Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương vừa phát đi Công điện số 4643/CĐ-PCTT ngày 15/7/2023 về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; biển động; nước dâng, sóng lớn. Vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông có sóng biển cao 2 - 3 m
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; biển động; nước dâng, sóng lớn. Vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông có sóng biển cao 2 - 3 m. (theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia)

Công điện gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên; các Tập đoàn, Tổng Công ty trong ngành Công Thương; các chủ đập thủy điện và công trình khai thác khoáng sản trên địa bàn  các tỉnh, thành phố khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên.

Theo đó, thực hiện Công điện số 04/CĐ-QG hồi 19h00 ngày 14/7/2023 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trong ngành Công Thương tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão trên biển Đông từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới, từ vĩ tuyến 17,5 đến 21,5 độ Vĩ Bắc, phía đông Kinh tuyến 116,5, trong 48 giờ tới, phía Bắc vĩ tuyến 18,0, phía Đông kinh tuyến 113,0, vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo) để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống thiên tai.

Đồng thời, rà soát, kiểm tra các công trình phòng chống thiên tai, các khu vực xung yếu để kịp thời khắc phục các khiếm khuyết (nếu có). Nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ theo phương án, kế hoạch ứng phó thiên tai năm 2023 đã phê duyệt.

Các đơn vị cũng được yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp trong công tác ứng phó thiên tai và tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị ngành Công Thương thực hiện nghiêm túc Công điện này, tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên báo cáo thông tin về Văn phòng Thường trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều ngày 14/7, áp thấp nhiệt đới đã đi vào biển Đông. Hồi 19h00 ngày 14/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông; sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh lên thành bão. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 với phía Đông khu vực Bắc Biển Đông.

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ngay lập tức có Công điện hỏa tốc số 04/CĐ-QG ngày 14/7/2023 gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Công Thương; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển đông.

Thy Thảo