Biến đổi khí hậu toàn cầu, vấn đề còn nhiều nan giải

Hội nghị Copenhaghen (Đan Mạch) năm 2009 đã hâm nóng diễn đàn kinh tế-chính trị-xã hội thế giới chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu (BĐKH); nhưng chưa đạt được thỏa thuận giữ nhiệt độ trái đất tăng lê
Biến đổi khí hậu và những hệ lụy
Trái đất ngày càng nóng là hậu quả tất yếu của quá trình tích lũy lâu dài khí thải gây hiệu ứng nhà kính.Từ bản chất khí phát thải (dioxyde carbon hoặc methal... không ngăn bức xạ mặt trời, nhưng lại cản trở bức xạ từ mặt đất) gây mất cân bằng khiến cho nhiệt độ trái đất gia tăng, đã dẫn đến biến động khí hậu phức tạp cả trên đất liền và trong các đại dương.

Đại dương chiếm trên ¾ bề mặt quả đất, không chỉ điều hòa mà còn làm biến động mãnh liệt khi cân bằng bị phá vỡ. Kết quả quan trắc đã chỉ ra, nếu nhiệt độ tăng thêm 10C, mực nước biển sẽ tăng từ 10cm đến 13cm. Tình trạng nóng lên bất thường của nước biển cũng là nguyên nhân của áp thấp và những trận bão phát sinh. Do trên đường đi, được tiếp thêm năng lương trên mặt nước, cường độ áp thấp hoặc bão gia tăng mạnh đã làm sức tàn phá thêm khủng khiếp. Mặt khác, nhiệt độ tăng cao cũng làm thay đổi những dòng hải lưu nóng, lạnh khiến hiện tương El-Nino, La-Nina xảy ra với tần suất lớn, gây lũ lụt hoặc hạn hán và nắng nóng kéo dài.

Nhiệt độ tăng cao làm tan chảy những dòng sông băng.Tại Hymalaya, băng tan khiến lãnh nguyên từng được bao phủ bởi lớp băng vĩnh cửu, rất dày dần được thay thế bằng những lớp cây bụi. Băng tan làm nước biển dâng, đã ảnh hưởng bất lợi cho những nước ven bờ. Dữ liệu vệ tinh ghi nhận cũng cho thấy, băng tan trên đảo Greenland trước năm 2006, làm nước biển dâng 0,46 mm; từ năm 2006 đến 2008 tăng 0,75 mm và được dự báo sẽ lên từ 18cm đến 59 cm trước năm 2100.

Những đợt nắng nóng khủng khiếp diễn ra cùng với đà phát triển khí gây hiệu ứng nhà kính không dừng được dự báo sẽ còn cao gấp hàng trăm lần. Trong năm 2010, nhiệt độ trái đất đạt mức nóng kỷ lục kể từ năm 1850. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cho biết, nhiệt độ trung bình năm 2010 cao hơn bình quân giai đoạn 1961-1990 0,580C; tương tự tổ chức Đại dương và Khí quyển (NOAA) cũng đưa ra con số gia tăng 0,54 0C. Giới khoa học Anh dự báo, nếu thất bại trong nỗ lực cắt giảm khí thải, 50 năm sau nhiệt độ trái đất sẽ tăng thêm 40C.

Gia tăng nhiệt độ không khí và các đại dương ngày càng khắc nghiệt tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ nhiều hệ sinh thái cả trên cạn và ở dưới nước. Nhiều cảnh báo cho rằng, nếu nhiệt trái đất tăng thêm từ 1,10C đến 6,40C, khoảng 50% số loài động, thực vật phải đối mặt trước nguy cơ tuyệt chủng cùng với cạn kiệt nguồn nước, hoang mạc hóa tăng nhanh và nước biển dâng...

Sự thực nước biển dâng không phải bởi băng tan mà chủ yếu là do sự giãn nở tự nhiên của nước. Chuyên gia hàng đầu thế giới về biển của viện nghiên cứu Posdam, Stefan Rahmstort cho biết, nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm 1,50C, nước biển có thể dâng cao 2m, làm biến mất nhiều quốc đảo và xóa đi hàng nghìn bờ biển. Nếu cuối thế kỷ này nước biển dâng cao 1m và nhiệt độ trái đất tăng thêm 30C; nhiều nguy cơ 300 năm sau nước biển sẽ dâng cao thêm 5 m.

Nắng nóng đã gây ra nhiều biến đổi bất thường; 30 năm gần đây, số giông bão lớn hàng năm dã tăng gấp trên 2 lần. Tại Mỹ từ 1905 đến 1930, bình quân mỗi năm có 3,5 trận bão; tần suất này tăng lên 5,1 thời kỳ 1931-1994 và 10 năm sau (1995-2005) đã vượt qua 8,4. Cùng với bão lũ, nắng nóng gây hạn hán khốc liệt kéo dài. Vào năm 2020, 250 triệu người dân châu Phi sẽ thiếu nước sinh hoạt và thiếu nước canh tác có thể làm giảm sản lượng lương thực ở châu lục này tới 50%.

Loài người không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của BĐKH; hệ động, thực vật mất đi đồng nghĩa với nguồn lương thực thực phẩm, năng lượng không còn và nguy cơ bệnh tật phát sinh bởi vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm lây lan. Chỉ tính riêng đợt nóng lịch sử quét qua châu Âu vào năm 2003, trên 35.000 sinh mạng đã bị cướp đi. Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết, nhiều bệnh nhiệt đới đã xuất hiện ở vùng hàn đới; ước tính số tử vong hàng năm do bệnh liên quan đến BĐKH như tim mạch, hô hấp, tiêu chảy... đã vượt qua con số 150 nghìn người.

BĐKH toà đã tác động bất lợi đến lớp người nghèo yếu thế, đặc biệt là ở những nước kém phát triển. Cái giá phải trả của BĐKH cho dù khó lượng định, song đang ngày một gia tăng. Từ tháng 01 đến tháng 9 năm 2010, trên phạm vi toàn cầu đã có 725 sự kiện thời tiết nguy hiểm với trên 21 nghìn người thiệt mạng và tổn hại kinh tế trên 65 tỉ USD. Đánh giá rủi ro tại 170 quốc gia trong 3 thập niên gần đây, công ty Tư vấn Maplecroft (nước Anh) đã rút ra 11 nước Bắc Âu ít chịu tác động nhất. Trong 16 nước cực kỳ rủi ro nằm trong khu vực Nam Á, Đông Phi và Đông Nam Á,Việt Nam đứng ở vị trí 13. Tổ chức OXFAM cho rằng, những nước đã xả ra phần lớn lượng khí thải trong hoạt động công nghiệp (nước đã phát triển) phải chịu trách nhiệm chính trong những nỗ lực giảm thiểu khí thải toàn cầu

Thích ứng với BĐKH, vấn đề cấp bách
Mặc dù có hoài nghi về tốc độ, quy mô và sự phân bổ theo vùng địa lý, song nhiều dự báo đều cho ràng, BĐKH toàn cầu sẽ còn tác động bất lợi trên diện rộng với những biến động của hệ sinh thái, đời sống dân cư, khả năng khai thác tài nguyên thiên nhiên và lối sống con người.Trong báo cáo thường niên 2010, Ngân hàng Thế giới (W.B) nhận định, BĐKH đã ảnh hưởng bất lợi đến quá trình phát triển toàn cầu. Cho dù có đồng thuận khoa học về mối hiểm họa, song nhân loại vẫn phải đối mặt với những phức tạp, khó có khả năng thay đổi nhanh như mong muốn. Trong thực tiễn, thay đổi nền kinh tế và lối sống con người là vấn đề không dễ và làm thế nào để thích ứng với BĐKH cũng là việc làm khó khăn.

Thích ứng với BĐKH là khái niệm rộng, được hiểu là quá trình giảm những tác động bất lợi và tận dụng cơ hội mà môi trường có thể đem lại. Các nhà phân tích cho rằng, thích ứng BĐKH không chỉ là việc làm đối với môi trường tự nhiên mà còn cả trong kinh tế-xã hội, đối với sự sống còn của các hệ động, thực vật cũng như trong hoạt động ngắn hạn và dài hạn của hệ thống kinh tế-xã hội.

Chuyên gia tư vấn chính sách BĐKH của UNDP, Koos Nafjes cho rằng, tác động bất lợi của BĐKH còn kéo dài, thậm chí còn lâu hơn nữa. Ứng phó với BĐKH trong tình thế hiện nay là giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương, nâng cao khả năng phục hồi nhanh chóng của người dân địa phương, các dịch vụ xã hội, doanh nghiệp và hệ thống cơ sở hạ tầng. BĐKH với thiên tai thường cướp đi nhiều mạng sống, gây những thiệt hại to lớn về kinh tế, song những người dân bản địa lại thực sự là sức mạnh chế ngự hậu quả lâu dài.

Xuất phát từ BĐKH là vấn đề quan trọng của phát triển bền vững, Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định phải quan tâm hỗ trợ hơn nữa hoạt động nghiên cứu, chú ý thích đáng đến thích ứng và dành ưu tiên cho hoạt động giảm phát thải. Hoạt động thích ứng BĐKH phải nhằm vào giảm nhẹ nguy cơ thảm họa đối với con người, cơ sở vật chất kỹ thuật và tài nguyên thiên nhiên. Theo đó, cần tăng cường hơn nữa nghiên cứu dự báo chất lượng cao để có cơ sở xây dựng biện pháp ứng phó khả thi và giúp Chính phủ đưa ra những quyết sách phù hợp. Biện pháp thích ứng BĐKH phải hướng vào tăng cường cơ sở hạ tầng để đủ sức chống đỡ với những biến động bất thường, nâng cao năng lực khôi phục của cộng đồng ngay sau thảm họa...

Phát huy kinh nghiệm và tăng cường năng lực địa phương cần được quan tâm trong những chương trình giảm thiểu thiên tai dựa trên sức mạnh cộng đồng. Với nội hàm này, ứng phó với BĐKH sẽ có kết quả tốt đẹp nếu nhận thức xã hội về nguy cơ được nâng cao và người dân thực sự tham gia vào các hoạt động để đưa ra giải pháp hữu hiệu trong các chương trình hành động.

BĐKH chỉ được cải thiện chừng nào những nước phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính có nghĩa vụ cắt giảm, thực sự hợp tác cùng những nước ít phát thải để giảm nhẹ. Trong phạm vi toàn cầu, quá trình này phụ thuộc rất lớn vào những nỗ lực để cùng hành động. Ở từng nước, tối đa hoa các nguồn lực, giảm thiểu lãng phí và thực hiện các quyết định hiệu quả là những việc làm thiết thực, đòi hỏi phải chung tay hành động từ Chính phủ đến mỗi người dân...

Thay cho lời kết
Mặc dù chưa đạt được những thỏa thuận cụ thể để thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012, song COP 16 đã có một hiệp ước nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 20C; thành lập Quỹ khí hậu xanh với mức chi 100 tỉ USD/năm giúp những nước nghèo đối phó với BĐKH Cùng với quyết định này, Ủy ban Triển khai công nghệ và trung tâm Công nghệ Khí hậu đã được thành lập với nhiệm vụ tăng cường hợp tác công nghệ, hỗ trợ hoạt động thích ứng giảm nhẹ BĐKH. Cho dù còn có khoảng cách giữa những hứa hẹn với việc cần làm, nhưng COP 16 đã mở ra một hướng phát triển mới, tạo nền tảng cơ bản cho bước đi tiếp theo trong nỗ lực chống lại BĐKH ở những nước nghèo./.

Liên kết: Biến đổi khí hậu và những hệ lụy khôn lường
  • Tags: