Chỉ số sản xuất công nghiệp ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ tháng 4/2023

Dù chỉ số PMI ngành sản xuất vẫn ở dưới ngưỡng 50 điểm, mức suy giảm các điều kiện kinh doanh là nhỏ và IIP toàn ngành công nghiệp tháng 10/2023 đã tăng 5,5% so với tháng trước.
Sản xuất công nghiệp đang tiếp tục xu hướng tích cực dù vẫn còn nhiều khó khăn
Sản xuất công nghiệp đang tiếp tục xu hướng tích cực dù vẫn còn nhiều khó khăn

PMI ngành sản xuất vẫn dưới ngưỡng 50 điểm

Báo cáo của S&P Global mới nhất chỉ ra, các điều kiện kinh doanh tổng thể trong ngành sản xuất của Việt Nam đã suy giảm nhẹ trong tháng 10 khi các công ty tiếp tục giảm sản lượng mặc dù số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhẹ. Điểm tích cực hơn là việc làm đã ổn định sau thời kỳ giảm việc làm, và các công ty tiếp tục gia tăng hoạt động mua hàng với tâm lý lạc quan về triển vọng trong năm tới. Sự kết hợp của giá dầu tăng và đồng tiền yếu đã khiến tốc độ lạm phát tăng tháng thứ hai liên tiếp, và giá cả đầu ra đã tăng tương ứng.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Manufacturing Purchasing Managers' Index™ (PMI) ngành Sản xuất Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 10, khi giảm về mức 49,6 so với 49,7 điểm của tháng 9. Kết quả này cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất suy giảm tháng thứ hai liên tiếp.

Trọng tâm của lần giảm các điều kiện kinh doanh lần này là sản lượng tiếp tục giảm, và đây là lần giảm thứ hai trong hai tháng.

“Lần giảm này chỉ là giảm nhẹ khi một số công ty đã tăng sản lượng phù hợp với mức tăng của số lượng đơn đặt hàng mới, tuy nhiên các công ty đã có thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà không cần tăng sản lượng”, báo cáo của S&P Global chỉ ra.

S&P Global cũng chỉ ra, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ ba liên tiếp khi có các dấu hiệu cải thiện nhu cầu khách hàng. Song, tốc độ tăng trưởng chỉ là nhẹ và là mức yếu nhất trong thời kỳ tăng hiện nay. Các số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy khách hàng vẫn ngần ngại trong việc cam kết đơn hàng mới. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng chậm lại trong tháng nhưng vẫn ở mức đáng kể hơn so với tổng số đơn đặt hàng mới.

IIP tăng cao nhất kể từ tháng 4/2023

Dù vậy, Bộ Công Thương đánh giá, mức suy giảm các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam ở mức nhỏ. Do đó, sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2023 ước tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng IIP trong tháng 10 là mức tăng cao nhất trong 7 tháng gần đây (kể từ tháng 4/2023 đến nay).

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; ngành khai khoáng giảm 5,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,2%.

Tuy nhiên, do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước nên tính chung 10 tháng, IIP ước tính tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,9%), là mức lũy kế tháng so với cùng kỳ năm trước đạt mức cao nhất kể từ đầu năm.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 0,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,5%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5%; ngành khai khoáng giảm 3,2%.

“Giá trị sản xuất trong 10 tháng đã có sự phục hồi, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (8 tháng trước đó liên tục đạt mức tăng trưởng âm)”, báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương nhận định.

Giá trị sản xuất trong 10 tháng đã có sự phục hồi, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước
Giá trị sản xuất trong 10 tháng đã có sự phục hồi, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước

Số lao động tăng nhẹ

Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất 10 tháng của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 9,5%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 9,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,7%; khai thác quặng kim loại tăng 6,3%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,1%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 5,9%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,3%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 7,3%; sản xuất xe có động cơ giảm 4,1%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 3,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 2,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 2,5%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 10 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước: Đường kính tăng 35%; phân hỗn hợp NPK tăng 17,5%; thuốc lá điếu tăng 9%; ti vi tăng 8,9%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 8,3%; sơn hóa học tăng 7,7%; sữa tươi tăng 7,4%; thép cán tăng 7,2%; sắt, thép thô tăng 5,8%.

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 16,9%; điện thoại di động giảm 11,4%; thép thanh, thép góc giảm 9,9%; xe máy giảm 9,2%; giày, dép da giảm 6%; xi măng giảm 4,7%; dầu mỏ thô khai thác giảm 4,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí và sữa bột cùng giảm 3,7%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/10/2023 tăng 1,0% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,4% so với cùng thời điểm năm trước cho thấy các hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi tích cực so với tháng trước.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023 diễn ra sáng 4/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ.

Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng…

Thy Thảo