Việt Nam còn nhiều tiềm năng tiết kiệm năng lượng

Sau 5 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) đã đạt được nhiều thành quả to lớn, góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo an ninh năng lượng
PV: Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả chính của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2006-2010?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng:
Mục tiêu của Chương trình là phấn đấu tiết kiệm từ 3-5% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2006-2010 và từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2011-2015.
Trong 5 năm qua, bằng nhiều hình thức triển khai sâu rộng trong cộng đồng, Chương trình cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra. Theo tính toán, đánh giá ban đầu của Viện Năng lượng, kết quả tiết kiệm năng lượng trong các năm 2006, 2007, 2008 có thể tạm ước tính như sau: Năm 2006, lượng năng lượng tiết kiệm được là 135 KTOE, tương đương với 1,6 tỷ kWh, đạt khoảng 1,56%. Năm 2007, đạt khoảng 3,15%. Năm 2008 là 3,48%. Và dự kiến trong cả giai đoạn 2006-2010, chúng ta tiết kiệm được khoảng 3,2% tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia. Những con số này mặc dù chưa thực sự cao nhưng rất có ý nghĩa, đặc biệt trong tình trạng nhu cầu điện tăng cao như thời gian vừa qua.

PV: Vậy con số này có được coi là thành công nhất của công tác TKNL trong giai đoạn vừa qua không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng:
Như tôi nói ở trên, con số này rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, việc ra đời Luật SDNLTK&HQ, các văn bản đồng bộ dưới luật liên quan đến SDNLTK&HQ mới được đánh giá là thành công nhất của Chương trình trong giai đoạn 2006-2010. Bên cạnh đó, chúng ta đã xây dựng mô hình quản lý SDNLTK&HQ để áp dụng vào hoạt động thực tế cho 40% số lượng các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm được lựa chọn trong toàn quốc cho giai đoạn 2006-2010. Thành lập được mạng lưới quản lý và SDNLTK&HQ đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại một số địa phương như Hà Nội, Tiền Giang, Hải Phòng, Bắc Giang... Đến nay, các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng để triển khai có hiệu quả hoạt động của Chương trình đến các địa phương trong cả nước.
Mặt khác, nhận thức của người dân và toàn xã hội về SDNLTK&HQ đã được cải thiện đáng kể. Bởi, thông qua việc tuyên truyền đến từng cụm dân cư, lớp học và các doanh nghiệp trên toàn quốc, Chương trình đã làm thay đổi từ nhận thức đến hành động của các tầng lớp nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận trong cộng đồng thực hiện các giải pháp TKNL.
Sau 5 năm, chúng ta đã tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho trên 1.000 cán bộ quản lý năng lượng/điện của các Sở Công Thương, Điện lực, các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và các doanh nghiệp trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế, Hải Phòng và Hà Nội. Tổ chức thành công các kỳ Hội chợ triển lãm ở Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tiền Giang. Đồng thời, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai Chương trình quảng bá sử dụng đèn compact giai đoạn 2007-2010. Tính đến nay, số bóng đèn tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt trên 23 triệu bóng đèn compact các loại... Những kết quả này phản ánh sự nỗ lực chung của toàn xã hội với yêu cầu cấp thiết phải SDNLTK&HQ.

PV: Theo Thứ trưởng, chúng ta có nhiều tiềm năng TKNL hay không?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Như chúng ta đã biết, để tạo ra 1.000 USD GDP, ở Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 600 kg dầu quy đổi, con số này hiện đang cao gấp 1,5 lần so với Thái Lan và gần gấp 2 lần so với mức bình quân chung của thế giới. Ngành Điện Việt Nam mỗi năm phải tăng trưởng 15-17% mới đáp ứng được yêu cầu tăng 6-8% GDP, trong khi bình quân thế giới để tăng 1% GDP thì cũng chỉ tăng 1,2-1,5% năng lượng tiêu thụ.
Qua khảo sát, các doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng TKNL đến 20%; ngành xây dựng dân dụng và giao thông vận tải có thể tiết kiệm tới 30%; sinh hoạt và dịch vụ cũng có tiềm năng tiết kiệm không nhỏ. Đối với ngành Công Thương, vừa qua chúng ta đã tiến hành khảo sát cho gần 500 doanh nghiệp trọng điểm. Phối hợp với các đơn vị tư vấn tổ chức kiểm toán năng lượng cho hơn 200 doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc (trong khuôn khổ của Chương trình là 50 doanh nghiệp). Kết quả cho thấy, tiềm năng TKNL đối với các ngành công nghiệp là rất lớn: dệt may là 5-15%, xi măng 10-20%, giấy 15%, thép trên 20%, hóa chất trên 20%...
Trong năm 2010, chúng ta tiết kiệm được 1% trong tổng sản lượng điện (khoảng 1 tỷ kWh). Như vậy, tiềm năng TKNL của chúng ta rất lớn, nếu thực hiện nghiêm túc, ráo riết hơn thì con số tiết kiệm có thể đạt 3-5%.

PV: Kể từ ngày 1/1/2011, Luật SDNLTK&HQ chính thức có hiệu lực. Thứ trưởng có nhận xét gì về Bộ Luật này?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng:
Luật SDNLTK&HQ gồm 12 chương, 48 điều đã thể chế hoá đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ môi trường và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ sở sử dụng năng lượng trong công tác phối hợp, báo cáo hiện trạng sử dụng năng lượng, lập và thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại đơn vị. Khuyến khích hình thành mạng lưới các tổ chức dịch vụ để triển khai các chương trình, dự án tiết kiệm năng lượng tại các địa phương.
Chúng tôi tin rằng, với công cụ pháp lý quan trọng này, hoạt động TKNL của xã hội sẽ dần đi vào nề nếp, dễ quản lý hơn và đem lại hiệu quả rõ rệt hơn.

PV: Vậy hoạt động của Chương trình trong giai đoạn 2011-2015 sẽ tập trung vào những vấn đề nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng:
Để đạt được mục tiêu tiết kiệm từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng đến năm 2015, Chương trình cần tiếp tục triển khai đồng bộ theo chiều sâu và chiều rộng 06 Nhóm nội dung của Chương trình, trong đó cần tập trung vào các nhóm giải pháp như: Triển khai thực hiện Luật SDNLTK&HQ sâu rộng trong cộng đồng. Thực hiện đầu tư có chọn lọc trong việc tăng cường năng lực cho các tổ chức tư vấn, thử nghiệm, kiểm toán năng lượng. Cùng với đó, tổ chức xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, đặc biệt cho các địa phương và doanh nghiệp trọng điểm về SDNLTK&HQ. Triển khai theo diện rộng và chiều sâu mô hình "Sử dụng năng lượng hiệu quả trong các hộ gia đình", đặc biệt là khuyến khích sử dụng thiết bị gia dụng hiệu suất cao, ứng dụng thiết bị sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Thực hiện lộ trình Dán nhãn và xây dựng hạn mức sử dụng năng lượng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, chúng ta cần đầu tư cho công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, huy động các nguồn vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn vốn của các doanh nghiệp kết hợp với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, các cơ chế ưu đãi về tài chính, tín dụng, đầu tư, khoa học và công nghệ của nhà nước tập trung đầu tư cho các dự án tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thúc đẩy mô hình toà nhà TKNL; ứng dụng các công nghệ TKNL và bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải, thí điểm sử dụng nhiên liệu sinh học...

PV: Năm 2011 là năm bản lề của kế hoạch giai đoạn 2011-2015. Xin Thứ trưởng cho biết về những thuận lợi và khó khăn mà Chương trình sẽ phải đối mặt trong năm nay?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng:
Là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm, tất nhiên, nhiệm vụ cũng sẽ nặng nề hơn. Năm nay sẽ tập trung triển khai mạnh mẽ các dự án trình diễn trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải. Phổ biến các thiết bị hiệu suất cao như chương trình đèn compact, chương trình đun nước nóng năng lượng mặt trời, các hầm khí sinh học qui mô công nghiệp, các chương trình truyền thông cộng đồng, đặc biệt là các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng cho các cơ sở trọng điểm theo Luật. Nhiệm vụ rất năng nề và còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta luôn nhận được sự ủng hộ của các cấp, bộ ngành và người dân. Đặc biệt, năm 2011 là năm đầu tiên đưa Luật SDNLTK&HQ đi vào cuộc sống, như một kim chỉ nam xuyên suốt trong giai đoạn săp tới.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng