thể thao, khu tổ chức sự kiện, bãi đỗ xe… nhằm cung cấp các dịch vụ tiện ích cho các doanh nghiệp, chuyên gia, người lao động trong Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C. Giai đoạn 1 của Dự án bao gồm khu tòa nhà văn phòng, sân bóng đá đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động từ Quý 1/2022.

Giai đoạn 2 của Dự án bao gồm khu tòa nhà dịch vụ và mở rộng khu dịch vụ ngoài trời. Theo đó, tòa nhà Dịch vụ được thiết kế và xây dựng với nhiều cải tiến sinh thái đạt Chứng nhận công trình xanh LEED hạng Vàng, cung cấp cơ sở vật chất hiện đại có thể tổ chức các hoạt động cộng đồng ý nghĩa cho doanh nghiệp và người lao động trong khu công nghiệp. Đây cũng là sáng kiến quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững trên con đường trở thành KCN sinh thái đầu tiên tại Việt Nam của DEEP C.

          

Vương quốc Bỉ nói chung và vùng Flanders nói riêng có nhiều thế mạnh và tiềm năng tương đồng với TP. Hải Phòng. Đó là tiền đề để hai bên tăng cường hợp tác; đặc biệt trong các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp dịch vụ, logistics, năng lượng sạch, năng lượng thay thế, công nghiệp hóa dầu, vận tải…

Ông Jan Jambon, Bộ trưởng - Thủ hiến Chính phủ vùng Flanders (Vương quốc Bỉ)

          

 

Cùng với Lễ động thổ Dự án Khu phức hợp Dịch vụ DEEP C giai đoạn 2, ngày 13/9, UBND TP. Hải Phòng và Chính quyền vùng Flanders (Vương quốc Bỉ) đã tổ chức Hội thảo “Hạ tầng bền vững và hậu cần thông minh” nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp vùng Flanders trao đổi, tìm hiểu nhu cầu và khả năng hợp tác đầu tư.

Tại Hội thảo, các diễn giả, doanh nghiệp hai bên đã thảo luận, làm rõ những thách thức đối với phát triển cảng biển nói chung, cảng biển Việt Nam, cảng biển Hải Phòng nói riêng; chia sẻ kinh nghiệm phát triển cảng biển; nhận định xu thế phát triển cảng biển trong tương lai. Từ đó, tìm ra các giải pháp thúc đẩy cảng biển phát triển bền vững, trong đó, thúc đẩy phát triển cảng biển Việt Nam theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội thảo đã chứng kiến Lễ ký kết hợp đồng mua bán Chứng nhận năng lượng tái tạo giữa Công ty TNHH Năng lượng xanh DEEP C (Việt Nam) và Công ty TNHH Polarium Việt Nam (Thụy Điển). Cụ thể, Polarium Việt Nam sẽ mua Chứng chỉ năng lượng tái tạo từ DEEP C để trở thành Công ty đầu tiên trong Khu Công nghiệp DEEP C vận hành cơ sở của mình hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo (100% sử dụng năng lượng xanh).

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Công nghệ Camco (Camco Technologies NV, Vương quốc Bỉ) cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT). Theo đó, Camco sẽ triển khai hệ thống OCR cổng tự động và hệ thống OCR cẩu giàn STS độc quyền tại HHIT. Thông qua việc hợp tác này, HHIT khẳng định mục tiêu liên kết chặt chẽ giữa cảng biển lớn nhất miền Bắc Việt Nam với thị trường châu Âu và châu Mỹ.

kí kết Hải Phòng
Công ty Cổ phần Công nghệ Camco (Camco Technologies NV, Vương quốc Bỉ) ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT).

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Bỉ đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam

Trước đó, tháng 5/2023 Lãnh đạo Tập đoàn John Cockerill của Vương quốc Bỉ đã có chuyến làm việc tại Việt Nam nhằm triển khai các thỏa thuận đã ký và tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư các lĩnh vực khác tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một cứ điểm của Tập đoàn trên các lĩnh vực. Đoàn đã có các buổi khảo sát, làm việc với các bộ, ngành, cơ quan và một số địa phương của Việt Nam để thống nhất kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất than hoạt tính từ gáo dừa và các phụ phẩm từ cây dừa tại tỉnh Bến Tre, xây dựng nhà máy hydrogen tại Trà Vinh và làm việc với Bộ Quốc phòng để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Tiếp ông Francois Michel, Tổng Giám đốc Tập đoàn John Cockerill nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao việc John Cockerill mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam cả về quy mô và lĩnh vực.

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn xem xét, sớm đưa ra quyết định đầu tư sản xuất lâu dài tại Việt Nam trong năng lượng tái tạo - lĩnh vực thế mạnh của Tập đoàn và cũng là nhu cầu của Việt Nam, nhất là sản xuất hydrogen xanh, nhiên liệu sinh khối; tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về xây dựng, hoàn thiện chính sách, nguồn vốn, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản trị và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này; coi Việt Nam là cứ điểm phục vụ thị trường Việt Nam và cả khu vực.

đầu tư Bỉ vào Việt Nam
Đầu tư FDI của Vương quốc Bỉ vào Việt Nam tính đến tháng 7/2023. (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Trong những chuyến thăm lẫn nhau gần đây, Lãnh đạo hai nước cùng đánh giá cao tầm quan trọng của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), đồng thời thống nhất thúc đẩy tiến trình phê chuẩn EVIPA. Hiện nay, Nghị viện Bỉ đang thúc đẩy tiến trình phê chuẩn hiệp định này, dự kiến tiến trình phê chuẩn sẽ được hoàn tất vào khoảng đầu năm 2024, qua đó kỳ vọng tạo đòn bẩy thu hút đầu tư của Vương quốc Bỉ vào Việt Nam mạnh mẽ hơn.

Việt Hằng