Bảo tàng Dệt May Việt Nam: Tái hiện lịch sử bằng hiện vật

Sáng nay 20/10, tại số 3 Hoàng Hoa Thám, thành phố Nam Định, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã chính thức khởi công xây dựng Bảo tàng Dệt May Việt Nam trên cơ sở Nhà truyền thống của TCT Dệt Nam

Từ một ý tưởng 

Dệt May vốn được coi là một trong hai ngành khởi thủy của công nghiệp Việt Nam với bề dày lịch sử hơn 100 năm. Với sự phát triển ngay từ những ngày đầu miền Bắc xây dựng CNXH, ngành Dệt May đã được đón rất nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm, động viên tinh thần của anh chị em công nhân. Đặc biệt, có những đơn vị được Bác Hồ về thăm hai, ba lần, trong đó có Nhà máy Dệt Nam Định (nay là TCT Dệt Nam Định). Ông Lê Tiến Trường - Phó Tổng giám đốc Vinatex cho biết: Đội ngũ lao động ngành Dệt May luôn mong muốn có một nơi để lưu lại những dấu ấn, những khoảnh khắc, những kỷ niệm của ngành. Tuy nhiên, trong giai đoạn chiến tranh và thời kỳ bao cấp còn khó khăn, nên ý tưởng này chưa thực hiện được. Những hình ảnh, vật lưu niệm chỉ tồn tại ở dạng các nhà truyền thống của các đơn vị lớn như Dệt Nam Định, May 10, Dệt 8-3 nhưng với qui mô nhỏ, manh mún. 

Khẩu pháo cao xạ 100 ly đã từng bắn rơi máy bay Mỹ năm 1972


Sau 15 năm đổi mới và phát triển với tốc độ lớn, ngành Dệt May đã có những bước chuyển mình ấn tượng, khẳng định vị trí của mình trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Đặc biệt là năm 2009, Dệt May đã trở thành ngành xuất khẩu lớn nhất cả nước với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,1 tỉ USD và năm 2010 dự kiến đạt 10,5 tỉ USD. Có thể nói, vào lúc này, điều kiện kinh tế cũng như qui mô của ngành đã chín muồi để có thể tổ chức xây dựng một bảo tàng cho toàn ngành Dệt May. Đây là nơi lưu giữ các hiện vật, hình ảnh, những kỷ vật thiêng liêng về quá trình chiến đấu, hy sinh, xây dựng, phát triển kinh tế của các thế hệ cán bộ, công nhân viên đi trước của ngành Dệt May.
Từ những điều kiện trên đây và sau khi lấy ý kiến của các ban ngành, cuối năm 2009, Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May đã thống nhất về việc xây dựng Bảo tàng Dệt May Việt Nam trên cơ sở khuôn viên của Nhà truyền thống lớn nhất và lâu đời nhất của ngành Dệt May là TCT Dệt Nam Định. Đây cũng là công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. 

Chiếc máy dệt cũ từ thời Pháp thuộc



Đến một bảo tàng lịch sử 

Phát biểu tại lễ khởi công xây dựng Bảo tàng, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch HĐQT Vinatex khẳng định: Tại mảnh đất này, từng gốc cây, ngọn cỏ, từng mét vuông đất đều ghi dấu ấn của người lao động dệt may từ thời Pháp thuộc, thời kỳ bao cấp cho đến thời kỳ đổi mới hôm nay. Vì vậy, chọn Nhà truyền thống của Nam Định để xây dựng Bảo tàng là một quyết định đúng đắn có ý nghĩa lịch sử đối với ngành Dệt May của cả nước. Ông Giang cũng cảm ơn sự giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Nam Định và nhấn mạnh, đây sẽ không chỉ là điểm đến của CBCNV ngành Dệt May mà sẽ là điểm du lịch trong chuỗi các điểm du lịch của Nam Định khi khách đến tham quan. 

Lãnh đạo tỉnh Nam Định và Tập đoàn Dệt May VN xem những kỷ vật của Bác Hồ



Quả là giữa một thành phố công nghiệp sôi động, khuôn viên 1,2 ha làm khu bảo tàng của Dệt Nam Định bình yên, tĩnh mịch đến kỳ lạ. Ngay ngoài khu trưng bày, khẩu pháo cao xạ 100 ly đứng hiên ngang sừng sững bất chấp thời gian. Khẩu pháo ấy, ngày 22/7/1972 đã cùng Trung đoàn Tự vệ của Nhà máy Dệt Nam Định bắn rơi chiếc máy bay F4, bắt sống giặc lái. Phía trong khu trưng bày là rất nhiều hiện vật, hình ảnh từ thời Pháp thuộc như bức thư của những người công nhân gửi ông chủ khi bị đánh đập, chà đạp; hay chiếc máy dệt vẫn sử dụng từ thời kỳ đó. Ở đây, bạn cũng có thể tìm thấy những thứ vũ khí đã được Trung đoàn Tự vệ Nhà máy dùng để chiến đấu với giặc Mỹ, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng CNXH ở miền Bắc. Và hơn hết là những kỷ vật thiêng liêng của Bác Hồ, người đã 3 lần về thăm Dệt Nam Định.
Ông Trần Cao Lễ - Giám đốc Dự án cho biết: Với sự tư vấn của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dệt May Việt Nam sẽ là nơi tái hiện lại lịch sử ngành Dệt May Việt Nam qua hơn 100 năm thông qua những hình ảnh, hiện vật mà ngành còn lưu giữ được. Và quả thực, đứng trước những kỷ vật này, cùng với lời thuyết minh của hướng dẫn viên, bạn sẽ có cảm nhận đang xem một thước phim quay chậm, trong đó, người lao động của ngành Dệt May đã trải qua một thời kỳ lầm than trong ách đô hộ của thực dân Pháp; mỗi thước vải đều thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của người thợ trong những năm chiến tranh ác liệt và đến hôm nay, với sự phát triển rạng rỡ của Ngành, đời sống của người lao động đã có rất nhiều thay đổi, một sự đi lên không ngừng để hội nhập cùng sự phát triển của thế giới.
Bên cạnh ý nghĩa về mặt lịch sử, Bảo tàng Dệt May Việt Nam còn mang tính chất giáo dục các thế hệ CBCNV ngành Dệt May về lịch sử đáng tự hào của Ngành và ngày càng hoàn thiện hơn để vươn tới sự phát triển bền vững.

  • Tags: