Nhận diện 9 thách thức và 2 đột phá trong phát triển kinh tế Việt nam năm 2009

9 thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2009. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế-tài chính chung trên thế giới và các động thái kinh tế cụ thể trong nước gần đây, có thể nhận diện 9 thách th

 Thứ nhất, nguy cơ giảm phát tồn tại song hành cùng nguy cơ tái lạm phát.

 Xu hướng giảm phát (chưa thật chắc chắn trong tất cả các tháng) của năm 2009 ở nước ta gắn với một số tác nhân đáng chú ý lớn, như:

 - Xu hướng giảm giá chung các hàng hóa trên thế giới (theo dự báo của IMF thì giá dầu giảm 31,8%, giá hàng hoá phi năng lượng giảm 18,7%...);

 - Tốc độ tăng trưởng GDP sẽ chậm lại ở trong nước (còn từ 6-6,5%) và nước ngoài (theo dự báo của các chuyên gia kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2009 chỉ đạt 2,2%, giảm mạnh so với mức 3,7% của năm 2008 - trong đó một số nước phát triển hàng đầu thế giới có mức tăng trưởng âm như Mỹ: -0,7%, khu vực EU: -0,15%, Đức: -0,18%...); 

 Nguy cơ tái lạm phát cao là không bị loại trừ hoàn toàn, do:

 - Tốc độ tăng lạm phát trong nước vẫn giữ ở mức 8-13% (trong 4 loại lạm phát, thì áp lực lạm phát tiền tệ và lạm phát ngoại nhập có sự giảm bớt đáng kể, còn lạm phát cơ cấu và lạm phát chi phí đẩy dường như chưa có cải thiện nhiều);

 - Xu thế nới lỏng chính sách tài chính-tín dụng, đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng trên toàn cầu, cũng như trong nước;

 - Nguy cơ tăng trở lại giá xăng dầu do cắt giảm sản lượng khai thác của các nước OPEC và mức giá hiện tại đã tiệm cận với chi phí thực của công nghiệp khai thác và chế biến dầu thô quốc tế.

 - Những biến động bất thường của thời tiết 2009...

 Thứ hai, áp lực tổng cầu giảm và bảo hộ quốc tế tăng, trong khi áp lực mở cửa thị trường trong nước ngày càng đậm nét ...

 Do khủng hoảng tài chính lan rộng, trước nguy cơ giảm thu nhập và gia tăng nạn thất nghiệp trên toàn cầu, người dân các nước đều xiết chặt hầu bao, giảm chi tiêu, dẫn đến xu hướng thu hẹp tổng cầu và khả năng nhiều nước sẽ gia tăng các biện pháp bảo hộ phi thuế quan để bảo vệ các nhà sản xuất nội địa;

 Thứ ba, tăng yêu cầu tự do hoá thị trường, trong khi tăng yêu cầu giám sát và hỗ trợ từ phía Nhà nước.

 Yêu cầu mở cửa thị trường, tăng cạnh tranh tự do hoá lành mạnh là không thể trì hoãn; đồng thời, bài học và bối cảnh nhạy cảm của khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay cũng làm tăng yêu cầu xiết chặt giám sát và tăng cường năng lực hỗ trợ toàn diện từ phía Nhà nước, sử dụng đồng thời hài hoà và hiệu quả cả “bàn tay thị trường” và “bàn tay Nhà nước” tạo thuận lợi và an toàn cao nhất cho các hoạt động.

 Thứ tư, yêu cầu phải ổn định hoá môi trường luật pháp, trong khi phải bảo đảm tính kịp thời và phản ứnglinh hoạt trong chính sách, trước các biến độngcủa thị trường...

 Kinh doanh luôn đòi hỏi môi trường luật pháp ổn định để giảm thiểu các rủi ro chính sách và an tâm đầu tư lâu dài...; Tuy nhiên, trước các động thái ngày càng bất thường với gia tốc nhanh của thị trường trong nước và quốc tế, đòi hỏi các phản ứng chính sách cũng phải tăng tốc, mềm dẻo, linh hoạt và kịp thời hơn để giữ vững sự ổn định chung, cũng như giảm bớt các tác động mặt trái của các chính sách đã sớm trở nên bất cập trước tình hình mới.

 Thứ năm, nhiều áp lực tăng chi NSNN, trong khi sẽ giảm nguồn thu cả từ trong và ngoài nước do:

 - Nguy cơ thu hẹp nguồn thu thuế xuất - nhập khẩu và giảm sút nguồn thu ngoại tệ do khả năng suy giảm xuất khẩu hàng Việt Nam vào thị trường Mỹ, cũng như các thị trường các nước phát triển khác trên thế giới liên quan trước hết với tình trạng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng.

 - Giảm nguồn thu NSNN từ giảm giá xuất khẩu dầu thô chung trên thế giới.

 - Giảm thu nội địa do khả năng co hẹp quy mô kinh doanh và do giảm thuế thu nhập doanh nghiệp gắn với gói giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ

 Thứ sáu, yêu cầu tăng điều chỉnh linh hoạt tỷ giá, trong khi phải bảo đảm yêu cầu ổn định tiền tệ...

 Khi đồng USD mất giá do khủng hoảng thì sự tác động tiêu cực đến đồng tiền Việt Nam có thể sẽ đến cả từ 2 phía gắn với 1 trong 2 khả năng sau: Một mặt, VND sẽ bị lên giá so với USD, nếu Việt Nam chủ trương giữ vững sự ổn định tỷ giá chính thức của đồng tiền Việt Nam trong tương quan với USD. Khi đó, hàng xuất khẩu Việt Nam càng trở nên đắt đỏ và khó cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ, đồng nghĩa với sự sụt giảm tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng thâm hụt thương mại, giảm nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu của Việt Nam với các hệ lụy khác kèm theo...

 Thứ bẩy, tăng tiết kiệm chi phí và tái cấu trúc doanh nghiệp, trong khi phải tăng an sinh xã hội và duy trì, cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

 Trước áp lực khủng hoảng và các biến thái mới của thị trường, các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế bắt buộc phải tiết kiệm chi phí sản xuất và cấu trúc lại các doanh nghiệp cũng như hoạt động kinh doanh, kể cả phải sa thải bớt công nhân, nhân viên, gia tăng các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và tăng đầu tư, đổi mới hướng kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

 Thứ tám, vốn tồn đọng nhiều, trong khi cơ hội đầu tư giảm.

 Trong thời gian trước mắt, hầu hết các thị trường đầu tư truyền thống trên thế giới đều gặp khó khăn cả do từ khủng hoảng của Mỹ, cũng như do từ các vấn đề bên trong của mình. Vì vậy, cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư thế giới vốn giàu tiềm năng và kinh nghiêm bị thu hẹp nghiêm trọng, vốn đầu tư quốc tế đang bị ứ thừa, cần tìm nơi đầu tư mới thích hợp. Đồng thời, do khủng hoảng, các thị trường chứng khoán khu vực và thế giới cũng suy giảm, khiến lợi thế hấp dẫn của TTCK Việt Nam so với các nước khác cũng mất đi.

 Thứ chín, vay vốn dễ, trong khi trả nợ khó.

 Khả năng vay vốn dễ có liên quan đến tình trang ứ đọng vốn đầu tư ở các doanh nghiệp, trong dân và ngân hàng, cũng như được “bật đèn xanh” và hỗ trợ từ phía Chính phủ trong khi triển khai các gói giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng; Tuy nhiên, tình trạng thanh toán chậm, thậm chí mất khả năng thanh toán có thể gia tăng do có sự  hội tụ các khó khăn trong kinh doanh các sản phẩm và lĩnh vực trước đó, còn các dự án đầu tư mới tiếp cận nguồn cũng chưa có nhiều cơ sở vững chắc bảo đảm hoàn vốn và thu lời. Trong ngắn hạn, môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn sẽ còn nhiều khó khăn do sức mua thị trường trong nước, nhất là hàng tiêu dùng nhiều khả năng tiếp tục bị cắt giảm. Lợi nhuận của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp sẽ giảm mạnh; thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chao đảo, tỷ lệ nợ xấu có nguồn gốc bất động sản tiếp tục gia tăng và chi phí huy động vốn vẫn ở mức cao. Thậm chí không loại trừ một số ngân hàng có nguồn vốn nước ngoài sẽ thu hẹp quy mô đầu tư ở Việt Nam do các khó khăn về nguồn vốn từ ngân hàng mẹ.

 Hai đột phá cần có trong năm 2009 

 Để hoá giải 9 thách thức nêu trên, đảm bảo hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ phát triển KT-XH mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra cho năm 2009, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ các phía và các cấp, ngành trực tiếp và gián tiếp có liên quan, trong đó cần có 2 đột phá quan trọng sau đây:

 Một là, đột phá về nhận thức, trong đó có các khía cạnh đáng lưu ý sau: Vai trò của công tác thông tin, dự báo và giám sát, cảnh báo an toàn, nhất là an toàn hệ thống tài chính-ngân hàng là hết sức quan trọng và không thể coi nhẹ trong bất luận trường hợp nào và vào thời điểm nào... Nhà nước có vai trò không thể thiếu được và ngày càng to lớn trong cuộc chiến với các chấn động kinh tế chu kỳ hoặc bột phát, nhất là khủng hoảng tài chính - ngân hàng, dù nó xẩy ra không trực tiếp từ sai lầm của chính phủ hoặc trong khu vực kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, sự can thiệp này phải tuân thủ các yêu cầu và lợi ích thị trường, không làm xấu đi sự ổn đinh kinh tế vĩ mô và bảo đảm hài hòa các lợi ích, nhất là không đổ gánh nặng khủng hoảng lên người dân, người tiêu dùng. 

 Hai là, đột phá về đầu tư, trong đó cần lưu ý các điểm nhấn sau: Cần rà roát lại các dự án và hoạt động đầu tư - kinh doanh của các đơn vị, tự phân loại tính chất, cách thức và mức độ ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng này, từ đó chủ động có phương án xử lý cụ thể hiệu quả cho đơn vị và đối tác cụ thể trong giả định tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

 Trong số các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2009, thì kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh có sự suy giảm động lực phát triển từ bên ngoài. Để giải quyết  hiệu quả nhiệm vụ này cần chú ý các điểm sau đây:

 Thứ nhất, thực hiện kích cầu đầu tư không có nghĩa là đầu tư tuỳ tiện, bất chấp hiệu quả, mà cần tập trung đầu tư cho các dự án sắp hoàn thành, đưa nhanh vào sử dụng; các dự án có dung lượng và triển vọng thị trường tiêu thụ tốt; các dự án góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất và kinh doanh cần thiết của doanh nghiệp và nền kinh tế; các dự án thúc đẩy chuyển dịch và cải thiện cơ cấu, sức cạnh tranh kinh tế theo hướng phát triển bền vững.

 Để kích cầu đầu tư đúng hướng, cần thực hiện tốt hơn việc công khai các danh mục đầu tư, thúc đẩy mạnh và hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, kể cả bằng nguồn vốn Nhà nước; thực hiện các cải cách hành chính cải thiện căn bản môi trường đầu tư theo hướng tự do hoá, thuận lợi hoá.

 Thứ hai, để kích cầu tiêu dùng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: giảm mạnh giá hàng tiêu dùng; điều chỉnh tăng lương; giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp; tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời thực hiện giãn, khoanh nợ và tăng các hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là trợ cấp trực tiếp cho người nghèo, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, giảm học phí, viện phí; khuyến khích các hoạt động đào tạo chuyển đổi nghề và triển khai các chương trình tạo việc làm mới trong xã hội từ các quỹ phù hợp; quan tâm  hỗ trợ hợp lý, trực tiếp cho người nghèo, người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều khi Nhà nước điều chỉnh tăng giá.

 Thứ ba, cạnh đó, cần thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ cả kích cầu đầu tư và cầu tiêu dùng, như: Theo dõi chặt chẽ, nâng cao chất lượng phân tích và dự báo tình hình trong nước và quốc tế, đặc biệt là những biến động về tình hình kinh tế, tài chính thế giới, chủ động xây dựng các phương án ứng phó, hạn chế tác động bất lợi của khủng hoảng từ bên ngoài đến hệ thống tài chính. Kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả chi tiêu công ngay từ việc duyệt kế hoạch đầu tư năm 2009, triệt để tiết kiệm chi; Hoàn thiện khung pháp luật về hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nhất là hoạt động đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, về xây dựng, đấu thầu, đất đai, ngân sách nhà nước; Cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tăng ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản cho các tỉnh nghèo, miền núi, những địa phương khó có điều kiện thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng bằng các nguồn vốn khác, cũng như đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; Kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu; giảm tối đa nhập siêu. Nhà nước cần xây dựng một cơ chế chống tham nhũng thực chất hơn, dân chủ hơn, kiên quyết và hiệu quả hơn.

  • Tags: