Áp dụng hình phạt đối với tội nhận hối lộ theo quy định của Bộ luật Hình sự

Đề tài Áp dụng hình phạt đối với tội nhận hối lộ theo quy định của Bộ luật Hình sự do ThS. Hứa Văn Ân (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện.

TÓM TẮT:

Tội nhận hối lộ là một trong tội phạm thuộc về nhóm tội tham nhũng được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội này là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức Nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước. Theo pháp luật hình sự Việt Nam, tội nhận hối lộ có 4 khung hình phạt, trong đó hình phạt cao nhất là tử hình. Trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày việc áp dụng hình phạt đối với tội nhận hối lộ theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống hối lộ.

Từ khóa: tội nhận hối lộ, người nhận hối lộ, người đưa hối lộ, hình phạt, đặc điểm hình phạt, mục đích hình phạt, Bộ luật Hình sự năm 2015.

1. Đặt vấn đề

 Nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ là một trong những hành vi phạm tội gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Những năm qua, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, rất nhiều đại án tham nhũng liên quan đến tội nhân hối lộ đã bị phát hiện và được xử lý nghiêm minh, như: vụ án MobiFone mua cổ phần của AVG năm 2020, vụ án Công ty Việt Á nâng giá bán kít xét nghiệm Covid-19 năm 2021, vụ án “Chuyến bay giải cứu” năm 2021. Tội nhận hối lộ có dấu hiệu pháp lý ra sao? Gây ảnh hưởng xấu đến những mối quan hệ xã hội nào? Đối diện với những hình phạt nào? Trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày làm sáng rõ những điều đó.

2. Nội dung

2.1. Hình phạt theo Luật Hình sự

2.1.1. Về khái niệm hình phạt

Hình phạt là biện pháp quan trọng được Nhà nước Việt Nam sử dụng để đấu tranh với tội phạm, là một trong những biện pháp cưỡng chế được áp dụng đối với người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm. Theo quan điểm của Các Mác: “Hình phạt không phải cái gì khác là biện pháp tự vệ của xã hội với những hành vi điều kiện tồn tại của nó, không kể đó là những điều kiện tồn tại như thế nào” [3, tr.531]. Theo Võ Khánh Vinh (2014): “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc được Bộ luật Hình sự quy định do Tòa án nhân danh Nhà nước áp dụng đối với người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm và thể hiện ở việc tước đoạt hoặc hạn chế các quyền và lợi ích do pháp luật quy định đối với người bị kết án”[6, tr.347].

Khái niệm hình phạt không được quy định trong BLHS năm 1985 và được quy định tại Điều 26 BLHS năm 1999 như sau: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự và do Tòa án quyết định”. So với BLHS năm 1999, khái niệm về hình phạt được quy định tại Điều 30 BLHS năm 2015 nhưng có mở rộng thêm đối tượng chịu hình phạt là pháp nhân thương mại phạm tội: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó”[1, tr.26].

2.1.2. Đặc điểm của hình phạt

Thứ nhất, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước.

Thứ hai, hình phạt là biện pháp cưỡng chế được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Thứ ba, hình phạt là biện pháp cưỡng chế do Tòa án nhân danh Nhà nước áp dụng.

Thứ tư, hình phạt chỉ có thể được áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mai thực hiện tội phạm.

Thứ năm, hình phạt làm cho người bị kết án có án tích.

2.1.3. Hệ thống hình phạt

Theo Võ Khánh Vinh (2014): “Hệ thống hình phạt là danh mục các loại hình phạt do Nhà nước quy định trong pháp luật hình sự và được sắp xếp theo một trình tự nhất định tùy thuộc vào mức độ nghiêm khắc của mỗi loại hình phạt. Hình phạt chính là hình phạt được áp dụng chính cho một tội phạm và được tuyên độc lập. Hình phạt bổ sung là hình phạt thêm vào hình phạt chính và không được tuyên độc lập mà chỉ có thể tuyên kèm theo một hình phạt chính”[6, tr.352,353. Điều 32 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định các loại loại hình phạt sau đối với người phạm tội: “Hình phạt chính bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình. Hình phạt bổ sung bao gồm: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, cấm cư trú, tước một số quyền công dân, tịch thu tài sản, phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính, trục xuất khi không áp dụng là hình phạt chính. Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung” [1, tr.26,27].

2.2. Áp dụng hình phạt đối với tội nhận hối lộ

2.2.1. Về khái niệm tội nhận hối lộ

Hối lộ về bản chất là sự mua bán quyền lực, là hành một hành vi được coi là vi phạm pháp luật và đạo đức. Người nhận hối lộ phải là người có chức vụ, quyền hạn và sử dụng quyền lực đó để thu lợi bất chính cho mình. Theo “Từ điển Tiếng Việt”, “hối lộ” được hiểu là “đưa tiền của cho người có quyền hành để nhờ làm việc có lợi cho mình, bằng hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc làm sai pháp luật”[4, tr.459]. Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học luật hình sự, “hối lộ” được hiểu bao gồm 3 loại hành vi phạm tội tương ứng với 3 tội hối lộ, cụ thể là: tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ, tội làm môi giới hối lộ.

Theo quy định tại Điều 354 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), khái niệm tội nhận hối lộ có thể được hiểu như sau: tội nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dung chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất, lợi ích phi vật khác chất dưới bất kỳ hình thức nào, có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội thuộc nhóm tội tham nhũng (Mục 1, chương XXIII) để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. 

2.2.2. Cơ sở pháp lý

Tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có nội dung cụ thể như sau:

“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục 1 chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”[1, tr.415,416].

2.2.3. Dấu hiệu pháp lý

Thứ nhất, khách thể của tội phạm: Tội nhận hối lộ xâm phạm đến những quan xã hội liên quan đến những hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức trong Nhà nước và của các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước. Từ đó, hành vi phạm tội này làm cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị suy yếu, mất uy tín; ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Đối tượng tác động của tội nhận hối lộ là tiền, tài sản, giấy tờ có giá trị tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Thứ hai, mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội nhận hối lộ khá phức tạp, cần có sự kết hợp của nhiều dấu hiệu để nhận biết. Người nào thực hiện hành vi thuộc một trong bốn trường hợp sau đây mới được coi là phạm tội nhận hối lộ:

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận cho chính bản thân mình hoặc cho người hoặc tổ chức khác tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên, để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận cho chính bản thân mình hoặc cho người hoặc tổ chức khác tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận cho chính bản thân mình hoặc cho người hoặc tổ chức khác tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục một chương XXIII, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác lợi ích phi vật chất, để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Lợi ích phi vật chất quy định trong Điều luật này là lợi ích về tinh thần, về tình cảm, tình dục…

Thứ ba, mặt chủ quan của tội phạm: Người nhận hối lộ thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội nhận thức được hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà mình được giao để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ là nguy hiểm cho xã hội và trái pháp luật; thấy được hậu quả của hành vi đó và mong muốn xảy ra. Động cơ của người phạm tội là vụ lợi với mục đích nhân hối lộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất, phi vật chất của người đưa hối lô.

Thứ tư, chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội nhận hối lộ phải bảo đảm những đặc điểm chung về chủ thể của các loại tội phạm, tức là người phạm tội phải từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 và Điều 21 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, người nhân hối lộ còn có những đặc điểm riêng như: phải là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức Nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước. Mặt khác, chức vụ, quyền hạn của chủ thể nhận hối lộ phải có liên quan đến việc giải quyết những yêu cầu của người đưa hối lộ.     

2.2.4. Áp dụng hình phạt

Căn cứ pháp lý để quy định về các mức hình phạt đối với tội nhận hối lộ là người vi phạm phải có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của Luật Hình sự và số lợi ích mà người đó nhận được khi đáp ứng yêu cầu của người đưa hối lộ. Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định cụ thể các mức hình phạt đối với tội nhận hối lộ như sau:

Khung thứ 1 (Khoản 1 Điều 354 BLHS 2915, sửa đổi, bổ sung 2017): Nhận hối lộ không có các tình tiết định khung tăng nặng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với những hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội về tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Khung thứ 2 (Khoản 2 Điều 354 BLHS 2915, sửa đổi, bổ sung 2017): Nhận hối lộ thuộc một trong những tình tiết tăng nặng sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Có tổ chức; lạm dụng chức vụ, quyền hạn; của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng; phạm tội 02 lần trở lên; biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

Khung thứ 3 (Khoản 3 Điều 354 BLHS 2915, sửa đổi, bổ sung 2017): Nhận hối lộ thuộc một trong những tình tiết tăng nặng sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

Khung thứ 4 (Khoản 4 Điều 354 BLHS 2915, sửa đổi, bổ sung 2017): Nhận hối lộ thuộc một trong những tình tiết tăng nặng sau, người phạm tội có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Ngoài các hình phạt chính ra, người phạm tội còn có thể phải chịu các hình phạt bổ sung: bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Chúng ta có thể tham khảo ví dụ thực tiễn về vụ án “Chuyến bay giải cứu” vừa được TAND TP. Hà Nội tuyên án sơ thẩm vào ngày 28/7/2023 sau 3 tuần xét xử. Theo Báo Nhân dân (2023) thông tin: vụ án “Chuyến bay giải cứu” có 54 bị cáo bị VKSND TP. Hà Nội truy tố về tội nhận hối lộ (21 bị cáo); tội đưa hối lộ (23 bị cáo); tội môi giới hội lộ; (4 bị cao, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (4 bị cáo); tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (2 bị cáo). Tổng số tiền mà các bị cáo nhân hối lộ là khoảng 165 tỷ đồng. Qua đai án tham nhũng này, phân tích về các dấu hiệu pháp lý, ta thấy hành vi phạm tội của các bị cáo đều thỏa mãn để cấu thành tội phạm.

Thứ nhất, về khách thể của tội phạm: Tội nhận hối lộ của 21 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” đã xâm phạm đến những hoạt động đúng đắn của Nhà nước với chủ trương đưa những công dân Việt Nam đang làm việc và học tập ở nước ngoài về nước thời gian dịch bệnh Côvid-19 bùng phát. Hành vi phạm tội nhận hối lộ của các bị cáo đã xâm đến lợi ích hợp pháp của nhà nước và nhân dân. làm suy yếu, mất uy tín của các cơ quan liên quan; ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đối tượng tác động của tội nhận hối lộ trong vụ án là tiền, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Thứ hai, về mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của các bị cáo phạm tội nhận hối lộ trong vụ án này là yêu cầu những công dân Việt Nam đang làm việc và học tập ở nước ngoài hoặc ngườii thân của họ phải đưa hối lộ với số tiền khá lớn mới được đưa về nước (bị cáo nhân hối lộ cao nhất đến 42,5 tỷ đồng). Hành vi này trái với chủ trương của Chính phủ, yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi để công dân Việt Nam đang mắc kẹt ở nước ngoài được về nước.

Thứ ba, về mặt chủ quan của tội phạm: Tất cả 21 bị cáo phạm tội nhận hối lộ trong vụ án này đều thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Tức là các bị cáo nhận thức được hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà mình được giao để làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ là nguy hiểm cho xã hội và trái pháp luật. Mặc dù thấy được hậu quả của hành vi đó nhưng họ vẫn thực hiện và mong nó muốn xảy ra. Động cơ của các bị cáo phạm tội là vụ lợi với mục đích nhân hối lộ tiền, tài sản của người đưa hối lô hoặc thân nhân của họ.

Thứ tư, chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội nhận hối lộ trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” gồm 21 bị cáo, tất cả đều là người có chức vụ, quyền hạn ở các Bô, ngành, chính quyền địa phương; có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Các bị cáo đã lợi dụng, chức vụ quyền hạn của mình để trực tiếp hoặc thông qua trung gian để nhận hội lộ trong khi thi hành công vụ.

Thông qua bản án mà TAND TP. Hà Nội đã tuyên dành cho các bị cáo vào ngày 28/7/2023 như báo Nhân Dân đã thông tin, người viết nhận thấy sau khi xem xét các chứng cứ buộc tội của VKSND TP. Hà Nội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự, kết quả tranh tụng giữa các luật sư của bị cáo với Kiểm sát viên tại phiên tòa, bản án mà Hội đồng xét xử tuyên phạt đối với các bị cáo là hoàn toàn hợp lý, đúng người, đúng tội.

2.3. Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống hối lộ

Hối lộ là một trong những tội phạm phức tạp và là hệ quả của nhiều nguyên nhân. Nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung và hối lộ nói riêng, chúng ta cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau đây:

Một là, Nhà nước cần đẩy mạnh cải cách những thủ tục hành chính phiền hà, xóa bỏ triệt để cơ chế “xin - cho”; đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công để giảm bớt sự chênh lệch “cung - cầu”, vốn là nguyên nhân chủ yếu của việc đưa hối lộ và nhận hối lô.

Hai là, tăng cường kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; nâng cao nhận thức của nhân dân, phát huy vai trò tích cực của cơ quan báo chí, truyền thông trong việc phát hiện, tố giác đối với tham nhũng, nhận hối lộ.

Ba là, công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bốn là, cơ quan có thẩm quyền thường xuyên kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước và ngoài Nhà nước; thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán để phát hiện tham nhũng.

Năm là, quy định về trách nhiệm và chế tài xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong Nhà nước và ngoài Nhà nước trong việc phòng, chống tham nhũng nói chung và hối lộ nói riêng.

Sáu là, coi trọng và thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, người có quyền hạn để họ không bị cám dỗ, sa ngã bởi lợi ích vật chất; các cấp ủy, tổ chức Đảng cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Bảy là, hoàn thiện chính sách tiền lương tiền lương, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, đảng viên, người có chức vụ quyền hạn để họ không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng.

Tám là, xây dựng cơ chế phối hợp giữa Thanh tra, Kiểm toán với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham những, đặc biệt là các tội phạm về tham ô tài sản và nhận hối lộ.

Chín là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng, hối lộ có yếu tố nước ngoài, nhất là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngước ngoài và người nước ngoài phạm tội.

Mười là, cần phải xây dựng một hệ thống pháp luật hình sự hoàn chỉnh với những hình phạt thật nghiêm khắc nhằm răn đe, phòng, chống tội phạm nói chung và hối lộ nói riêng. Qua đó, những người có cơ hội tham nhũng, nhận hối lộ biết được hậu quả mình có thể gánh chịu mà không dám tham nhũng.

3. Kết luận

Tội phạm tham nhũng nói chung và tội phạm nhận hối lộ nói riêng là vấn nạn chung của nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời là vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam. Giống một số nước có chính sách phòng, chống tham nhũng hiệu quả như Trung Quốc, Ấn Độ, pháp luật Việt Nam quy định tội nhận hối lộ là tội đặc biệt nghiêm trọng, với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Bên cạnh hình phạt chính, Luật Hình sự còn quy định các hình phạt bổ sung đối với tội danh này như cấm đảm nghiệm chức vụ, phạt tiền, tịch thu tài sản đã nhận hối lộ. Một điểm mới trong quy định của Bô luật Hình sự Việt Nam hiện hành là đối tượng chịu hình phạt không chỉ là người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước mà còn bao gồm cả người trong các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị ngoài Nhà nước. Nhận hối lộ là một trong những nguy cơ làm nghèo đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với chế độ xã hội, làm suy đồi đạo đức con người. Chính vì thế, Nhà nước với nhân dân và cả hệ thống chính trị cùng phải chung tay xóa bỏ tận gốc vấn nạn này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Bộ luật Hình sự (2015), Nxb Chính trị Quốc gia.

[3] Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Nxb Chính trị Quốc gia.

[3] C. Mác - P. Ăngghen (1978), Toàn tập, Tập 8, Nxb Tiến bộ, Matxcơva.

[4] Hoàng Phê (2002), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.

[5] Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (2016), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam - phần các tội phạm - Quyển 2, Nxb Hồng Đức.

[6] Võ Khánh Vinh (2014), Luật Hình sự Việt Nam phần chung, Nxb Khoa học xã hội.

[7] Báo Nhân dân (2023). Tuyên án vụ Chuyến bay giải cứu: Bốn bị cáo nhận án chung thân. Báo Nhân dân. Truy cập tại https://nhandan.vn/tuyen-an-vu-chuyen-bay-giai-cuu-bon-bi-cao-nhan-an-chung-than-post764691.html

Using penalties for the crime of accepting bribes under the current Penal Code of Vietnam

Master. Hua Van An

Vietnam Academy of Social Sciences

Abstract:

The crime of accepting bribes falls under the group of corruption crimes specified in the 2015 Penal Code, amended and supplemented in 2017. The subject of this crime is a person with a high position and powers working for state agencies, non-state enterprises, or organizations. According to the Penal Code of Vietnam, there are four penalty frames for bribery, of which the highest penalty is death. This paper presents the application of penalties for the crime of accepting bribes in accordance with the provisions of the current Penal Code. The paper also proposes some solutions to improve the effectiveness of the fight against bribery in Vietnam.

Keywords: bribery, bribe takers, bribe giver, penalties, punishment characteristics, penalty purposes, the Penal Code 2015.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 8 năm 2023]

Tạp chí Công Thương