Thanh Hóa có 55 cụm công nghiệp vào năm 2020

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định phê duyệt Qui hoạch điều chỉnh phát triển cụm công nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 có 55 cụm công nghiệp đưa vào khai thác vận hành.


Làng truyền thống đúc đồng Chè Đông đang được khôi phục và phát triển

Theo Qui hoạch điều chỉnh là phát triển hệ thống cụm công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và khoáng sản nhằm khai thác tiềm năng của khu vực nông thôn tiến tới công nghiệp hóa - hiện đại hóa nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nhẹ, công nghiệp hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, giải quyết việc làm nông thôn, thúc đẩy đô thị hóa khu vực nông thôn.

Phát triển hệ thống cụm công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, tiết kiệm sử dụng đất và hạ tầng kết hợp với phát triển du lịch văn hoá, làng nghề theo hướng kinh doanh đa dạng, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Thanh Hóa phát triển hệ thống cụm công nghiệp với hệ thống cụm công nghiệp của quốc gia nhằm thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về xây dựng cụm công nghiệp.

Mục tiêu đến 2020, sẽ có 55 cụm công nghiệp đưa vào khai thác vận hành, bao gồm: 10 cụm công nghiệp đã hoàn thành; 28 cụm công nghiệp chuyển tiếp và 17 cụm công nghiệp xây dựng mới. Trong đó: Vùng đồng bằng có 25 cụm, với diện tích 651,53 ha; vùng ven biển có 13 cụm, với diện tích 375 ha; vùng miền núi có 17 cụm, với diện tích 452 ha. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong cụm đến năm 2020 đạt 16.587,37 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 30%. Đến năm 2015, tổng lao động làm việc trong các cụm công nghiệp dự kiến đạt 88.566 lao động, đến năm 2020 là 119.532 lao động. Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp khoảng 2.093,14 tỷ đồng, trong đó: giai đoạn 2011- 2015, đầu tư xây dựng hạ tầng 33 cụm, với diện tích 993,56 ha, vốn đầu tư 1.525,14 tỷ đồng; giai đoạn 2016 – 2020, đầu tư xây dựng hạ tầng 12 cụm, với diện tích 300 ha, vốn đầu tư 568,0 tỷ đồng.

Để thực hiện được mục tiêu, Quy hoạch điều chỉnh phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010 – 2020 đề ra các giải pháp chủ yếu đó là: tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất, tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp và đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.

Tạo nguồn vốn đầu tư xây hạ tầng cụm công nghiệp bao gồm: Vốn hỗ trợ theo cơ chế chính sách của Trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cụm công nghiệp; đào tạo lao động cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; thực hiện phòng chống ô nhiễm môi trường sinh thái đối với cụm công nghiệp.