Quốc tế nổi bật: Mỹ lập "căn cứ bí mật" ở vùng lãnh thổ tranh chấp?

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cáo buộc Mỹ đã thiết lập “các căn cứ quân sự bí mật” tại khu vực tranh chấp Esequibo.

Venezuela cáo buộc Mỹ lập ‘căn cứ bí mật’ ở vùng lãnh thổ tranh chấp

tong thong vênzuela
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro Moros phát biểu trước Quốc hội tại Caracas ngày 15/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 4/4, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cáo buộc Mỹ đã thiết lập “các căn cứ quân sự bí mật” tại khu vực tranh chấp Esequibo. Theo đài RT (Nga), nhà lãnh đạo quốc gia Mỹ Latinh đã đưa ra cáo buộc trên tại lễ kỷ niệm luật bảo vệ Guyana Esequibo gần đây. Esequibo – khu vực giàu dầu mỏ và khoáng sản rộng 99.000 km vuông xung quanh sông Esequibo – là trung tâm của cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Venezuela và Guyana, thuộc địa cũ của Anh.

Palestine xin gia nhập Liên hợp quốc

Ông Riyad Mansour
Ông Riyad Mansour, quan sát viên thường trực của Palestine tại LHQ  Ảnh: AFP/TTXVN

Chính quyền Palestine đã chính thức yêu cầu được thừa nhận là thành viên Liên hợp quốc. Palestine đã giữ tư cách quan sát viên tại Liên Hợp Quốc kể từ năm 2012, nhưng tư cách thành viên đầy đủ sẽ đồng nghĩa với việc công nhận tư cách nhà nước của Palestine, điều mà Israel phản đối. Đơn xin gia nhập Liên hợp quốc phải được Tổng thư ký chấp thuận trước khi trình lên Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên để bỏ phiếu. 

NATO nhất trí về việc điều phối viện trợ quân sự cho Ukraine

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Wall Street Journal.

Ngày 4/4, Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp tại Brussels nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập khối liên minh quân sự này. Trong khuôn khổ cuộc họp, các Ngoại trưởng NATO đã nhất trí bắt đầu lập kế hoạch đảm nhận vai trò lớn hơn trong điều phối viện trợ quân sự cho Ukraine. Các nhà ngoại giao cho biết động thái trên diễn ra sau khi Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đề xuất khối này sẽ tiếp quản công việc từng được nhóm Ramstein - liên minh đặc biệt do Mỹ dẫn đầu - đảm trách.

Phần Lan đóng cửa biên giới với Nga vô thời hạn

Cửa khẩu Vaalimaa ở biên giới Nga - Phần Lan
Cửa khẩu Vaalimaa ở biên giới Nga - Phần Lan. Ảnh: Reuters

Chính phủ Phần Lan ngày 4/4 tuyên bố sẽ kéo dài vô thời hạn việc đóng cửa các cửa khẩu biên giới đất liền với Nga cho đến khi có thông báo mới, đồng thời bổ sung một số cảng vào danh sách những nơi cấm lưu thông với nước láng giềng phía đông. Helsinki cáo buộc Moscow dàn dựng cuộc khủng hoảng di cư như một phần của cuộc tấn công hỗn hợp nhằm vào nước này. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã bác bỏ mọi cáo buộc. Trước đó, vào tháng 2, Phần Lan cho biết việc đóng cửa biên giới với Nga sẽ kéo dài đến ngày 14/4.

Nga không tìm kiếm xung đột với NATO 

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA Novosti của Nga về vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)và quan hệ với Moskva, ngày 4/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko khẳng định mặc dù mọi kênh đối thoại song phương đã khép lại, Moskva không có định tìm kiếm xung đột với khối quân sự này.

Tháng 4/2014, tổ chức này đã quyết định chấm dứt mọi hợp tác thực tế với Nga về dân sự và quân sự. Sau đó là các lần hai bên trục xuất các nhà ngoại giao của nhau. Văn phòng thông tin NATO tại Moskva cũng chấm dứt hoạt động. 

Đan Mạch tạm đóng tuyến hàng hải do phóng tên lửa thất bại

Tên lửa Harpoon
Tên lửa Harpoon được phóng từ tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam. Ảnh minh họa: Global Look Press 

Lực lượng vũ trang Đan Mạch cho biết ngày 4/4, nước này đã đóng cửa không phận và giao thông hàng hải qua eo biển Great Belt sau vụ phóng tên lửa thất bại do lỗi ở bệ phóng tên lửa chống hạm Harpoon. Cục Hàng hải Đan Mạch đã cảnh báo các tàu thuyền tránh đi qua một khu vực trọng yếu của eo biển Great Belt do nguy cơ mảnh vỡ tên lửa rơi xuống.

Lãnh đạo phe đối lập kêu gọi tổng tuyển cử sớm ở Israel

Ông Benny Gantz
 Ông Benny Gantz

Chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang phải đối mặt với áp lực lớn ở cả trong và ngoài nước về cuộc chiến tại Gaza. Một bộ trưởng trong nội các thời chiến Israel vừa kêu gọi tổ chức bầu cử sớm vào tháng 9 tới. Ông Benny Gantz, lãnh đạo phe đối lập, cho rằng việc thống nhất về ngày bầu cử là điều cần thiết, nhằm duy trì nỗ lực chống Hamas, và các thách thức an ninh khác của Israel. Ông Gantz đã thông báo tới Thủ tướng Netanyahu về yêu cầu này, nhưng không rõ liệu ông có rời liên minh hay không, nếu các bên không thống nhất được ngày bầu cử. 

 

Xuân An (t/h)