Nghịch lý ở ngành dệt may

Mặc dù là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, nhưng ngành dệt may (DM) đang phát triển mất cân đối. Trong khi các doanh nghiệp (DN) may phải nhập khẩu vải thì các DN xơ, sợi lại đang x

Vài năm trở lại đây, ngành sợi đã có bước phát triển đáng ghi nhận, với khoảng gần 4 triệu cọc sợi, năng lực hơn 500.000 tấn sợi/năm. Tuy ngành sợi phát triển khá mạnh nhưng các DN DM trong nước vẫn phải nhập khẩu 70-80% nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Theo lãnh đạo ngành DM, trước đây ngành sợi ra đời với tiêu chí phục vụ cho chuỗi liên kết sợi - dệt - nhuộm - may. Trong chuỗi liên kết này, mảng may và sợi phát triển nhanh hơn, trong khi dệt và nhuộm lại phát triển không cùng nhịp khiến sợi dây nối kết bị phá vỡ, tạo ra sự ứ đọng sản phẩm ở khâu sợi. Nếu công nghiệp dệt phát triển tốt, sợi có thể chuyển sang các công ty dệt, nhuộm để hoàn tất, từ đó tạo ra các sản phẩm vải cao cấp, cung ứng cho DN may, góp phần giảm sự lệ thuộc về nhập khẩu nguyên liệu. Do đó, thay vì cung cấp cho dệt vải trong nước, sợi bị dư thừa phải tìm đường "xuất ngoại". Mặt khác, do hầu hết các DN may gia công xuất khẩu nên việc chọn nguyên liệu phải theo sự chỉ định của khách hàng, khiến DN không thể chủ động đặt nguồn nguyên liệu vải trong nước, gây ra những khó khăn cho ngành dệt, nhuộm.

Tăng cường thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực dệt, nhuộm là mục tiêu lớn của ngành DM. 5 năm gần đây, Tập đoàn DM Việt Nam đã xây dựng khoảng 20 dự án trọng điểm, để "gọi" các nhà đầu tư xây dựng nhà máy dệt, nhuộm nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, sau nhiều năm, việc tìm đối tác để cùng với ngành DM đầu tư các dự án dệt, nhuộm không đạt kết quả như mong muốn, mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi đã được ban hành, rất ít DN muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Bởi để đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm đòi hỏi số vốn lớn, ít nhất cũng khoảng 15-20 triệu USD; việc in, nhuộm hoàn tất lại liên quan đến vấn đề môi trường, hóa chất thải ra cần phải có hệ thống xử lý nước thải. Trong khi DN dệt đầu tư máy móc dệt, nhuộm đã rất tốn kém, lại phải đầu tư cả khâu xử lý nước thải là một gánh nặng quá lớn với DN. Bên cạnh đó, ngành dệt cũng chịu rủi ro cao, chi phí lớn. Chẳng hạn, dệt phụ thuộc vào giá bông, mà giá bông nhập khẩu lên xuống thất thường, sản xuất ra sợi có tiêu thụ được không? Hay in, nhuộm phải qua nhiều công đoạn, khiến các DN ngại không muốn làm. Ngoài ra, nếu trang bị máy móc để sản xuất sản phẩm sợi nhằm đáp ứng nhu cầu của DN thì giá sản phẩm sẽ cao, khó cạnh tranh với nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, các DN may chỉ cần số vốn khoảng trên dưới nửa triệu USD là có thể đầu tư một nhà xưởng và chỉ cần nhận hợp đồng gia công cũng có thể có số thu khả dĩ.

Thực tế cho thấy đầu tư cho dệt, nhuộm cần số vốn lớn nên khó trông chờ vào các DN tư nhân trong nước. Do đó, gánh nặng phát triển sản xuất nguyên - phụ liệu dường như chỉ có thể trông chờ vào các DN lớn, hoặc các nhà đầu tư nước ngoài. Để ngành DM phát triển hiệu quả, bền vững, các ngành chức năng cần có chính sách tốt, tạo môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm. Ngành DM cũng mong muốn các địa phương hỗ trợ trong việc quy hoạch đất đầu tư khu công nghiệp DM, hệ thống xử lý nước thải để thu hút DN trong, ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm, bảo đảm nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chương trình một tỷ mét vải, từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành.
  • Tags: