Quốc tế nổi bật: Thế “tiến thoái lưỡng nan” của Iran

Sau cáo buộc về cuộc tấn công của Israel vào Đại sứ quán Iran ở Syria, câu hỏi lớn nhất mà Iran phải trả lời là làm thế nào để trả đũa mà không làm chiến tranh lan rộng khắp Trung Đông?

Thế “tiến thoái lưỡng nan” của Iran

Hiện trường Đại sứ quán Israel tại Syria bị tấn công
Hiện trường Đại sứ quán Israel tại Syria bị tấn công hôm 1/4. Ảnh: Reuters.

Hiện nay, Tehran có nhiều lựa chọn. Họ có thể mở rộng chương trình hạt nhân tại quốc gia mình; hoặc sử dụng lực lượng ủy nhiệm của mình để tấn công Mỹ và Israel.

Ở kịch bản thứ nhất, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran (JCPOA) dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã trở thành cái cớ để Tehran tiếp tục mở rộng chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, kịch bản này có thể gây ra tác dụng ngược, khiến Iran hứng chịu những cuộc tấn công của liên quân Mỹ-Israel. 

Ở kịch bản thứ hai, Iran sẽ tấn công các mục tiêu của Israel, nhưng sẽ cố gắng né tránh một cuộc chiến tranh toàn diện. Tuy nhiên, với tình hình Trung Đông hiện nay, một hành động nhỏ cũng có thể đẩy chiến sự đi xa vượt tầm kiểm soát.

UNHCR xem xét kêu gọi cấm vận vũ khí đối với Israel

Binh sỹ Israel tuần tra dọc biên giới với Dải Gaza
Binh sỹ Israel tuần tra dọc biên giới với Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)

Vào ngày 5/4 tới, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHCR) sẽ xem xét dự thảo nghị quyết kêu gọi cấm vận vũ khí đối với Israel. Bản dự thảo dài 8 trang yêu cầu Israel chấm dứt việc chiếm đóng lãnh thổ Palestine và ngay lập tức dỡ bỏ "sự phong tỏa bất hợp pháp" đối với Dải Gaza cũng như tất cả các hình thức "trừng phạt tập thể" khác. Nếu được thông qua, dự thảo nghị quyết này sẽ đánh dấu lần đầu tiên cơ quan nhân quyền hàng đầu của LHQ đưa ra quan điểm về cuộc xung đột tại Gaza.

Nga xác nhận Ngoại trưởng Lavrov sớm thăm chính thức Trung Quốc

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Ngày 3/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thông báo Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ sớm thăm chính thức Trung Quốc và có cuộc hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị. Trước đó, Ngoại trưởng Lavrov đã thăm Bắc Kinh vào tháng 10/2023. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Lavrov và giới chức Trung Quốc đã thảo luận về những nỗ lực thúc đẩy hợp tác ở khu vực Á - Âu.

Liên hợp quốc kêu gọi thành lập gấp chính phủ chuyển tiếp ở Haiti

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk
Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc yêu cầu Haiti “không chậm trễ” trong việc đạt được thỏa thuận thành lập một chính phủ chuyển tiếp để đối phó với tình trạng bạo lực băng nhóm gia tăng trong nước. Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra các hành lang để đảm bảo khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo quan trọng cho khoảng 5,5 triệu người Haiti, trong đó có 3 triệu trẻ em.

Phần Lan và Ukraine ký thỏa thuận hợp tác an ninh lâu dài

Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb đã thăm Ukraine
Tổng thống Phần Lan Stubb đã thăm Ukraine và cùng người đồng cấp nước chủ nhà, ông Volodymyr Zelensky. (Nguồn: Yle)

Ngày 3/4, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb đã thăm Ukraine và cùng người đồng cấp nước chủ nhà, ông Volodymyr Zelensky, ký kết thỏa thuận hợp tác an ninh và hỗ trợ lâu dài. Theo thông báo từ Văn phòng Tổng thống Phần Lan, thỏa thuận bao trùm loạt lĩnh vực mà Phần Lan sẽ hỗ trợ Ukraine từ chính trị, quốc phòng và an ninh đến cải cách và tái thiết quốc gia.

Ông Hun Sen được bầu làm Chủ tịch Thượng viện Campuchia

Tân Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen
Tân Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen (Ảnh: Reuters).

Ngày 3/4, tại kỳ họp đầu tiên của Thượng viện Vương quốc Campuchia khóa V, Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Thượng viện Campuchia. Thượng nghị sĩ Hun Sen - Chủ tịch Hội đồng cố vấn tối cao của Quốc vương Campuchia, Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã nhận được 100% phiếu ủng hộ từ 62 thượng nghị sĩ, chính thức trở thành Chủ tịch Thượng viện Campuchia khóa V. Chức vụ này cho phép ông Hun Sen giữ vai trò quyền nguyên thủ quốc gia khi Quốc vương ra nước ngoài.

Tòa nhà Quốc hội Na Uy bị dọa đánh bom

Quốc hội Na Uy
Tòa nhà Quốc hội Na Uy

Cảnh sát Na Uy ngày 3/4 cho biết tòa nhà Quốc hội bị đe dọa đánh bom. Cảnh sát đã thắt chặt an ninh xung quanh tòa nhà, phong tỏa các con phố gần đó. Một người phát ngôn của Quốc hội Na Uy cho biết người dân tham dự các cuộc thảo luận bên trong tòa nhà đã được yêu cầu rời đi, trong khi các nghị sĩ vẫn tiếp tục làm việc. Buổi làm việc có cả phiên chất vấn các bộ trưởng. Trong khi đó, cảnh sát cho biết lực lượng này vẫn đang tiến hành nhiều cuộc tuần tra để đảm bảo an ninh cho tòa nhà quốc hội và ngăn chặn sự cố có thể xảy ra.

Xuân An (t/h)