Chính sách tài khóa nhằm điều phối phát triển kinh tế thành thị - nông thôn tại Việt Nam

TS. NGUYỄN HOÀNG QUY (Học viện Hành chính Quốc gia)

TÓM TẮT:

Bài viết tập trung nghiên cứu chính sách tài khóa nhằm điều phối phát triển kinh tế thành thị - nông thôn tại Việt Nam trong những năm gần đây. Kết quả phỏng vấn 15 chuyên gia quản lý kinh tế về chính sách tài khóa nông thôn, thành thị và điều phối phát triển nông thôn - thành thị tại Việt Nam cho thấy: chính sách tài khóa hiện nay mặc dù đã có nhiều đổi mới, quan tâm hơn đến phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông  dân, nhưng vẫn tập trung rất lớn vào việc phát triển các khu đô thị. Vì vậy, kinh tế Việt Nam mặc dù phát triển trong các năm gần đây, nhưng sự phát triển này chưa thực sự bền vững và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ do dự mất cân đối gây nên. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, bài viết đưa ra một số giải pháp cải thiện chính sách tài khóa nhằm điều phối phát triển kinh tế thành thị - nông thôn tại Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Chính sách tài khóa, phát triển, kinh tế, thành thị, nông thôn, Việt Nam.

1. Mở đầu

Tại Việt Nam, hiện nay, vấn đề phát triển kinh tế đô thị - nông thôn đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Hiện tượng người lao động di cư ồ ạt đến khu vực thành thị để tìm kiếm việc làm trong khi đó bỏ hoang đất sản xuất ở nông thôn đang là vấn đề gây lo ngại. Các địa phương luôn trong tình trạng bội chi ngân sách, không đủ nguồn lực để thúc đẩy kinh tế đã đẩy người dân đến tình trạng phải đến các khu vực khác để tìm kiếm việc làm. Hơn nữa, các chính sách khuyến khích nông nghiệp không được áp dụng nên người dân không còn mặn mà đối với sản xuất nông nghiệp, và hệ lụy lâu dài có thể ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực của đất nước. Điều này chứng tỏ thể chế kinh tế của Việt Nam vẫn chưa có giải pháp cân đối giữa sự phát triển chung của đất nước và phát triển đồng đều giữa các khu vực, đồng thời cần đảm bảo tính chủ động phát triển của các địa phương. Một phần nguyên nhân là do nguyên tắc phân chia giữa Trung ương và địa phương về trách nhiệm và quyền thu thuế. Đó chính là nội dung chính trong chính sách tài khóa của một quốc gia.

Có thể thấy rằng, câu hỏi đặt ra cho Việt Nam hiện nay là làm thế nào để có thể cân bằng giữa phát triển thành thị và nông thôn, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng mất cân bằng và phát triển nóng. Chính sách tài khóa chính là chìa khóa để lãnh đạo quốc gia tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế. Chỉ có đổi mới mới có thể khiến Việt Nam phát triển. Vì vậy, chúng tôi quyết định lựa chọn đề tài “Chính sách tài khóa nhằm điều phối phát triển kinh tế thành thị - nông thôn tại Việt Nam” để đánh giá thực trạng chính sách tài khóa thành thị, nông thôn và điều phối phát triển thành thị - nông thôn hiện nay tại Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp cải thiện chính sách tài khóa, nhằm điều phối phát triển kinh tế thành thị - nông thôn tại Việt Nam trong thời gian tới.

2. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết được tìm hiểu dựa trên việc nghiên cứu các tác động của chính sách tài khóa đối với phát triển kinh tế đô thị - nông thôn và đặc biệt nghiên cứu sâu đối với tác động của các chính sách tài khóa tại Việt Nam. Các số liệu từ báo cáo thống kê kinh tế Việt Nam tại thành thị và nông thôn trong những năm gần đây được trích dẫn từ các trang web thống kê cung cấp nguồn dữ liệu thứ cấp phục vụ bài viết. Đây cũng là nguồn dữ liệu đáng tin cậy nhằm phục vụ quá trình nghiên cứu, các thông tin được phản ánh đầy đủ qua hệ thống số liệu, biểu mẫu thống kê. Chúng tôi cũng tìm hiểu về kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong quá trình phát triển kinh tế đô thị - nông thôn, so sánh với Việt Nam để đưa ra các giải pháp thích hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, trên cơ sở tìm hiểu về mặt số liệu cũng như các báo cáo chuyên sâu của các nhà nghiên cứu trong nước và thế giới, chúng tôi cũng tiến hành phỏng vấn sâu 15 chuyên gia quản lý kinh tế về chính sách tài khóa nông thôn, thành thị, và điều phối phát triển nông thôn - thành thị tại Việt Nam. Các chuyên gia tham gia phỏng vấn gồm 05 chuyên gia đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; 07 chuyên gia đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách; và 03 chuyên gia đang làm việc tại Viện Chính sách và Quản lý. 15 chuyên gia được phỏng vấn đều có hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm về vấn đề chính sách tài khóa và điều phối phát triển kinh tế thành thị - nông thôn tại Việt Nam.

Nhờ vậy, nghiên cứu đưa ra cách nhìn nhận khách quan về thực trạng chính sách tài khóa thành thị, thực trạng chính sách tài khóa nông thôn, và thực trạng chính sách tài khóa điều phối phát triển thành thị - nông thôn. Để quá trình thực hiện phỏng vấn diễn ra thuận lợi, sau khi nhóm nghiên cứu tiến hành lập danh sách các chuyên gia tham gia phỏng vấn, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ các tài liệu học thuật và phân tích các số liệu tổng quan thể hiện qua báo cáo thống kê.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thực trạng chính sách tài khóa thành thị

Kết quả phỏng vấn cho thấy, từ năm 2009, khi thế giới rơi vào chu kỳ suy thoái kinh tế, kinh tế Việt Nam đã có nhiều biến đổi đáng kể. Trong những năm gần đây, Việt Nam phải đối mặt với các nạn dịch bệnh, thiên tai xảy ra một cách liên tục và với cường độ mạnh. Chính vì vậy, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, lạm phát và thất nghiệp tăng cao. Các doanh nghiệp thời kỳ này đồng loạt rơi vào trạng thái suy kiệt về mặt tài chính dẫn đến tình trạng phá sản hoặc liên tục kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm.

Các chuyên gia quản lý kinh tế cho rằng, để chống lại thực tế suy yếu của nền kinh tế, chính phủ Việt Nam đã tiến hành hàng loạt các chính sách tài khóa mở rộng, các gói kích cầu liên tiếp được tung ra với mục đích ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và tạo việc làm. Trong giai đoạn này, Nhà nước ưu tiên hỗ trợ các ngành, lĩnh vực trực tiếp sản xuất, tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Các gói kích thích kinh tế bổ sung đặt trọng tâm vào việc cải cách chính sách thuế, tài chính và chi tiêu công đồng thời gắn với việc cải cách hành chính để dễ dàng hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

Tại các khu vực đô thị hiện nay, theo Luật Ngân sách, các khoản thu ngân sách ở khu vực được chia làm 3 loại: Thu ngân sách Nhà nước giữ lại 100% (nguồn thu quốc gia), thu ngân sách thành phố được giữ lại 100% (nguồn thu riêng) và thu phân chia giữa trung ương và thành phố (nguồn thu khác).

Hầu hết các chuyên gia cho rằng các khoản chi tiêu chủ yếu là chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển, còn lại là trả nợ vay. Trên cơ cở dữ liệu thu thập được, tác giả nhận thấy, thường đối với khu vực đô thị, chi đầu tư phát triển là khoản chi quan trọng nhất và thường chiếm tới 1/2 tổng chi ngân sách. Đối với khu vực đô thị, việc phát triển cơ sở hạ tầng (đường bộ, sân bay, bến càng...) hoặc đầu tư cho các dịch vụ công: hệ thống điện, trường học, cơ sở y tế, công trình văn hóa thể thao... được lãnh đạo đô thị vô cùng coi trọng. Các khoản đầu tư nay đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo đô thị Việt Nam trong 20 năm trở lại đây.

Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, tác giả thấy rằng, người dân hiện nay ưu tiên tìm kiếm công việc ở khu vực đô thị nhiều hơn là trở về địa phương lập nghiệp. Nguyên nhân đơn giản là tại khu vực đô thị, khả năng tìm kiếm việc làm cao với mức lương cao hơn, công việc đa dạng phù hợp với lớp trẻ. Đồng thời, chất lượng cuộc sống cao và có thể tiếp cận được với nhiều dịch vụ công cộông, cũng như có nhiều khu vui chơi giải trí hiện đại là lý do khiến người dân có xu hướng di chuyển đến khu vực đô thị.

Tuy nhiên, theo kết quả thu thập được cũng cho thấy, chính sách phát triển đô thị hiện nay của Việt Nam vẫn còn gặp phải tình trạng thất thoát lãng phí trong quá trình sử dụng vốn, nhiều công trình được đầu tư với nguồn vốn lớn nhưng chậm tiến độ nhiều năm, đến lúc hoàn thành nhiều trường hợp đã trở nên không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại nữa. Đây cũng là câu hỏi dành cho các nhà lãnh đạo, chính sách trong quá trình phát triển đô thị để cân đối nguồn vốn đầu tư một cách hiệu quả nhất.

3.2. Thực trạng chính sách tài khóa nông thôn

Theo kết quả phỏng vấn, ngoài sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, chính sách tài khóa trong những năm gần đây đang tập trung nhiều hơn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Song song với việc hỗ trợ đối với người trồng lúa, nuôi trồng thủy hải sản, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho người dân trực tiếp ra khơi đánh bắt hải sản và làm dịch vụ hậu cần nghề cá.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù chính sách tài khóa cho khu vực nông thôn đã được chú trọng hơn, chính sách này vẫn tồn tại một vài bất cập nhất định, có ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế thành thị - nông thôn tại Việt Nam hiện nay. Chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị ngày càng cao. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tầng lớp nông dân là tầng lớp dễ dàng bị tổn thương nhất. Hơn nữa, môi trường tự nhiên ở làng quê bị ô nhiễm nghiêm trọng khi có sự xuất hiện của các khu công nghiệp do quy trình xử lý chất thải không đúng theo quy định, trong khi các ban ngành địa phương có trách nhiệm thấp trong kiểm tra đảm bảo đời sống của người dân. Hơn nữa, quá trình công nghiệp hóa quá nhanh đang dẫn đến nguy cơ an ninh lương thực bị đe dọa.

Nhận thấy được các hậu quả khi không quan tâm đến phát triển nông nghiệp nông thôn, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Vốn đầu tư cho khu vực nông thôn ngày càng tăng. Do các chính sách ưu đãi của Chính phủ cũng như việc đầu tư hạ tầng một cách bài bản, có lộ trình, ngày càng nhiều nhà đầu tư có ý định đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn từ đó góp phần cải thiện cuộc sống của người dân ở các khu vực này.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng quản lý kinh tế, chính sách tài khóa nông thôn vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Nhiều khu vực nông thôn phát triển còn thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế còn yếu kém, môi trường sống ngày càng ô nhiễm. Đời sống nhiều khu vực còn khó khăn, khả năng tái nghèo cao đặc biệt là khu vực miền núi.

3.3. Thực trạng chính sách tài khóa điều phối phát triển thành thị - nông thôn

Theo niên giám thống kê (2015), dân số Việt Nam có 33,94% sống ở khu vực đô thị và 66,06% là sống ở khu vực nông thôn, trong đó lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc ở khu vực đô thị là 52,6% và 60,2% là khu vực nông thôn, như vậy người lao động sống tại các khu vực nông thôn, nơi nông nghiệp quy mô nhỏ phổ biến và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu so sánh, đời sống dân cư đặc biệt là các khu vực vùng sâu vùng xa còn cách khá xa so với khu vực đô thị, đặc biệt là 2 thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh. Việt Nam hiện nay còn quá tập trung vào việc tăng trưởng sản phẩm quốc nội đã dẫn đến mất cân bằng trong phát triển xã hội. Đầu tư cho dịch vụ công cộng mặc dù đã được quan tâm song đối với các dịch vụ thiết yếu như y tế và giáo dục, phần lớn người dân đang phải chi tiền túi để đảm bảo thỏa mãn các yêu cầu. Đối với các khu vực nông thôn, đặc biệt khu vực miền núi hoặc dân tộc thiểu số, việc tiếp cận đến các dịch vụ này còn rất khó khăn.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, chính sách tài khóa hiện nay mặc dù đã có nhiều đổi mới, quan tâm hơn đến phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân song vẫn còn tập trung rất lớn vào việc phát triển các khu đô thị. Quá trình đô thị hóa quá nhanh khiên chính quyền các địa phương không kịp đưa ra các giải pháp giải quyết các mặt trái của nó. Vì vậy, kinh tế Việt Nam mặc dù phát triển trong các năm gần đây, song sự phát triển này chưa thực sự bền vững và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ do dự mất cân đối gây nên.

4. Giải pháp

Đối với phát triển đô thị, chính sách tài khóa cần linh hoạt hơn nữa. Chính sách này phải thể hiện được trách nhiệm chi tiêu của chính quyền. Hay nói một cách khác, chính sách cần thể hiện rõ mối quan hệ giữa nhiệm vụ cũng như nguồn tài chính mà chính quyền đô thị cần sử dụng. Cụ thể:

Thứ nhất, tối đa hóa nguồn thu riêng của địa phương. Nhà nước cần thiết kế các nguồn thu riêng đảm bảo nguyên tắc (1) đảm bảo sự cung cấp hàng hóa công của chính quyền địa phương dù chính quyền cấp trên có thay đổi chính sách chuyển giao tài khóa, (2) trách nhiệm cao nhất đối với chất lượng hàng hóa công, (3) hiệu quả cao nhất trong việc cung cấp hàng hóa công trên cơ sở so sánh lợi ích, chi phí, và (4) nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong các quyết định tài chính. Nguyên tắc công bằng được đặt ra trong chi tiêu và thu ngân sách. Người nào nộp nhiều thuế cho địa phương thì có quyền hưởng các khoản chi tiêu của chính quyền địa phương đó. Để thực hiện được điều này cần:

- Phân chia rõ ràng các loại phí, thuế giữa trung ương và địa phương, các khoản thu thuế cần được chính quyền xây dựng dựa trên mặt bằng chung của đối tượng nộp thuế.

- Đối với đô thị cần nghiên cứu các loại phí đặc thù. Đây là giải pháp được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Phí này là nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương. Mục đích sử dụng nguồn thu này phải rõ ràng. Việc sử dụng thành công các loại phí đặc thù sẽ nâng cao đáng kể năng lực quản lý đô thị.

Thứ hai, đối với các nguồn thu phân chia với Trung ương (được quy đinh rõ trong Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi năm 2002), cần xem xét giảm dần và thay vào đó là các khoản thu 100% của địa phương phù hợp với việc nâng cao năng lực quản lý. Nhà nước cần triển khai từng bước cơ chế trao quyền tự chủ cho địa phương, thí điểm cho pháp địa phương được quyết định thuế suất một số loại thuế gắn liền với địa phương. Một số nguyên tắc khi trao quyền tự chủ cho địa phương nên tập trung vào một số loại thuế có đặc trưng sau: (i) cơ sở thuế cố định, (ii) gánh nặng thuế chủ yếu là dành cho các dân cư ở địa phương đó, (iii) quản lý đơn giản và (iv) khoản thu thuế ổn định và có thể dự báo.

Về phía mình, chính quyền địa phương cần củng cố và nâng cao năng lực để quyền lực được sử dụng một cách hiệu quả. Các địa phương cần quan tâm hơn đến việc quản lý nguồn thu một cách chặt chẽ. Ngân sách Trung ương vẫn tập trung được các nguồn thu quan trọng để cân bằng được sự phát triển giữa các khu vực khác trên cả nước.

Thứ ba, cơ chế hỗ trợ cân đối ngân sách. Các chính quyền đô thị mặc dù có tính tự chủ hơn so với chính quyền nông thôn nên ít có nhu cầu phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương. Trên thực tế, có nhiều trường hợp vẫn cần có sự hỗ trợ khi lợi ích từ dịch vụ hỗ trợ có thể lan tỏa đến các vùng khác. Tuy nhiên, ngân sách trung ương chỉ nên bổ sung cân đối cho ngân sách đô thị chứ không nên cấp toàn bộ phần thiếu hụt ngân sách.

Thứ tư, giải pháp nòng cốt để tăng thu giảm chi là tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững. Trong thời gian tới, Nhà nước nên có các giải pháp hỗ trợ địa phương củng cố cơ sở hạ tầng, tạo đà tăng trưởng. Kinh tế tăng trưởng, người dân sẽ ngày càng được hưởng lợi từ các dịch vụ công cộng đi kèm, là một yếu tố thúc đẩy kinh tế. Các đô thị cần có quy hoạch cụ thể, kế hoạch tài chính được hoạch định trung dài hạn, tránh tình trạng xin cho như thời gian trước.

Đối với phát triển kinh tế nông thôn, Nhà nước cần có các chính sách nhanh, mạnh, kích thích trực tiếp đến tâm lý người lao động sản xuất từ đó níu giữ người nông dân trở lại với đất nông nghiệp. Cụ thể:

Thứ nhất, Nhà nước cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến nông nghiệp - nông thôn -– nông dân. Có các chính sách sử dụng nguồn vốn ngân sách đề đầu tư cho khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp, các chính sách đặc thù cho khu vực miền núi. Nhà nước cần điều tiết phân bổ ngân sách nhà nước đảm bảo lợi ích của các địa phương có điều kiện phát triển nông nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cần định kỳ đánh giá mức độ tác động các chính sách tài khóa đối với khu vực nông thôn để kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Thứ hai, Nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách tài chính cụ thể, rõ ràng đến các địa phương. Bên cạnh đó, địa phương cần chủ động cân đối bố trí và sử dụng nguồn ngân sách cho phù hợp và hiệu quả.

Thứ ba, Nhà nước cần tăng cường đầu tư vào các khu vực dịch vụ công như: cầu đường, bệnh viện, trường học, khu vui chơi... ở các khu vực nông thôn, để người dân có thể tiếp cận được với các dịch vụ hiện đại với giả cá ổn định. Từ đó, sẽ dần loại bỏ tâm lý tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở các khu vực đô thị như hiện nay.

5. Kết luận

Nội dung bài viết tập trung vào việc vận dụng chính sách tài khóa tại Việt Nam hiện nay để điều tiết sự phát triển đô thị hóa và phát triển khu vực nông nghiệp nông thôn. Kết quả phỏng vấn 15 chuyên gia quản lý kinh tế về chính sách tài khóa nông thôn, thành thị, và điều phối phát triển nông thôn - thành thị tại Việt Nam chỉ ra thực trạng phát triển đô thị quá nóng hiện nay. Điều này dẫn đến tình trạng người dân di cư ồ ạt từ nông thôn ra thành thị để tìm kiếm cơ hội đổi đời. Từ đó, dẫn đến tình trạng tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, người dân không thể tiếp cận với các dịch vụ công cộng... Song một vấn nạn đáng lo ngại hiện nay đối với thực trạng trên chính là đe dọa về an ninh lương thực. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang đi vào vết xe đổ của rất nhiều quốc gia trên thế giới trong việc phát triển đô thị quá nóng dẫn đến tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực, từ đó dẫn đến mất cân bằng xã hội.

Trên cơ sở nghiên cứu và tập hợp kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc vận dụng chính sách tài khóa để cân bằng giữa đô thị và nông thôn trong quá trình phát triển, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng phát triển kinh tế. Một trong những giải pháp quan trọng nhất là nâng cao quyền chủ động của chính quyền địa phương (cả ở thành thị và nông thôn). Chính phủ cần trao quyền cho địa phương và có các cơ chế giám sát, địa phương cần chủ động nguồn thu chi và có kế hoạch phát triển bền vững. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư vào các khu vực dịch vụ công và coi đây là tiền đề cho phát triển kinh tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Anwar Shah (2016), “Fiscal Policies for Coordinated Urban-Rural Development and their Relevance for China”, Public Finance and Management, Volume 16, Number 1, pp. 51-74, 2016.

2. Moisio, Antti (2010), Local Public Sector in Transition, A Nordic Perspective, Helsinki: VATT.

3. Nguyễn Viết Lợi (2016), “Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ ở việt nam giai đoạn 2011-2015 và giải pháp đến năm 2020”, Tạp chí Tài chính kỳ 1, 2 tháng 1/2016.

4. Niên giám thống kê 2015.

5. OECD (2013) Rural-Urban Partnerships: An Integrated Approach to Economic Development, Paris: OECD.

6. OECD (2013), Trends in Urbanization and Urban Policies in OECD Countries: What Lessons for China?, Paris: OECD.

7. Pezzini, Mario (2012), Rural Policy Lessons from OECD Countries, Paris: OECD.

8. World Bank (2014), Reforming Local Governments to Work Better, Cost Less, Facilitate Urbanization and Inclusive Economic Growth: An Emerging Success Story from Hubei Province-Managing-County Reforms, Beijing: World Bank.

9. Zinnes, Clifford (2009), Tournament approaches to policy reform. Making Development assistance more effective, Washington, DC: Brookings Institution.

FISCAL POLICY AIMING TO COORDINATE URBAN - RURAL ECONOMIC DEVELOPMENT IN VIETNAM

PhD. NGUYEN HOANG QUY

National Academy of Public Administration

ABSTRACT:

The paper focuses on fiscal policy to coordinate the development of urban and rural economy in Vietnam in recent years. The results of interviews of 15 economists on rural and urban fiscal policies and urban - rural co-ordination in Vietnam show that the current fiscal policy, despite receiving more attention and renovation on agriculture - rural area - farmers, fiscal policies still focus mainly on the urban development. Therefore, Vietnam's economy, although developed in recent years, has been unsustainable and embodied various risks of imbalance. Based on the results of the study, the article offers some solutions to improve fiscal policy to coordinate the development of urban and rural economy in Vietnam in the future.

Keywords: Fiscal, development, economics, urban, rural, Vietnam.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây