An toàn thực phẩm và vai trò dẫn dắt của thị trường trong nước

Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch 13-KH/BCSĐ ngày 28/3/2023 thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí Thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, thì Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương đã triển khai nhiều nhiệm vụ mới trên mặt trận đảm bảo an toàn thực phẩm cùng toàn ngành Công Thương.

Truyền thông, tập huấn an toàn thực phẩm trong khâu phân phối

Trước tiên là nhiệm vụ truyền thông, tập huấn an toàn thực phẩm trong khâu phân phối. Nhằm mục đích cập nhật các kiến thức về quy định pháp luật, cung cấp các kiến thức nâng cao công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng, trong khuôn khổ các Chương trình, Đề án như Chương trình Y tế-Dân số, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng..., Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị có chức năng đào tạo tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về thương mại trong nước, kỹ năng bán hàng Việt, phát triển hệ thống phân phối… 

trong đó lồng ghép, phối hợp phổ biến nội dung về bảo đảm an toàn thực phẩm trong hệ thống phân phối cho cán bộ quản lý nhà nước, cơ sở kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng, tiểu thương, ban quản lý chợ… năm 2022. Bên cạnh đó là chương trình DTTS&MN, Bộ đã triển khai tập huấn cho khoảng 760 học viên tại khoảng 10 tỉnh; Chương trình nông thôn mới đã triển khai tập huấn nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn cho khoảng 920 học viên…

an toan thuc pham vn
Lễ khởi động tuần lễ "Tự hào hàng Việt Nam - Tinh hoa hàng Việt Nam" luôn được tổ chức rất quy mô và có sức lan tỏa rất mạnh tới người tiêu dùng Việt bởi tình yêu hàng Việt cũng như sự tin tưởng vào chất lượng và an toàn thực phẩm 

Song song với đó, Bộ Công Thương đã tăng cường triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 (được phê duyệt tại Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó chú trọng đến hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho hàng nông sản Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường trong nước.

Thông qua lớp đào tạo, tập huấn, các học viên được phổ biến thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến an toàn thực phẩm, các mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm, cách bảo quản thực phẩm an toàn, các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và xây dựng, phát triển thương hiệu thực phẩm bền vững…. Ngoài ra, các học viên cũng tham gia thảo luận các vấn đề liên quan phù hợp với thực tế, bên cạnh các phần giải đáp của giảng viên và Ban tổ chức. 

Đồng thời, các lớp tập huấn này cũng đã giải đáp những thắc mắc, kiến nghị trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước cũng như thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm như vấn đề về giấy xác nhận đủ sức khỏe làm việc, quản lý an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ, cơ sở kinh doanh thực phẩm hỗn hợp, phân cấp cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân....

nong san an toan thuc pham
An toàn thực phẩm khiến người tiêu dùng Việt luôn tin tưởng vào nông sản Việt

Bên cạnh đó, Bộ cũng thành lập các đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm năm 2023 tại một số địa phương để hướng dẫn các địa phương chủ động thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của các bộ, ngành liên quan thông qua nhiều hình thức đa dạng như qua báo, đài, các lớp tập huấn, hội nghị, trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, qua loa phát thanh tại các thôn xóm, khu dân cư… tới các hộ sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng…

Với vai trò và nhiệm vụ của mình, Vụ Thị trường trong nước đã luôn là trợ thủ, giúp việc đắc lực, hiệu của cho Bộ Công Thương trong mọi hoạt động trên. Đặc biệt, Vụ Thị trường trong nước đã tổ chức và tham gia các đoàn công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chấp hành pháp luật an toàn thực phẩm. Thông qua các đoàn công tác, Vụ cũng đã kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Kết nối thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối

Trong năm 2023, Vụ Thị trường trong nước đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông, thuỷ sản trong kế hoạch tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại hệ thống các siêu thị lớn như: Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2023; Kết nối giao thương giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang, Siêu thị Tứ Sơn tại các tỉnh Lạng Sơn, Thái Bình và Sơn La.

Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ),  ngày 18 tháng 4 năm 2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 950/QĐ-BCT về việc ban hành tiêu chí Điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2023-2025 làm căn cứ để lựa chọn, xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nhằm quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, phát triển làng nghề, sản phẩm là đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong đó bao gồm nhiều sản phẩm thực phẩm bảo đảm an toàn.

an toan thuc pham an chuoi
Muốn mang cả trang trại nông sản Việt Nam về nhà vì đó là nông sản an toàn thực phẩm

 Ngày 21 tháng 7 năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1881/QĐ-BCT phê duyệt các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và kinh phí năm 2023 thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2023-2023 cho 10 địa phương là Bình Thuận, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hậu Giang, Ninh Bình, Quảng Trị, Thái Bình, Tiền Giang, Tuyên Quang.

Bên cạnh đó, Vụ Thị trường trong nước đã chủ trì, phối hợp, tham dự nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị; tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, sự kiện và triển khai nhiều công tác kết nối cung cầu hàng hóa, sản phẩm trong đó có các sản phẩm thực phẩm an toàn, sản phẩm đặc trưng, đặc sản của các địa phương…

Các hoạt động trên đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, phân phối sản phẩm thực phẩm an toàn, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chuỗi liên kết thực phẩm an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ, nhất là việc tìm đầu ra cho nông sản nói chung và đặc sản vùng miền nói riêng.

Trong công tác hướng dẫn địa phương xây dựng mô hình “chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”, đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai, hướng dẫn mô hình này đạt 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các tỉnh được hỗ trợ triển khai với hai nội dung chủ yếu là Nghiên cứu xây dựng đề án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm và Triển khai mô hình trên thực tiễn. Một số địa phương đã tự nhân rộng mô hình bằng nguồn vốn địa phương đến các huyện, xã trên địa bàn như Thanh Hóa, Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vĩnh Long…

Năm 2023, Vụ tiếp tục hỗ trợ và phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng, nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm, chợ theo tiêu chí TCVN 11856 – 2017 Chợ kinh doanh thực phẩm để triển khai nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong khuôn khổ Bộ Tiêu chí Quốc gia thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc hỗ trợ xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm đã giúp các chợ trên địa bàn có cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, nâng cao nhận thức về vai trò trách nhiệm của hộ kinh doanh, ban quản lý trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ, qua đó góp phần phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

an toan thuc pham quan trong
Kiểm tra hạn sử dụng của thực phẩm đóng sẵn là người tiêu dùng rất am hiểu về an toàn thực phẩm

Lồng ghép các chương trình, nhiệm vụ được giao với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

Vai trò dẫn dắt của Vụ Thị trường trong nước còn thể hiện qua việc chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm lồng ghép trong các nội dung công tác thường xuyên, nhiệm vụ được giao như Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bình ổn thị trường, Đề án đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, Chương trình OCOP, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình) ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó giao Bộ Công Thương hướng dẫn, thực hiện nội dung “hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Để triển khai Chương trình năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 216/QĐ-BCT ngày 10 tháng 02 năm 2023 phê duyệt nhiệm vụ và kinh phí năm 2023 của Bộ Công Thương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 các hoạt động nhằm thực hiện nội dung hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cụ thể: hỗ trợ xây dựng 07 mô hình hai chiều nhằm tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Thực hiện các hoạt động truyền thông  nhằm quảng bá các sản phẩm của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

an toan thuc pham viet nam

Các sản phẩm của Tổng Công ty Giấy Việt Nam luôn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng vì bao bì đẹp mắt, tính ứng dụng tốt cũng như sự an toàn sức khỏe khi sử dụng.

Tới nay, các địa phương đã và đang triển khai các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch. Sở Công Thương các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định đã tổ chức các hội chợ, phiên chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tháng 8/2023, qua đó, góp phần hỗ trợ quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, trong đó có các sản phẩm thực phẩm an toàn của các tỉnh và các địa phương lân cận đến người tiêu dùng, góp phần thực hiện hiệu quả chương trương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Đối với việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ngày 21 tháng 7 năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1881/QĐ-BCT phê duyệt các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và kinh phí năm 2023 thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2023-2023 cho 10 địa phương là Bình Thuận, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hậu Giang, Ninh Bình, Quảng Trị, Thái Bình, Tiền Giang, Tuyên Quang.

Minh Hà