Các nhân tố tác động quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh

NGUYỄN HOÀNG ANH VŨ1 - TS. VÒNG THÌNH NAM2 (1 Học viên Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh - 2 Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Để xác định các nhân tố tác động đến cho vay vốn của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Agribank - chi nhánh Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả dựa vào mô hình nghiên cứu của các nghiên cứu trước có liên quan, từ đó xây dựng mô hình nghiên cứu và đo lường các nhân tố ảnh hưởng đến cho vay vốn của khách hàng cá nhân tại Agribank Tân Bình. Với kích thước mẫu nghiên cứu là 350 và sử dụng phần mềm thống kê SPSS 20.0, kết quả nghiên cứu cho thấy có 2 nhân tố (so với ban đầu là 6 nhân tố) tác động đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Agribank - chi nhánh Tân Bình.

Từ khóa: cho vay vốn khách hàng cá nhân, vay vốn khách hàng cá nhân Agribank Tân Bình.

1. Đặt vấn đề

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Tân Bình (Agribank Tân Bình) rất chú trọng đến việc phát triển hoạt động dịch vụ bán lẻ nhất là đối với cho vay vốn khách hàng cá nhân, vì đây là một trong những nguồn đóng góp quan trọng trong tổng lợi nhuận của ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay, các ngân hàng hầu như đều có sản vốn đối với khách hàng cá nhân khá giống nhau về hình thức và nội dung. Vì vậy, cần có sự thay đổi đột phá thì ngân hàng mới có ưu thế mở rộng thị phần của mình. Do đó, ngân hàng cần phải có một nghiên cứu cụ thể xác định được các yếu tố nào khiến khách hàng cá nhân quyết định vay vốn tại ngân hàng, để từ đó xây dựng các hàm ý chính sách phù hợp giúp phát triển mảng dịch vụ này.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Các khái niệm

Theo Nguyễn Minh Kiều:“Ngân hàng thương mại là một doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, là một tổ chức tín dụng thực hiện huy động vốn nhàn rỗi từ các chủ thể nền kinh tế để tạo lập nguồn vốn tín dụng và cho vay tín dụng phát triển kinh tế, tiêu dùng cho xã hội”.

Cho vay vốn là “một hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích và thời hạn nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, về quy chế cho vay của Tổ chức tín dụng với khách hàng”.

Cho vay vốn khách hàng cá nhân là hình thức tín dụng mà trong đó ngân hàng thương mại đóng vai trò chuyển nhượng quyền sử dụng vốn của mình cho khách hàng cá nhân, hoặc hộ gia đình, sử dụng trong một thời gian nhất định phải hoàn trả cả gốc và lãi, với mục đích phục vụ đời sống hoặc phục vụ sản xuất - kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể.

2.2. Các lý thuyết có liên quan

- Lý thuyết hành vi hợp lý (TRA - Theory of reasoned action)

- Lý thuyết hành vi dự định (Theory of Planned Behavior - TPB).

2.3. Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan (Bảng 1)

Bảng 1. Tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức từ các mô hình nghiên cứu trước có liên quan

STT

Tên nhân tố

Các nghiên cứu trước liên quan

1

Sản phẩm tín dụng

Ngô Thị Quỳnh (2019), Nguyễn Thị Kim Nam và Trần Thị Tuyết Vân (2015), Đoàn Thị Hồng Dung (2012), Siddique (2012)

2

Sự thuận tiện

Ngô Thị Quỳnh (2019), Nguyễn Hoàng Nghĩa Nhân (2019), Nguyễn Thị Kim Nam và Trần Thị Tuyết Vân (2015), Lê Đức Huy (2015), Hồ Phạm Thanh Lan (2015), Haffeez Ur, Rehman và Saima Ahmed (2008)

3

Phương tiện hữu hình

Ngô Thị Quỳnh (2019), Nguyễn Thị Kim Nam và Trần Thị Tuyết Vân (2015), Hồ Phạm Thanh Lan (2015), Haffeez Ur, Rehman và Saima Ahmed (2008)

4

Cán bộ tín dụng

Ngô Thị Quỳnh (2019), Nguyễn Phúc Chánh (2016), Nguyễn Thị Kim Nam và Trần Thị Tuyết Vân (2015), Hồ Phạm Thanh Lan (2015), Đoàn Thị Hồng Dung (2012)

5

Hoạt động marketing

Nguyễn Hoàng Nghĩa Nhân (2019), Nguyễn Thị Kim Nam và Trần Thị Tuyết Vân (2015), Lê Đức Huy (2015)

6

Hình ảnh và danh tiếng

Nguyễn Hoàng Nghĩa Nhân (2019), Nguyễn Thị Kim Nam và Trần Thị Tuyết Vân (2015), Hồ Phạm Thanh Lan (2015), Martin Owusu Ansa (2014), Haffeez Ur, Rehman và Saima Ahmed (2008)

7

Lãi suất tín dụng

Ngô Thị Quỳnh (2019), Nguyễn Phúc Chánh (2016), Lê Đức Huy (2015), Hồ Phạm Thanh Lan (2015), Martin Owusu Ansa (2014), Siddique (2012),

8

Chính sách tín dụng

Ngô Thị Quỳnh (2019), Nguyễn Hoàng Nghĩa Nhân (2019), Lê Đức Huy (2015), Đoàn Thị Hồng Dung (2012)

9

Quy trình thủ tục

Đoàn Thị Hồng Dung (2012), Nguyễn Phúc Chánh (2016), Hồ Phạm Thanh Lan (2015)

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp

3. Mô hình và phương pháp nghiên cứu

3.1. Mô hình nghiên cứu

Tác giả đã vận dụng mô hình của các tác giả trước đó đề xuất mô hình nghiên cứu ban đầu, sau đó thảo luận ý kiến tham khảo với chuyên gia. Kết quả cuối cùng cho ra mô hình nghiên cứu đề xuất bao gồm 6 nhân tố: (1) Sản phẩm; (2) Sự thuận tiện; (3) Năng lực đáp ứng; (4) Cơ sở vật chất; (5) Lãi suất tín dụng; (6) Chính sách tín dụng. (Hình 1)

3.2. Phương pháp nghiên cứu

- Nghiên cứu định tính

Giai đoạn này sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính với nội dung cơ bản là nghiên cứu cơ sở lý thuyết về các nhân tố ảnh hưởng quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại Agribank Tân Bình, đồng thời tổng quan về các kết quả nghiên cứu trước đây. Tiếp theo, tác giả tiến hành phỏng vấn chuyên gia và thảo luận nhóm.

Sau phần nghiên cứu sơ bộ các mục hỏi sẽ được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp hơn, làm cơ sở cho việc hoàn thiện bản câu hỏi chính thức để tiến hành nghiên cứu chính thức

Ngoài ra, nghiên cứu định tính còn được sử dụng để phân tích đánh giá tình hình vay vốn của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Agribank Tân Bình trong giai đoạn 2019 - 2021.

- Nghiên cứu định lượng

Nghiên cứu chính thức được thực hiện bằng phương pháp định lượng, tức là bằng cách phát bản hỏi ngay khi bản câu hỏi được chỉnh sửa từ kết quả nghiên cứu sơ bộ để thu thập dữ liệu khảo sát. Đơn vị nghiên cứu là các khách hàng đã và đang vay vốn tại Agribank Tân Bình. Toàn bộ dữ liệu hồi đáp được mã hóa và làm sạch, sau đó được phân tích với sự hỗ trợ phần mềm SPSS 20.0.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Kết quả hệ số Cronbach alpha

Kết quả Cronbach alpha của thang đo các nhân tố tác động đến quyết định vay vốn khách hàng cá nhân tại Agribank Tân Bình cho thấy, các biến đều có hệ số tương quan biến - tổng đều lớn hơn 0,3 và đạt tiêu chuẩn chọn. Các thang đo đều hệ số Cronbach alpha > 0,6, như vậy, tất cả các biến đo lường đều được sử dụng trong phân tích EFA kế tiếp. (Bảng 2)

Bảng 2. Tóm tắt kết quả kiểm định Cronbach alpha mô hình nghiên cứu

STT

Tên nhân tố

Hệ số tương quan biến tổng

Hệ số Cronbach’s Alpha

Số biến

1

Sản phẩm (SP)

0,812 - 0,931

0,944

5

2

Sự thuận tiện (TT)

0,930 - 0,989

0,985

5

3

Năng lực đáp ứng (NL)

0,684 - 0,868

0,887

5

4

Cơ sở vật chất (VC)

0,749 - 0,920

0,943

5

5

Lãi suất tín dụng (LS)

0,689 - 0,857

0,915

5

6

Chính sách tín dụng (CS)

0,945 - 0,979

0,989

5

7

Quyết định vay vốn (QD)

0,820 - 0,881

0,943

5

Nguồn: Số liệu chạy SPSS

4.2. Kết quả phân tích nhân tố EFA

4.2.1. Phân tích biến độc lập

Hệ số KMO của mô hình các nhân tố tác động đến quyết định vay vốn khách hàng cá nhân tại Agribank Tân Bình bằng 0,838 lớn hơn 0,5 nên phân tích nhân tố là phù hợp, giá trị sig.= 0,000 trong kiểm định Bartlett nhỏ hơn 0,05 nên các biến quan sát có tương quan với nhau xét trên phạm vi tổng thể. Phương pháp rút trích các thành phần chính - Principal components  đã trích được 5 nhân tố từ 30 biến quan sát, với phương sai trích là 85,757%, thỏa mãn yêu cầu phương sai trích phải lớn hơn 50%, tức là đã giải thích được 85,757%% sự biến thiên của tập dữ liệu này.

4.2.2. Phân tích nhân tố biến phụ thuộc

Kết quả phân tích nhân tố cho vay vốn, với KMO = 0,886, Sig. = 0,000 trong kiểm định Barlett < 0,05, một nhân tố được rút ra với tổng phương sai trích 81,679%, giải thích được 81,679% sự biến thiên của tập dữ liệu, cho thấy tập dữ liệu này cũng thỏa mãn điều kiện phân tích.

4.3. Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính

Bảng 3. Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính bội

Biến

Diễn giải

B

Sai số

Beta

t

Sig.

VIF

(Constant)

Hằng số

2.815E-016

0,051

0,000

0,000

1,000

 

CS

Chính sách tín dụng

0,033

0,051

0,033

0,642

0,521

1,000

LS

Lãi suất

0,055

0,051

0,055

1,072

0,285

1,000

NL***

Năng lực đáp ứng

0,269

0,051

0,269

5,258

0,000

1,000

SP*

Sản phẩm

0,132

0,051

0,132

2,574

0,010

1,000

VCns

Cơ sở vật chất

0,074

0,051

0,074

1,451

0,148

1,000

TTns

Thuận tiện

0,012

0,051

0,012

0,240

0,811

1,000

Giá trị Sig. F

0,000

Giá trị Durbin-Watson

1,146

 Nguồn: Số liệu chạy SPSS

Kết quả phân tích tuyến tính (Bảng 3) cho thấy 2 nhân tố “Năng lực đáp ứng” và Sản phẩm” có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa lần lượt là 1% và 10%. Các nhân tố còn lại là “chính sách vay vốn”, “lãi suất”, “cơ sở vật chất” và “thuận tiện” không có ý nghĩa thống kê, nên không có ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại Agribank Tân Bình. Điều này đúng với tình hình thực tế hiện nay, đó là sự chênh lệch về lãi suất cho vay và sự khác biệt về chính sách giữa các ngân hàng không đáng kể. Các ngân hàng đều cung cấp tiện nghi phục vụ và mở rộng mạng lưới gần như nhau trên khắp địa bàn. Vì thế, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng hiện tại nổi bật ở sản phẩm tín dụng, cũng như thái độ, trình độ và kinh nghiệm của nhân viên ngân hàng. Cụ thể:

Giá trị Sig. của thống kê F rất nhỏ nên mô hình hồi quy có ý nghĩa. Bên cạnh đó, giá trị VIF của mô hình đều nhỏ hơn 10, nên mô hình không bị đa cộng tuyến - theo Chu Nguyễn Mộng Ngọc và Hoàng Trọng (2008).

Giá trị Durbin-Watson của mô hình bằng 1,146 cho thấy mô hình không có sự tự tương quan.

Phương trình hồi quy được viết như sau:

QD = 0,269*NV + 0,132*SP

Từ phương trình trên cho thấy mức độ tác động của từng nhân tố đối với quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại Agribank Tân Bình như sau:

Biến độc lập NL (Năng lực đáp ứng) có hệ số hồi quy là 0,269 và giá trị Sig là 0,00. Điều này cho thấy “Năng lực đáp ứng” tác động đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại Agribank Tân Bình, với độ tin cậy lớn hơn 99%. Ngoài ra, hệ số này còn cho ta biết, khi các biến khác cố định, biến NL thay đổi 1% thì khách hàng cá nhân thay đổi khả năng quyết định vay vốn của khách hàng tăng thêm 0,269% với độ tin cậy lớn hơn 99%.

Biến độc lập SP (Sản phẩm) có hệ số hồi quy là 0,132 và giá trị Sig là 0,010. Điều này cho thấy “sản phẩm” có tác động đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại Agribank Tân Bình, với độ tin cậy lớn hơn 90%. Ngoài ra, hệ số này còn cho ta biết, khi các biến khác cố định thì biến SP thay đổi 1%, khách hàng cá nhân thay đổi khả năng quyết định vay vốn của khách hàng tại Agribank Tân Bình tăng thêm 0,269% với độ tin cậy lớn hơn 99%.

Hệ số xác định R2 được chứng minh là hàm không giảm theo số biến độc lập được đưa vào mô hình, càng đưa thêm biến độc lập vào mô hình thì R2 càng tăng. Tuy nhiên, điều này cũng được chứng minh rằng không phải phương trình càng có nhiều biến sẽ phù hợp hơn với dữ liệu. Như vậy, R2 có khuynh hướng là một ước lượng lạc quan của thước đo sự phù hợp của mô hình đối với dữ liệu trường hợp có hơn 1 biến giải thích trong mô hình. Mô hình thường không phù hợp với dữ liệu thực tế như giá trị R2 thể hiện.

Bảng 4. Đánh giá sự phù hợp của mô hình

Mô hình

R

R2

RHiệu chỉnh

Ước lượng độ lệch chuẩn

1

0,316a

0,100

0,840

0,95709365

Nguồn: Số liệu chạy SPSS

Trong tình huống này, hệ số xác định R2 hiệu chỉnh được sử dụng để phản ánh sát hơn mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính bội. R2 hiệu chỉnh không nhất thiết tăng lên khi nhiều biến độc lập được thêm vào phương trình, nó là thước đo sự phù hợp được sử dụng cho tình huống hồi quy tuyến tính bội, vì nó không phụ thuộc vào độ phóng đại của R2.

Bảng 4 cho kết quả R2 hiệu chỉnh bằng 0,840. Điều này có nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính đã được xây dựng giải thích được 84,0% ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại Agribank Tân Bình.

5. Kết luận và hàm ý quản trị

5.1. Kết luận

Nghiên cứu cho thấy các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại Agribank Tân Bình, bao gồm: (1) Năng lực đáp ứng; (2) Sản phẩm các nhà quản trị. Để gia tăng quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại ngân hàng, cần phải thực hiện các giải pháp chú trọng vào 2 nhân tố này.

5.2. Hàm ý quản trị

(1) Đối với nhân tố năng lực đáp ứng

Một là, phải luôn luôn tôn trọng khách hàng, cầu thị lắng nghe ý kiến phản hồi, nhận xét, đánh giá dịch vụ ngân hàng từ phía khách hàng, nhanh chóng khắc phục những yếu điểm do khách hàng góp ý, ứng xử khéo léo, linh hoạt, thân thiện với khách hàng.

Hai là, thái độ phục vụ khách hàng phải thân thiện, lịch thiệp. Nhân viên ngân hàng cần phải xử lý công việc nhanh, gọn, mang tính chuyên nghiệp, từ đó sẽ làm cho khách hàng cảm thấy hài lòng, nhu cầu được đáp ứng tốt, nhanh chóng và nhận thấy sự khác biệt hình ảnh giữa Agribank Tân Bình so với các ngân hàng khác.

Ba là, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu biết về sản phẩm ngân hàng, để hướng dẫn, giới thiệu cho khách hàng một cách ân cần, tỉ mỉ, chính xác, hiệu quả nhiệt tình và trung thực với khách hàng. Trung thực biểu hiện ở việc thẩm định đúng, khách quan thực trạng hồ sơ vay vốn của khách hàng, tuyệt đối không vụ lợi, không nhũng nhiễu, gây khó khăn cho khách hàng, mọi biểu hiện tiêu cực cần được xử lý nghiêm khắc, nhằm răn đe và nâng cao uy tín chung cho ngân hàng.

(2) Đối với nhân tố sản phẩm

Xác định nhu cầu của khách hàng: tạo nhiều sản phẩm vay vốn khách hàng cá nhân đáp ứng được nhu cầu đa dạng của từng phân khúc khách hàng với chi phí hợp lý sẽ tăng cường mối quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của Agribank Tân Bình với các đối thủ. Việc xác định đúng nhu cầu của khách hàng từ đó đánh giá được thị trường tiềm năng đó là điều quan trọng góp phần định hướng cho ngân hàng trong việc tạo lập các sản phẩm cho vay khách hàng cá nhân mới.

Tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm hiện có: đối với các sản phẩm đã được triển khai, dựa vào phân tích nhu cầu khách hàng để biết được những yếu điểm, những khiếm khuyết mà sản phẩm hiện tại chưa thể đáp ứng được cho khách hàng, từ đó hoàn thiện các điểm yếu hiện tại đồng thời tích cực quảng bá các gói cho vay khách hàng cá nhân bằng quảng cáo hoặc trực tiếp tiếp thị tại các khu vực đông người, thị trường tiềm ẩn như khu công nghiệp, hội chợ, siêu thị,...

Nghiên cứu, xây dựng và phát triển các sản phẩm mới: Bên cạnh việc Hội sở Chính Agribank Việt Nam có bộ phận chuyên trách nghiên cứu phát triển sản phẩm, Agribank Tân Bình cũng cần phải có những phong trào, hội thi về nghiên cứu và phát triển sản phẩm riêng phù hợp với địa bàn hoạt động của mình. Đồng thời, Agribank Tân Bình cũng cần mạnh dạn đề xuất Hội Sở chính Agribank Việt Nam cho phép ứng dụng, thử nghiệm các sản phẩm mới được đề ra.

 (3) Các hàm ý bổ trợ

- Tiếp tục tạo sự thuận tiện cho khách hàng trong giao dịch, mang lại cảm giác trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

- Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng mức độ nhận diện thương hiệu làm nổi bật thương hiệu Agribank xung quanh khu vực Tân Bình.

- Điều chỉnh biểu lãi suất cho vay vốn sao cho phù hợp theo từng đối tượng và điều kiện của khách hàng. Tìm hiểu về các thông tin lãi suất ở các ngân hàng khác để điều chỉnh lại hạn mức cho vay.

- Cải tiến thủ tục cho vay theo hướng đơn giản, gọn nhẹ để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận ngân hàng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đoàn Thị Hồng Dung (2012). Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động cho vay khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Biên Hòa, Luận văn Thạc sỹ, Trường Đại học Lạc Hồng.
  2. Lê Đức Huy (2015). Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của khách hàng các nhân tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam ở địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn Thạc sỹ, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Nguyễn Minh Kiều (2008). Tín dụng và thẩm định tín dụng ngân hàng. NXB Tài chính, Hà Nội.
  4. Hồ Phạm Thanh Lan (2015). Phân tích các yếu tố tác động đến quyết định vay vốn của KHCN tại Eximbank Cần Thơ. Luận văn Thạc sỹ, Trường Đại học Cần Thơ.
  5. Martin Owusu Ansa (2014). An Empirical study on the Determinnants of Banks Selection in Ghana: Application of principal Factor Annalysis on Senior High School Teachers in the Kumasi metropolis. International journal of Academic Research in Business and Social Sciences, July 2014, Vol 4. No. 7, ISSN: 222-6990.
  6. Nguyễn Hoàng Nghĩa Nhân (2019). Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân ở các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn Thạc sỹ Kinh tế, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh.
  7. Ngân hàng Nhà nước (2016). Thông tư số 39/2016/TT - NHNN ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2016, Thông tư quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
  8. Quốc hội (2010). Luật Các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12, Hà Nội.
  9. Ngô Thị Quỳnh (2019). Kiểm định các nhân tố tác động đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, Luận văn Thạc sỹ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
  10. Rehman, Hafeez Ur, and Saima Ahmed (2008). An empirical analysis of the determinants of bank selection in Pakistan: A customer view. Pakistan Economic and Social Review, 46(2), 147-160.
  11. Siddique, M. (2012). Bank Selection Influencing Factors: A Study on Customer Preferences with Reference to Rajshahi City. Asian Business Review, 1(1), 80-87.

Factors affecting the personal loan decision at Agribank - Tan Bình Branch in Ho Chi Minh City

Nguyen Hoang Anh Vu1

PhD. Vong Thinh Nam2

1 PhD student, Ho Chi Minh University of Banking

2 Lecturer,  Ho Chi Minh City University of Technology and Education

ABSTRACT:

Based on research models of previous studies, this study proposes a research model to explore the factors affecting the personal loan decision at Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development (Agribank) - Tan Bình Branch in Ho Chi Minh City. The study’s sample size is 350 and the statistical software SPSS 20.0 is used. The study’s results show that only two out of five proposed factors affect the personal loan decision at  Agribank - Tan Bình Branch.  

Keywords: personal loan, personal loan at Agribank Tan Binh.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2023]