Khi Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu có sức chi phối lớn...

Cùng với sự bứt lên của nền kinh tế từ sau cuộc khủng hoảng, Trung Quốc đang trở thành nhà nhập khẩu lớn, chủ chốt của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh nhà nhập khẩu lớn có quyền quyết địn

Năm 2009, xuất khẩu của Braxin sang Hoa Kỳ giảm tới 42% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc lại tăng 23%; 2/3 giá trị xuất khẩu của Braxin sang Hoa Kỳ là các mặt hàng công nghiệp thì tỷ lệ này chỉ là 24% đối với xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Braxin, chủ yếu tập trung vào hai nhóm hàng là quặng sắt và đậu tương. Điều này đã để lại hậu quả kép đối với nền kinh tế Braxin, thứ nhất là doanh thu xuất khẩu giảm mạnh bởi nước này chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ các mặt hàng chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao; thứ hai là tỷ lệ thất nghiệp tăng bởi lao động trong các ngành này đông đảo hơn so với ngành sản xuất đậu tương và quặng sắt.

Mặt khác, tăng trưởng trong hoạt động thương mại với Trung Quốc lại khiến thị trường Braxin trở nên phụ thuộc hơn vào Trung Quốc bởi việc trao đổi nhóm hàng nguyên liệu và nông sản, nước nhập khẩu áp đảo sẽ quyết định và kiểm soát khối lượng và giá cả, trái ngược với thực trạng của nhóm hàng chế biến, chế tạo.

Nhóm hàng nguyên liệu và nông sản hầu như chỉ cung cấp cho thị trường lao động những công việc có mức lương thấp, tương đương với yêu cầu về trình độ và kỹ năng. Nhưng ngành chế biến, chế tạo lại đòi hỏi những lao động có tay nghề và sẵn sàng trả mức lương cao, tạo nên tác động số nhân đối với việc làm khi chuỗi sản xuất kéo dài hơn và mở rộng thị trường nội địa.

Ngược lại, các ngành công nghiệp của Trung Quốc cũng thâm nhập vào thị trường Braxin, thông qua việc đưa hàng hóa vào thị trường với lợi thế về chính sách tỷ giá hối đoái. Điều này đã tác động lớn đến những ngành sản xuất da giày, dệt may, hàng nội thất... của Braxin. Các ngành này do không có sự hỗ trợ từ các văn phòng đại diện nước ngoài và hoạt động marketing quốc tế chuyên nghiệp nên không thể mở rộng hoạt động xuất khẩu và cạnh tranh lại với hàng hóa Trung Quốc. Bibi, một công ty chuyên sản xuất quần áo trẻ em tại Parobe, phía Nam Braxin đã bị sụt giảm doanh thu xuất khẩu tới 15% sau hai năm khủng hoảng nghiêm trọng. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tới 65 nước trên thế giới cũng không thể giúp công ty này vượt qua những khó khăn từ sự tăng giá của đồng Real Braxin (đồng Real đã tăng giá tới 2 lần so với Đôla trong vòng 8 năm trở lại đây). Trong khi đó, Trung Quốc lại thành công trong việc duy trì một đồng NDT ổn định thấp so với đồng Đôla, tạo nên lợi thế về giá cho hàng xuất khẩu của nước này, tác động tiêu cực đến nhiều nước khác trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ. Trung Quốc đang dần chinh phục những thị trường xuất khẩu truyền thống đối với các mặt hàng chế biến, chế tạo của Braxin, trong đó có cả các thị trường Nam Mỹ, cho thấy Braxin đang phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc trong việc tìm đầu ra cho hàng hóa của mình..

Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, kể từ đó đến nay, họ không ngừng vươn cánh tay của mình tới các thị trường lớn trên thế giới. Năm ngoái (2009), thị phần của hàng hóa Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã tăng từ 8,6% lên 18,8%, trong khi thị phần của Braxin chỉ tăng rất khiêm tốn, từ 1,2% lên 1,38%.

Trung Quốc đã sử dụng những chiến lược để chinh phục các thị trường và có thể tạo nên sự phản kháng mang tính chất bảo hộ của các đối thủ cạnh tranh. Nhưng rõ ràng điều này không có lợi đối với thương mại quốc tế, vốn đang trong quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ. Nhiều chuyên gia kinh tế hy vọng rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ không được tạo nên với cái giá là nạn thất nghiệp gia tăng tại nhiều nước khác.