Dầu khí Nam Sông Hậu: Mục tiêu doanh thu tăng 49%, phát triển 500 trạm xăng

Dầu khí Nam Sông Hậu đặt mục tiêu doanh thu năm nay tăng 49% và và có lãi trở lại với mức lợi nhuận hơn 356 tỷ đồng. Công ty dự kiến sẽ đưa tổng kho 75.000 tấn xăng tại tỉnh Hậu Giang vào hoạt động trong tháng 10/2023 và phát triển 500 trạm xăng dầu trong thời gian tới.

Mục tiêu doanh thu tăng 49%, phát triển 500 trạm xăng

Dầu khí Nam Sông Hậu
 Dầu khí Nam Sông Hậu cho biết dự án kho cảng Gò Công đã chính thức đi vào hoạt động và bắt đầu tiếp nhận các tàu xăng dầu có trọng tải dưới 50.000 tấn để phân phối cho khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (mã cổ phiếu: PSH - sàn: HoSE) vừa diễn ra thành công trong ngày 27/6. Tại Đại hội, cổ đồng công ty đã thông qua mục tiêu kinh doanh với kế hoạch doanh thu hơn 10.900 tỷ đồng, tăng 49% so với mức thực hiện năm ngoái, và lợi nhuận sau thuế lên mức hơn 356 tỷ đồng, so với mức lỗ 237 tỷ đồng của năm 2022.

Ban lãnh đạo Dầu khí Nam Sông Hậu cho biết kế hoạch kinh doanh trên được xây dựng với nhận định môi trường kinh doanh có một số thuận lợi trong năm 2022 và các năm tới. Cụ thể, trong năm 2022, đã có cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày/lần, giúp giảm thiểu rủi ro chênh lệch với giá xăng dầu thế giới.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đang tiếp tục tăng trưởng, cùng nhu cầu sử dụng khí hóa lỏng được dự báo tăng trưởng ổn định đến năm 2025. Dự báo đến năm 2025, tăng trưởng trung bình nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu từ mỏ tại Việt Nam lên tới 4%/năm. Nhu vậy, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trong thời gian tới còn khá lớn, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, theo ban lãnh đạo Dầu khí Nam Sông Hậu.

Chia sẻ với cổ đông về chiến lược kinh doanh, ông Mai Văn Huy – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dầu khí Nam Sông Hậu nhận định đến cuối năm 2023 – 2024, tình hình phân phối kinh doanh xăng dầu sẽ được cải thiện nhờ các chính sách mới của Bộ Công Thương cũng như Bộ Tài Chính nhằm loại bỏ các rủi ro gây ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước.

Dầu khí Nam Sông Hậu dự kiến sẽ tập trung đi theo hướng bán lẻ trong thời gian tới với mục tiêu phát triển 500 trạm xăng, nâng công suất nhà máy pha chế xăng dầu lên mức 500.000 tấn/năm để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như loại bỏ các rủi ro kinh doanh đối với công ty. Khi có các trạm xăng, Dầu khí Nam Sông Hậu sẽ không cần bán qua đại lý và không mất chiết khấu nữa, ông Mai Văn Huy nhấn mạnh.

Dầu khí Nam Sông Hậu hiện được đánh giá là một trong những doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu và LPG lớn nhất khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Công ty đang sở hữu đội vận tải xăng dầu tương đối toàn diện, gồm hệ thống tàu biển, sà lan và các xe bồn. Bên cạnh đó, công ty có cảng tiếp nhận xăng dầu có khả năng tiếp nhận tàu chở dầu cỡ lớn với trọng tải tới 80.000 DWT.

Hoãn phương án phát hành 42 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ

Tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Mai Văn Huy cho biết trong số các dự án của năm 2022, hiện đã có 3 dự án được đưa vào hoạt động. Trong đó, nổi bật nhất là dự án kho cảng Gò Công, hiện kho cảng này đã bắt đầu tiếp nhận các tàu xăng dầu có trọng tải dưới 50.000 tấn để phân phối cho khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.

Đối với dự án Tổng kho chứa xăng dầu 75.000 tấn tại thị trấn Mái Dầm, tỉnh Hậu Giang, ông Mai Văn Huy cho biết tiến độ đã hoàn thành 90%. Dự kiến tổng kho 75.000 tấn cùng cảng tiếp nhận 15.000 tấn sẽ đi vào hoạt động trong tháng 10/2023, chậm hơn so với dự kiến từ 3 – 4 tháng do một số thiết bị nhập khẩu từ châu Âu bị chậm trễ dưới tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Giá cổ phiếu PSH của Dầu Khí Nam Sông Hậu
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu PSH của Dầu khí Nam Sông Hậu kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Cũng tại Đại hội, HĐQT Dầu khí Nam Sông Hậu đã không trình phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ. Ban chủ toạ điều hành Đại hội cho biết, với những thay đổi trong quy trình pháp luật hiện nay với lĩnh vực chứng khoán, công ty cần chuẩn bị phương án phát hành riêng lẻ một cách thận trọng và kỹ lưỡng để đáp ứng các quy chuẩn hiện hành về việc sử dụng vốn của công ty.

Vậy nên, công ty tạm thời không trình phương án phát hành riêng lẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay. HĐQT dự kiến sẽ tổ chức họp lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản sau khi đã hoàn thành phương án phát hành theo đúng quy định phát luật, phù hợp tình hình thực tế của công ty.

Trước đó, tài liệu phục vụ họp Đại hội của Dầu khí Nam Sông Hậu đề cập đến phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để tăng vốn, dự kiến phát hành thêm 42 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ lên thêm 33,28%, lên gần 1.680 tỷ đồng.

Giá chào bán dự kiến là 13.100 đồng/cp. Số tiền thu được (khoảng 550 tỷ đồng) dùng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh xăng dầu. Theo danh sách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được công bố, có 3 cá nhân dự kiến mua vào toàn bộ số lượng phát hành này; trong đó, riêng ông Mai Văn Huy dự kiến mua vào 38 triệu cổ phiếu.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/6, giá cổ phiếu PSH của Dầu khí Nam Sông Hậu đạt 13.250 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, nếu so với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu PSH đã tăng khoảng 165%.

Quỳnh Trang