Công đoàn Dệt May: Đảm bảo lợi ích người lao động, thúc đẩy hiệu quả các phong trào thi đua

Ngày 12 - 13/10 tại Hà Nội, Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023 – 2028 chính thức diễn ra với sự tham dự của 317 đại biểu.

Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ VI, hướng tới mục tiêu tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; thúc đẩy hiệu quả các phong trào thi đua; xây dựng, bồi đắp văn hóa dệt may; nâng cao chất lượng đội ngũ, năng lực thích ứng; đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và tổ chức công đoàn trong giai đoạn mới.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội nghị bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ trong 5 năm qua, CB, đoàn viên, CNVCLĐ ngành Dệt May Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách để thực hiện thắng lợi những mục tiêu do Đại hội V Công đoàn Dệt May Việt Nam đề ra.

Công đoàn Dệt May Việt Nam phát triển về chất, đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động

Tại Đại hội bà Phạm Thị Thanh Tâm  cho biết tiến tới Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam  lần thứ VI, các công đoàn cơ sở đã có những ý kiến đóng góp xây dựng cho văn kiện của Đại hội.

Bà Tâm chia sẻ, nhiệm kỳ vừa qua Công đoàn Dệt May Việt Nam đã không ngừng phát triển về chất, đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, tích cực tham gia quản lý, tổ chức các phong trào thi đua, vận động đoàn viên, CNVCLĐ phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và của cả hệ thống; quan tâm làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ; xứng đáng với niềm tin yêu của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, và ĐV, CNVCLĐ.

Báo cáo của Ban Chấp hành Công đoàn Dệt May Việt Nam khóa V cho thấy các chương trình được Công đoàn Dệt May Việt Nam khóa V tập trung chỉ đạo ngay từ đầu nhiệm kỳ, giúp nâng cao nhận thức của các cấp công đoàn, bước đầu hình thành tư duy mới, giải pháp hữu hiệu trong triển khai thực hiện, từ đó việc làm được đảm bảo, điều kiện làm việc và thu nhập của NLĐ được cải thiện, tình hình quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ…

3 năm cuối nhiệm kỳ, ngành dệt may gặp phải những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ: thiên tai, đại dịch Covid 19, cạnh tranh giữa các nước lớn, xung đột vũ trang giữa các quốc gia, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, khủng hoảng kinh tế thế giới, ... dã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của hệ thống (tổng cầu giảm mạnh, đơn hàng bị hoãn hủy, đơn giá giảm sâu từ 30-40%, sản xuất kinh doanh của một số DN gián đoạn, một bộ phận NLĐ bị giảm giờ làm, ngừng việc tạm thời,...). 

hình ảnh tại Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ VI
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, công đoàn của hệ thống kịp thời đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, duy trì sản xuất kinh doanh, phù hợp với tình hình, điều kiện; ưu tiên chăm lo cho NLĐ nhằm bảo toàn đội ngũ

Với nhiều cơ chế chính sách gỡ khó của Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn... các cấp ủy Đảng, chính quyền, công đoàn của hệ thống kịp thời đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, duy trì sản xuất kinh doanh, phù hợp với tình hình, điều kiện; ưu tiên chăm lo cho NLĐ nhằm bảo toàn đội ngũ; động viên, đào tạo NLĐ thích ứng nhanh với việc chuyển đổi sản xuất các sản phẩm mới mà thị trường cần; đồng hành, gắn bó, chia sẻ khó khăn, nỗ lực vượt khó, đạt được kết quả đáng khích lệ:

Công đoàn Dệt May Việt Nam hiện quản lý 116 CĐCS, địa bàn trải dài trên cả nước. tổng số 109.542 đoàn viên công đoàn/116.286 CNVCLĐ (trong đó đoàn viên nữ là 76.610 người, chiếm tỉ lệ 70%). Ngay sau Đại hội, Ban chấp hành Công đoàn Dệt May Việt Nam đã xây dựng 5 chương trình trọng tâm, triển khai thực hiện 8 chỉ tiêu và 10 nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội V Công đoàn Dệt May Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra đạt các kết quả nổi bật:

hình ảnh từ Đại hội
Tập đoàn Dệt May Việt Nam trao tặng Bức trướng cho Công đoàn Dệt May nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Phối hợp với Hiệp Hội Dệt May Việt Nam Công đoàn Dệt May Việt Nam thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành lần thứ IV và lần thứ V với nhiều nội dung có lợi cho NLĐ về tiền lương, mức ăn ca, các chế độ phúc lợi... 76 đơn vị tham gia (tương ứng với 84.564 đoàn viên, chiếm tỷ lệ 76,5% đoàn viên toàn hệ thống). Ở cấp DN, có 57 đơn vị sửa đổi, bổ sung và ký lại thỏa ước lao động tập thể với một số điều khoản tiến bộ; đến nay số DN ký kết thỏa ước lao động tập thể đạt 100%;

100% NLĐ được ký HĐLĐ, trong đó 95% là hợp đồng không xác định thời hạn; 99% NLĐ được đóng BHXH, BHYT, BHTN; 100% NLĐ được khám sức khỏe định kỳ, hàng nghìn lượt lao động nữ được khám tầm soát ung thư...

Hiện toàn Hệ thống có hàng trăm mạng lưới An toàn vệ sinh viên, tại cấp CĐCS công tác kiểm tra về an toàn tại nơi làm việc, ATVSTP tại các bếp ăn của DN, an toàn nước uống... luôn được quan tâm và thực hiện thường xuyên, qua đó giúp khắc phục  nguy cơ mất an toàn trong lao động và sinh hoạt; số vụ TNLĐ của các đơn vị trong những năm qua đã giảm 134 vụ so với nhiệm kỳ 2013-2018;

100% CĐCS phối hợp với chuyên môn duy trì hiệu quả các thiết chế cơ sở, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ (vượt 20% so với chỉ tiêu); tổ chức được gần 80 lớp đào tạo cho 3.860 lượt NLĐ. Tại cơ sở, 5 năm qua đã có hàng trăm nghìn lượt NLĐ được học tập về văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, ngoại ngữ, tin học... (vượt chỉ tiêu); bình quân mỗi năm kết nạp được 14.883 đoàn viên, tổng phát triển cả nhiệm kỳ là 89.298 đoàn viên (vượt chỉ tiêu);

Hiệp hội Dệt May
Tại Đại hội Hiệp hội Dệt May Việt Nam tri ân Công đoàn Dệt May Việt Nam.

Đã có: gần 280,5 nghìn lượt người được trợ cấp, tặng quà với số tiền trên 52,5 tỷ đồng; trên 70.792 lượt NLĐ được DN bố trí nhà ở, hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền gửi trẻ mức bình quân từ 150-350 nghìn đồng/người/tháng; 232.086 lượt NLĐ được tham quan, nghỉ mát với tổng số tiền hơn 243,8 tỷ đồng; 5.092 NLĐ được vay vốn làm kinh tế gia đình với số tiền 97,22 tỷ đồng. 100% đơn vị thưởng cho NLĐ tháng lương thứ 13…

Hầu hết các đơn vị, DN tổ chức Hội nghị NLĐ (khối Hành chính sự nghiệp đạt 100%;  doanh nghiệp là 96%,  1.140 cuộc đối thoại định kỳ được tổ chức, 74 cuộc đối thoại đột xuất (vượt chỉ tiêu nhiệm kỳ)...

Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được các cấp Công đoàn Dệt May Việt Nam hưởng ứng tích cực thông qua việc phát huy sáng kiến cải tiến công nghệ, thiết bị, hợp lý hóa sản xuất, luyện tay nghề thành thợ giỏi; giỏi một công đoạn biết nhiều…Trong nhiệm kỳ đến nay toàn hệ thống có 11.475 sáng kiến, giải pháp, làm lợi trên 237,5 tỷ đồng; 2 lần tổ chức Ngày hội lao động sáng tạo với 172 sáng kiến, đề tài, giải pháp dự thi; phối hợp với Tập đoàn DMVN tổ chức thành công Hội thi thợ giỏi cấp ngành lần thứ VI…

Toàn hệ thống có 18.495 sáng kiến tại Chương trình “75 nghìn sáng kiến” và chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” được cập nhật, vượt 7.530 sáng kiến so với chỉ tiêu, đạt 169% và đứng đầu khối thi đua.

Nhữngng hoạt động cốt lõi của phong trào công nhân ngày càng thực chất

Kết quả Kim ngạch xuất khẩu toàn Ngành từ 2018-2022 đạt 193,8 tỷ USD, tăng bình quân 7,34 % mỗi năm; Hoàn thành các nghĩa vụ với nhà nước về nộp ngân sách, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trích nộp bảo hiểm cho NLĐ. Thu nhập bình quân đạt 7,45 triệu đồng/người /tháng năm 2018, đã tăng lên 9,03 triệu đồng/người/tháng năm 2022. Cả giai đoạn tăng 21,2%; bình quân mỗi năm tăng 4,2%. So với ngành Dệt May các địa phương, thu nhập bình quân của NLĐ trong các DN có công đoàn cơ sở (CĐCS) thuộc Công đoàn Dệt May Việt Nam đạt mức cao nhất.

ông Lê Tiến Trường phát biểu
Ông Lê Tiến Trường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam phát biểu tại Đại Hội.

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả Nhiệm kỳ 2018 -2024 của Công đoàn Dệt May Việt Nam tại Đại hội ông Lê Tiến Trường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ đây là nhiệm kỳ đầy sóng gió với cả doanh nghiệp cũng là nhiệm kỳ rất phong phú về kinh nghiệm, phức tạp trong các tình huống, sáng tạo nhiều phương thức mới trong hoạt động SXKD và phong trào công nhân lao động.

Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam, thành tựu của cả nhiệm kỳ là qua sóng gió, đội ngũ trong toàn hệ thống vẫn phát triển vững mạnh tạo mối quan hệ giữa người lao động – tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động trở lên gắn bó, sâu sắc hơn; số lượng đoàn viên được duy trì, tổ chức công đoàn cơ sở liên tục được mở rộng, toàn hệ thống không để xảy ra tranh chấp lao động, đình công, bãi công diện rộng, các thắc mắc của người lao động được tổ chức công đoàn đứng ra đối thoại kịp thời với ng sư dụng lao động;

Những hoạt động cốt lõi của phong trào công nhân như thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đối thoại định kỳ giữa người lao động và người sử dụng lao động, quản lý, cải thiện môi trường làm việc, hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần hàng ngày, phong trào thi đua thường xuyên tại cơ sở, hoạt động truyền thông, tết xum vầy, đào tạo nghề… được diễn ra liên tục trong cả nhiệm kỳ một cách thực chất đem lại quyền lợi thiết thực cho đoàn viên,  qua đó sức hấp dẫn của Công đoàn Dệt May Việt Nam với các doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Ông Lê Tiến Trường đề nghị ngay sau Đại hội Ban chấp hành, Ban thường vụ Công đoàn Dệt May Việt Nam mới được bầu sẽ triển khai các chương trình công tác gắn liền với cơ sở phục vụ trực tiếp cho quyền lợi của đoàn viên tại cơ sở nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động.

Với tinh thần trách nhiệm cao, tại ngày thứ nhất của Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam các đại biểu đồng thời thảo luận, đóng góp ý kiến, để làm rõ và sâu sắc hơn những nội dung của báo cáo; khái quát những mục tiêu, nhiệm vụ để xây dựng thành nghị quyết của Công đoàn Dệt May Việt Nam trong nhiệm kỳ mới. Đồng thời tham gia ý kiến cho văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (bổ sung, sửa đổi). Đại hội còn tiếp tục làm việc trong ngày 13/10/2023.

Phan Vi