Độ tuổi pháp lý của trẻ em: một số vấn đề lý luận và thực tiễn

THS. NGUYỄN LÊ DÂN (Viện Nhà nước và Pháp luật)

TÓM TẮT:

Việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên dưới 18 tuổi là rất cần thiết, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn. Bài viết đánh giá các vấn đề về độ tuổi pháp lý của trẻ em trong Luật Trẻ em năm 2016, từ đó, đưa ra những kiến nghị phù hợp, góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về trẻ em.

Từ khóa: trẻ em, Luật Trẻ em 2016, độ tuổi pháp lý.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc (CRC) vào tháng 2/1990. Ngay sau khi tham gia Công ước, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em năm 1991 (được sửa đổi năm 2004 và sau đó được thay thế bằng Luật Trẻ em năm 2016). Đạo luật này có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở pháp lý nền tảng cho việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở Việt Nam, tạo cơ hội cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, tinh thần.

Tuy nhiên, bên cạnh những quy định mới rất tiến bộ, Luật Trẻ em năm 2016 vẫn còn giữ một quy định gây tranh luận đó là về độ tuổi pháp lý của trẻ em (độ tuổi mà theo pháp luật là mốc hay căn cứ để xác định một người còn chưa đủ trưởng thành/chưa phải là người đã thành niên, chưa được hưởng các quyền đầy đủ, cũng như phải thực hiện các nghĩa vụ đầy đủ của một người đã thành niên). Cụ thể, kế thừa quy định trong Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em năm 1991 (sửa đổi năm 2004), Luật Trẻ em năm 2016 vẫn tiếp tục quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi, trong khi Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và một số điều ước, thỏa thuận quốc tế khác liên quan đến trẻ em mà Việt Nam đã ký kết. Ví dụ như Công ước số 138 về độ tuổi lao động tối thiểu và Công ước số 182 về xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, đều quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi.

Hậu quả là nhóm thanh niên trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi ở Việt Nam hiện chưa nhận được sự chăm sóc và bảo vệ tương tự như trẻ em dưới 16 tuổi. Hầu hết những người trong độ tuổi này đều đang đi học và vẫn đang trong quá trình trưởng thành, không được phép lái xe hay đi bầu cử. Tuy nhiên, cũng có những người trong độ tuổi này phải bỏ học, kết hôn sớm, tham gia lao động, hay nạo phá thai khi tuổi còn quá trẻ do chưa được quan tâm đầy đủ và do vậy, có nguy cơ bị xâm hại, đối mặt với các hình thức bóc lột, lạm dụng khác. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống sau này, cản trở việc thực hiện quyền của nhóm người trong độ tuổi này ở các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và bảo trợ. Thực trạng này sẽ tác động lâu dài đến chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững của quốc gia.

Liên quan đến quy định kể trên, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Ủy ban về Quyền trẻ em (cơ quan giám sát thực hiện CRC) và một số cơ quan khác của Liên hợp quốc đã khẳng định định nghĩa về trẻ em trong Điều 1 CRC (trẻ em là người dưới 18 tuổi) không thể được hiểu theo cách khác là cho hạ thấp độ tuổi pháp lý của trẻ em trong pháp luật quốc gia xuống mức thấp hơn. Ủy ban về Quyền trẻ em cũng đã nhiều lần kiến nghị Việt Nam sửa đổi luật để điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em lên mức tương thích với quy định của Điều 1 CRC. Dù vậy, ở Việt Nam hiện nay, vẫn còn những quan điểm khác nhau trong vấn đề này.

2. Cơ sở của việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam để tương thích với Công ước CRC

2.1. Cơ sở khoa học của việc điều chỉnh tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định, vị thành niên là người từ 10 đến 19 tuổi. Theo một nghiên cứu của WHO về sức khỏe vị thành niên[1], số lượng người trong độ tuổi vị thành niên (từ 10 đến 19 tuổi) hiện khoảng 1,2 tỷ người. Từ góc độ tâm sinh lý học, các nghiên cứu khoa học đều chứng minh rằng, giai đoạn vị thành niên (từ 10 đến 19 tuổi theo quan điểm của WHO) là thời điểm rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Trong giai đoạn này, mỗi người dần dần phát triển năng lực cá nhân của mình và đây cũng là giai đoạn nhiều thách thức nhất.

Các công trình nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, người dưới 18 tuổi vẫn đang trong quá trình trưởng thành cả về thể chất và tinh thần, thể hiện rõ ràng ở bộ não chưa phát triển đầy đủ. Vì thế, trong 18 năm đầu đời là vô cùng quan trọng cho quá trình hoàn thiện thể chất, tâm sinh lý và cần được sự chăm sóc, hỗ trợ từ người lớn. Đi cùng với đó, trẻ em cũng sẽ đối mặt với một số rủi ro khiến các em trở nên dễ bị tổn thương, bị xâm hại và bóc lột. Trong khi đó, các chính sách và quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung vào nhóm dưới 16 tuổi (được gọi là trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016). Do vậy, việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam là cần thiết để nhóm người trong độ tuổi 16-17 tiếp tục nhận được sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ đầy đủ, phù hợp từ gia đình, cộng đồng và Nhà nước, qua đó giúp các em phát huy tối đa tiềm năng của mình trước khi bước vào giai đoạn trưởng thành.

2.2. Cơ sở pháp lý của việc điều chỉnh độ tuổi của trẻ em Việt Nam

Về phương diện pháp luật quốc tế, Điều 1 Công ước CRC định nghĩa trẻ em là người dưới 18 tuổi dựa trên cơ sở xác định mốc chuyển biến lớn từ giai đoạn tuổi thơ (childhood) sang người lớn (adulthood). Vì thế, 18 tuổi là tiêu chí chính thức áp dụng chung cho quốc gia thành viên khi quy định khái niệm trẻ em. Mặc dù vế sau của Điều 1 CRC nêu rằng: “… trừ trường hợp pháp luật [của quốc gia thành viên] áp dụng với trẻ em có quy định tuổi trưởng thành sớm hơn”; quy định này có nghĩa là các quốc gia thành viên có thể xác định tuổi trưởng thành sớm hơn, nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định của Công ước CRC đối với trẻ em dưới 18 tuổi.

Bên cạnh đó, tuổi pháp lý chung của trẻ em là dưới 18 tuổi, các quốc gia thành viên có thể đặt ra một số độ tuổi thấp hơn 18 để áp dụng trong một số lĩnh vực, ví dụ như độ tuổi tham gia quan hệ dân sự hay quan hệ lao động căn cứ vào mức độ trưởng thành của trẻ em. Những độ tuổi tối thiểu đó không được xem là độ tuổi pháp lý để xác định đối tượng là trẻ em, mà chỉ nhằm cân bằng giữa quyền được bảo vệ và nhu cầu cần được trao quyền của trẻ em trong quá trình phát triển[2].

Về phương diện pháp luật quốc gia, hiện tại, pháp luật Việt Nam quy định trong Bộ luật Dân sự độ tuổi trưởng thành là từ đủ 18 tuổi và người chưa thành niên là dưới 18 tuổi. Như vậy, khái niệm trẻ em (là người dưới 16 tuổi) trong Luật Trẻ em năm 2016 là chưa tương thích với Điều 1 của CRC. Hơn nữa, trong pháp luật Việt Nam, khái niệm trẻ em không đồng nhất với khái niệm người chưa thành niên (là người dưới 18 tuổi), mặc dù cả hai khái niệm này đều nói về người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người trưởng thành.

Là một quốc gia thành viên ký Công ước CRC, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các quy định của Công ước này, trong đó bao gồm cả quy định tại Điều 1 về độ tuổi pháp lý của trẻ em. Theo Luật Điều ước quốc tế năm 2016, trong trường hợp có quy định khác với các văn bản pháp luật quốc gia, trừ Hiến pháp, thì các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết sẽ được ưu tiên áp dụng. Hiến pháp năm 2013 không đưa ra định nghĩa về trẻ em nhưng có quy định độ tuổi được tham gia bầu cử là đủ 18 tuổi. Vì vậy, theo nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật quốc tế ở khoản 1 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Việt Nam cần áp dụng quy định về độ tuổi pháp lý của trẻ em trong Điều 1 CRC.

Nói cách khác, đối chiếu với khoản 1 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, khác biệt trong quy định về độ tuổi pháp lý của trẻ em trong Luật Trẻ em năm 2016 và Công ước CRC chỉ được xem là có thể chấp nhận nếu Hiến pháp Việt Nam quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, Hiến pháp hiện hành năm 2013 và các bản Hiến pháp trước đó đều không đưa ra định nghĩa về trẻ em. Các nhà lập hiến Việt Nam từ trước tới nay đã để khái niệm trẻ em cho luật định. Điều đó có nghĩa, theo nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật quốc tế ở khoản 1 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Việt Nam cần phải áp dụng quy định về độ tuổi pháp lý của trẻ em trong Điều 1 CRC.

Có quan điểm cho rằng, CRC chứa đựng các quy định bắt buộc và tùy nghi, trong đó Điều 1 CRC là quy định tùy nghi, cho phép các quốc gia có thể áp dụng một cách “uyển chuyển”. Tuy nhiên, quan điểm này không có cơ sở thực tế. Từ trước đến nay, không có một tài liệu nào của Ủy ban về Quyền Trẻ em cũng như các cơ quan nhân quyền khác của Liên hợp quốc nêu rằng CRC chứa đựng các điều khoản tùy nghi và đặc biệt là Điều 1 của Công ước này là một trong những điều khoản tùy nghi đó. Ngược lại, Ủy ban về quyền trẻ em và Ủy ban Nhân quyền đều đã có nhiều văn kiện khẳng định Điều 1 CRC có tính ràng buộc và cần được áp dụng một cách thống nhất trong mỗi quốc gia và bởi các quốc gia.

Một số quan điểm cho rằng, chênh lệch về độ tuổi pháp lý của trẻ em trong Luật Trẻ em năm 2016 và CRC vẫn có thể chấp nhận được. Quan điểm này là do cụm từ “… trừ trường hợp pháp luật của quốc qua thành viên áp dụng với trẻ em có quy định tuổi trưởng thành sớm hơn” trong Điều 1 CRC đã được hiểu thành “… trừ trường hợp pháp luật của quốc gia thành viên áp dụng với trẻ em có quy định tuổi người chưa thành niên sớm hơn”. Cách hiểu này hoàn toàn không đúng với quy định của CRC. Hơn nữa, cần hiểu rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam quy định tuổi người trưởng thành là từ 18 tuổi và tuổi người chưa thành niên là dưới 18 tuổi nên việc quy định tuổi trẻ em dưới 16 tuổi như theo Luật Trẻ em năm 2016 rõ ràng là không tương thích với CRC.

Nhìn từ góc độ tính nhất quán của hệ thống pháp luật, có thể thấy đang có sự mâu thuẫn trong các quy định có liên quan đến trẻ em và người chưa thành niên trong pháp luật hiện hành của Việt Nam. Cụ thể, độ tuổi được xem là người lớn (người đã thành niên) từ đủ 18 tuổi và độ tuổi được xem là người chưa thành niên (chưa phải là người lớn) dưới 18 tuổi. Trong khi đó, tuổi trẻ em trong Luật Trẻ em năm 2016 lại là dưới 16 tuổi. Như vậy, khái niệm người chưa thành niên và trẻ em đã được hiểu khác nhau trong pháp luật Việt Nam, trong khi cần được hiểu như nhau, vì cả 2 khái niệm này đều để chỉ những người chưa hoàn toàn phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần và chưa có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân.

Từ những phân tích ở trên, tác giả cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu sửa đổi quy định của Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016; theo đó, cần điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 tuổi như quy định tại Điều 1 CRC để nhằm thực thi đầy đủ cam kết của một quốc gia thành viên Công ước, phù hợp với quy định tại Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và qua đó tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về vấn đề này. Việc sửa đổi này cũng sẽ tạo sự nhất quán về khái niệm trẻ em và người chưa thành niên trong hệ thống pháp luật quốc gia.

2.3. Cơ sở thực tiễn của việc điều chỉnh tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam

Trong giai đoạn độ tuổi từ 16 đến dưới 18, con người trải qua nhiều biến động về thể chất và tâm sinh lý cũng như năng lực đang phát triển dần, hay nói cách khác, độ tuổi này đang chuyển tiếp lên thành người lớn. Do vậy, cần có sự chăm sóc và hỗ trợ để phát triển đầy đủ kỹ năng quản lý rủi ro, hạn chế tính dễ bị tổn thương của bản thân, đồng thời biết tiếp cận dịch vụ thiết yếu để phát triển tối đa tiềm năng của mình.

Thực tiễn cho thấy, có một tỷ lệ đáng kể những người trong độ tuổi này đối mặt với rất nhiều rủi ro. Trong tổng số người chưa thành niên vi phạm pháp luật ở Việt Nam, độ tuổi 16-17 chiếm tỷ lệ cao nhất (67,1%)[3]. Theo điều tra quốc gia về tình hình lao động trẻ em năm 2012, tỷ lệ lao động trẻ em ở nhóm tuổi 16-17 cũng cao hơn hẳn, chiếm 58% tổng số trẻ em lao động[4]. Điều tra giữa kỳ về dân số và nhà ở năm 2014 cho thấy 3,9% trẻ em gái tuổi 15-17 kết hôn so với 0,9% trẻ em trai cùng nhóm tuổi[5].

Tuy nhiên, các chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung vào nhóm trẻ em dưới 16 tuổi. Một bộ phận không nhỏ trong độ tuổi 16-17 lao động sớm, kết hôn sớm. Theo một số nghiên cứu, có sự liên kết chặt chẽ giữa việc trẻ vi phạm pháp luật với sự thiếu chăm sóc, quan tâm từ phía gia đình[6].

Như vậy, việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 sẽ giúp nhóm người ở độ tuổi 16-17 nhận được sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ đầy đủ, phù hợp hơn với gia đình, cộng đồng và Nhà nước cũng như tạo cơ hội cho nhóm người này phát huy hết tiềm năng của mình trước khi bước vào giai đoạn trưởng thành.

3. Tác động tích cực của việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên dưới 18 tuổi

Tác động tích cực trước hết của việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên dưới 18 tuổi chính là với nhóm gần 3 triệu người trong độ tuổi 16-17, đặc biệt là với những người 16-17 tuổi có hoàn cảnh đặc biệt. Từ góc độ lý thuyết về tiếp cận dựa trên quyền, nhóm người này sẽ được hưởng đầy đủ các quyền và chế độ hỗ trợ của Nhà nước trong các chính sách, chương trình hiện chỉ dành cho nhóm trẻ dưới 16 tuổi bao gồm các chính sách về giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội,… Sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ giúp nhóm người này có thể phát triển đầy đủ cả về thể chất và tinh thần, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Đối với những người khác trong độ tuổi 16-17, mặc dù có thể không được hưởng các chính sách, chương trình trợ cấp xã hội dành cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, song, vẫn nhận được sự quan tâm bảo vệ, chăm sóc từ Nhà nước, gia đình và cộng đồng. Đó là bởi việc điều chỉnh độ tuổi sẽ tăng cường nhận thức của các chủ thể bảo vệ, chăm sóc, giáo dục các em ở độ tuổi 16-17. Nhóm người trong độ tuổi này cũng có ý thức hơn về việc bảo vệ quyền của mình, cũng như có cơ hội được bảo vệ, bảo đảm đầy đủ tất cả các nhóm quyền của trẻ em. Nói khái quát hơn, việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 tuổi sẽ tạo môi trường pháp lý, môi trường xã hội để đảm bảo hiệu quả các quyền và lợi ích của nhóm người 16-17 tuổi.

Cũng từ góc độ của lý thuyết tiếp cận dựa trên quyền, việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý sẽ giúp nhóm người 16-17 tuổi được bảo đảm đầy đủ hơn ở cả 4 nhóm quyền (sống còn, bảo vệ, phát triển và tham gia) theo CRC. Cụ thể như sau:

+ Quyền được sống còn: Việc điều chỉnh độ tuổi sẽ giúp nhóm người này được bảo đảm quyền chăm sóc tốt hơn về sức khỏe, bao gồm quyền được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh và y tế dự phòng,… từ đó bảo đảm các điều kiện sống và phát triển toàn diện.

+ Quyền được bảo vệ: Nhóm người này sẽ được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ, bảo vệ và các nguồn lực khác theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hiện tại, nhóm người này khi tham gia các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động,… chưa được hưởng đầy đủ theo các yêu cầu về bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng quy định tại Điều 70 Luật Trẻ em năm 2016 (ví dụ như yêu cầu được đối xử phù hợp với độ tuổi mà mức độ trưởng thành, yêu cầu ưu tiên giải quyết nhanh chóng các vụ việc liên quan đến trẻ em nhằm giảm thiểu tổn hại đến tinh thần và thể chất của trẻ…).

Ngoài ra, nhóm người này cũng sẽ được trợ giúp pháp lý hiệu quả hơn khi tham gia vào các quan hệ, ví dụ như khi vi phạm pháp luật hành chính mà có thể bị đưa vào trường giáo dưỡng hoặc là nạn nhân bị xâm hại tình dục,… Hiện nay, theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, nhóm người này chưa được hưởng đầy đủ quyền trợ giúp pháp lý vì không được xem là trẻ em, trừ khi có khó khăn về tài chính hoặc thuộc các trường hợp khác theo Luật định.

Nhóm người này còn được bảo vệ tốt hơn trước những hành vi phạm tội. Ví dụ như đối với những trường hợp mua bán người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, kẻ phạm tội sẽ bị truy tố và xử phạt theo Tội Mua bán người (Điều 150 BLHS) chứ không phải mua bán trẻ em, khiến cho nhóm người này chưa được bảo vệ đầy đủ theo Nghị định thư không bắt buộc về ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em mà Việt Nam là thành viên (Nghị định thư Palermo),… Khái niệm trẻ em trong Nghị định thư này là người dưới 18 tuổi (Điều 3(d)).

+ Quyền được phát triển: Điều chỉnh độ tuổi cũng sẽ giúp nhóm người này được tăng quyền thụ hưởng chương trình giáo dục, tiếp cận với chương trình giáo dục phù hợp lứa tuổi liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tâm lý; tiếp cận quyền được vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao,… Điều này đặc biệt quan trọng đối với nhóm người trong độ tuổi này bị đưa vào trường giáo dưỡng do vi phạm pháp luật.

+ Quyền được tham gia: Khi nhóm người này được coi là trẻ em theo Luật trẻ em năm 2016, các quyền tham gia sẽ được coi trọng và bảo đảm hơn. Nhóm người này sẽ được tiếp cận thông tin phù hợp với lứa tuổi và mức độ trưởng thành, có thêm cơ hội được bày tỏ nguyện vọng, ý kiến cá nhân về các vấn đề liên quan đến chính bản thân mình.

+ Quyền về sức khỏe: Theo Quỹ Dân số của Liên hợp quốc (UNFPA), mỗi năm trên thế giới có khoảng 16 triệu em gái tuổi 15-19 sinh con; cứ 10 trẻ vị thành niên thuộc nhóm này thì 9 em lập gia đình. Trong khi đó, các biến chứng khi mang thai và khi sinh là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong với các bà mẹ tuổi từ 15 đến 19 ở các nước có thu nhập thấp[7]. Trên toàn thế giới, cứ 3 nữ thanh niên thì có 1 người (tổng cộng khoảng 70 triệu người) kết hôn trước tuổi 18[8]. Do đó, việc nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 sẽ góp phần giải quyết những vấn đề này.

4. Một số kiến nghị

Xuất phát từ những cơ sở lý luận, thực tiễn đã được phân tích ở trên, có thể khẳng định một điều rằng, việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên dưới 18 là phù hợp, cần thiết và sẽ có tác động tích cực trên tất cả các phương diện.

Vì vậy, tác giả kiến nghị, nên sớm tiến hành xem xét, sửa đổi Điều 1 của Luật Trẻ em năm 2016 để điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên mức tương thích với quy định tại Điều 1 CRC.

Bên cạnh đó, để quy định về độ tuổi pháp lý mới của trẻ em có thể được áp dụng sớm trong thực tiễn, Quốc hội và Chính phủ cần:

- Rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan để tương thích với độ tuổi pháp lý mới nâng lên của trẻ em, cụ thể là các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em.

- Chuẩn bị nguồn ngân sách bổ sung cho việc mở rộng phạm vi các chính sách, chương trình xã hội với trẻ em để đáp ứng nhu cầu của số trẻ em mới tăng thêm, đặc biệt là trong các chương trình bảo trợ xã hội và chăm sóc y tế với trẻ em.

- Kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo hướng bổ sung đội ngũ cộng tác viên làm công tác này ở cơ sở.

- Đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông về sự cần thiết, ý nghĩa và các quy định pháp luật cần áp dụng khi độ tuổi pháp lý của trẻ em được nâng lên mức dưới 18 tuổi.

5. Kết luận

Việc nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn góp phần chăm sóc trẻ em để trẻ hình thành và phát triển nhân cách một cách toàn diện, đầy đủ. Đồng thời, nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi cũng phù hợp,  vì nước ta đã tham gia Công ước về Quyền trẻ em và thế giới lấy mốc dưới 18 tuổi vẫn là trẻ em để tăng sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] Tổ chức Lao động quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê (2012), Điều tra quốc gia về lao động trẻ em 2012.

[2] Tổng cục Thống kê (2014), Khảo sát giữa kỳ Dân số và Nhà ở xem thêm tại: http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=512&idmid.

[3] Trịnh Kim Ngọc (2013), “Tình trạng gia tăng tội phạm ở người chưa thành niên - một cảnh báo cấp thiết về sự phát triển bền vững xã hội ở nước ta”, Tạp chí Nghiên cứu con người, số 65 (số 2,2013).

[4] Phương Thu Nguyễn (2019), Mang thai ở tuổi vị thành niên “con số đáng báo động”, Cổng thông tin Bộ Y tế, https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/mang-thai-o-tuoi-vi-thanh-nien-con-so-ang-bao-ong.

[5] Mai Xuân Phương (2019), Những con số giật mình về mang thai ở tuổi vị thành niên, Tạp chí Tuyên giáo, http://tuyengiao.vn/dan-so-va-phat-trien/nhung-con-so-giat-minh-ve-mang-thai-o-tuoi-vi-thanh-nien-123969.

[6] http://searo.who.intity/child_adolescent/topic/adolescent_heaith/en/.

[7] http://agemattersnow.org/dowloads/YPL_age_matters_final_report_oct2016.pdf.

[8] http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/hcta/25486264684?pagedi=54313468&pers.

 The legal age of children: Some theoretical and practical issues

 Master. Nguyen Le Dan

Institute of State and Law

ABSTRACT:

It is very necessary for Vietnam to adjust the legal age of Vietnamese children to under 18 years old. This adjustment has significant theoretical and practical meanings. This paper assesses issues relating to the legal age of children under the 2016 Law on Children in Vietnam. Based on the paper’s findings, some recommendations are made to perfect Vietnam’s laws on children.

Keywords: children, the 2016 Law on Children, legal age.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 10 năm 2021]