Dệt may TNG: Bất chấp các khó khăn, lợi nhuận quý 1 tăng gần 14%

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG vừa cho biết doanh thu và lợi nhuận quý 1/2023 lần lượt tăng gần 6% và 14% so với cùng kỳ năm trước bất chấp các khó khăn chung toàn ngành dệt may.
Lợi nhuận quý 1 của Dệt may TNG tăng gần 14%
Doanh thu và lợi nhuận của Dệt may TNG trong quý 1/2023 lần lượt tăng gần 6% và 14% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã chứng khoán: TNG - sàn: HNX) vừa công bố Báo cáo Tài chính hợp nhất quý 1/2023 với kết quả doanh thu và lợi nhuận tích cực trong bối cảnh toàn ngành dệt may gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, doanh thu thuần quý 1/2023 của Dệt may TNG đạt hơn 1.334 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cùng kỳ, giá vốn hàng bán chỉ tăng 3,6%, nhờ vậy lợi nhuận gộp của công ty trong quý 1/2023 đã tăng tới 22%, lên mức 192 tỷ đồng. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp trong quý 1/2023 đạt 14,4%, so với mức 12,5% trong quý 1/2022.

Doanh thu tài chính của Dệt may TNG trong quý 1/2023 tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt 23 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng gấp 1,6 lần lên hơn 64 tỷ đồng; chủ yếu do chi phí lãi vay tăng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp có sự biến động nhẹ trong quý vừa qua.

Kết quả, Dệt may TNG ghi nhận 43,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2023, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. So với mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023, kết thúc quý 1/2023, Dệt may TNG đã thực hiện được 19% kế hoạch doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận cả năm.  

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 4/5, giá cổ phiếu TNG của Dệt may TNG giảm 0,51%, đạt 19.600 đồng/cổ phiếu; khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu TNG đạt hơn 2,47 triệu đơn vị.

Diễn biến giá cổ phiếu TNG của Dệt may TNG
 Diễn biến giá cổ phiếu TNG của Dệt may TNG từ đầu năm 2022 đến nay. (Nguồn: FireAnt)

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, Ban lãnh đạo Dệt may TNG cho biết kế hoạch kinh doanh trong năm nay được xây dựng trên phương án thận trọng. Trong năm nay, công ty sẽ tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm may xuất khẩu cho khách hàng có thương hiệu là những nhà bán lẻ lớn trên thế giới và các hãng thời trang có thương hiệu, uy tín như Nike, ANF, Adidas, Tomtailor....

Đồng thời, công ty tập trung triển khai các dự án nghiên cứu chế tạo sản phẩm phục vụ tự động hóa lĩnh vực may mặc; cung cấp, ký kết các hợp đồng phần mềm; tập trung thúc đẩy hoạt động bán và cho thuê đất tại Cụm công nghiệp Sơn Cẩm...

Một phần lợi nhuận tăng trưởng của Dệt may TNG trong quý 1/2023 đến từ việc Công ty Cổ phần TNG Land ghi nhận lợi nhuận riêng lẻ đạt hơn 3 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của Dệt may TNG đạt 5.625 tỷ đồng, tăng 6,3% so với thời điểm đầu năm, chủ yếu do hàng tồn kho đã tăng hơn 18%, lên 1.516 tỷ đồng (chiếm 27% tổng tài sản). Trong đó, chi phí sản xuất dở dang tăng lên hơn 46% so với thời điểm đầu năm 2023, lên 509 tỷ đồng.

Xét về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả hiện chiếm 70% tổng nguồn vốn của Dệt may TNG, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong đó, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã tăng 8%, đạt hơn 2.116 tỷ đồng. Khoản phải trả người bán ngắn hạn cũng tăng 25% so với thời điểm đầu năm, đạt gần 827 tỷ đồng.

Vào ngày 3/5 vừa qua, Dệt may TNG đã có thông báo gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về việc phát hành thêm hơn 8,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 8%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu TNG sẽ được nhận thêm 8 cổ phiếu TNG mới. Nguồn thực hiện được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2022. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 2 - 3/2023.

Minh Trang