Sự phục hồi của ngành Công Thương quý I năm 2010

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu ước đạt 14,01 tỉ USD; nhập khẩu 17,525 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hoá, tăng 24,1% so với quí I/2009.

Trong điều kiện giá cả vật tư, nguyên liệu và các chi phí đầu vào đã và đang có chiều hướng tăng, lãi suất ngân hàng, tỷ giá ngoại tệ biến động, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn vay... tác động lớn đến giá thành sản phẩm, dịch vụ, khả năng thanh toán các hợp đồng ngoại thương cũng như chương trình đầu tư phát triển của doanh nghiệp, song,  3 tháng đầu năm 2010, hoạt động của ngành Công Thương đã có sự phục hồi đáng kể, vượt qua giai đoạn chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế cùng kỳ năm ngoái.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá

Giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) toàn ngành quý I/2010 ước đạt 173.492 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp lớn vào sự tăng trưởng này là khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với mức tăng 16,4%, tiếp theo là khu vực kinh tế ngoài nhà nước với mức tăng 14,6%. Đây là những khu vực kinh tế năng động, riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nằm trong chuỗi sản xuất của các công ty đa quốc gia có đơn hàng phụ thuộc phần lớn vào công ty mẹ, nên nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng trước những tín hiệu tích cực của kinh tế trong và ngoài nước.

 

Biểu đồ 1: Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp quý I

các năm 2007 - 2010

 

Trong đó, ngành công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước tăng cao nhất -19,3% (cùng kỳ năm trước chỉ tăng 3,6%); công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm khoảng 90% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp) tăng 14,1%. 32/34 sản phẩm đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, riêng dầu thô khai thác giảm 14,6%, đường kính giảm 4,9%. 10/14 tỉnh, thành phố công nghiệp trọng điểm có giá trị SXCN tăng khá so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng chung của toàn ngành như, Vĩnh Phúc tăng 47,4%; Phú Thọ tăng 38,7%; Đà Nẵng tăng 26,2%; Bình Dương tăng 20,8%; Hải Dương tăng 19,8%; Quảng Ninh tăng 18,7%; Đồng Nai tăng 18,4%; Hải Phòng tăng 15,2%; Thanh Hoá tăng 14,2%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 13,7%...

Nhiều đơn vị đạt giá trị SXCN lớn, với tốc độ tăng trưởng cao như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (tăng 20%); Tổng công ty Thép Việt Nam (tăng 20,9%), Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam (tăng 11,5%)... Tuy nhiên, vẫn còn những tập đoàn, tổng công ty tăng thấp hơn mức tăng chung của ngành hoặc giảm so với cùng kỳ như Tập đoàn CN Than và Khoáng sản, Dệt may, Dầu khí; Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật... Các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về vốn, một số chính sách kích cầu của nhà nước đã không còn hoặc giảm mức hỗ trợ nên đòi hỏi các doanh nghiệp tiếp tục tìm mọi giải pháp để duy trì sản xuất ổn định và phát triển; các cơ quan quản lý tích cực bám sát và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp.

Hoạt động thương mại nhiều tín hiệu lạc quan

Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) quý I năm 2010 ước đạt 14,01 tỉ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2009 tương đương với giảm 222 triệu USD. Như vậy, KNXK bình quân 3 tháng đầu năm ước đạt 4,67 tỷ USD/tháng, thấp hơn mức bình quân 3 tháng năm 2009 (4,74 tỷ USD/tháng). Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố xuất khẩu vàng đột biến của 3 tháng đầu năm 2009 thì KNXK 3 tháng đầu năm 2010 tăng 19,3%. Trong đó, nhóm hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu ước đạt 2,89 tỷ USD, chiếm 20,6%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,974 tỷ USD, chiếm 14%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 7,33 tỷ USD, chiếm 52,3%.

Do nền kinh tế đã dần phục hồi nên giá hàng hoá tăng so với cùng kỳ, đặc biệt là giá dầu thô và giá một số nông sản như hạt điều, sắn, cao su, gạo, hạt tiêu... Giá xuất khẩu tăng đã làm tăng KNXK khoảng 957 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, nhóm hàng nông sản tăng khoảng 205 triệu USD, nhóm nhiên liệu, khoáng sản tăng 753 triệu USD. Lượng xuất khẩu giảm đã làm giảm KNXK khoảng 1,299 tỷ USD. Một số mặt hàng nông sản sản xuất đã đến ngưỡng nên lượng xuất khẩu giảm, làm KNXK giảm 524 triệu USD; lượng xuất khẩu dầu thô cũng giảm mạnh đã làm giảm KNXK khoảng 693 triệu USD, than đá giảm KNXK khoảng 43 triệu USD.

 

Biểu đồ 2: Xuất khẩu hàng hoá sang thị trường
các khu vực quý I năm 2010

Thị trường Châu Á, Châu Mỹ và Châu Đại Dương có mức tăng trưởng khá trên 20%, thị trường Châu Âu giảm 44,4%, do năm nay không có yếu tố tái xuất vàng sang Thụy Sỹ nên KNXK vào thị trường này giảm mạnh. Tuy nhiên, so với các khu vực khác thì mức tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu vẫn thấp hơn. Xuất khẩu sang thị trường các nước Châu Phi cũng giảm mạnh, chỉ bằng 45,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là thị trường Bờ biển Ngà, Nam Phi...

Tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hoá 3 tháng đầu năm 2010 đạt 17,525 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2009. Nguyên nhân của sự tăng trưởng này là do tăng về lượng và giá nhiều mặt hàng nhập khẩu. Cả 4 nhóm hàng cần nhập khẩu, cần kiểm soát và cần hạn chế đều có KNNK tăng lần lượt là 35,4%, 71,5% và 33,3% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, những mặt hàng có lượng nhập khẩu tăng như lúa mỳ 1,5 lần, clinker 1,68 lần, cao su 1,62 lần, giấy các loại 1,12 lần, bông 2,65 lần, thép các loại 1,16 lần, phôi thép 1,21 lần, kim loại khác 1,54 lần, cần được tăng cường kiểm soát trong thời gian tới; giá xăng giá xăng dầu các loại tăng 55,7%, kim loại thường tăng 50,3%, chât sdero nguyên liệu tăng 45,5%, sợi các loại tăng 37,2%, phôi thép tăng 18,3%...

Châu Á vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong số các thị trường nhập khẩu của cả nước, chiếm 75,4%, trong đó, KNNK từ ASEAN chiếm hơn 20,3%, các nước Đông Á chiếm 50,6%, riêng Trung Quốc chiếm hơn 21,1% trong tổng KNNK.

Tháng 3 nhập siêu khoảng 1,35 tỷ USD, tính chung 3 tháng nhập siêu 3,51 tỷ USD, với tỷ trọng nhập siêu/xuất khẩu là 25%.

Với mục tiêu KNXK cả năm tăng 7%, tức là phải đạt 61,1 tỷ USD; tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu ở mức 20% quả là một thách thức rất lớn cho toàn ngành, cần phải có những biện pháp mạnh để hạn chế nhập khẩu ngay từ những tháng tới.

Thương mại nội địa sôi động hơn

Quý I năm 2010, thị trường thương mại nội địa sôi động hơn các năm trước, do nền kinh tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực, là động lực tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thu nhập có khả năng thanh toán của người dân tăng cao kéo nhu cầu hàng hoá tăng theo. Các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mại, giảm giá và các chương trình lễ hội được tổ chức nhiều, với phạm vi rộng hơn. Tình hình cung cầu hàng hoá đảm bảo, hàng hoá phong phú, đa dạng, dồi dào, góp phần nâng tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ quí I/2010 đạt 364,5 nghìn tỷ đồng, tăng 24,1% so với quí I/2009. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ quí I/2010 tăng 14,4%. Song, với mục tiêu khống chế mức tăng giá năm 2010 không quá 7%, trong thời gian tới, nhiệm vụ điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường giá cả sẽ còn nặng nề và phức tạp.

Tài liệu tham khảo: Báo cáo giao ban Quý 1 của Bộ Công Thương