TIN TỨC - SỰ KIỆN
Ngày 17/2 sẽ chốt mức tăng giá điện?
17/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Chiều 17/2, Thường trực Chính phủ sẽ họp bàn về phương án giá điện năm 2011 và có quyết định cuối cùng. Thứ trưởng Vượng khẳng định: Các thông tin về phương án giá điện tăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày qua chưa chính xác. Tuần tới, Bộ Công Thương sẽ họp báo công bố chính thức phương án tăng giá điện sau khi Chính phủ có quyết định cuối cùng. Về phía Cục Điều tiết Điện lực (ERAV), Cục trưởng Phạm Mạnh Thắng cho hay: Luật Điện lực đã quy định hàng năm giá điện sẽ được xem xét điều chỉnh để phản ánh đúng chi phí của ngành điện. Giá điện đáng ra phải được điều chỉnh ngay từ đầu năm nhưng do thời điểm đầu năm chưa thích hợp nên Chính phủ lùi lại thời điểm để hạn chế đến mức thấp tác động tới lạm phát, sản xuất và đời sống người dân. Chính phủ sẽ quyết định mức độ tăng giá và thời điểm tăng giá điện. Bộ Công Thương chỉ là cơ quan trình và có những lập luận để đánh giá tác động tăng giá điện. Ông Thắng cũng cho biết: Than và dầu khí là nhiên liệu đầu vào để sản xuất điện. Chính phủ đã đề ra lộ trình thực hiện giá than, giá khí theo thị trường. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan quản lý vẫn chưa xác định được tiêu chí giá than, giá khí thị trường mà chủ yếu dựa vào cách tính lấy giá than, giá dầu khí quốc tế trừ đi 10% để xác định mức giá thị trường Việt Nam . Về nguyên tắc, phương án giá điện được Bộ Công Thương tính toán trên cơ sở đồng bộ với việc giá than, giá dầu khí điều chỉnh theo thị trường. Theo ông Thắng, năm 2010, giá điện bình quân của Việt Nam là 1.060 đồng/kWh. Nếu theo tỷ giá đầu năm thì tương đương với 5,3 cent/kWh. Nhưng theo tỷ giá VND/USD mới từ ngày 11/2, giá điện bình quân năm 2010 dưới 5 cent/kWh. Ngay từ mức giá 5,3 cent/kWh của năm 2010 đã là mức thấp nhất trong khu vực ASEAN. Lào là nước có giá điện thấp thứ hai trong khu vực thì cũng đã là 5,8 cen/kWh trong khi nguồn điện của Lào dựa trên 100% từ thủy điện nên giá rất rẻ. Trong khi đó, hệ thống điện của Việt Nam được huy động từ các nguồn khác nhau từ nhiệt điện chạy than, khí, nhiệt điện chạy dầu và thủy điện nên giá điện đáng lẽ ra phải cao hơn nhiều. Hiện thủy điện chỉ còn chiếm chưa đầy 30% trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam và g iá điện hoàn toàn phụ thuộc vào giá nguyên liệu đầu vào. Vì vậy nếu Chính phủ quyết định giá than, giá dầu khí điều chỉnh tăng thì giá điện cũng phải tăng tương ứng, nếu không ngành điện sẽ luôn luôn “lỗ nặng”. Ông Thắng khẳng định. (Tamnhin.net 17/2) 

Công ty Nhật tìm thấy dầu và khí đốt ở miền Nam Việt Nam
Ba công ty Nhật, trong đó bao gồm công ty Idemitsu Kosan, trong ngày hôm nay công bố họ đã tìm thấy dầu và khí đốt trong giếng ngoài khơi tại miền Nam Việt Nam. Ba công ty Nhật không công bố chi tiết dự trữ của mỏ, họ cho biết sẽ tiến hành đánh giá sau. Khu vực khí đốt và dầu được tìm thấy nằm ở 05-1b và 05-1c, cách TPHCM khoảng 300 km về phía Đông Nam, nằm trong bề trầm tích Nam Côn Sơn, diện tích 1.570 km, cách xa bờ 270 km, độ sâu dao động 100 đến 200 mét. Hai ông ty Nhật Idemitsu unit và JX Nippon Oil & Gas Exploration, một phần trong JX Holdings, mỗi công ty nắm 35% cổ phần trong khu vực khai thác này còn công ty Inpex Corp sở hữu phần còn lại. Ba công ty này có hợp đồng chia sẻ khai thác với Petrovietnam vào năm 2004. Thời hạn hợp đồng 30 năm. PetroVietnam có quyền tham gia 20% cổ phần khi hợp đồng đi vào giai đoạn phát triển thương mại. (CafeF.vn 18/2) 

Phần 1: Tin công nghiệp
ĐIỆN LỰC
Thiếu điện khó thu hút đầu tư nước ngoài
Tình trạng cắt điện luân phiên ở Việt Nam gây xáo trộn rất nhiều cho sinh hoạt và sản xuất. Tình hình năm nay sẽ còn tệ hơn vì mực nước thấp kỷ lục của các hồ thủy điện. Theo ông Matthias Duehn, giám đốc điều hành Phòng Thương mại châu Âu ở Việt Nam, giá điện mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị với các nhà đầu tư chỉ bằng 1/3 giá điện ở Thái Lan và Campuchia nên khó thu hút đầu tư nước ngoài bởi vì chẳng ai muốn đầu tư vào những dự án không sinh lời. Ông Matthias Duehn cho rằng, nếu giá điện không được điều chỉnh, nó sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng về trung và dài hạn đối với Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “Việc cắt điện sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam và có thể khiến các nhà đầu tư chuyển sang nước khác”. Trước nguy cơ nói trên, chính phủ Việt Nam đã quyết định kể từ tháng 3/2011 sẽ tăng giá điện sinh hoạt lên 15%. Hồi tháng 3 năm ngoái, Việt Nam đã từng tăng giá điện bán lẻ, nhưng chỉ tăng bình quân 6,8% so với năm 2009. Vấn đề là quyết định tăng giá điện được đưa ra vào lúc Việt Nam đang vất vả đối phó với nạn lạm phát đang tăng vọt. Tuy rằng việc tăng 15% giá điện chỉ tác động chút ít đến tỷ lệ lạm phát, nhưng cộng thêm với việc đồng bạc Việt Nam lại vừa bị hạ giá, giá cả sẽ càng leo thang. Như vậy, Việt Nam hiện đang ở trong một tình thế khá nan giải. Nếu không tăng giá điện thì sẽ không thể thu hút thêm vốn đầu tư vào các dự án năng lượng. Nhưng tăng giá điện hơn nữa thì sẽ khiến cho tầng lớp dân nghèo vốn đang chật vật với giá cả leo cao càng gặp khó khăn hơn. Về lâu dài, về dài, Việt Nam không có sự chọn lựa nào khác. Nếu muốn tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, bền vững cũng như tiếp tục thu hút được đầu tư nước ngoài, Việt Nam bắt buộc phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất điện năng. (Tamnhin.net 17/2) 

Kiến nghị ưu tiên xây dựng các công trình lưới điện
Theo Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT), hiện nay, tình trạng lưới điện quốc gia đang bị quá tải do mạng lưới điện không đáp ứng được công suất nguồn điện bởi kết cấu lưới điện truyền tải chưa đảm bảo được yêu cầu an toàn theo tiêu chuẩn n-1. Đặc biệt, tại những khu vực quan trọng như Hà Nội, TPHCM chưa đảm bảo tiêu chuẩn n-2 như quy hoạch điện được duyệt. Nguyên nhân do việc đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện chưa đáp ứng yêu cầu. Năm 2010, toàn bộ vốn tự có không còn để đối ứng đầu tư. Trong khi đó, chỉ tính riêng các công trình cần khởi công và hoàn thành chưa thu xếp được vốn đã là 45 công trình với tổng giá trị 899 tỷ đồng. Để giải quyết những tồn đọng trên, NPT đã đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị Chính phủ cho phép tổng công ty áp dụng quy chế, chính sách đặc thù, ưu tiên để đầu tư xây dựng các công trình điện cấp bách từ nay đến năm 2015. Đến nay, tình trạng này có khả năng tăng nặng thêm trong thời điểm từ nay đến mùa khô. Liên quan đến tình hình cung cấp điện, Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu các địa phương lập kế hoạch cung cấp điện hàng tháng trong mùa khô năm 2011. Chỉ cung cấp điện diện ưu tiên cho khách hàng được UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, các địa phương cũng phê duyệt kế hoạch cung cấp điện hàng tháng trên địa bàn trong mùa khô năm 2011 để công ty điện lực tại địa phương triển khai thực hiện. (Sài Gòn Giải Phóng 18/2) 

Tháng 3: Điện Nhơn Trạch II vận hành thương mại
Bộ Công Thương cho biết, dự kiến vào đầu tháng 3, Nhà máy Điện Nhơn Trạch II sẽ chính thức vận hành thương mại chu trình đơn, góp phần đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng cho nền kinh tế. Dự án Nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch II có công suất 750 MW, sử dụng nhiên liệu chính là khí thiên nhiên và được đăng ký theo cơ chế phát triển sạch (CDM) của Liên Hợp Quốc. Đây là công trình điện trọng điểm quốc gia thuộc tổng sơ đồ VI, được xây dựng tại Trung tâm Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Hiện tổ máy tuabin khí – máy phát số 2 (GT12) của nhà máy này phát điện lên lưới điện quốc gia thành công và đảm bảo an toàn tuyệt đối với công suất 250MW. (Nông Thôn Ngày Nay 17/2) 

DẦU KHÍ
Tư nhân ngừng bán xăng, áp lực dồn lên doanh nghiệp Nhà nước
Thực trạng hàng hoạt cửa hàng xăng dầu tư nhân không bán hoặc bán cầm chừng đã khiến áp lực bán hàng dồn lên xăng dầu doanh nghiệp Nhà nước. Đó là quan điểm của ông Hoàng Văn Bình, Giám đốc công ty xăng dầu. Ngay sau Tết Tân Mão, Công ty xăng dầu Thanh Hóa đã có báo cáo gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, sau đó Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có cuộc họp triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc bình ổn giá xăng dầu. Từ tháng 11/2010, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng liên tục. Nhà nước cũng đã sử dụng nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá xăng dầu trên thị trường trong nước. Tuy nhiên với giá xăng dầu tăng như hiện nay, các giải pháp mà Chính phủ đưa ra thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn lỗ. Trước tình hình đó, các đầu mối kinh doanh xăng dầu hạn chế nhập hàng vào. Tại thị trường Thanh Hóa, công ty xăng dầu Thanh Hóa cung cấp 50% thị phần và theo báo cáo từ phía công ty, lượng hàng cung ứng ra thị trường tháng 11/2010 tăng 15% so với bình quân 10 tháng đầu năm 2010, tháng 1/2011 tăng 25% so với cùng kỳ. Ngoài ra hệ thống bán lẻ tăng 45%. Trong tháng 1/2011, các đầu mối xăng dầu khác hạn chế kinh doanh, các cửa hàng xăng dầu tư nhân cũng giảm lượng bán ra thị trường. Trong khi đó, công ty vẫn cung ứng hàng cho các cửa hàng bán lẻ theo hợp đồng kinh tế. Việc các đầu mối khác và các cửa hàng tư nhân hạn chế lượng xăng dầu bán ra đã dồn sức ép lên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Nhà nước. Theo ông Hoàng Văn Bình, sau Tết công ty xăng đầu Thanh Hóa chỉ xác định cho 50 - 60 đồng/lít thù lao cho các đại lý nên các đại lý sẽ lỗ nếu tiếp tục bán hàng. Hơn nữa tâm lý của nhiều đại lý chọn ngày đẹp mới tham gia thị trường, các đầu mối khác không tham gia thị trường và đang nghe ngóng về việc tăng giá nên hiện tượng này xảy ra, nên đã dẫn đến tình trạng nhiều cây xăng không bán hay bán cầm chừng. Trao đổi với Dân trí, ông Trần Văn Tâm, Phó giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Thanh Hóa cho biết: “Việc hàng loạt cửa hàng xăng dầu không bán hàng có nhiều lý do. Trong đó nguồn hàng cung không đảm bảo trong thời gian trước do thời tiết, một số cây xăng mua hàng trôi nổi. Hơn nữa do chiết khấu đến thời điểm này quá thấp chỉ ở mức 145 đồng/lít nên nhiều cửa hàng xăng dầu không bán vì thua lỗ. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra cột bơm, bể chứa và các dụng cụ chứa xăng, nếu phát hiện có hiện tượng “găm hàng” sẽ xử lý nghiêm. Nếu phát hiện hiện tượng “găm hàng” thì xử phạt vi phạm từ 1 - 5 lần giá trị hàng”. (Dân Trí 18/2) 

Sẽ rút giấy phép kinh doanh những cây xăng găm hàng
Trước sự việc nhiều ngày qua, một số cây xăng ở các địa phương đã tìm cách không bán hàng số lượng lớn, đẩy nguồn cung trở nên khan hiếm, chiều 17/2, trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định: Bộ đã chỉ đạo các đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục đảm bảo nguồn cung kịp thời, liên tục, không được đứt đoạn; đồng thời nếu phát hiện cây xăng nào nghỉ không bán hàng với lý do không chính đáng sẽ xử lý nghiêm, nặng nhất là rút giấy phép kinh doanh. Cũng trong ngày 17/2, ông Võ Văn Quyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Cùng ngày, Bộ Công Thương đã có công điện khẩn yêu cầu lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các cây xăng đóng cửa hoặc bán nhỏ giọt theo phản ánh của người tiêu dùng. Đối với các trường hợp còn hàng nhưng không bán phải lập biên bản và rút giấy phép theo hình thức đầu cơ và rút ngay giấy phép kinh doanh. (Lao Động 18/2) 

Petrolimex ngưng bán xăng để cắt lỗ
Trước việc nhiều cây xăng mang biển đại lý của Petrolimex thông báo dừng bán xăng, bà Đàm Thị Huyền – Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết, trong hệ thống của Tổng công ty có các cửa hàng trực thuộc Petrolimex và các công ty cổ phần của Tổng công ty làm đại lý cho Tổng Công ty giống như giống các đại lý khác. Các đơn vị này có điểm khác các đại lý khác là Petrolimex có vốn 20-30%. Cơ chế của các tổng đại lý này kinh doanh theo cơ chế thị trường chứ không có trách nhiệm trong việc bình ổn. Các Công ty cổ phần trên thực tế khi bị lỗ mấy ngàn đồng/ lít xăng, dầu bán ra, người ta không dại gì kinh doanh cả. Còn tất cả các cây xăng trực thuộc Petrolimex đều phải đảm bảo duy trì việc bán hàng. Còn ông Đặng Vinh Sang – Tổng Giám đốc Saigon Petro xác nhận mức lỗ mỗi lít xăng ở doanh nghiệp này xấp xỉ 3000 đồng. Hiện Saigon Petro đang vay ngân hàng 40 triệu USD. Với tỷ giá cao như hiện nay, riêng tiền chênh lệch tỷ giá đã khiến doanh nghiệp nàu thiệt hại nhiều tỷ đồng. Ông Sang cũng cho biết, để tránh tình trạng đầu cơ găm hàng, Tổng Công ty quyết định không tăng lượng bán cho các đơn vị có yêu cầu tăng lượng hàng nhập… Được biết, trong thời gian vừa qua, để giữ giá bán lẻ trong nước, Nhà nước và người tiêu dùng đã bỏ ra khoảng 11.000 tỷ đồng để bù giá. Trong đó, số tiền hỗ trợ từ giảm thuế là 7.500 tỷ đồng, còn lại 3.500 tỷ đồng là sử dụng Quỹ bình ổn giá. Vì vậy, nhiều khả năng cuối tháng 2 sẽ phải tính đến chuyện điều chỉnh giá bán. (Tiền Phong 17/2) 

PetroVietnam không đầu tư 1,2 tỉ USD khai thác dầu ở Iran
Trước một số nguồn tin dẫn lời kênh truyền hình Press TV (Iran) về việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) đầu tư 1,2 tỉ USD vào dự án khai thác mỏ dầu Darkhovin ở Iran giai đoạn thứ 3, chiều 17/2, Tổng Giám đốc PetroVietnam Phùng Đình Thực chính thức bác bỏ thông tin này. Ông cho biết, có thể báo chí trong nước đã trích dẫn chưa chuẩn xác nguồn tin nước ngoài về sự quan tâm của PetroVietnam đối với mỏ dầu của Iran. Cách đây khoảng 1 năm, PetroVietnam đã được đối tác mời xem các tài liệu địa chất liên quan đến dự án phát triển mỏ dầu này, song đã quá thời hạn quy định, PetroVietnam không có hồi âm về việc sẽ tham gia đầu tư tại đây. Vì vậy, những thông tin được đưa ra là không chính xác. (Lao Động Điện tử 17/2) 

KHAI KHOÁNG
Công ty Apatit xin xuất khẩu quặng để tái đầu tư
Công ty Apatit Việt Nam (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) đang đề nghị Bộ Công Thương và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho phép tiếp tục xuất khẩu đến năm 2015, mỗi năm khoảng 700.000 tấn quặng apatit 2 là loại quặng ít được sử dụng trong nước để có vốn tái đầu tư. Hiện nhu cầu vốn đầu tư cho Dự án tổ hợp khai thác sâu và tuyển quặng Bắc Nhạc Sơn và Dự án sử dụng quặng 2 để làm nguyên liệu sản xuất axit sulfuric H2SO4 cần tới 6.000 tỷ đồng. Theo Giám đốc Công ty Bùi Văn Việt, hiện trữ lượng quặng apatit 2 đã thăm dò và dự báo khoảng 1 tỷ tấn, trong đó trữ lượng đã được Bộ Công Thương xác định chính xác là 234 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu quặng 2 được sử dụng cho sản xuất phân bón và phốtpho vàng trong nước từ nay đến 2015 từ 800.000 đến khoảng 1,1 triệu tấn/năm. Với cân đối cho cả giai đoạn từ năm 2011-2015, công ty có thể đảm bảo cung cấp quặng apatit cho sản xuất trong nước và tham gia xuất khẩu. Được biết, hiện có nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn mua quặng 2 của Công ty Apatit để cung cấp cho các thị trường Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ. (Thông Tấn Xã Việt Nam 18/2) 

ĐÓNG TÀU
Vinashin đã có đủ đơn hàng để ổn định việc làm cho 4 vạn lao động
Đó là khẳng định của Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) Nguyễn Ngọc Sự tại buổi Tổng kết năm 2010 của Bộ GTVT. Ông Sự cho biết, với khoản nợ trên 76 ngàn tỷ đồng, Tập đoàn đang ở trong một tình thế hết sức khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có quyết định tái cơ cấu lại Tập đoàn của Chính phủ, Vinashin đã và đang dần hồi phục. Trong vòng 3 tháng cuối năm 2010, Tập đoàn đã bước đầu trả được nợ trên 2000 tỷ đồng. Chỉ trong 6 tháng cuối năm, Vinashin đã bàn giao 42 tàu, vượt kế hoạch 35 tàu được Chính phủ giao, đưa tổng số tàu được bàn giao trong năm 2010 lên 64 tàu, thu 577 triệu USD. Trong đó 36 tàu đóng cho các doanh nghiệp trong nước, thu 399 triệu USD. Hiện Vinashin đã thực hiện bước đầu của công cuộc tái cấu trúc Tập đoàn theo Quyết định 926 và 2108 của Chính phủ thành công. Tập đoàn tập trung phát triển theo 3 mảng chính: sửa chữa đóng mới tàu, sản xuất công nghiệp phụ trợ, đào tạo nâng cao tay nghề đội ngũ cán bộ, công nhân đóng tàu. Các giải pháp đang được Vinashin triển khai trước hết là tập trung vào vấn đề nhân sự, không để cán bộ kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ. Thứ hai, tập trung vào sửa chữa và đóng mới tàu. Thứ ba, quy hoạch lại ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng quy hoạch nâng cao trình độ thiết kế và ứng dụng khoa học công nghệ theo hướng liên doanh với nước ngoài, thành lập các trung tâm thiết kế. (Giao Thông Vận Tải 16/2) 

Ô TÔ – XE MÁY
Điều chỉnh tỷ giá, thị trường ôtô gặp “bão”
Thị trường ôtô đang đi thẳng vào cơn “bão” giá, do ảnh hưởng từ việc tỷ giá giữa USD và VND tăng cao. Mở màn cho đợt tăng giá có thể nói là cao nhất từ trước đến nay là hai hãng xe đang có thị phần lớn tại Việt Nam là Toyota và Hyundai Thành Công. Mức chênh lệch giữa giá cũ và giá mới dao động từ trên 10 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng/xe tùy chủng loại. Trong khi Toyota cố gắng chờ đến ngày 1/3 mới chính thức áp dụng giá mới, thì Hyundai Thành Công đã áp dụng từ ngày 11/2. Ngay sau đó, hai hãng xe khác là GM Daewoo (Vidamco) và Trường Hải (Kia) cũng công bố bảng giá điều chỉnh. Nếu như nhà sản xuất ôtô trong nước Trường Hải áp dụng mức điều chỉnh tăng thấp hơn, chỉ vào khoảng trên dưới 4%, thì hãng ôtô 100% vốn nước ngoài GM Daewoo áp dụng mức điều chỉnh tăng 7,2%. Trong khi hệ thống salon ôtô nhập khẩu không chính thức đã đồng loạt tiến hành bán xe theo giá mới ngay sau khi quyết định điều chỉnh tỷ giá được ban hành thì đến nay, mới có 4 hãng xe chính thức công bố bảng giá điều chỉnh. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù một số hãng xe lớn chưa công bố bảng giá điều chỉnh, thì các đại lý cũng đã tiến hành bán xe theo giá mới. Hiện tượng tự động tăng giá của các đại lý xuất phát từ việc mặc dù niêm yết bằng VND song thực tế giá xe vẫn được mặc định giữa nhà sản xuất với đại lý là USD. Do vậy, khi giá USD tăng thì giá xe bằng VND tự động tăng theo. Nhiều người tiêu dùng tỏ ra bức xúc về hiện tượng tự động tăng giá xe. (Thời Báo Kinh Tế Việt Nam 18/2) 

Thêm 2 hãng xe điều chỉnh giá
Sau Toyota và Hyundai, 2 nhà sản xuất và phân phối ôtô là Trường Hải và Vidamco cũng đã công bố bảng giá điều chỉnh theo tỷ giá VND/USD mới. Các mức giá bán lẻ mới được GM Daewoo điều chỉnh đa số đều tăng khoảng 7,2% so với giá cũ, tức gần như tương ứng với mức tác động từ tỷ giá lên giá thành xe. Mức điều chỉnh tăng của Trường Hải đối với xe Kia ở mức thấp hơn. Bảng giá bán lẻ mới của Trường Hải bắt đầu được áp dụng từ sau 17 giờ ngày 15/2 trong khi Vidamco áp dụng từ ngày 16/2. (Thời Báo Kinh Tế Việt Nam 17/2) 

CÔNG NGHIỆP TIÊU DÙNG VÀ CHẾ BIẾN
Bánh kẹo – mặt hàng nhiều tiềm năng xuất khẩu
Ngành hàng bánh kẹo của Việt Nam vài năm gần đây có những bước phát triển vượt bậc, ổn định do nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước tăng mạnh. Các chuyên gia đều nhận định, sản phẩm bánh kẹo là mặt hàng có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong tương lai. Các sản phẩm bánh kẹo của Việt Nam hiện đã có mặt tại nhiều nước như Cămpuchia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, UAE, Hồng Kông, Đài Loan… Trong đó, Cămpuchia là thị trường ổn định, luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu bánh kẹo của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường mới nhưng là một trong những thị trường đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bánh kẹo lớn đã thiết lập quan hệ kinh doanh với các nước trên thế giới. Như Huunghifood đã có quan hệ kinh doanh với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Anh, Tây Ban Nha, Úc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Đông Timor, Cămpuchia… Tuy nhiên, các doanh nghiệp bánh kẹo Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, như chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá bán tăng chậm. Đa phần các sản phẩm trong nước đều có giá thấp hơn các sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu (chính ngạch) từ 10%-20%. Cùng với đó, nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu của ngành bánh kẹo chiếm tỷ trọng khá lớn: bột mì nhập khẩu gần như toàn bộ, đường mới đáp ứng được 75% nhu cầu tiêu thụ trong nước, hương liệu và một số chất phụ gia nhập khẩu chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành. Chính vì vậy, sự biến động của giá bột mì, đường trên thị trường thế giới sẽ có những tác động nhất định đến giá thành của bánh kẹo. Bên cạnh đó các yếu tố khác như chi phí nhân công, lãi suất, giá năng lượng cũng tác động đến giá thành bánh kẹo. Để khắc phục những khó khăn trên và đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng bánh kẹo ra thị trường nước ngoài trong thời gian tới. Theo Bộ Công Thương, trước hết doanh nghiệp cần tìm hiểu khẩu vị của khách hàng, vì mỗi nước người tiêu dùng lại có những khẩu vị khác nhau. Cùng với đó, các mặt hàng xuất khẩu phải đảm bảo nhãn mác, xuất xứ, hạn sử dụng, có hướng dẫn sử dụng chi tiết rõ ràng. Doanh nghiệp không nên coi nhẹ việc phân phối hàng ở các vùng biên giới, chúng ta nên tận dụng đường biên giới gần ở một số nước để xâm nhập hàng hóa vào sâu trong nội địa thị trường đó. Doanh nghiệp đặc biệt chú ý đến các dịch vụ sau bán hàng và đào tạo nhân viên có thái độ thân thiện với các nhà phân phối. Bởi theo phản hồi của các thương nhân dọc biên giới, hàng Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh bởi hàng hóa của Thái Lan, tuy chất lượng bánh kẹo tương đương, nhưng nhân viên bán hàng của Thái Lan chăm sóc, gần gũi hơn với khách hàng; các dịch vụ sau bán hàng của họ cũng tốt hơn rất nhiều. (Vinanet 17/2) 

Thiếu nguyên liệu cá tra xuất khẩu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá tra hiện tăng thêm 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Giá bán tại ao lên 24.500 đồng/kg (giá tại nhà máy hơn 25.000 đồng/kg), nguồn nguyên liệu cá tra đang thiếu hụt trầm trọng. Nguồn con giống cũng không đủ đáp ứng mà phải đợi đến tháng 5 hoặc tháng 6 tới, trong khi thời gian nuôi cá tra phải mất từ 9-10 tháng mới đủ trọng lượng chế biến. Hiện có khoảng 30% nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu phải tạm ngưng hoạt động và nhiều nhà máy chế biến chỉ hoạt động khoảng 50% công suất do không đủ nguyên liệu. (Người Lao Động 17/2) 

Xuất khẩu điều: Lung lay nền tảng
Mặc dù tăng tốc xuất khẩu ngoạn mục và cũng được giá như vậy, nhưng vị thế của cây điều trong các loại cây trồng của Việt Nam lại đang bị lung lay. Dù năng suất điều đã tăng bình quân 5,4%/năm trong 17 năm qua, nhưng do diện tích giảm như nói trên, nên sản lượng điều thô trong cùng kỳ chỉ tăng bình quân gần 16%/năm, trong khi nhịp độ tăng xuất khẩu điều nhân của Việt Nam lên đến 18,2%/năm trong cùng thời gian. Điều này có nghĩa là, trong những năm gần đây khối lượng điều thô nhập khẩu để chế biến ngày càng lớn. Khởi điểm thiếu điều thô cho công nghiệp chế biến có nhiều khả năng là năm 2005. Và khối lượng bị thiếu trong hai năm 2006 và 2007 cũng chỉ mới khoảng trên 10.000 tấn, nhưng năm 2008 đã tăng vọt lên hơn 60.000 tấn, năm 2009 là trên 70.000 tấn, năm 2010 lập kỷ lục với 194.000 tấn và được bù đắp bằng điều nhập khẩu. Các con số nói trên cũng chưa có dấu hiệu dừng lại. Có thể khẳng định rằng, dù có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất khiến cây điều thất thế so với các cây công nghiệp lâu năm khác nói riêng và cây trồng nói chung của Việt Nam là do năng suất điều của nước ta vẫn còn quá thấp. Các số liệu thống kê của nước ta và FAO cho thấy, trong 17 năm gần đây, năng suất điều của nước ta tăng bình quân 5,4%/năm và với nhịp độ tăng như vậy thì có lẽ phải mất khoảng ba thập kỷ nữa năng suất điều của Việt Nam mới theo kịp năng suất điều bình quân của thế giới. Tất cả những điều nói trên cho thấy, cho dù điều nhân là thứ nông sản đắt tựa vàng trên thị trường thế giới, nhưng nếu không có những giải pháp đủ mạnh, diện tích điều không những thiếu hụt so với năng lực chế biến như hiện nay, mà sẽ tiếp tục “co lại” nhanh hơn. Như vậy ngành công nghiệp chế biến điều của Việt Nam sẽ phải tiếp tục tăng nhập khẩu điều thô và một khi điều này không thể tiếp tục, công nghiệp chế biến điều tất yếu cũng lập tức phải “co lại” và vị trí cường quốc xuất khẩu điều số 1 của Việt Nam cũng sẽ chấm dứt. (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 17/2) 

Năm 2011, DN xuất khẩu gạo sẽ đối mặt với cạnh tranh
Nhu cầu thị trường lớn, xuất khẩu đang được giá, tuy nhiên VFA dự báo trong năm nay các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn từ việc mở cửa thị trường xuất khẩu gạo. Nếu như trước đây, để bảo hộ ngành sản xuất trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài phải liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước trong thu mua, xuất khẩu lúa gạo thì từ năm 2011 với việc tuân thủ cam kết WTO về mở cửa thị trường lúa gạo, các doanh nghiệp nước ngoài có thể trực tiếp tham gia vào thị trường lúa gạo Việt Nam. Thị trường thu mua, xuất khẩu lúa gạo của các doanh nghiệp trong nước vốn đã nhiều cạnh tranh, nay lại đối phó với sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài muốn “chen chân” vào thị trường này. Xét về năng lực thị trường, vốn, chỉ có những doanh nghiệp lớn mới có thể cạnh tranh, còn phần lớn doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đều thua thiệt so với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, trong số hơn 260 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trên thị trường lúa gạo Việt Nam hiện nay chỉ có hơn 30 doanh nghiệp là những nhà xuất khẩu chuyên nghiệp, còn lại là những công ty kinh doanh thời vụ, nhỏ lẻ. Một khó khăn khác mà các doanh nghiệp gạo đối diện là tình trạng thiếu vốn. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài vay được nguồn vốn có 4,5% thì các doanh nghiệp trong nước phải vay mức 16,5%, sự chênh lệch này là một bất lợi trong cạnh tranh. Để đối phó với làn sóng cạnh tranh này, ông Trương Thanh Phong cho rằng, giải pháp cơ bản là các doanh nghiệp cần thiếp lập, xây dựng vùng nguyên liệu, tạo sự gắn bó mật thiết với nông dân, tạo thành những chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Đây cũng là mô hình nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang xây dựng, trong đó vụ Đông Xuân 2010-2011, Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã ký hợp đồng bao tiêu 10.000ha lúa của nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long. (Theo Thông Tấn Xã Việt Nam 17/2) 

ĐIỆN TỬ
Giá hàng công nghệ chưa tăng cùng tỷ giá
Mặc dù nhiều mặt hàng nhập khẩu đã bắt đầu nâng giá bán do tỷ giá USD/VND tăng mạnh hơn 9% từ ngày 11/2, song giá các mặt hàng điện tử, công nghệ vẫn được giữ nguyên. Tại hầu hết các siêu thị, đại lý hàng điện tử, điện máy, hàng hóa vẫn được giữ nguyên giá bán như thời điểm trước Tết Nguyên đán. Một số nơi còn thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Theo ông Hoàng Anh Tuấn-Trưởng phòng kinh doanh thị trường của công ty Trần Anh, căn cứ vào số lượng hàng trong kho và tốc độ bán hàng dự kiến, công ty vẫn có thể giữ nguyên giá bán cũ. Nếu giá các sản phẩm có thay đổi do tác động của tỷ giá, thì cũng phải sang giữa hoặc cuối tháng 3. Ông Tuấn giải thích, lý do mà đa phần các mặt hàng tại Trần Anh vẫn chưa tăng giá, là bởi công ty hạch toán bằng VND, nên tất cả các đơn hàng đều được thanh toán bằng VND. Ngoài ra, theo đại diện nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, sở dĩ giá các sản phẩm không tăng còn là bởi thông thường sau Tết, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này rất thấp. Do vậy, có nơi còn phải giảm giá, khuyến mại để kích cầu. (VnEconomy 18/2) 

CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG
Long An: Tháng 1, thu hút đầu tư tăng mạnh
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng UBND tỉnh, trong tháng 1/2011, toàn tỉnh thu hút vốn đầu tư tăng mạnh. Cụ thể, 72 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh với tổng vốn đầu tư hơn 144 tỷ đồng. Như vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh có 6.514 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành nghề với tổng vốn hơn 200.658 tỷ đồng. Về đầu tư nước ngoài, tháng 1, tỉnh đã cấp phép mới cho 5 dự án với tổng vốn 3,2 triệu USD. Lũy kế đến nay ở các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh có 347 dự án còn hiệu lực đầu tư với tổng vốn 3.212,6 triệu USD, trong đó đã có 152 dự án đi vào hoạt động (chiếm 44% số dự án), vốn đã thực hiện 1.349 triệu USD (42% tổng vốn). (Đại Biểu Nhân Dân 18/2) 

Phần 2: Tin Thương mại
XUẤT NHẬP KHẨU
Giá cà phê Robusta trên thị trường quốc tế thu hút DN Việt Nam
Giá cà phê Robusta tại London đang thu hút doanh số bán hàng cung cấp từ Việt Nam, nhà trồng cà phê lớn nhất thế giới, công ty môi giới cà phê Eugen Atte GmbH có trụ sở văn phòng ở Hamburg cho biết. Giá cà phê trên sàn giao dịch NYSE Liffe là 140 USD/tấn, cao hơn giá cà phê hạt bán tại Việt Nam ngày hôm qua, tăng từ 120 USD/tấn vào ngày 27 tháng Giêng, Atte cho biết. Giá cà phê Robusta tại sàn giao dịch London đã tăng 7,4% trong năm nay. "Số lượng nhiều cà phê robusta sẽ được bán ra nhiều từ tháng Giêng đến tháng 6," Andrea Thompson, một nhà phân tích tại CoffeeNetwork tại Belfast, Bắc Ireland nói. Cà phê xuất khẩu từ Việt Nam có thể tăng khoảng 9,4% lên đến 1,28 triệu tấn trong năm dương lịch này, theo dự báo của chính phủ hôm 9 tháng 2. Sản lượng cà phê niên vụ 2010-2011, bắt đầu từ 1/10 sẽ tăng 4,6% lên gần 1,12 triệu tấn, trong khi diện tích trồng tăng 1,8% lên 548.200 ha (1,35 triệu mẫu Anh), Bộ NN&PTNT cho biết. (Vietstock 18/2) 

Xuất khẩu cá nóc – Tiềm năng cho ngành xuất khẩu
Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, cá nóc đang trở thành mặt hàng ưa chuộng trên nhiều thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc. Do nhu cầu nhập khẩu cá nóc với số lượng lớn ngày càng cao từ các nước, trong đó có Việt Nam đã mở ra tiềm năng mới cho ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Hiện Bộ NN&PTNT đã cho phép 2 tỉnh Khánh Hòa và Kiên Giang thí điểm khai thác, chế biến và xuất khẩu cá nóc sang Hàn Quốc, mở ra một mặt hàng triển vọng mới cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. (Đại Biểu Nhân Dân 18/2) 

Cà Mau: Xuất khẩu tôm đầy lạc quan
Năm 2010, lần đầu tiên tỉnh Cà Mau xuất khẩu tôm đạt kim ngạch hơn 800 triệu USD. Theo các chuyên gia thủy sản, mặt hàng này tiếp tục có nhiều triển vọng gia tăng cả về sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu trong năm 2011. Cà Mau là tỉnh có ngành công nghiệp chế biến tôm xuất khẩu lớn nhất nước, với 35 nhà máy. Trong năm qua, kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh đạt con số kỷ lục: 823 triệu USD. (Vinanet 17/2)
 
Agifish đặt kế hoạch xuất khẩu 65 triệu USD 

Năm 2011, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang - Agifish (AGF) đặt kế hoạch thu mua 60.000 tấn nguyên liệu, xuất khẩu 26.000 tấn. AGF đặt kế hoạch đạt 2.000 tỷ đồng doanh thu, kim ngạch xuất khẩu 65 triệu USD. So với chỉ tiêu thực hiện năm 2010, doanh thu của AGF dự kiến tăng 12,3%, kim ngạch xuất khẩu tăng 6,5%. Năm 2010, Agifish đạt 1.781 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so năm trước; sản lượng xuất khẩu 27.782 tấn; kim ngạch xuất khẩu 61 triệu USD; lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 81,5 tỷ đồng, tăng 352% so với năm 2009. (Theo DVT.vn 17/2) 

THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Hà Nội: Giá rau củ, thực phẩm leo thang theo điện, xăng
Mặc dù nguồn cung vẫn ổn định và các chi phí đầu vào chưa tăng, nhiều tiểu thương đã tranh thủ tăng nhẹ giá rau củ, thực phẩm với lý do điện, xăng chuẩn bị tăng giá nên cần "chạy trước". Nếu so mức hiện tại với thời điểm trước và trong dịp Tết nguyên đán, giá không quá "cắt cổ" vì nguồn rau từ các làng trồng ở ngoại thành đổ về các chợ hiện vẫn dồi dào. Tuy nhiên, theo nhiều người kinh doanh, khi nguồn cung cấp kém đi, cộng thêm tâm lý "xăng tăng thì cái gì cũng tăng" thì không chỉ rau, củ mà nhiều mặt hàng khác cũng sẽ tăng giá. Ngoài rau củ, thực phẩm, trong đợt tăng giá này còn có sự góp mặt của dầu ăn. Tại nhiều chợ lẻ tại Hà Nội, giá dầu ăn đã tăng khoảng 5% so với cách đây một tuần. (Vnexpress 18/2) 

Giá điều thô vượt ngưỡng 30.000 đồng/kg
Dù chưa có nhiều lượng điều thô của vụ mới nhưng nhiều thương lái ở Bình Phước, Đồng Nai đã đặt cọc với nhà vườn và chốt giá mua điều thô từ trước Tết với giá 30.000 - 32.000 đồng/kg, trong khi giá điều bình quân năm ngoái 16.000-18.000 đồng/kg. Năm ngoái cả nước có 391.000 ha trồng điều, cho thu hoạch sản lượng 291.000 tấn điều thô, các doanh nghiệp chế biến điều nhập khẩu thêm 404.000 tấn điều thô, để chế biến xuất khẩu được 198.000 tấn nhân điều, thu về 1,135 tỉ đô la Mỹ, tăng 11,8% về lượng và 35% về kim ngạch. Năm nay Vinacas dự kiến mua trong nước được 350.000-380.000 tấn và nhập khẩu thêm 450.000 tấn điều thô để chế biến xuất khẩu thu về 1,5 tỉ đô la Mỹ. (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 18/2) 

XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Anh
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Anh, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu các thông tin về hội chợ triển lãm sẽ được tổ chức tại Anh. Vì đây là cơ hội để giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến với đối tác.

Trong năm 2011, tại Anh sẽ diễn ra một số hội chợ tiêu biểu như Hội chợ quốc tế về thực phẩm và đồ uống vào tháng 3, hay triển lãm Nhựa quốc tế tại Luân Đôn dự kiến được tổ chức vào tháng 9. Đây là hai hội chợ thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới, là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hợp tác.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu về những đặc điểm kinh doanh tại thị trường này, cụ thể là tại quốc gia này, vai trò của các Hiệp hội ngành hàng được đánh giá cao, là điều kiện thuận lợi trong viêc hợp tác- trao đổi- giao lưu giữa hiệp hội ngành hàng của hai quốc gia để có những thông tin xuất khẩu hữu ích.

Gần đây nhất, vào cuối tháng 1 năm 2011, tại Hà Nội, hai quốc gia đã ký kết văn kiện "Kế hoạch hành động Việt Nam- Anh năm 2011" đánh dấu những bước phát triển hơn nữa trong mối quan hệ giao thương hai nước. (Website Thị Trường Nước Ngoài 17/2) 

Không hạn chế xuất khẩu sang Pháp
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Pháp từ 16 -19/2, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc có buổi gặp và trao đổi với Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại Thương của Pháp Lellouche. Bộ trưởng khẳng định: Việt Nam không hạn chế hàng xuất khẩu sang Pháp, đồng thời khuyến khích hàng hóa của Pháp nhập khẩu vào Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm công nghệ cao. (VOVNews 17/2) 

Hội chợ Quảng Châu: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
17/2, Phòng kinh tế Thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã tổ chức giới thiệu xu thế phát triển kinh tế thương mại Việt-Trung và quảng bá "Hội chợ hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc lần thứ 109". Theo đó, Hội chợ (CantonFair 109) sẽ được tổ chức từ ngày 15/4/2011 đến 5/5/2011 tại Thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận, tìm kiếm và mở rộng quan hệ bạn hàng, làm ăn với các đối tác Trung Quốc cũng như với các đối tác khác thông qua thị trường rộng lớn này. Một đại diện đến từ Cục kinh tế, Bộ Quốc phòng, Việt Nam cho biết, mỗi kỳ Hội chợ có khoảng 200 doanh nghiệp quân đội tham gia và tham quan. Ưu thế của Hội chợ này là các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận với hệ thống thiết bị, máy móc công nghệ tiên tiến của thế giới trong mọi lĩnh vực. Ngoài ra, do Hội chợ được diễn ra gần Việt Nam nên đã giảm chi phí đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tham gia. (Vietnamplus 17/2) 

QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
TPHCM: Xe máy, sắt thép có dấu hiệu bị đẩy giá
Khảo sát thị trường TP HCM cho thấy, một số điểm bán các mặt hàng như sắt thép, xe máy,... đang có dấu hiệu tăng giá hoặc găm hàng. Mặc dù thời điểm hiện nay không phải là mùa cao điểm kinh doanh xe máy, bởi đa phần người tiêu dùng có nhu cầu mua, đổi xe mới thường có tâm lý mua xe mới từ trước tết, nhưng hiện nay nhiều đại lý, cửa hàng xe máy do Honda ủy nhiệm (head) lại báo hết hàng đối với các dòng xe đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Theo Chi cục Quản lý thị trường TP HCM, ghi nhận tình hình bán lẻ sắt thép trên địa bàn quận Thủ Đức cho thấy, giá sắt thép bán lẻ hiện nay đã tăng mạnh so với thời điểm cuối tháng 1. Hiện các loại thép phi 6,8 bán lẻ đã tăng lên 350.000 đồng/tấn - đạt mức 17,5 triệu đồng/tấn. Các loại thép phi 16 cũng tăng 5.700 đồng/cây với giá bán 303.500 đồng/cây. So với mức giá do các Cty thép điều chỉnh, mức giá bán lẻ trên thị trường hiện nay tăng nhiều hơn mức giá công bố. Tuy vậy, giới kinh doanh sắt thép vẫn dự báo giá sắt thép trong thời gian tới sẽ còn điều chỉnh tăng, nhất là khi giá điện tăng lên trong thời gian tới. Thế nên, dù giá bán lẻ đã tăng, một số đại lý, cửa hàng vẫn không vội tung hàng ra bán mà có tâm lý chờ giá sẽ lên tiếp. (Lao Động 18/2) 

Giá sữa tăng “choáng váng”
Không tăng “nhỏ giọt”, nhiều sản phẩm sữa đã điều chỉnh tăng 12% giá bán, thậm chí đột ngột lên đến 17% - 20%. Một số người sau khi hỏi giá sữa đã ngậm ngùi quay đi, hoặc đổi loại sữa khác, vì “không mang đủ tiền”. Theo cả bên bán và bên mua, hộp sữa 1,8 kg này đã tăng hơn 50.000 đồng, từ 480.000 đồng/hộp trước Tết, hiện đã “nhảy” lên 530.000 đồng. Grow 3 không phải là cá biệt, mà 50 sản phẩm khác của nhãn hiệu Abbott đều được Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược phẩm 3A (nhà phân phối chính thức sản phẩm của Abbott tại Việt Nam) tăng giá bán từ 12 % - 20% tùy sản phẩm. Theo đó, từ các loại sữa như Similac Mom 300gr, 700gr cho bà mẹ mang thai, đến các loại sữa cho trẻ em như: Similac IQ, Similac Gain, Gain IQ 3, Pediasure, Ensure Gold… đều tăng mỗi hộp ít nhất 10.000 đồng. (Đất Việt 18/2) 

DOANH NGHIỆP - THƯƠNG HIỆU
Mua bán sát nhập tăng mạnh trong năm 2011
Một khảo sát mới đây của công ty tư vấn quốc tế Grant Thornton đưa ra kết quả 17% doanh nghiệp Việt Nam cho biết, kế hoạch tăng trưởng trong 3 năm tới sẽ thông qua mua bán-sáp nhập, so với năm 2010 tỷ lệ này đạt 19% và 15% vào năm 2009. Tuy nhiên có đến 20% doanh nghiệp Việt Nam tin rằng sẽ có một sự thay đổi trong quan hệ sở hữu tại doanh nghiệp mình, cao gần hai lần so với tỷ lệ trung bình toàn cầu ở mức 11%. Các doanh nghiệp kỳ vọng hình thức mua bán sát nhập là cách thức tăng trưởng nhanh cũng như tạo dựng chiến lược phát triển mới trong điều kiện kinh tế, tài chính khó khăn như hiện nay. Ông Ken Atkinson - Tổng giám đốc công ty Grant Thornton Việt Nam nhận định, sau hai năm sụt giảm, sự tăng trưởng của nền kinh tế và nới lỏng chính sách tín dụng đã tạo ra một cơn sốt nhu cầu về các thương vụ mua bán-sáp nhập không chỉ tại Việt Nam mà trên khắp toàn cầu. (Tuổi Trẻ 18/2)./.